| Hotline: 0983.970.780

Những chủ rừng vàng… nghèo khó

Theo chân những người yêu rừng

Thứ Hai 17/04/2023 , 06:25 (GMT+7)

Mặc dù công việc vất vả, thu nhập thấp, nhưng những người còn kiên trì bám trụ với rừng vẫn rất lạc quan, vui vẻ. Họ cùng chung lý do: 'Vì yêu rừng'.

LTS: Tại hầu hết những đơn vị lâm nghiệp ở Tây Nguyên, đang thiếu nghiêm trọng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, có đơn vị chỉ còn chưa đến 50%. Đồng nghĩa với việc diện tích rừng những người còn lại phải đảm trách tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn. Đa số những người còn gắn bó với rừng, đều vì yêu rừng. Nhưng, liệu tình yêu ấy có đủ sức giữ chân họ khi họ có cơ hội công việc tốt hơn? Bởi làm việc vất vả, bất kể ngày đêm, nắng mưa, lễ tết, thường xuyên xa gia đình, vợ con, lại đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm…, đổi lại, thứ họ nhận được là đồng lương không tương xứng.

Rừng vẫn được mệnh danh là “vàng”, nhưng sao đời những chủ rừng lại bạc thế? Loạt bài về lực lượng bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng ở tỉnh Đắk Nông dưới đây là một lát cắt nhỏ về cuộc sống, về những khó khăn, vất vả của họ.

Đó là cảm nhận của tôi trong chuyến đi “ăn suối, ngủ rừng” cùng nhóm bảo vệ rừng phòng hộ Thác Mơ (huyện Tuy Đức, Đắk Nông).

Hụt hơi theo bước “người rừng”

Tôi hẹn gặp anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thác Mơ tại một quán cà phê ở TP Gia Nghĩa, Đắk Nông để trò chuyện về cuộc sống, công việc của người giữ rừng, hay còn gọi là chủ rừng. “Anh đi rừng được không?”, vừa bắt tay chào hỏi xong, câu đầu tiên anh hỏi tôi như vậy. “Nếu được đi thực tế thì còn gì bằng”, tôi quả quyết đáp. Anh nhìn tôi cười mỉm: “Đúng rồi, phải đi thực tế cùng anh em chứ ngồi đây thì sao cảm nhận được. Mà nói trước là vất vả lắm đấy”. Nói xong, anh lấy điện thoại gọi về cơ quan thông báo anh em chuẩn bị.

DSC02640

Bắt đầu hành trình xuyên rừng. Ảnh: Phúc Lập.

Hơn 10 giờ sáng, chiếc xe bán tải chở chúng tôi về đến trụ sở BQLRPH Thác Mơ. Lúc này, đã có 5 - 6 nhân viên đang tất bật chuẩn bị hành trang cho chuyến đi, từ đèn pin, võng, nước uống, gạo, mắm muối, cả mấy chiếc nồi nấu ăn… nhét đầy những chiếc ba lô bộ đội.

“Mình mang võng theo làm gì?’, tôi hỏi. Anh Lò Hoàng Thùy, nhân viên bảo vệ rừng đáp: “Để tối ngủ chứ anh”. “Ủa, mình ở lại đêm hay sao?”, tôi hỏi tiếp. Thùy nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên: “Thế sếp không nói với anh à? Vào rừng sao về ngay được”. Lúc này tôi mới hiểu cái cười mỉm có vẻ bí ẩn của anh Khương lúc sáng. “Vậy cũng hay, có dịp trải nghiệm đêm trong rừng”, tôi nghĩ thầm.

Khi mọi người chuẩn bị xong, anh Đỗ Thành Tâm, Phó giám đốc BQL là người kiểm tra lần cuối các ba lô. Sau đó anh quay sang hỏi tôi: “Ba lô của anh có nặng không? Những vật dụng không cần thiết thì để nhà, chỉ mang những thứ bắt buộc phải có thôi. Nếu không vất lắm đấy”. Tôi làm theo. Và sau khi chỉ còn đồ dùng tác nghiệp, ba lô của tôi đã khá nhẹ so với ban đầu, còn khoảng 7 - 8kg.

DSC02649

Nhiều đoạn dốc đứng. Ảnh: Phúc Lập.

Sau bữa cơm trưa và nghỉ chừng 15 phút, 8 người chúng tôi lên 4 chiếc xe máy vào rừng. Sau khoảng 3km đường nhựa, bắt đầu đi vào khu vực rừng, con đường mòn ngoằn ngoèo, rất nhiều cành cây, dây leo xòe ra chắn lối, thỉnh thoảng lại có 1 cây gỗ gãy đổ, chắn ngang đường, phải cúi rạp người xuống mới chui qua được. Anh Khương cho biết, những cây này bị gãy đổ là do gió quật. “Sao mình không dọn đi?”, tôi hỏi. “Không dọn được, từ khi đóng cửa rừng, mọi thứ trong rừng không được đụng chạm”, anh Khương vừa điều khiển xe luồn lách vừa nói.

Đi khoảng 5 cây số, tôi thấy nhóm đi trước đang ngồi đợi. “Hết đường rồi, giờ bắt đầu đi bộ”, anh Khương nói rồi đẩy chiếc xe máy sát bụi cây ven đường. “Đây là điểm cao nhất, điểm đến là thung lũng phía dưới cách đây khoảng 6 - 7km, nghĩa là chủ yếu xuống dốc. Anh bám theo nha. Nếu tụt lại sau, anh để ý sẽ thấy lối mòn có người vừa đi sẽ làm cỏ hay cành, lá nhỏ bị gãy, ngã. Nếu mệt quá anh cứ ngồi nghỉ, không cần ráng, vì còn mấy anh đi đằng sau”, Đoàn Ngọc Trường Vỹ, trạm trưởng trạm bảo vệ Lộc Ninh, nói với tôi, sau đó nối gót 2 đồng nghiệp là Điểu Nguyên, Điểu Tông thoăn thoắt tiến vào rừng. Tôi bám theo sau, nhưng chỉ một lúc sau, tiếng trò chuyện rôm rả của họ nhỏ dần rồi mất hút, mặc dù trên vai họ, mỗi chiếc ba lô nặng chừng 15kg.

DSC02643

Đoàn Ngọc Trường Vỹ là người đi rất nhanh, lâu lâu lại ngồi thư giãn, đợi mọi người. Ảnh: Phúc Lập.

Do địa hình dốc cao, nên mới đi chừng 30 phút, tôi đã thấm mệt, mồ hôi đổ hết lớp này đến lớp khác, chiếc ba lô trên vai ngày càng nặng, đè xuống lưng khiến không ít lần tôi chúi nhủi suýt không gượng nổi khi rễ cây, dây rừng vướng chân. Cố gắng thêm khoảng 15 phút, không thể gượng tiếp, tôi nằm vật xuống lớp lá mục, thở dốc bằng cả miệng, mũi.

Vài phút sau, tôi nghe tiếng chân người đạp trên lá khô, mở mắt ra, Lò Hoàng Thùy, người đi trong nhóm sau tôi, quay lại. “Sợ anh đi một mình buồn thôi chứ cũng không lạc được đâu”, Thùy nói và ngồi xuống bên cạnh, khuôn mặt tỉnh bơ, không có một gợn mồ hôi. “Em không mệt sao?”, tôi hỏi. “Quen rồi anh. Em phải đi bộ vài tiếng liên tục mới ra mồ hôi được, chứ thế này ăn thua gì. Do có anh nên hôm nay mọi người chọn lộ trình tuần tra gần nhất, dễ đi nhất rồi đấy. Chứ có những tuyến tuần tra xa gấp mấy lần, khó đi gấp trăm lần”, Thùy đáp rồi vừa nhìn chai nước suối 1,5 lít cạn gần nửa trên tay tôi, vừa nói: “Em quên nhắc, nước anh nhấp từng ngụm nhỏ cho đỡ khô miệng thôi, đừng uống nhiều quá. Càng uống nhiều càng ra mồ hôi, càng mệt. Khi nào nghỉ hẳn hãy uống thoải mái”.

SS029997

Đến chỗ hạ trại, mỗi người 1 việc, Lò Hoàng Thùy phụ trách nấu cơm. Ảnh: Phúc Lập.

Bữa tiệc giữa rừng đêm

Đoạn đường sau cùng trước khi đến điểm hạ trại, chúng tôi đi dọc con suối cạn. Mặc dù không có những dốc đứng, cây dại chằng chịt, nhưng lại nhấp nhô những hòn đá đủ kích cỡ, vất vả không kém đi trên rừng. Chiếc ba lô trên vai tôi càng lúc càng trở nên nặng hơn, đè xuống đôi chân gần như mất cảm giác.

“Đây là một nhánh phụ suối Đăk Kar, suối có đầu nguồn bên Campuchia, chảy xuống tận VQG Bù Gia Mập (Bình Phước) với tên suối Đăk Mai, sau cùng đổ ra hồ thủy điện Thác Mơ. Vào mùa mưa, suối Đăk Kar “hung dữ” lắm, nước chảy xiết, cuốn phăng cả cây gỗ lớn chứ đừng nói người. Chút nữa tụi em sẽ cho anh thưởng thức món cá tiến vua, đặc sản chỉ có ở suối này. Anh em nói vui, cá suối này tối ngủ Campuchia, sáng sang Việt Nam, nên là cá 2 quốc tịch”, Phó giám đốc Đỗ Thành Tâm đi bên cạnh tôi, nói. “Rừng mênh mông, bốn bề toàn cây thế này, các anh có khi nào bị lạc, phải xem bản đồ không?”, tôi hỏi. “Không anh. Tụi em thuộc rừng như lòng bàn tay rồi. Nhiều chỗ nhắm mắt vẫn xác định được hướng”, Tâm đáp.

