Trong những ngày đi thực tế tại các đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh Đắk Nông, tôi không khỏi chạnh lòng khi biết một thực trạng, đó là ngoài việc bảo vệ rừng xin nghỉ việc hàng loạt ra, còn có rất nhiều anh em bị... vợ bỏ. Trong đó, khu bảo tồn Nâm Nung là nhiều nhất, với hơn chục người.
Bức tranh buồn
Khu Bảo tồn Nâm Nung có diện tích tự nhiên hơn 23.000ha, nằm trên địa giới hành chính của 10 xã thuộc 3 huyện: Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song. Đây là đơn vị lâm nghiệp có diện tích trải rộng, và tứ bề “cháy biên”, từ chuyên môn anh Phạm Trọng Thuỷ, Phó giám đốc nói với tôi.
Tức là xung quanh khu bảo tồn không còn vùng đệm, thay vào đó là vườn, rẫy của người dân bản địa, phần lớn là đồng bào thiểu số, những người xưa nay vẫn mưu sinh dựa vào rừng là chính, nên rừng rất dễ bị xâm lấn trái phép. Công việc của lực lượng bảo vệ cũng vì thế mà vất vả hơn các nơi khác, các chốt bảo vệ phải túc trực 24/24.
Anh Thuỷ cho biết, hiện nhân sự của khu bảo tồn có tổng cộng 73 người, trong đó có 24 công chức, viên chức, cùng lực lượng chuyên trách gồm 10 cán bộ, kiểm lâm viên, còn lại là nhân viên bảo vệ chuyên trách hợp đồng.
Phó giám đốc Bùi Duy Giáp cho biết, hiện khu bảo tồn có 9 chốt trạm, mỗi chốt trạm có 4-5 người. Chốt xa nhất lên đến 150km, trong đó phần lớn là lối mòn xuyên rừng. Vào mùa khô có thể di chuyển bằng xe máy, còn mùa mưa thì hầu như anh em đều phải cuốc bộ. Điều kiện tại các chốt vô cùng khó khăn, không có điện, nước sạch lấy từ dưới suối khá xa... trong đó, khắc nghiệt nhất là chốt số 9, nằm tít trên đỉnh núi. Chốt này là vị trí rất quan trọng, vì đây là tuyến đường lâm tặc hay vận chuyển gỗ, lâm sản lậu đi qua.
Muốn đến được chốt này, phải băng qua con suối sâu, nước chảy siết, mùa khô có thể qua bằng chiếc “phà” gỗ tự chế bằng 2 sợi dây cột chặt 2 đầu vào gốc cây cây, nhưng vào mùa mưa, chiếc phà này cũng bị nước nhấn chìm, nên gần như không thể qua. Chưa kể, để lên chốt, phải leo dốc cao khoảng hơn 5km, len lỏi qua những khe đá chứ không có đường mòn. Cho nên, anh em ở chốt này rất vất vả, có những lúc mấy tháng chỉ có mì gói ăn. Mỗi lần anh em vào là kéo dài 3 tháng, vào mùa mưa còn lâu hơn mới có thể về một lần.
“Trước tình trạng người lao động nghỉ việc, nhiều đơn vị đã thực hiện một số giải pháp để khuyến khích người lao động ở lại như tăng lương, hỗ trợ tiền xăng xe, cấp thêm trang thiết bị và đồ bảo hộ… nhưng vẫn không giữ chân được người lao động. Còn việc tuyển thêm nhân sự, đơn vị đã làm nhiều cách như đăng thông tin trên các trang mạng, các nhóm Facebook, Zalo, trang web các trường đại học lâm nghiệp để tuyển dụng, trong đó ưu tiên người địa phương sinh sống gần rừng để gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, vẫn khó thu hút người lao động, nguồn nhân lực vẫn thiếu hụt”, anh Bùi Duy Giáp, Phó giám đốc Khu Bảo tồn Nâm Nung chia sẻ.
"Công việc của anh em ở đây có đặc thù là chốt phải có người trực 24/24, tức là anh em vào chốt phải ở đó 2 tuần mới có người thay để về nghỉ 2 ngày. Ngay cả lễ, tết cũng phải trực chứ không có chuyện về sum họp với gia đình, mà làm ngày lễ, tết cũng không có thêm chế độ gì. Trong khi đó, thu nhập của họ chỉ bằng khoảng phân nửa so với một kiểm lâm viên. Lương bình quân một bảo vệ ở Nâm Nung khoảng 5 triệu đồng, thấp nhất trong số các đơn vị chủ rừng ở Đắk Nông. Vì thế, thời gian qua đã có rất nhiều người xin nghỉ việc.
Cũng do đặc thù công việc không thể kết nối với gia đình mà nhiều trường hợp bị vợ bỏ. Anh bảo, vợ hay người yêu ở nhà mà 3-4 tháng không liên lạc được, không biết tin tức gì về mình, làm sao mà chấp nhận được? Cho nên, chuyện nhân viên họ xin nghỉ, rồi ở nhà, vợ bỏ cũng là chuyện dễ hiểu thôi.
Dù vấn đề gia đình trục trặc khá nhạy cảm, anh em tôi cũng hạn chế nhắc đến, cũng không thống kê cụ thể số người. Nhưng nhẩm tính sơ sơ những người tôi biết rõ cũng phải hơn chục trường hợp. Nguyên nhân chính là do chồng cứ đi biền biệt, vợ ốm con đau cũng không quan tâm được, tiền lại không có. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là người vợ ở nhà thiếu thốn tình cảm, thay đổi công việc, bỏ về quê…”, anh Giáp kể.
