| Hotline: 0983.970.780

Nhiều giải pháp mới cung ứng hàng hóa cho người dân

Thứ Sáu 30/07/2021 , 19:40 (GMT+7)

TP.HCM Hệ thống siêu thị hiện đại như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Vinmart... có kế hoạch thay đổi phương thức bán hàng, người dân đăng ký mua hàng hóa thông qua 'giỏ hàng', combo.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: T.N.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 30/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay nguồn hàng ở các địa phương đang vào mùa thu hoạch, do đó nhiều mặt hàng tại các địa phương này đang tồn đọng nhiều, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, các Bộ ngành đã có những chỉ đạo thống nhất về việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp phòng chống dịch ở các địa phương, cơ quan đơn vị, từng doanh nghiệp cũng khiến cho chi phí chung tăng lên.

Về nguồn hàng cung ứng cho TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định, không thiếu, vấn đề ở đây, chỉ là kênh phân phối trên địa bàn TP.HCM có đáp ứng được yêu cầu hay không.

Ông Phương cũng cho biết, đến ngày hôm nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 27/234 chợ truyền thống còn hoạt động, chủ yếu là các chợ tại các vùng ven ngoại thành. Điều này khiến cho áp lực mua sắm hàng hóa của người dân dồn về các hệ thống phân phối hiện đại.

“Hệ thống phân phối hiện đại trước đây hoạt động từ 6h sáng cho tới 22h, khi người dân có nhu cầu thì đã tăng thời gian đến 24h. Trong đó, Bách Hóa Xanh cũng đã tăng thời gian phục vụ 24/24h. Tuy nhiên, với yêu cầu hiện nay, các hệ thống này chỉ hoạt động từ 7h sáng đến 17h hàng ngày trong thời gian thực hiện giãn cách, do đó thời gian mua sắm của người dân ngắn lại, số lượng điểm bán giảm xuống. Do đó, việc đưa hàng hóa tới cho người dân cũng gặp khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, cần phải có nhiều nỗ lực”, ông Phương nói.

Với tình hình này, ở các địa bàn nhiều siêu thị, nhiều cửa hàng tiện lợi thì thuận lợi hơn rất nhiều, tuy nhiên đối với nhiều địa bàn ít siêu thị, chợ dừng hoạt động lại gặp nhiều khó khăn. Do đó, Sở Công thương TP.HCM đã đề xuất một số giải pháp và được UBND TP.HCM chấp nhận triển khai.

Trong đó, tăng cường xây dựng các phương án nhanh chóng mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống thiết yếu tại các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động, với điều kiện các phương án này phải xem xét tính toán đảm bảo việc mở lại được an toàn.

Xây dựng các phương án mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống thiết yếu tại các chợ truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xây dựng các phương án mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống thiết yếu tại các chợ truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Phương, với hướng dẫn của Sở Công thương TP.HCM và mô hình mẫu thì mức độ an toàn khi hoạt động cao hơn so với siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện nay. Do đó, trong những ngày qua, Sở đã làm việc tích cực với các quận huyện để triển khai phương án này để nhanh chóng mở lại các điểm bán.

Bên cạnh đó, trong trường hợp các chợ truyền thống không tổ chức được điểm bán thì sẽ tổ chức các điểm bán ở khu vực lân cận và với việc địa phương phải hỗ trợ tham gia. Trong đó, có thể sử dụng cả các tiểu thương của các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động đứng ra bán hàng, Sở Công thương sẽ đứng ra giới thiệu nguồn hàng để cung ứng cho người dân.

Ngoài ra, tăng cường lượng hàng hóa cung ứng tại các điểm bán nhỏ lẻ hiện nay tại các địa phương.

Ông Phương cũng cho biết, hiện nay một số hệ thống siêu thị hiện đại đang áp dụng vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe hai bánh. Trong tình hình hiện nay đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận huyện, việc bổ sung nguồn hàng kịp thời rất khó, do đó, phương án Sở Công thương đề nghị các quận huyện hỗ trợ sử dụng các phương tiện để nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối đưa về bổ sung kịp thời để cung ứng hàng cho người dân.

Người dân có thể đặt mua lương thực thực phẩm thiết yếu online thay vì mua trực tiếp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân có thể đặt mua lương thực thực phẩm thiết yếu online thay vì mua trực tiếp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Về phương thức bán hàng, ông Phương cho biết, trước đây, bán hàng trực tiếp cho người dân qua phát phiếu, thì bây giờ bán hàng qua đăng ký trước như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Mega Market, Vinmart đã có kế hoạch để người dân đăng ký trước thông qua “giỏ hàng” hay còn gọi là combo.

Việc chuẩn bị nguồn hàng sẽ được đầy đủ hơn, thuận tiện hơn với số lượng cao hơn rất nhiều so với bán trực tiếp. Ngoài ra, TP.HCM cũng tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại một số địa bàn gặp khó khăn.

Liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, ông Nguyễn Nguyên Phương, thừa nhận tình trạng thiếu thống nhất trong kiểm soát hàng thiết yếu giữa các đơn vị tại địa phương.

"Thời gian qua, đúng là lực lượng trong khâu kiểm soát thực tế có hiểu biết khác nhau, áp dụng khác nhau. Nhưng tới nay, việc kiểm soát hàng hóa không đặt quá nặng nề nữa mà chủ yếu kiểm soát người nào được đi ra ngoài", ông Phương nói.

Ông Phương cho biết, Sở đã làm việc với 20 đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng. Sau buổi làm việc, Sở đã thông tin ngay đến các quận, huyện trên địa bàn còn tình trạng hỏi về hàng hóa thiết yếu. "Ngày mai, người dân sẽ không còn vướng mắc liên quan hàng hóa thiết yếu nữa", ông Phương thông tin.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất