Gạo là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực được hưởng lợi sớm từ Hiệp định EVFTA. Theo Hiệp định này, mỗi năm EU giành cho Việt Nam 80 ngàn tấn gạo được xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan (miễn thuế). Hạn ngạch này được thực hiện ngay từ 1/8.
Lượng gạo theo hạn ngạch nói trên là khá khiêm tốn so với năng lực xuất khẩu gạo Việt Nam (mỗi năm xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo), nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với việc thâm nhập vào thị trường EU.
Trước hết, đây là một trong những thị trường tiêu thụ gạo với khối lượng lớn, khi mỗi năm sử dụng khoảng 2,5 triệu tấn gạo các loại. Mặt khác, lượng và giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU trong những năm qua rất khiêm tốn do phải chịu thuế cao. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam là 2,81 tỷ USD, trong đó giá trị gạo xuất sang EU (trừ Anh) chỉ đạt khoảng 11 triệu USD.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, lâu nay gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh được với gạo Campuchia ở thị trường EU, do gạo Campuchia xuất khẩu vào EU không phải chịu thuế, còn gạo Việt Nam phải chịu thuế rất cao.
Với việc EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80 ngàn tấn gạo mỗi năm, sẽ là cơ hội rất lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo vào thị trường này. Bởi nếu chúng ta tận dụng tốt hạn ngạch 80 ngàn tấn ấy, gạo Việt Nam dần dà sẽ tạo được chỗ đứng và uy tín trên thị trường EU, qua đó có thể đề nghị họ mở rộng hạn ngạch cho những năm sau này.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng, 80 ngàn tấn gạo mà EU cấp cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan, tuy nhỏ về lượng nhưng có ý nghĩa lớn về giá trị, vì gạo xuất khẩu sang EU thường có giá cao. Do đó, nếu tận dụng được tốt hạn ngạch này, sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng giá bán và giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ngành thủy sản cũng có rất nhiều mặt hàng quan trọng hưởng lợi ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Từ 1/8, đã có 212 mặt hàng, chiếm khoảng 50% dòng thuế thủy sản xuất khẩu sang EU được xóa bỏ. Trước thời điểm trên, 50% dòng thuế này đang bị áp thuế từ trên 0 đến 22%, trong đó nhiều dòng chịu mức thuế cao từ 6-22%.
Bên cạnh đó, kể từ 1/8 đến hết năm 2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch nhập khẩu (miễn thuế) 4.791,668 tấn cá ngừ đóng hộp và 208,334 tấn cá viên/surimi. Từ năm 2021 trở đi, hạn ngạch cho cá ngừ đóng hộp Việt Nam là 11.500 tấn/năm, cho cá viên/surimi là 500 tấn/năm.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của Covid-19, xuất khẩu cá ngừ giảm mạnh. Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt gần 241 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU chỉ đạt 48 triệu USD, giảm 11%.
Tại EU, cá ngừ Việt Nam trước đây vẫn khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các nước như Philippines, Ecuador… do phải chịu thuế cao, cộng với tác động của thẻ vàng IUU.
Vì vậy, hạn ngạch gần 4,.800 tấn nói trên cho cá ngừ đóng hộp từ nay đến hết năm 2020 là động lực lớn để đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang EU, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh (5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tăng 9%).
Với ngành gỗ, EU hiện chưa nằm trong số 3 thị trường quan trọng nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, nhưng lại có tiềm năng rất lớn. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của EU mỗi năm ước tính trị giá khoảng 80 - 85 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang EU hiện mới ở mức 650-700 triệu USD/năm, tập trung chủ yếu vào các nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italia...
Trước ngày 1/8, thuế suất cơ bản mà EU áp lên gỗ Việt Nam từ 2 - 10% và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ 2,7 - 5,6%.
Từ 1/8, theo Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ ngay 83% số dòng thuế đối với gỗ và sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường quan trọng này.
Từ 1/8, theo Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ 94% dòng thuế trong tổng số 597 dòng thuế rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, có nhiều sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam như nhãn, vải, thanh long…
Đáng chú ý là trước thời điểm 1/8, phần lớn trong 94% dòng thuế nói trên đang ở mức thuế trung bình là 10%, thậm chí có những sản phẩm rau quả chịu thuế trên 20%.
Do đó, với việc EU đã xóa bỏ 94% dòng thuế, rau quả Việt Nam đang có cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU ngay trong những tháng cuối năm nay.
Hạn ngạch nhập khẩu vào EU đối với một số nông sản Việt Nam được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/8: Trứng gia cầm có hạn ngạch từ 1/8-31/12 là 208,334 tấn và hạn ngạch mỗi năm 500 tấn; tỏi 167,668 tấn và 400 tấn; ngô 2.083,334 tấn và 5.000 tấn; bột sắn 12.500 tấn và 30.000 tấn; đường 8.333,334 tấn và 20.000 tấn; đường đặc biệt 166,668 tấn và 400 tấn; nấm 145,834 tấn và 350 tấn…