“Vậy có anh nào bỏ vợ không?”, tôi hỏi. “Không có. Anh em cố gắng giữ vợ không hết, sao dám bỏ”, anh Giáp đáp.
Sợ không còn người giữ rừng
Sau cuộc trò chuyện, tôi theo Phó giám đốc Bùi Duy Giáp đến trạm bảo vệ rừng số 5, một trong những chốt “nhàn” nhất, vì nằm gần đường, lại không phải trèo đèo, lội suối. Trên đường đi anh Giáp cho biết, ngoài những trường hợp anh em bị vợ bỏ ra, còn có những nhân viên bảo vệ lớn tuổi độc thân, vì không thể lấy vợ.
“Có một em chưa vợ, làm bảo vệ ở chốt số 2, trong đó không có sóng điện thoại, em ấy bảo anh ơi, cho em chuyển ra chốt nào có sóng điện thoại làm 6 tháng để em kiếm vợ chứ ở trong này ế mất, chúng tôi đồng ý, nhưng đến nay, 3 lần 6 tháng rồi mà chú ấy vẫn chưa lấy được vợ. Bên em còn một số người cỡ trên dưới 40 tuổi chưa có vợ”, anh Giáp kể.
Tại trạm bảo vệ rừng số 5, anh Hương Công Nguyên, 49 tuổi, trạm trưởng cho biết, trong số 5 nhân viên bảo vệ tại chốt, có 1 người bị vợ bỏ và một người chưa lấy vợ.
“Người gia đình trục trặc là anh S., hôm anh ấy xin nghỉ về quê, nghe nói là để giải quyết chuyện vợ chồng”, anh Nguyên nói rồi quay sang chỉ người đàn ông bên cạnh, cười: “Đây là Huy, 37 tuổi, chưa vợ, hay nói đúng hơn là chưa thể lấy vợ”.
Tôi quay sang hỏi Huy: “Sao chưa lấy vợ?”, anh đáp: “Khó quá anh ơi. Thứ nhất là không có thời gian, điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ với ai, thứ 2 là thấy anh em bị vợ chê nhiều quá, lấy rồi sợ bị vậy. Điều quan trọng nữa là thu nhập mỗi tháng có mấy triệu bạc, ai mà chịu lấy?”, Huy nói rồi cười gượng.
Trước đề nghị của tôi là muốn gặp 1-2 bảo vệ bị trục trặc chuyện gia đình, anh Nguyên, anh Giáp đều nói: “Chuyện này không vui vẻ gì, cũng nhạy cảm, sợ họ ngại không muốn nói. Nhưng để tôi hỏi trước xem sao”. Anh Nguyên sau đó gọi điện thoại cho 3-4 người, đều không có kết quả, vì người đang ở rừng không có sóng điện thoại, còn người liên lạc được thì không muốn nói.
May mắn là khi anh Nguyên gọi cho anh S. thì anh đồng ý nói chuyện. Tôi lập tức gọi cho anh. Sau khi hỏi vài câu, tôi ngập ngừng: “Nghe nói anh đang gặp chuyện không vui về gia đình?”. Anh đáp: “Đúng rồi anh, cũng buồn, nhưng đành chịu, vì cô ấy đã quyết rồi, chỉ thương mấy đứa nhỏ. Tôi đang về quê giải quyết chuyện ly hôn đây”.
Theo lời anh S. thì vợ chồng anh lấy nhau hơn chục năm, có 2 con còn nhỏ, vợ anh do công việc không ổn định nên cách đây 2 năm đã dắt 2 con về quê ở Bình Định mưu sinh. “Mình làm bảo vệ rừng hơn chục năm nay, công việc vất vả, quanh năm ở rừng, ngày lễ, tết có khi cũng không ở nhà, ngay cả lúc vợ sinh cũng không ở bên cạnh được. Lương tôi mỗi tháng được 6 triệu, cố gắng lắm thì gửi về cho vợ 3 triệu. Cô ấy ở nhà 1 mình, vừa lo bươn trải kiếm tiền vừa chăm 2 đứa nhỏ. Chắc cũng mệt mỏi lắm, nên khi cô ấy muốn chia tay, tôi chỉ buồn thôi chứ không dám níu kéo”, anh S. nói.
Không chỉ tình trạng xin nghỉ việc xảy ra hàng loạt, việc bổ sung nguồn nhân sự cho lực lượng bảo vệ cũng vô cùng nan giải.
“Bây giờ kiếm người khó lắm. Tụi em ban đầu tuyển dụng lao động yêu cầu trình độ đại học. Nhưng nhiều anh vừa đến nhận việc, đơn vị vừa tổ chức liên hoan gặp mặt hôm sau có vị đã xách ba lô đi mất. Sau đó đơn vị hạ tiêu chuẩn tuyển dụng xuống cao đẳng, trung cấp, cũng không được. Bây giờ chỉ cần sức khoẻ, biết đọc biết viết là đủ tiêu chuẩn. Vậy mà vẫn thiếu. Cũng đúng thôi, một anh mất 4 năm đại học mà về đây làm lương 4-5 triệu/tháng thì sao họ chấp nhận được.
Anh Phạm Trọng Thuỷ, Phó giám đốc khu bảo tồn trăn trở: “Trong thời gian tới, chỉ cần tỉnh Đăk Nông phát triển thêm vài khu công nghiệp, thì có khi lực lượng bảo vệ ở đây nghỉ hết để sang làm công nhân. Lúc đó không biết lấy ai đi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng”.