| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nơi trồng keo thực chất không có lãi

Thứ Hai 11/04/2022 , 09:05 (GMT+7)

QUẢNG NAM Chiếm gần 98% diện tích rừng trồng của tỉnh Quảng Nam, song việc trồng keo quảng canh, không theo kỹ thuật lâm sinh nên nhiều nơi, người trồng rừng thực chất không có lãi.

Cây keo là cây rừng trồng sản xuất chủ yếu ở Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Cây keo là cây rừng trồng sản xuất chủ yếu ở Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Bài liên quan

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 12/2021, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh gần 768.500ha. Trong đó có hơn 680.000ha diện tích đất có rừng gồm trên 463.000ha diện tích rừng tự nhiên và gần 217.000ha rừng trồng.

Hàng năm, rừng ở Quảng Nam cung cấp gần 1,2 triệu m3 gỗ tiêu dùng trong nước và chế biến phục vụ xuất khẩu; giá trị sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và xuất khẩu của tỉnh này khoảng 1.433 tỷ đồng, chiếm 10,46% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, góp phần tạo việc làm trong lĩnh vực lâm nghiệp cho người dân và giúp các hộ gia đình thoát nghèo.

Hiện nay, rừng trồng ở Quảng Nam vẫn chủ yếu là cây keo khi chiếm đến gần 98% diện tích, phân bố tại 18/18 huyện, thị của tỉnh. Cây keo đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân ở các huyện miền núi và trung du xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Tuy vậy, chất lượng và năng suất rừng keo ở Quảng Nam vẫn chưa cao, sản phẩm gỗ từ loại cây này chủ yếu cung cấp cho các cơ sở, nhà máy chế biến dăm, dẫn đến hiệu quả kinh tế và tính bền vững chưa cao. Tại nhiều địa phương, sau từ 4 - 5 năm trồng, doanh thu mà cây keo mang lại chỉ đạt khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha, sau khi trừ các chi phí lợi nhuận không đáng kể.

Trong chuyến khảo sát của Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) ở Quảng Nam mới đây cho thấy, thực trạng trồng cây keo trên địa bàn tỉnh này vẫn còn nhiều bất cập. Tại huyện Nam Trà My, sau khi khai thác lứa keo ở chu kỳ đầu, người dân thường đốt thực bì, sau đó để cho hạt tự mọc lên. Điều này dẫn đến cây mọc không theo hàng lối, chỗ dày chỗ thưa. Trong khi mật độ trồng keo chỉ được khuyến cáo khoảng 3.300 cây/ha thì nhiều diện tích ở đây lại để đến 6.000 - 7.000 cây/ha.

Trồng keo không đúng kỹ thuật lâm sinh không chỉ khiến nông dân không có lãi, mà còn gây nhiều hệ lụy về môi trường. Ảnh: L.K.

Trồng keo không đúng kỹ thuật lâm sinh không chỉ khiến nông dân không có lãi, mà còn gây nhiều hệ lụy về môi trường. Ảnh: L.K.

“Cây keo mọc từ hạt của chu kỳ trước nên sẽ có sự phân ly rất lớn, chất lượng, sức sống của cây giảm đi đáng kể. Ngoài ra, người dân lại ít bón phân cũng như can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật, thậm chí hầu như không chăm sóc. Các địa điểm ở huyện Nam Trà My đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, trên địa bàn không có cơ sở thu mua, tốn kém tiền vận chuyển, sau khi trừ chi phí người dân không có lãi”, ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng đánh giá.

Theo ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cây keo chiếm tỷ lệ rất lớn trong diện tích rừng sản xuất của tỉnh. Trong vài năm trở lại đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như ngành lâm nghiệp đã có nhiều chỉ đạo tích cực trong vấn đề cải thiện giải pháp lâm sinh đối với rừng sản xuất, nhưng hiện nay vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, cần phải cải thiện.

Bên cạnh vấn đề về kỹ thuật trồng đa số là quảng canh, chưa có sự thâm canh, địa điểm trồng chưa phù hợp thì còn có thêm yếu tố về giống. Trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất, cung ứng giống thật sự bài bản. Tỉnh Quảng Nam cũng tích cực trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống keo nhưng đến giờ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.  

“Đến thời điểm hiện tại thì cây keo vẫn là cây chủ lực đối với rừng sản xuất ở Quảng Nam. Đa số người dân chưa thể thay thế được bằng cây trồng khác, mà cây trồng khác cũng chưa biết là cây gì, hiệu quả chưa được chứng minh. Mặc dù vậy, tình trạng nhiều nơi vẫn trồng keo chưa đúng kỹ thuật như hiện nay thì không những hiệu quả mang lại không cao mà còn làm yếu đi thảm thực vật, tạo ra hệ sinh thái, môi trường không được như mong muốn”, ông Út nói.

Cũng theo ông Út, từ thực tế này, việc chuyển từ rừng trồng keo gỗ nhỏ sang gỗ lớn là một giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, đặc thù của tỉnh Quảng Nam thường xuyên hứng chịu những cơn bão nên nếu lưu rừng trong một thời gian dài cũng sẽ tồn tại rủi ro.

Theo Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp), những khu vực có độ dốc lớn, giao thông khó khăn cần nghiên cứu chuyển cây keo sang các loại cây trồng lâm nghiệp khác là phù hợp hơn. Ảnh: L.K.

Theo Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp), những khu vực có độ dốc lớn, giao thông khó khăn cần nghiên cứu chuyển cây keo sang các loại cây trồng lâm nghiệp khác là phù hợp hơn. Ảnh: L.K.

Hiện nay, tỉnh này cũng đang nghiên cứu để có phương án phù hợp nhất như có bảo hiểm rừng trồng hoặc liên kết với các doanh nghiệp để phát triển được những cánh rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 30.000ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế.

Ngoài ra, địa phương này cũng hướng tới việc đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất rừng sản xuất, phát triển các loại cây bản địa phù hợp nhằm tạo ra giá trị sản xuất bền vững. Đặc biệt, sẽ định hướng thay thế cây keo ở những vùng núi cao, có độ dốc lớn, hạ tầng giao thông trở ngại bằng các loại cây lâm nghiệp phù hợp xen lẫn với cây dược liệu dưới tán rừng như ba kích, đảng sâm, sa nhân hay sâm Ngọc Linh...

Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiêp) cho biết: Tỉnh Quảng Nam đã có định hướng rất cụ thể, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Việc trồng cây gì cho phù hợp trên đất lâm nghiệp, địa phương có thể khảo sát và tham khảo qua tập đoàn giống gồm 32 loài, cây trồng chủ yếu cho 8 vùng sinh thái lâm nghiệp mà Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT.

“Đối với những vùng trồng keo, người dân nên chú trọng công tác về giống cũng như áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật. Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, keo là loại cây họ đậu, có bộ rễ phát triển và có những nốt sần cố định đạm trong đất, những cành lá rụng tạo thêm mùn cho đất, sinh trưởng nhanh, xanh quanh năm. Nếu chú trọng được những yếu tố này thì không những mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, chống xói mòn, cải tạo đất”.

Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp).

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.