| Hotline: 0983.970.780

Nhàn tênh nhờ trồng lúa bằng smartphone

Thứ Bảy 27/08/2022 , 08:20 (GMT+7)

Nhờ các hệ thống cảm biến thông minh trên đồng ruộng, nông dân có thể giám sát, ra quyết định chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh ở mọi lúc, mọi nơi qua smartphone.

Empty

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác lúa được xem là bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ảnh: Ngọc Thắng.

Canh tác lúa từ xa

Với những dữ liệu thu thập từ các hệ thống quan trắc được lắp đặt tại đồng ruộng, bằng các thiết bị di động, ở mọi lúc, mọi nơi, nông dân có thể biết được thực trạng nguồn nước tưới tiêu, độ pH, độ mặn… và tình hình sâu bệnh hại, cũng như sự thay đổi của thời tiết để chủ động xử lý kịp thời. Đây là cách làm hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa và hướng tới nền nông nghiệp hiện đại… Hình thức sản xuất khá mới mẻ này được nhà nông gọi là canh tác lúa từ xa.

Những năm gần đây, một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ lắp đặt một số hệ thống quan trắc trên đồng ruộng như: Trạm quan trắc giám sát khí tượng thủy văn, trạm cảm biến giám sát côn trùng, tưới ngập - khô xen kẽ thông qua hệ thống ống cảm biến... Qua đó, đã giúp nhà nông chủ động trong canh tác lúa ở một số công đoạn quan trọng, góp phần dần định hình một phương thức mới trong canh tác lúa ở vùng ĐBSCL.

DSC_5975

Hệ thống quan trắc mực nước trên đồng ruộng có kết nối qua điện thoại di động, giúp nông dân biết nước ngọt hay mặn để đưa vào ruộng cho phù hợp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây trồng sử dụng nước nhiều nhất, vì vậy, chủ động nguồn nước tưới tiêu được xem là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo năng suất về sau. Nhiều nhà nông ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ cho biết, từ khi có hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, bằng điện thoại di động, ở mọi lúc, mọi nơi, bà con hoàn toàn có thể chủ động trong việc ngăn mặn, trữ ngọt, hoặc điều tiết mực nước trong ruộng lúa. 

Ông Nguyễn Văn Tê, xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) khoe: Kể từ vụ đông xuân năm 2020, ông không cần phải ra đồng kiểm tra lúa như trước đây nữa, mà ở mọi lúc mọi nơi, ông có thể biết được ngay các chỉ số cần thiết ngoài đồng lúa của mình như độ mặn, độ pH, mực nước… để chủ động xử lý kịp thời. Theo ông Tê, việc đồng áng chưa bao giờ thuận lợi và dễ dàng như hiện nay, tất cả cũng nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, ứng dụng công nghệ mới vào canh tác lúa, máy móc đã làm thay thế mình hết rồi.

Không riêng gì ông Tê, trước đây, mỗi khi vào mùa khô hạn, nhiều nông dân phải thức khuya, dậy sớm để canh thủy triều và đo đếm các chỉ số nước nhằm kịp thời ngăn mặn hoặc đưa nước ngọt vào đồng. Vậy mà hiện nay mọi chuyện đã thay đổi. Ông Nguyễn Minh Khang, xã Nhơn Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng) làm 2,2ha lúa cho biết: Trước đây muốn biết mặn ngọt, phải lấy tay múc nước đưa vào miệng nếm rất khó khăn. Gần 3 năm nay, nhờ ngành nông nghiệp tỉnh đầu tư hệ thống quan trắc có kết nối qua điện thoại di động, ông có thể biết nước ngọt hay mặn để đưa vào ruộng cho phù hợp.

Empty

Với những dữ liệu thu thập từ các hệ thống quan trắc được lắp đặt tại đồng ruộng, bằng các thiết bị di động, ở mọi lúc, mọi nơi, nông dân có thể biết được thực trạng nguồn nước tưới tiêu, độ pH, độ mặn…Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Đồng, thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) canh tác 4,3ha lúa. Nhiều năm qua, gia đình ông làm lúa luôn trúng mùa và giảm được nhiều chi phí là nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ thông qua hệ thống ống cảm biến đặt trong ruộng lúa được kết nối với điện thoại di động.

Ông Đồng phấn khởi chia sẻ, việc canh tác lúa bằng kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ đã đem lại nhiều lợi ích trong canh tác lúa, đặc biệt giúp nhà nông giảm từ 25 - 30% lượng phân bón, hạn chế tối đa sâu bệnh, giảm số lần bơm tưới để giảm chi phí và tiết kiệm nguồn nước quý giá trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Cập nhật sâu rầy mọi lúc, mọi nơi

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTXNông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Bên cạnh các thành viên trong HTX áp dụng tưới ngập - khô xen kẽ thông qua hệ thống thiết bị cảm biến, hiện nay HTX còn được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm quan trắc giám sát sâu rầy thông minh có tính năng nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch… và đưa ra các thông số để dự báo.

Các số liệu từ hệ thống quan trắc sẽ được chuyển về máy chủ và trong phạm vi khoảng 2,5km, bằng  các thiết bị di động, ở mọi lúc, mọi nơi nhà nông có thể cập nhật được tình hình sâu rầy trên ruộng lúa để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhờ sử dụng năng lượng mặt trời và có ắc quy lưu trữ nên các hệ thống quan trắc thủy lợi hoặc giám sát sâu rầy có thể đảm bảo duy trì vận hành liên tục cả ngày lẫn đêm trên diện rộng mà không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.

Empty

Trạm quan trắc giám sát sâu rầy thông minh có tính năng nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch… đã được nông dân Đồng Tháp ứng dụng rất hiệu quả từ nhiều năm qua. Ảnh: Ngọc Thắng.

Với thông tin chính xác từ các trạm quan trắc và có thể cập nhật ở mọi lúc, mọi nơi, nhà nông hoàn toàn chủ động trong canh tác lúa, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí đầu tư, giảm công chăm sóc và gia tăng lợi nhuận.

“Trạm quan trắc giám sát sâu rầy thông minh có tính năng nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch… và đưa ra các thông số để dự báo. Các số liệu từ hệ thống quan trắc sẽ được chuyển về máy chủ và trong phạm vi khoảng 2,5km, bằng các thiết bị di động, ở mọi lúc, mọi nơi nhà nông có thể cập nhật được tình hình sâu rầy trên ruộng lúa để có biện pháp xử lý kịp thời” ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Đông 2 nói.

Anh Kim Khắc Điền, Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Việt Nam - nhà cung cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn điều khiển từ xa trong canh tác lúa cho biết: Nhờ tính năng vận hành và ưu điểm của hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, nhà nông rất thuận lợi để ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm trong canh tác lúa bằng phương pháp ngập - khô xen kẽ. Đây là tiến bộ kỹ thuật đang được ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng và nhân rộng.

Là cây lúa nước nhưng không phải lúc nào cây lúa cũng cần nước. Tùy theo từng giai đoạn phát triển và sinh trưởng cụ thể mà nông dân biết rõ khi nào cần cung cấp nước theo nhu cầu của cây lúa. Với hệ thống ống cảm biến được đặt trong ruộng lúa, bằng điện thoại di động, nhà nông có thể giám sát và điều tiết mực nước theo ý muốn của mình.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.