| Hotline: 0983.970.780

Nhậu... chim trời

Thứ Sáu 11/02/2011 , 09:53 (GMT+7)

Liên lạc với người đàn ông tên Hạnh, chủ Khách sạn Làng Việt ở thị trấn Tiền Hải, tôi được biết khách sạn ông lúc nào cũng sẵn thịt chim hoang dã...

“Ở đây chỉ có chim hoang dã thôi, làm gì có chim nuôi, các anh muốn ăn bao nhiêu cũng có, đất chim mà! Ngỗng trời, vịt trời, sâm cầm, chim, cò... đủ hết, nếu không tin chúng tôi cắt tiết, làm thịt ngay tại bàn cho các anh xem. Yên tâm đi, mấy bác bên huyện vẫn hay tiếp khách ở chỗ tôi thường xuyên ấy mà”.

Sẵn như thịt gà

Có mặt ở thị trấn Tiền Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) và dễ dàng cảm nhận được cái lạnh có mùi vị mặn mặn của biển cả xộc vào sống mũi. Được biết, nơi đây có Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải rộng 17.000 ha, là trạm dừng chân, lưu trú của nhiều loài chim hoang dã trên thế giới.

Qua số điện thoại 09121118... được ông bạn cho, tôi bấm máy gọi cho người đàn ông tên Hạnh, chủ Khách sạn Làng Việt ở thị trấn Tiền Hải. Trong câu chuyện tôi bỏ ngỏ rằng ngày mai có cuộc họp bên huyện, buổi trưa muốn đặt mấy mâm cỗ bên khách sạn của ông. Chưa để tôi nói hết câu, ngay lập tức ông Hạnh giới thiệu về Tiền Hải chỉ có món thịt chim hoang dã. Tôi hỏi bên khách sạn ông có loại chim gì? Ông cười và bảo chim gì cũng có? Ngỗng trời, vịt trời, sâm cầm... muốn bao nhiêu đều “OK” hết.

Ngay buổi tối hôm đó, chúng tôi lân la tới Khách sạn Làng Việt tìm món lai rai. Mặc dù nằm sâu trong con ngõ nhỏ nhưng khoảng sân trước sảnh khách sạn chật kín ôtô, toàn biển 30, 18, 17... xanh, đỏ đều có cả. Không chỉ khiến chúng tôi bất ngờ về lượng khách đông đúc mà Khách sạn Làng Việt còn có đội ngũ nhân viên đông đảo. Ngay tại quầy lễ tân của khách sạn, trưng bày ba bình rượu mà theo lời giới thiệu của nhân viên lễ tân đó là chim sâm cầm. Tôi được biết chim sâm cầm là đặc sản tiến vua, và biết tới chúng qua câu thơ, câu hát. Nay có dịp nhìn tận mắt nhưng xót xa thay là tôi lại nhìn thấy chúng trong bình rượu.

Như thực đơn cậu lễ tân tên đưa ra, nếu tôi đặt món ngỗng trời chi phí hết khoảng 4 triệu đồng cho một con ngỗng khoảng 4 - 5kg. Còn ăn vịt trời hết 2 triệu đồng/con chừng 2 kg. Với các loài mòng biển, cò thì rẻ hơn một chút nhưng cũng phải tiền triệu. Choáng ngợp trước cái giá trên trời đó chúng tôi lấy lí do sáng mai tới để thoái lui.

Ra chỗ để xe, tất cả đều giật mình vì tiếng kêu tao tác của đàn ngỗng, mặc dù dưới anh đèn lờ mờ nhưng ai cũng kịp nhận ra đang bị lạc vào khu vực nhốt chim. Đưa ống kính máy ảnh lọt qua khe chiếc lưới tôi nháy liên tục mấy cái và phát hiện ra trong đó nhốt một con vịt và một con ngỗng trời. Di chuyển sang chiếc lồng bên cạnh thì thật bất ngờ khi thấy trong đó nhốt một con chim sâm cầm còn sống. Với bộ lông màu đen nâu và cái đầu gần giống chim bồ câu, con chim sâm cầm có trọng lượng khoảng 0,5 kg bay loạn xạ vì thấy ánh đèn flash.

Hành động của chúng tôi không may đã bị ông bảo vệ trông thấy, ông đi thẳng ra khiến ai cũng toát mồ hôi hột, nhưng thật may mắn ông bảo vệ ấy ra để giới thiệu khách sạn ông làm còn nhiều loài chim quý hiếm nữa nhưng nhốt ở chỗ khác, chim gì cũng có kể cả cò mỏ thìa. Ông bảo cò mỏ thìa là loài chim cấm nên phải nhốt bí mật nếu muốn ăn chỉ cần bảo, lễ tân sẽ mang đến tận mâm cắt tiết cho chúng tôi xem. Định bụng đi tìm hiểu thêm khu nhốt chim của Khách sạn Làng Việt nhưng vì tiếng ngỗng kêu dữ dội quá nên chúng tôi phải nhanh chóng rời khỏi khách sạn vì sợ bị lộ.

Lực bất tòng tâm!