SS029993

Anh Khương cùng mọi người xuống suối bắt cá. Ảnh: Phúc Lập.

Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi đến điểm hạ trại. Đó là bên bờ dòng chính suối Đăk Kar. Cách đó chừng vài trăm mét, có con thác cao chừng 30m, nước vẫn đang đổ xuống suối mặc dù đang mùa khô. “Từ chỗ mình để xe máy bắt đầu đi bộ vào đến đây bao xa nhỉ?”, tôi hỏi Tâm. “Đâu có bao nhiêu, chưa đến chục cây”, Tâm cười đáp. Nhìn họ, tôi cảm thấy có lẽ với họ, chục cây số đường rừng đúng là không đáng gì. “Anh là người “ngoại đạo” nên hôm nay tụi tôi chọn hành trình ngắn, dễ đi nhất. Chứ nếu đi mấy chỗ xa, khó thì 5 giờ sáng xuất phát, đến chiều tối mới đến chỗ nghỉ lại, hôm sau lại đi tiếp”, Phó giám đốc Đỗ Thành Tâm vừa nói tiếp vừa lôi trong ba lô ra một tay lưới.

DSC02689

Nướng cá "2 quốc tịch". Ảnh: Phúc Lập.

SS0210085

Nồi cá kho nghệ cực ngon và bắt mắt do Giám đốc Nguyễn Xuân Khương đạo diễn. Ảnh: Phúc Lập.

Trong lúc Hoàng Thùy kê 3 viên đá lớn, đốt mấy đoạn gỗ mục nhóm lửa, vo gạo nấu cơm, tôi theo nhóm anh Khương cầm tay lưới lên khu vực thác Đăk Kar cách đó mấy trăm mét để bắt cá. Sau khi giăng xong lưới, họ vừa bơi lội, xua cá chạy vào lưới, vừa lặn ngụp dùng tay bắt cá đang trú trong các khe đá. Thỉnh thoảng, ai bắt được 1 con cá bằng tay, họ lại reo lên như 1 đứa trẻ. Nhìn họ không giống những người đang rất vất vả với công việc giữ rừng.

Khoảng 1 tiếng sau, nhóm bắt cá quay về với khoảng 5 - 6kg các loại. Trong đó, ngoài cá lăng, cá trôi, cá trắng, còn một loại cá hình dáng khá lạ, da màu nâu sẫm, miệng nằm phía dưới hàm, còn đôi mắt lồi khá to. “Đây là cá tiến vua tôi nói anh đó. Nó có tên là cá mõm trâu, vì loại cá này sống trong các khe, hang đá, chúng ăn rong rêu, nên có cái miệng rất đặc biệt, không giống các loại cá khác. Thịt dai, thơm và rất ngọt”, anh Tâm nói.

DSC02756

Từ trái qua: Điểu Tông, Lò Hoàng Thùy và Điểu Nguyên. Ảnh: Phúc Lập.

19 giờ, khi bóng tối đã bao trùm không gian, cũng là lúc bữa tối chuẩn bị xong. Hoàng Thùy đã chuẩn bị sẵn mấy viên đá to, có mặt bằng cho moi người làm ghế ngồi. Mặc dù chỉ có món cá, nhưng bữa ăn vẫn có thể nói là thịnh soạn với cá nướng, nồi canh chua cá nấu lá bứa hái lúc chiều và canh thụt, món đặc sản của đồng bào M’Nông do Điểu Nguyên làm. “Món canh thụt này chỉ làm trong rừng với ống vầu tươi, chứ ở nhà, cùng 1 người làm nhưng không ngon bằng”, Nguyên nói.

Đặc biệt, tôi ấn tượng với nồi cá kho nghệ vàng ruộm do anh Khương đạo diễn. Anh Khương gắp 1 miếng cho tôi thử và nhìn bằng ánh mắt “dò xét”. “Cá kho ủ lâu nên xương mềm, thấm gia vị. Không chỉ ngon mà nhìn còn rất bắt mắt”, tôi nhận xét. Khương mỉm cười, gật gù.

DSC02703

Sau khi ăn tối, mọi người có một chiếc "giường" di động cho giấc ngủ. Ảnh: Phúc Lập.

Sau bữa tối, nhóm anh Khương lại tiếp tục ra suối để vớt tôm và vào rừng bắt đặc sản ếch rừng, món vẫn được gọi “vũ nữ chân dài” làm món gỏi tôm, ếch nướng và nấu cháo. Tôm suối giòn, ngọt, còn ếch rừng thịt dai, ngọt, ngon hơn cả cá tiến vua. Đây là 2 trong những món đặc sản mà rừng ban tặng cho những người bảo vệ rừng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…