| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi sắp hết nguyên liệu

Thứ Ba 14/04/2020 , 14:12 (GMT+7)

Những tưởng dịch Covid-19 là cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam bởi đây là mắt xích đầu vào quan trọng của ngành thực phẩm, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Đa phần các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam chỉ đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất 3 - 6 tháng tới. Ảnh: Đăng Quân.

Đa phần các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam chỉ đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất 3 - 6 tháng tới. Ảnh: Đăng Quân.

Nhiều doanh nghiệp tháng 5 là hết nguyên liệu

Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu công bố năm 2019 đạt xấp xỉ 20 triệu tấn. Nếu cộng cả thức ăn thủy sản con số này có thể lên tới trên 30 triệu tấn.

Mặc dù là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của khu vực nhưng Việt Nam hiện tại chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khi phần lớn phải nhập khẩu ngũ cốc, phụ gia lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm, giá trị lên tới hàng tỷ USD.

Những thị trường nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính của Việt Nam là Mỹ, Nam Mỹ, EU, Nga,… khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến việc giao thương và hệ thống logistic gần như tê liệt.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đang khiến ngành vận tải biển và đường bộ gặp vô vàn khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động.

Sau khi tiến hành rà soát, ông Vũ Anh Tuấn cho biết, nguồn nguyên liệu tích trữ của C.P Việt Nam hiện chỉ đủ để sản xuất đến hết tháng 5/2020. Nếu đại dịch Covid-19 trên thế giới trong thời gian tới không suy giảm, việc nhập khẩu ngô, khô dầu đậu tương, phụ gia thức ăn chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nữa. Do đó, kịch bản khủng hoảng thiếu nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi trong vai ba tháng tiếp theo hoàn toàn có thể xảy ra.

Còn theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Mavin, dịch Covid 19 diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi của Mavin cũng như của các doanh nghiệp trên thị trường.

Đó là hạn chế vận chuyển, giảm tần suất chuyến hàng, kiểm tra hàng hóa tại điểm đi và điểm đến chặt chẽ hơn khiến chi phí logistic tăng cao. Ngoài ra, giá nguyên liệu ngũ cốc trên thế giới xu hướng tăng trong thời gian qua. Thêm vào đó, tâm lý lo ngại nguồn cung nguyên liệu có thể bị ảnh hưởng do dịch bệnh ảnh hưởng tới các vùng trồng nguyên liệu trên thế giới đã dẫn tới chi phí nhập khẩu nguyên liệu cả trong và ngoài nước tăng lên.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Mavin, ở thời điểm hiện tại đối với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lớn như Mavin vẫn có thể đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra bình thường từ 3 - 6 tháng. Nhưng trước rủi ro dịch bệnh có thể kéo dài, Mavin cũng đang xem vét và nghiên cứu các nguồn nguyên liệu thay thế khác.

Nhiều nước trên thế giới cũng đang đau đầu vì giá ngũ cốc tăng cao, mới đây Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu Nam Mỹ đang tính tới phương án nhập khẩu ngô từ nước ngoài sau khi nước này bị mất mùa do hạn hán. Tuy nhiên, việc nhập khẩu ngũ cốc từ thị trường lớn nhất là Mỹ của Brazil không chỉ gặp thách thức bởi đại dịch Covid-19 mà còn do sự chênh lệch tỷ giá đồng tiền nội địa với đồng đô la Mỹ khiến giá tăng cao, qua đó đẩy giá thành chăn nuôi đội lên rất lớn.

Ngay từ lúc này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ngành chăn nuôi cần phải rà soát, tính toán nghiêm túc trong trường hợp xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn, con giống. Ảnh: Toan Vũ.

Ngay từ lúc này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ngành chăn nuôi cần phải rà soát, tính toán nghiêm túc trong trường hợp xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn, con giống. Ảnh: Toan Vũ.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt còn khó mua

Dù ở thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn đủ nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong vài ba tháng tới, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi giá nguyên liệu phục vụ ngành thức ăn chăn nuôi đã tăng chóng mặt trong thời gian qua.

Cụ thể, mặt hàng ngô tăng đột biến từ 5.600 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương tăng từ 9.000 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg, một số sản phẩm phụ gia trong ngành thức ăn chăn nuôi như lysine, a xít amin thậm chí tăng giá mấy trăm %.

Việc khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng đã vô hình chung kéo giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam thời gian gần đây phải điều chỉnh tăng 2 lần, từ 200 - 1.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp cố gắng không tăng giá bán thức ăn chăn nuôi thì chọn giải pháp giảm chiết khấu hoa hồng cho đại lý cấp 1, cấp 2.

Theo ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội chia sẻ, kịch bản cung cầu nguyên liệu đầu vào cho ngành thức ăn chăn nuôi giai đoạn hậu Covid-19 cần phải được các cơ quan quản lý xem xét nghiêm túc ở thời điểm này.

Bởi nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, cần bù đắp lượng nguyên liệu thiếu hụt như thế nào, nguyên liệu có thể thay thế ở trong nước như ngô, gạo, sắn, khoai lang, cơm dừa,… ra sao, đáp ứng được bao lâu,... phải được thống kê đầy đủ, nếu không nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi hoàn toàn có thể xảy ra.

Hơn nữa, theo ông Võ Việt Dũng, chiến tranh dầu mỏ trên thế giới đang khiến rất nhiều nhà máy sản xuất cồn ethanol của Mỹ phải đóng cửa nên lượng DDGS bị khan hiếm nghiêm trọng, trong khi Việt Nam và Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào nguồn DDGS nhập khẩu từ Mỹ để phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi.

Ông Dũng cho biết, mặc dù hiện giá DDGS đã tăng hàng chục % từ trên 200 USD/tấn lên xấp xỉ 300 USD/tấn, bột thịt xương cũng tăng từ 320 - 350 USD tấn/tấn lên 420 - 470 USD/tấn, nhưng khổ nỗi không có hàng để mà mua bởi hệ thống cảng biển trên thế giới hiện nay gần như tê liệt và chưa biết khi nào mới thể hoạt động bình thường trở lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi đã nhìn thấy khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nên đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động trong việc đáp ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời, Cục cũng tham mưu Bộ NN-PTNT, các địa phương tạo điều kiện lưu thông các mặt hàng phục vụ sản xuất, vật tư nông nghiệp trong thời gian cách ly xã hội. Bên cạnh đó, Cục cũng chủ động liên hệ với tham tán thương mại tại một số thị trường nhập khẩu quan trọng để nắm được thông tin, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhờ giống cây trồng cải tiến

CropLife Việt Nam, Syngenta, BiOWISH đã phát triển nhiều công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm tăng cường sức khỏe cây trồng, tiết kiệm phân bón, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.