Đặc biệt trong mùa bão lũ năm nay, những hồ đã chạm ngưỡng mất an toàn, nếu không có phương án phòng chống kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ xảy ra sự cố.
Nhiều mà nhỏ
Hầu hết các hồ chứa ở Bình Định có dung tích chứa rất nhỏ. Theo Chi cục Thủy lợi, đê điều & PCLB tỉnh thì chỉ 18 hồ có dung tích chứa từ 3 triệu m3 trở lên; 30 hồ có dung tích chứa từ 1 - 3 triệu m3 và có đến 117 hồ có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 nước do các địa phương quản lý.
Phần lớn các hồ chứa được xây dựng từ thập niên 80 (thế kỷ 20). Ngoài rất ít các hồ lớn được xây dựng bài bản theo trình tự quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, số còn lại được xây dựng theo hình thức nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.
Do không được tu bổ kịp thời nên nhiều công trình ngày càng rệu rã. Từ đầu năm 2000, bằng nguồn vốn hỗ trợ của TƯ và ngân sách địa phương, Bình Định đã sửa chữa, nâng cấp được gần 50 công trình. Tuy nhiên hiện nay, Bình Định vẫn còn đến hơn 40 công trình, hạng mục công trình xuống cấp có nguy cơ vỡ hồ trong mùa mưa bão.
Những "căn bệnh" kinh niên của các hồ chứa là hỏng đập đất, hư cống lấy nước và tràn xả lũ cụm đầu mối. Hầu hết đập đất các hồ đều bị thấm qua nền, qua thân đập và dọc theo mang cống lấy nước; mái thượng lưu bị sạt lở, đá lát khan bị xô tụt; mái hạ lưu bị xói sạt do nước mưa, thiếu rãnh thoát nước, thiếu vật thoát nước phía hạ lưu…
Đáng quan ngại là có đến 32 hồ có cống lấy nước kiểu bậc thang. Đây là hình thức cống lấy nước vừa khó vận hành vừa nguy hiển, thất thoát nước rất lớn cần sửa chữa. Ngoài ra, còn có 47 hồ có tràn xả lũ đặt trên nền đất tự nhiên bị xói lở trầm trọng. |
“Hiện Bình Định còn 57 hồ chứa có mái thượng lưu đập chưa được gia cố bằng vật liệu cứng”, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đề điều và PCLB Bình Định nói.
Không chỉ vậy, cống lấy nước các hồ hầu hết cũng đã xuống cấp. Thân cống sụt lún, nứt, khớp nối bị rò rỉ; đất chống thấm quanh thân cống không bảo đảm chất lượng gây thấm dọc thân cống; máy đóng mở cửa van thường trục trặc, rò rỉ nước…
Hư hỏng mới
Trước mùa bão lũ năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh này đã phối hợp cũng các địa phương kiểm tra toàn diện các hồ chứa để có phương án phòng chống hiệu quả.
“Đến 15/9, các huyện phải có báo cáo tình hình các hồ chứa. Từ 20 -30/9, Sỏ NN-PTNT phối hợp với các địa phương kiểm tra lại những hồ chứa nguy cơ mất an toàn nhất để có giải pháp ứng phó. Đối với các hồ thủy điện, chúng tôi sẽ yêu cầu phải có quy chế phối hợp với các địa phương và chủ hồ bên dưới, thông tin phải được kết nối chặt chẽ giữa thượng lưu và hạ lưu về công tác xả lũ, xả lũ khẩn cấp để tránh thiệt hại”, ông Nguyễn Xuân Phú. |
Ông Phú cho biết thêm: “Chúng tôi vừa phát hiện thêm tại đập đất của hồ An Tường (Mỹ Lộc, Phù Mỹ) mái thượng lưu có nhiều vị trí bị xói lở, mái hạ lưu đập cũng lâm cảnh tương tự, nghiêm trọng hơn là các vết xói lở tạo thành rãnh.
Trên mặt đập và cơ đập phía hạ lưu xuất hiện nhiều vết nứt dọc có độ sâu từ 1,2 - 1,6m.
Hồ Cây Me (Mỹ Thành, Phù Mỹ) đang bị thẩm mạnh qua thân và nền đập, mái thượng lưu đập bị sạt lở khoét sâu, cống bậc thang hư hỏng.
Tại hồ chứa nước Núi Một (Nhơn Tân, TX An Nhơn), hèm phai các khớp nối đồng trước cống lấy nước bị hư hỏng, đoạn ống chuyển tiếp từ ống vuông sang ống tròn đã bị rách khoảng 2 m2”.
Hư cũ chưa giải quyết xong hư mới đã đến của các hồ chứa đã làm “đau đầu” những người có trách nhiệm ở tỉnh này, nhất là khi bão lũ "gõ cửa".
Do đó, công tác an toàn hồ chứa được lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định buộc các địa phương phải được thể hiện rõ ràng trong phương án PCLB từ hiện trạng đến các giải pháp ứng cứu nếu có sự cố xảy ra...