| Hotline: 0983.970.780

Những chủ rừng vàng… nghèo khó

Trải lòng giữa rừng đêm

Thứ Ba 18/04/2023 , 09:11 (GMT+7)

Nhiều người đã xin nghỉ vì không chịu nổi công việc vất vả, đồng lương bèo bọt. Vậy những người đang cùng tôi ngồi giữa rừng này, vì sao họ vẫn gắn bó với rừng?

Từ ban lãnh đạo vay nợ ngân hàng

Khi màn đêm buông xuống, nhóm chúng tôi quây quần bên đống lửa, nhấm nháp ly rượu từ những chiếc ly làm từ đốt cây lồ ô. Về khuya, những cơn gió rừng nhiều hơn, thỉnh thoảng, tôi lại phải thu mình vì hơi lạnh theo gió lọt qua lớp áo khoác. Mặc dù vậy, bếp lửa đỏ rực và men rượu khiến khuôn mặt ai nấy bừng đỏ dần.

“Anh đã bao giờ thưởng thức một bữa tiệc giữa rừng đêm như thế này chưa? thưởng thức cá suối, ếch rừng, tôm rừng, rau rừng, uống rượu bằng ly lồ ô… những thứ mà người ở phố như các anh nằm mơ cũng không có. Vậy làm sao mà không yêu rừng được”, Khương vừa nói vừa cười.

DSC02778

Giám đốc BQL RPH Nguyễn Xuân Khương phải vay ngân hàng 300 triệu trừ lương hàng tháng để xây căn nhà nhỏ. Ảnh: Phúc Lập.

Quả đúng như lời Khương nói. Nhưng, những điều đó liệu có đủ giữ chân họ với công việc quá vất vả, thu nhập thấp này? Và Phó giám đốc Đỗ Thành Tâm cho tôi câu trả lời: “Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đã nghỉ hơn một nửa rồi. Ban đầu bộ phận chuyên trách giữ rừng có 16 người, năm vừa rồi nghỉ hết 9, thêm 1 người chuẩn bị nghỉ nữa, giờ chỉ còn 6. Đây là những tâm huyết thật sự, gắn bó và yêu rừng”.

Trước câu hỏi của tôi: “Mọi người về nhà lâu có nhớ rừng không?”, họ cùng bày tỏ: “Nhớ chứ anh. Về nhà trong khi con đi học, vợ đi làm, một mình không có việc gì làm, quanh ra quẩn vào 1 ngày là thấy chồn chân, muốn vào rừng ngay. Nếu ai có vườn, có rẫy, về có việc để làm để quên đi thì đỡ, mà mấy ai ở nhà có rẫy đâu. Cho nên, về nếu ở nhà một mình, phụ vợ làm vài việc lặt vặt xong ngồi chơi không, buồn lắm”.

DSC02775

Tương tự, Phó giám đốc Đỗ Thành Tâm cũng vay ngân hàng. Ảnh: Phúc Lập.

Tâm có lẽ là người ít chịu áp lực kinh tế nhất ở BQL, vì hiện mỗi tháng anh được 13 triệu tiền lương. Thực ra, lương anh chỉ khoảng 8-9 triệu, nhưng do đang được hưởng thêm 70% phụ cấp lương theo Nghị định 76 của Chính phủ về chính sách thu hút. Ngoài ra, anh còn được 50% phụ cấp vùng biên giới nên mới được mức thu nhập này. Nhưng chế độ này chỉ được hưởng trong thời gian 5 năm. Sau thời gian này, chỉ còn 50% phụ cấp biên giới. “Vậy mỗi tháng Tâm phụ gia đình mấy triệu?”, tôi hỏi. “Em không phải đưa tiền cho vợ, vì mỗi tháng phải lo trả tiền vay ngân hàng hết 3 triệu, còn lại lo cho các con ăn học”, Tâm đáp.

Ngay cả Giám đốc Nguyễn Xuân Khương, hoàn cảnh gia đình cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Năm nay 41 tuổi, vợ chồng anh có 2 con. Cô con gái đầu 13 tuổi, cậu út 5 tuổi. Anh là một trong những người đầu tiên có mặt ở BQL RPH Thác Mơ khi mới thành lập năm 2007. Là người đứng đầu, chịu mọi trách nhiệm đối với khu rừng quan trọng này, nhưng lương anh cũng chỉ 10 triệu.

DSC02752

Lò Hoàng Thuỳ: "Nếu không yêu rừng, em nghỉ lâu rồi". Ảnh: Phúc Lập.

“Mỗi tháng đưa cho vợ mấy triệu?”, tôi hỏi. “Làm gì có anh. Tụi em vay ngân hàng mấy trăm triệu để làm nhà, mỗi tháng phải trả 7,5 triệu cả gốc lẫn lãi. Còn năm rưỡi nữa mới trả xong. Còn lại chi phí đủ thứ, chỉ vừa đủ thôi chứ không có dư phụ vợ. Giờ 3 mẹ con ở nhà chỉ gói ghém trong sôt tiền lương công chức hơn 5 triệu của vợ”, Khương đáp. “Thế mai mốt trả xong nợ ngân hàng chắc mỗi tháng tiết kiệm được 7 triệu?”, tôi cười. “Đến lúc đó con gái lớn vào đại học, thằng út cũng bắt đầu đi học, lại chi phí nhiều hơn, không tiết kiệm nổi đâu anh ạ”, Khương trầm ngâm.

