Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây những tiểu thương buôn bán ở xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) thường tụ họp tại khu vực chân cầu Tràn theo hình thức tự phát. Nhận thấy việc kinh doanh nói trên tồn tại nhiều bất cập, chính quyền địa phương đã gấp rút kêu gọi kinh phí triển khai xây chợ mới.
Đến năm 2000, công trình chợ Cô Ba có diện tích hơn 2.000m2 được xây dựng với 10 ki-ốt, có đình chợ rộng rãi, có khu vực bờ rào xung quanh, hệ thống nhà vệ sinh được xây tương đối chắc chắn.
Nhưng đáng buồn là khi công trình này hoàn thành thì người dân lại chẳng vào chợ buôn bán. Đã nhiều lần UBND xã Châu Bình yêu cầu bà con vào họp chợ nhưng không thành. Hỏi ra mới biết, nguyên nhân khiến chợ mới bị “quay lưng” là do nhiều hộ đã xây dựng ki-ốt ngay tại nhà từ trước.
Một số người khác thì cho rằng chợ nằm ở vị trí khuất, lại cách mặt đường đến 40m nên việc kinh doanh không thực sự thuận tiện.
Chợ buôn bán trâu, bò ở huyện Quỳ Châu cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Nhờ nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ dự án phát triển cộng đồng sinh kế bền vững (gọi tắt là CHF), năm 2005 chợ chính thức được khởi công xây dựng tại xóm Tân Thịnh, xã Châu Hạnh (nay là thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) với diện tích gần 1.500m2.
Đến tháng 5/2005 chợ hoàn thành, ngay sau đó UBND huyện đã tổ chức khai trương và bàn giao lại cho xã Châu Hạnh trực tiếp quản lý cũng như tiến hành thu phí đối với những người tham gia buôn bán. Trong bản kế hoạch chi tiết, mỗi tháng sẽ tiến hành họp chợ 3 phiên vào các ngày 6, 16 và 26.
Nhưng tiếc thay, phiên chợ đầu tiên cũng chính là phiên họp cuối cùng.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân khiến chợ buôn bán trâu, bò huyện Quỳ Châu “chết yểu” là do vị trí xây dựng không thuận tiện, việc đi lại quá khó khăn. Đơn cử như xã Châu Phong, mỗi khi người dân ở đây có nhu cầu đến chợ phải cất công di chuyển trên 30 km, vừa tốn công, tốn sức mà chưa biết lời lỗ ra sao.
Huyện Thanh Chương cách trung tâm TP Vinh tầm 60 km, giao thông đi lại dễ dàng nên việc phát triển kinh tế có nhiều thuận lợi. Vì lẽ đó, chính quyền sở tại đã tính đến phương án xây dựng một khu trung tâm thương mại (TTTM) sầm uất cho tương xứng với tiềm năng.
Trung tâm Thương mại chợ Rộ khai trương 4 năm nhưng không có người buôn bán
Thực tế cho thấy, ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi dân cư thưa thớt, nhu cầu trao đổi hàng hòa, buôn bán kinh doanh chưa lớn nên việc xây dựng chợ, TTTM là chưa cần thiết. Khi đầu tư xây chợ mới hoặc tiến hành nâng cấp, chính quyền địa phương cần đưa ra nhiều phương án để bà con chủ động lựa chọn cả về địa điểm lẫn mức đầu tư rồi mới chốt phương án triển khai. Có như vậy mới tránh tình trạng xây chợ xong bỏ hoang. |
Theo đó, TTTM chợ Rộ chính thức được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 20/12/2007 với tổng kinh phí lên đến 21,9 tỷ đồng, dự án xây dựng trên diện tích hơn 30.000 m2 ở xã Võ Liệt. Khu TTTM có đầy đủ các hạng mục thiết yếu như đình chợ, ki-ốt dịch vụ, hệ thống các công trình phụ trợ…
Trung tâm được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng từ quý III/2008 và hoàn thành cuối năm 2009 với kinh phí là 11,7 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2010 cho đến năm 2012 với tổng số vốn 10,2 tỷ đồng.
Điều đáng nói là dù chưa hoàn thành đầy đủ các hạng mục thiết yếu nhưng phía chủ đầu tư lại vội vàng làm lễ khai trương (19/5/2010) và mời các tiểu thương vào kinh doanh.
Tại thời điểm cắt băng khánh thành, công trình này mới làm xong khu vực đình chợ lớn, đình chợ nhỏ và 64 ki-ốt bán hàng, còn nhà vệ sinh, trạm điện, trạm nước, mặt bằng sân nền, nhà bảo vệ... chưa đâu vào đâu.
Nhận thấy bất cập nên các hộ kinh doanh tỏ ra thờ ơ, hệ quả là TTTM sầm uất chính thức bị “đắp chiếu” suốt từ đó cho đến nay.
Chợ Rộ cũ dù xuống cấp vẫn thu hút tiểu thương kinh doanh
Cách đó chưa đầy 1km, tại khu vực chợ Rộ cũ thuộc xóm Trung Đức lại tấp nập người mua, kẻ bán. Điều đáng nói là khuôn viên ở chợ này chỉ rộng khoảng 3.000m2 và không có đình chợ; các ki-ốt cũng khá sơ sài, tạm bợ nhưng lúc nào cũng có trên 200 hộ kinh doanh.