Chúng tôi vào Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tiền Hải thắc mắc vì sao hành động bán và giết thịt chim hoang dã công khai tại Khách sạn Làng Việt không bị cơ quan chức năng tiến hành xử lý? Ông Đinh Văn Cao,  Phó Phòng TN - MT kiêm Phó giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải ngậm ngùi cho biết, đơn vị đã từng hai lần phải giải cứu 7 cá thể cò mỏ thìa tại Khách sạn Làng Việt. Vụ thứ nhất vào tháng 3/2010, sau khi nghe người dân báo, Phòng TN - MT huyện Tiền Hải đã giải cứu được 5 cá thể cò thìa tại Khách sạn Làng Việt. Trong đó, có hai con bị bắt bằng lưới và ba con bị bắn súng hoa cải. Ngay sau đó một con cò thìa đã chết vì bị thương quá nặng nên chỉ có 4 con được thả về tự nhiên, việc sống chết của chúng như thế nào hiện chưa rõ. Lần thứ 2 là vào tháng 12/2010 vừa rồi, vẫn tại khách sạn trên, cơ quan chức năng tiếp tục giải cứu hai cá thể cò mỏ thìa, nhưng lần này chúng bị bắt bằng bả nhựa trám truyền thống.

Ông Lê Trọng Trải, cán bộ cao cấp của Bird Life, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài chim cho biết, cò mỏ thìacó tên gọi quốc tế là Platalea minor được xếp trong danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Năm 2010, theo ước tính của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế, số lượng cò mỏ thìa hiện chỉ còn khoảng hơn 2.300 cá thể trên toàn thế giới. VQG Xuân Thủy (Nam Định) là điểm di trú hiếm hoi của loài cò mỏ thìa tại Việt Nam. Do Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải nằm giáp danh với VQG Xuân Thủy nên cò mỏ thìa hay bay sang khu vực cồn Vành, cồn Thủ bên Tiền Hải kiếm ăn dẫn tới việc bị bắt hại.

Rất có thể những con chim bị nhốt trong Khách sạn Làng Việt được bắt từ Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải hoặc bên phía VQG Xuân Thủy, bởi hai địa danh này giáp nhau nên những loài chim di cư thường xuyên qua lại kiếm ăn. Việc đánh bắt chim bằng lưới, bả nhựa không nói làm gì chứ dùng súng hoa cải để bắn chắc có cách xa cả mấy km cũng có thể nghe thấy. Vậy cơ quan chức năng ở đâu? Họ có nghe thấy không?

Chúng tôi tiếp tục nhắc lại hành động vi phạm pháp luật đã rõ ràng tại Khách sạn Làng Việt sao không bỉ xử lý? Về vấn đề này, ông Đinh Văn Cao cho biết, khách sạn nói họ chỉ là người mua lại. Mặt khác Phòng TN - MT huyện không có quyền hạn để có thể phạt được họ. Đến lúc này chúng tôi mới giật mình biết rằng trước đây Thái Bình đã giải tán lực lượng kiểm lâm, tuy mới thành lập trở lại nhưng chỉ có một số ít đóng trên địa bàn thành phố nên mọi công việc liên quan đến phá rừng ngập mặn, săn bắt động vật hoang dã đều một tay Phòng TN - MT các huyện xử lý là chính. Chính thế mà hai cuộc giải cứu 7 cá thể cò mỏ thìa vừa qua, Phòng TN - MT huyện Tiền Hải phải tự bỏ tiền túi ra mới có thể chuộc về chứ chưa nói gì đến xử phạt ai. Việc làm của Phòng TN - MT là rất đáng hoan nghênh nhưng xét cho cùng chỉ là hành động bắt cóc bỏ đĩa, bởi không trị tận gốc chắc chắc sẽ có ngày Phòng TN - MT lại phải tiến hành giải cứu thêm những lần khác.

Có chim bán ắt phải có người đi bắt chim, chúng tôi lại lên xe lóc có mò về Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải và quả thực đúng như dự đoán ban đầu. Ông Quynh, một người dân bán hàng tạp hóa cho ngư dân đánh cá cho biết, tại xã Nam Thịnh của ông hiện vẫn còn ba khẩu súng hoa cải, những ngày cuối tuần trên Hà Nội có thêm các đại gia đánh xe con về bắn chim, súng nổ đì đoàng cứ như là đánh nhau thời chiến tranh. Ông Quynh bảo dân bắn chim hay tạt vào quán ông uống nước nghỉ trưa nên mọi ngón nghề bắt chim ông đều am tường. Từ bắt chim bằng dây, bằng bẫy lưới, bả nhựa đến súng hoa cải ở Khu bảo tồn này ông Quynh đều đã từng chứng kiến.

“Với những tay chơi trên Hà Nội họ gặp con gì bắn con đấy, được bao nhiêu đem về nhắm rượu hết. Với dân săn chim người địa phương họ chỉ tìm những loài chim to, chim lớn quý hiếm để bắt và bán cho các nhà hàng trên thị trấn với giá rất cao. Chẳng qua hôm nay có các anh về nên chúng mới im ắng đấy, chứ bình thường lúc nào chả có tiếng súng nổ đì đoàng”- ông Quynh hồn nhiên kể.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm