| Hotline: 0983.970.780

Những chủ rừng vàng... nghèo khó

Rủi ro lơ lửng trên đầu

Thứ Ba 18/04/2023 , 13:51 (GMT+7)

Trong tay chỉ có công cụ hỗ trợ thô sơ, lại không được phép bắt giữ người, khiến việc đối phó, ngăn chặn lâm tặc của chủ rừng càng thêm khó khăn, rủi ro hơn.

Nếu để xảy ra phá rừng trên địa bàn mình quản lý mà không biết, bảo vệ rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, còn những rủi ro khác như ốm đau, sốt rét, lũ cuốn…

"Trộm vào nhà" mà không được bắt

Đoàn Ngọc Trường Vỹ, một trong những người đầu tiên đến làm việc tại Ban Quản lý (BQL RPH) Thác Mơ kể: “Hồi chưa thành lập BQL, rừng này thuộc lâm trường Quảng Trực, một điểm nóng phá rừng ở Đắk Nông. Lúc đó chưa đóng cửa rừng, người dân bản địa vẫn sống chủ yếu nhờ rừng. Đến năm 2007 mới tách ra thành Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và BQL RPH Thác Mơ, cũng từ đó, mâu thuẫn giữa người dân bản địa và lực lượng bảo vệ rừng ngày càng căng thẳng.

Do bị ngăn cản phá rừng, cắt cây, những đối tựng cộm cán ở địa phương thường xuyên kích động anh em, người thân, kéo vào tận trụ sở gây áp lực, hù dọa. Người nào cũng lăm lăm gậy, dao đi rừng trong tay, chỉ cần mình tỏ thái độ là họ có cớ để xô vào đánh hội đồng, đập phá mọi thứ. Đến khi công an họ đến thì cùng lắm là bắt vài người về trụ sở lập biên bản, rồi sau đó cũng cho về, vì chưa xảy thương tích nặng đến mức phải tạm giữ”.

Những chàng trai ở trạm bảo vệ rừng số 2 công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên trong chuyến tuần tra rừng. Ảnh: Phúc Lập.

Những chàng trai ở trạm bảo vệ rừng số 2 công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên trong chuyến tuần tra rừng. Ảnh: Phúc Lập.

Không chỉ khó khăn, những bảo vệ rừng còn thường xuyên đối mặt những rủi ro, nguy hiểm, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra phá rừng nghiêm trọng ở địa bàn rừng do mình quản lý.

Như lời Lò Hoàng Thuy kể, có 2 đồng nghiệp của anh bị truy tố hình sự cách đây mấy năm về tội “buông lỏng quản lý”, bị phạt 2 năm tù giam, mới mãn hạn về cách đây mấy tháng.

“Nếu địa bàn của mình xảy ra phá rừng, chủ rừng biết trước, kịp thời lập báo cáo, thống kê chi tiết cho cơ quan chức năng thì không sao. Ngược lại, chủ rừng không biết gì, để cơ quan công an, kiểm lâm họ vào xử lý trước, thì mình sẽ bị buộc tội “buông lỏng quản lý”, sẽ bị buộc trách nhiệm, bị xử lý tuỳ hậu quả nặng hay nhẹ. Trách nhiệm lớn lắm. Vì thế, ngoài việc phải tuần tra thường xuyên, còn phải cố gắng tạo quan hệ tốt với người dân địa phương, đặc biệt những đối tượng chuyên vào phá rừng, nhiều khi chỉ cần mình làm gì họ ghét, họ lén vào rừng chặt vài cây, rồi báo kiểm lâm mà mình không biết gì, là mệt”, Hoàng Thuỳ nói.

Rừng Nam Tây Nguyên có rất nhiều suối sâu, không thể lội qua, lực lượng bảo vệ phải qua 'cầu' bằng cách này. Ảnh: Công ty Lâm Nghiệp Nam Tây Nguyên.

Rừng Nam Tây Nguyên có rất nhiều suối sâu, không thể lội qua, lực lượng bảo vệ phải qua "cầu" bằng cách này. Ảnh: Công ty Lâm Nghiệp Nam Tây Nguyên.

Anh Đỗ Thành Tâm, người có thâm niên 12 năm làm bảo vệ rừng ở một trong những “chảo lửa” rừng Cát Tiên trước khi được bổ nhiệm Phó giám đốc BQL RPH Thác Mơ, kể: “12 năm làm bảo vệ rừng, chuyện gì tôi cũng trải qua rồi. Hồi đó, rừng chưa đóng cửa, phần lớn người dân ở ven rừng là dân di cư, đồng bào thiểu số, họ sống dựa vào rừng. Nên thời gian đầu việc ngăn chặn rất khó khăn, mình giám sát họ, ngược lại, họ cũng giám sát mình, họ theo dõi quy luật tuần tra, giờ đi về, ăn nghỉ của mình, canh lúc sáng sớm hay chiều tối, khi mình chưa đi hoặc đã về, họ mới vào rừng cưa cây.

Để đối phó họ, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết, thay đổi giờ tuàn tra, di đường vòng xa hơn gấp 2 con đường cũ. Nắm rõ đối tượng nào thường vào khu vực nào, sau đó liên hệ kiểm lâm địa bàn, công an đến phối hợp, canh đúng lúc họ đang cưa cây, áp sát khống chế, bắt quả tang. Nếu chỉ có lực lượng chủ rừng thì không làm gì được, vì có thời điểm chủ rừng chỉ có công cụ hỗ trợ là gậy cao su, bây giờ thì đỡ hơn chút là có thêm súng bắn đạn cao su, hơi cay.

Nhưng nếu phát hiện đối tượng phá rừng, mình không được bắt giữ người, lúc đó họ chống đối rồi bỏ đi, mình cũng chịu, chưa kể, những đối tượng phá rừng ai cũng lăm lăm dao, gậy trong tay, rất manh động.

Các bảo vệ rừng thường đi nhóm từ 3-4 người để hỗ trợ nhau, nhưng do thiếu người nên thỉnh thoảng chỉ có 2 người xuyên rừng, khiến rủi ro, khó khăn tăng thêm. Ảnh: Phúc Lập.

Các bảo vệ rừng thường đi nhóm từ 3-4 người để hỗ trợ nhau, nhưng do thiếu người nên thỉnh thoảng chỉ có 2 người xuyên rừng, khiến rủi ro, khó khăn tăng thêm. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù vậy, khi đã lập biên bản, đưa tang vật về kiểm lâm rồi cũng không yên được. Vì những đối tượng này cứ vác dao rựa lượn lờ trước cổng, khiến nhiều kiểm lâm viên sợ, không dám mạnh tay. Chúng tôi sau đó một mặt vẫn tiếp tục truy quét, mặt khác vào tận nhà đối tượng, nhỏ to khuyên nhủ họ. Nhiều lần như vậy, rồi cũng có chuyển biến.

Nhiều người chấp nhận đổi nghề, không vào phá rừng nữa. Ngoài ra, chúng tôi đề xuất chính quyền địa phương kiểm tra toàn bộ những xưởng mộc ở địa phương gần rừng, chỉ cần có gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ là xử phạt, rút giấy phép. Nhờ vậy mà tình trạng phá rừng giảm hẳn”.

Và những rủi ro rình rập 

Với những người bảo vệ rừng, khi đã bước chân vào rừng là đối mặt với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm, bất kể là ngày hay đêm, từ nguy cơ đối mặt lâm tặc đến những tai nạn bất ngờ.

Thời điểm này, rừng ở Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã không còn là “điểm nóng” phá rừng như cách đây 7-8 năm nữa, nhưng không vì thế mà những “chiến binh” giữ rừng ở đây bớt vất vả.

Vào mùa mưa, những con suối này có thể bất ngờ cuốn trôi người nếu có mưa ở đầu nguồn khiến nước đổ về mà không biết. Ảnh: Phúc Lập.

Vào mùa mưa, những con suối này có thể bất ngờ cuốn trôi người nếu có mưa ở đầu nguồn khiến nước đổ về mà không biết. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Phạm Quang Trung, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4, kể: “Cách đây trên dưới chục năm, lúc đó tình hình phá rừng ở đây rất nóng, anh em bảo vệ đối mặt với lâm tặc như cơm bữa, tôi và nhiều anh em khác từng bị chúng đánh hội đồng bầm dập, sứt đầu, mẻ trán, đổ máu, phải nhập viện. Những lúc đó, chúng tôi chỉ tự bảo vệ mình bằng cách bỏ chạy, gọi công an, kiểm lâm đến hỗ trợ chứ không dám chống trả, phần vì sợ bị trả thù, phần vì đánh lại, lỡ họ bị thương tích, kiện lại mình thì rắc rối, có khi mình lại thành người có tội. Cho nên, khi phát hiện phá rừng, chúng tôi chỉ lập biên bản thống kê diện tích rừng bị chặt phá rồi báo cáo Hạt Kiểm lâm và chính quyền sở tại xử lý".

Anh Trung cho biết, bây giờ nhờ công tác tuyên truyền, rồi hợp tác, giao khoán rừng cho dân bản địa quản lý, bảo vệ, tình trạng phá rừng đã giảm hẳn. Nhưng những khó khăn, vất vả, rủi ro khác thì vẫn còn đó. Vào mùa mưa, ngoài chuyện ăn cơm chan canh bằng nước mưa, người chi chít vết vắt cắn ra, thì còn nhiều rủi ro khác rình rập. Trong đó, nguy hiểm nhất là bị nước suối cuốn trôi.

“Rừng Nam Tây Nguyên rất nhiều suối, sau cơn mưa nước chảy mạnh, hoặc vừa mưa ở đâu đó phía trên nguồn, nếu không biết mà lội suối, nước đổ về bất thình lình, có thể chạy không kịp, người chưa có kinh nghiệm đi rừng, chưa thông thuộc địa hình khe, suối, rất dễ bị cuốn, không cẩn thận mất mạng như chơi. Một nguy cơ khác là bị rắn độc cắn, hoặc không để ý, lỡ va, đạp trúng tổ ong mặt quỷ thì khó bảo toàn tính mạng”, anh nói.

Với lực lượng bảo vệ rừng, ngủ võng ngon hơn ngủ trên giường nệm ỏ nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Với lực lượng bảo vệ rừng, ngủ võng ngon hơn ngủ trên giường nệm ỏ nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Một trong những tai nạn do rừng mang lại cho hầu hết những người bảo vệ rừng, quanh năm ăn suối ngủ rừng, là sốt rét. Anh Trung cho biết, những năm đầu làm bảo vệ rừng, cứ vào mùa mưa là anh lại tái phát bệnh sốt rét. Sau này, anh không còn bị tái lại, nhưng nước da thì xanh tái. Còn vào mùa khô, một loại côn trùng khác, dù không gây sốt, nhưng cũng vô cùng khó chịu, đó là ve rừng cắn. Và tôi chính là “nạn nhân” của ve rừng.

Ngay đêm đầu tiên ngủ rừng thức dậy, 2 cánh tay trần của tôi đã chi chít vết đỏ. Ban đầu tôi nghĩ do muỗi đốt, nhưng không thấy ngứa, sau 2 ngày, những vết đỏ lan rộng, bằng cỡ hạt đậu xanh, và bắt đầu ngứa. Mặc dù tôi đã dùng đến 3 loại thuốc bôi mà không bớt.

Sau khi chụp hình những vết cắn gửi cho anh Tâm, Phó giám đốc BQL RPH Thác Mơ, để thắc mắc mới biết đó là vết ve rừng cắn.

“Chắc do lúc ngủ anh để 2 tay ra ngoài võng nên bị cắn. Loài này rất độc, rất lâu mới lành hẳn, nếu lúc bị cắn mà biết, dùng cặp càng của con ve xoa lên vết cắn thì mau hết”, anh Tâm nói.

Lò Hoàng Thuỳ, nhân viên BQL RPH Thác Mơ: 'Nếu để xảy ra phá rừng nghiêm trọng trên địa phận mình quản lý mà không biết, có thể bị truy tố hình sự, ở tù như chơi'. Ảnh: Phúc Lập.

Lò Hoàng Thuỳ, nhân viên BQL RPH Thác Mơ: "Nếu để xảy ra phá rừng nghiêm trọng trên địa phận mình quản lý mà không biết, có thể bị truy tố hình sự, ở tù như chơi". Ảnh: Phúc Lập.

“Những người trực tiếp làm công tác  bảo vệ rừng như chúng tôi phải đối mặt rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình tuần tra, đi lại, mùa nắng đã vất, mùa mưa càng vất hơn. Trong khi trách nhiệm rất lớn, nhưng quyền hạn của chủ rừng như chúng tôi lại rất ít.

Vì không được quyền bắt người, nênkhi phát hiện người dân đốt, phá rừng, lấn chiếm đất rừng hay vận chuyển lâm sản trái phép... chúng tôi gần như không làm gì được họ, chỉ lập biên bản. Nhưng lập biên bản mà họ không ký, hoặc khai không đúng tên tuổi, thì mình cũng không biết làm sao xác minh. Muốn áp chế họ, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ cửa công an, kiểm lâm.

Thế nhưng, hỗ trợ không phải dễ. Vì hiện trường xa nên khi lực lượng chức năng đến nơi thì những đối tượng này đã bỏ đi rồi. Trong khi phần lớn những người vi phạm sẵn sàng làm liều, chống trả bảo vệ để cướp tang vật”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão hoạt động trên Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu mạnh lên thành bão, thì đây là cơn bão số 10 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2024.