 “Thu nhập của anh em phổ biến từ 5 đến 8 triệu đồng 1 tháng, phải tằn tiện lắm mới đủ xoay xở. Mà phải với điều kiện sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật, không phải thuê nhà, con nhỏ chưa tốn nhiều tiền ăn học, hạn chế đám cưới đám tiệc cơ… nếu so sánh thì lương của Ban giám đốc như tôi và anh Tâm không bằng 1 anh bảo vệ ngân hàng. Họ 2 người, chia ra làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần, tính ra tháng làm chỉ 15 ngày, nhưng lương họ 13-14 triệu. Điều vô lý là những người giữ “rừng vàng” như chúng tôi mà đồng lương chưa bằng một nửa những người giữ kho tiền. Chưa kể công việc nặng gấp 100 lần”, anh Khương tâm sự.

DSC02715

Một thoáng trầm tư của những chàng trai yêu rừng. Ảnh: Phúc Lập.

Đến nhân viên ăn trước trả sau

Trong số các chàng trai trong nhóm bảo vệ cùng tôi vào rừng, Đoàn Ngọc Trường Vỹ là người sôi nổi, lạc quan nhất, luôn miệng tếu táo, pha trò, giúp mọi người lâu lâu lại được giãn cơ mặt nhờ một trận cười sảng khoái, quên mệt.

Vỹ sinh năm 1985, quê Quảng Nam, là người có thâm niên lâu nhất ở BQL RPH Thác Mơ này. Hiện là trạm trưởng trạm bảo vệ rừng  Lộc Ninh, cách trụ sở BQL chừng chục cây số. Vỹ có 2 con gái, 12 và 9 tuổi. Nhà Vỹ ở Đắk Bub So, cách chỗ làm 40 cây số. Nhưng dù nhà xa hay gần, cũng 2 tuần mới được nghỉ 1 lần 2 ngày về thăm vợ con.

“Vợ em làm giáo viên mầm non cách nhà cũng mấy chục cây, sáng 6 giờ đi, chiều 6 giờ mới về đến nhà. Nên 2 đứa nhỏ ở nhà phải tự lập từ nhỏ, chị em nó lo cho nhau, nhiều lúc nghĩ đến con thấy xót, mà không biết sao. Lúc đi làm thì lâu lâu mới có điều kiện gọi về nhà cho vợ con, vì trong trạm em phụ trách, không có điện, không sóng điện thoại. Phải lên đồi cao, cách trạm gần cây số mới có sóng điện thoại để gọi”, Vỹ tâm sự.

DSC02714

Cho dù khó khăn, vất vả, Trường Vỹ vẫn luôn rất lạc quan, thường xuyên nói cười góp vui. Ảnh: Phúc Lập.

Vỹ là một trong số ít cán bộ chuyên trách của BQL có biên chế, hưởng lương ngân sách. “Em làm bảo vệ rừng từ năm 2007, lúc mới vào lương có 700 ngàn đồng à, sau đó lên 2 triệu, rồi cứ 2 năm tăng thêm 400 ngàn. Rồi lương tăng dần ít một, lương em là trung cấp nên giờ được 8 triệu rồi.

Mỗi tháng trừ các khoản chi phí ăn uống, xăng xe, cà phê, thuốc lá, rồi chi phí lặt vặt khác, hết gần 1 nửa. Còn lại mỗi tháng đưa về cho vợ được 4 triệu. Tháng nào có đám cưới đám tiệc thì mất thêm 500, 1 triệu nữa. Nói chung là tụi em quen với cái thiếu thốn, khó khăn rồi.

Vấn đề là ở nhà, vợ con cám cảnh. Mà em chắc sắp được hưởng thêm chế độ thu hút theo nghị định 76 trong 5 năm, mỗi tháng được thêm vài triệu đưa cho vợ”, nói đến đây, Vỹ cười rổn rảng. “Vợ chồng có tiết kiệm được ít nào không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Không nhiều thì mỗi năm cũng phải để dành được 1 ít để cất cái nhà lá cho tụi nhỏ chứ anh”, Vỹ nói rồi lại cười to.

SS0210001

Lò Hoàng Thuỳ: "Tụi em may mắn còn có "lộc" của rừng, đó là thức ăn dưới suối, rau trên rừng, nên mỗi tháng còn để dành được 2-3 triệu phụ vợ nuôi con". Ảnh: Phúc Lập.

Trái với Trường Vỹ, Lò Hoàng Thùy, dân tộc Thái, sinh năm 1983, nhân viên trạm bảo vệ rừng Đăk Bor, khá trầm tính, và quan tâm đến “người mới” là tôi nhiều nhất. Thuỳ thường xuyên theo sát và giải thích mọi thứ tôi chưa hiểu, chưa biết.

Thùy may mắn hơn các đồng nghiệp khác là nhà cách trụ sở BQL chỉ vài trăm mét, vào đến chốt khoản 5km. Nhưng không vì thế mà cuộc sống đỡ vất vả hơn, trái lại khá chật vật, do có đến 3 con nhỏ, con gái đầu 11 tuổi và 2 con trai song sinh 9 tuổi. Với mức lương hơn 7 triệu, mỗi tháng anh đưa cho vợ được 2 triệu.

“Lương tháng em nhận đủ vì không đóng tiền ăn tại cơ quan như mấy anh em nhà xa. Nhưng mỗi tháng lãnh lương ra là phải chuyển trả nợ 3 triệu cho quán tạp hoá rồi. Có quán tạp hoá quen, anh em muốn mua gì thì đặt, ghi sổ, đến tháng lãnh lương trả sau.

Em đặt mua đồ ăn, thực phẩm khô như gạo, sữa cho con, mắm muối, dầu ăn cho cả nhà... mỗi tháng phụ vợ khoảng hơn 2 triệu. Nhà em có ít rẫy trồng cà phê, tiêu. Nhưng năng suất không tốt nên thu nhập cũng bấp bênh, không ổn định. Mấy đứa nhỏ càng lớn càng vất anh ạ. Con học cách nhà 15 cây số, phải thuê xe đưa rước, mỗi tháng hết 500 ngàn, chưa kể tiền học, ăn uống”, Hoàng Thuỳ tâm sự.

SS0210051

Đi cùng họ, tôi được chăm sóc khá tốt. Nếu không có đống lửa to họ chuẩn bị trước này, không thể chịu nổi cái lạnh, muỗi và ve rừng. Ảnh: Hoàng Thuỳ. 

Khi tôi hỏi: “Có khi nào em nghĩ đến việc đổi một công việc khác tốt hơn?”, Hoàng Thuỳ khẳng định: “Dạ không anh. Em làm vì đam mê, vì yêu rừng. Nếu không em bỏ lâu rồi. Nói vậy nhiều người nghĩ mình nói cho hay, nhưng thật sự là vậy. Gắn bó với rừng lâu, về nhà vài ngày là nhớ, khó bỏ rừng được”.

Hoàng Thuỳ cho biết, ban đầu anh được giao quản lý hơn 500ha rừng, nhưng bây giờ đã tăng lên gần 1.000ha, đó là diện tích của những người xin nghỉ, nay chia thêm. Sắp tới đây, mỗi người sẽ tăng thêm vài trăm ha nữa, vì trạm trưởng trạm Đăk Bor vừa xin nghỉ việc.

Điểu Nguyên, chàng trai người M’nông sinh năm 1991, trẻ nhất trong nhóm, tác giả của món canh thụt trứ danh, là người hiền nhất. Nguyên là nhân viên trạm Đăk Bor với thâm niên 12 năm giữ rừng. Vợ con anh ở tận Đắk Lắk, cách chỗ làm 160km.

Mỗi 2 tuần Nguyên được về thăm nhà 1 lần 2 ngày. Nguyên cho biết, anh có 2 cô con gái 8 và 4 tuổi, vợ làm giáo viên, cũng có lương, ngoài ra, còn có thêm đồng ra đồng vào nhờ 3 sào rẫy trồng tiêu, cà phê. Dù không có dư, nhưng cũng không đến mức quá khó khăn. Còn anh, với lương 7 triệu đồng, mỗi tháng anh cũng cố gắng tằn tiện, phụ vợ được 2-3 triệu đồng.

SS0210093

Lúc quay về, dù chiếc ba lô đã được anh Nguyên Xuân Khương đeo giúp, nhưng tôi vẫn không thề theo kịp những bước chân "người rừng". Ảnh: Hoàng Thùy. 

“Vợ có cằn nhằn, trách móc vì chồng cứ đi biền biệt không?”, tôi hỏi. “Không anh. Vợ em quen rồi. Nhưng bản thân em lại thấy áy náy, vì nhiều khi ngay cả lễ, tết cũng không được sum họp cùng gia đình. Mấy đứa nhỏ cũng quen sự vắng mặt của cha, nhiều lúc về nhà thấy buồn”, Nguyên đáp.

“Buổi tối hôm nay, thật nhiều cảm xúc”, tôi nằm xuống võng và vẫn kịp nghĩ thoáng qua trước khi giấc ngủ ập đến trong tiếng ru thì thầm của cây rừng trên đầu, hòa cùng dòng suối ì ào phía dưới.

“Ban quản lý RPH Thác Mơ có 250ha diện tích được tỉnh Đắk Nông phê duyệt trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thuộc đề án phát triển rừng bền vững. Nhưng BQL không thể tự làm, mà cần có đối tác đủ tiềm lực đầu tư cùng làm. Nếu có nhà đầu tư vào làm, thì đời sống của anh em sẽ được cải thiện, khi đó, mình tuyển thêm nhân lực chuyên trách, diện tích rừng mỗi người quản lý sẽ giảm xuống, công tác bảo vệ cũng sẽ tốt hơn”, anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban quản lý RPH Thác Mơ chia sẻ. 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.