| Hotline: 0983.970.780

Cần chính sách bảo hiểm cho rừng trồng gỗ lớn

Thứ Hai 11/04/2022 , 07:47 (GMT+7)

Muốn phát triển cây keo bền vững, cần sớm xây dựng chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, nhất là vùng có nguy cơ, rủi ro lớn do thiên tai...

Còn nhiều điểm nghẽn

Cây keo là một trong những cây trồng rừng sản xuất chủ lực của Việt Nam. Các loài keo đã khẳng định vai trò quan trọng trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, chống xói mòn, chống cát bay, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản… Rừng trồng keo mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các khu vực miền núi…

Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm Nghiệp). Ảnh: Trung Quân.

Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm Nghiệp). Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Tuy nhiên, việc nhận thức đúng về vai trò của cây keo, tìm ra hướng đi bền vững, giá trị cao cho loại cây này vẫn đang là bài toán chưa tìm được lời giải đích đáng. Trong tất cả các khâu từ giống, kỹ thuật canh tác, khai thác... đều gặp phải những “điểm nghẽn”.

Trong khâu giống, chưa có quy định quản lý đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn sản xuất, kinh doanh giống nhỏ lẻ, dẫn tới chưa kiểm soát được kết quả sản xuất, kinh doanh giống của đối tượng này, trong khi đây là lực lượng chiếm 15% lượng cây giống sản xuất hàng năm.

Chưa có quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất sử dụng vốn vay ngân sách nhà nước hoặc các chương trình dự án tài trợ khác phải sử dụng giống mô, hom đối với các loài cây trồng lâm nghiệp chính đã nhân giống được bằng mô, hom để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Thực thi pháp luật về công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp ở nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm, chặt chẽ theo quy định của pháp luật, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm còn hạn chế.

Chưa xây dựng được các mô hình trình diễn sản xuất keo thực tế, hiện mới chỉ mới chỉ công nhận qua các mô hình khảo nghiệm, dẫn đến các địa phương e dè rủi ro khi sử dụng giống mới…

Công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp ở nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm. Ảnh: TL.

Công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp ở nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm. Ảnh: TL.

Bài liên quan

Trông khâu canh tác, các tổ chức, cá nhân thường thiếu vốn để đầu tư trồng rừng thâm canh và kéo dài chu kỳ để kinh doanh gỗ lớn. Mặt khác, nhận thức của nhiều hộ dân về giá trị hiệu quả của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn còn hạn chế. Quỹ đất lâm nghiệp manh mún, không tập trung, chủ yếu quy mô hộ gia đình diện tích từ 1 - 2 ha. Trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài và rủi ro cao (thiên tai, thị trường, giá cả..) trong khi chưa có chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng.

Việc liên doanh, liên kết giữa người dân với doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn theo chuỗi từ khâu trồng rừng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển mạnh và thiếu ổn định.

Kết cấu hạ tầng lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác đầu tư phát triển rừng gỗ lớn từ khâu trồng, tỉa thưa, khai thác, vận chuyển với chi phí rất cao.

Trồng rừng chủ yếu vẫn ở mức thâm canh thấp, đào hố nhỏ, không bón phân hoặc bón phân không đủ liều lượng, chăm sóc ít lần nên rừng sinh trưởng chậm, năng suất thấp…

Cần quản chặt chất lượng giống keo

Keo là cây dễ trồng, giống dễ sản xuất, nhu cầu của thị trường đang rất lớn… Do đó, người dân đã tận dụng tối đa những diện tích đất trống, đồi trọc để trồng cây keo, nhu cầu về cây keo giống là rất lớn. Từ đây, xuất hiện những cơ sở sản xuất giống không đạt tiêu chuẩn, nhiều hộ tự nhân giống trồng tự phát, không theo khuyến cáo của địa phương…

Cần siết chặt việc quản lí chất lượng giống keo. Ảnh: NNVN.

Cần siết chặt việc quản lí chất lượng giống keo. Ảnh: NNVN.

Bài liên quan

Điều này dẫn tới hệ lụy rất lớn, không những làm giảm khả năng sinh trưởng phát triển của cây, hiệu quả kinh tế thấp mà lâu dài có thể phá vỡ quy hoạch phát triển rừng của nhiều địa phương. Những diện tích trồng không đúng kỹ thuật, mật độ dày trên địa hình quá dốc, nơi có nguy cơ xảy ra gãy đổ cao rất dễ dẫn đến hiện tượng sạt lở đất hoặc làm giảm chất lượng đất…

Để khắc phục tình trạng này, bản thân mỗi địa phương cần chủ động nắm bắt, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn theo quy định tại nghị định 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ về công tác quản lý giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng giống từ khâu công nhận giống, nguồn giống và vật liệu giống theo Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng giống cây có năng suất, chất lượng cao, giống mô, hom và sản xuất gỗ lớn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức cá nhân trên địa bàn có sở sở nuôi cấy mô sản xuất cây giống quy mô công nghiệp để hạ giá thành cây giống phục vụ trồng rừng…

Về phía các cơ quan quản lý, cần hỗ trợ giống gốc cho các cơ sở sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống keo phục vụ trồng rừng tại các vùng sinh thái có diện tích trồng rừng keo lớn (Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ…).

Cần có quy hoạch, điều tra lập địa bài bản cho việc phát triển cây keo. Ảnh: NNVN.

Cần có quy hoạch, điều tra lập địa bài bản cho việc phát triển cây keo. Ảnh: NNVN.

Đề xuất, bổ sung, sửa đổi quy định bắt buộc sử dụng giống mô, hom (với những loại đã nhân giống được theo phương pháp này) để trồng rừng đối với các trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước, chương trình dự án tài trợ trồng rừng.

"Cần rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách đất đai, miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất đối với những diện tích trồng rừng, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện.

đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, hệ thống đường lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, theo cơ chế như đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi hiện nay, giúp giảm chi phí đầu tư cho các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng kinh doanh gỗ lớn. Đổi mới chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư trồng rừng sản xuất…".

(Ông Triệu Văn Lực).

Xây dựng chính sách bảo hiểm rừng trồng

Bài liên quan

Thực tế hiện nay, qua quá trình Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm Nghiệp, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật…, nhiều mô hình phát triển trồng keo kinh doanh gỗ lớn hiệu quả đã xuất hiện.

Có thể kể đến mô hình keo tai tượng tại Quảng Ninh (8 tuổi), sau 2 lần tỉa thưa mật độ hiện tại 600 cây/ha, trữ lượng 127,17 m3/ha (cao hơn 5,7% so với rừng không chuyển hóa 120 m3/ha), đường kính bình quân rừng chuyển hóa (18 cm) cao hơn 27,7 % so với rừng không chuyển hóa (13 cm). Do vậy, giá trị kinh tế cao hơn (gỗ nhỏ đường kính 13 cm giá bán gỗ 800.000 đồng/m3, giá bán gỗ lớn >15 cm, giá bán 2 triệu đồng/m3).

Hiện nay, việc tận dụng các loại hình sản xuất khác dưới tán rừng keo vẫn còn rất hạn chế. Ảnh: Hồng Hải.

Hiện nay, việc tận dụng các loại hình sản xuất khác dưới tán rừng keo vẫn còn rất hạn chế. Ảnh: Hồng Hải.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, rừng trồng keo bắt đầu khai thác ở tuổi 5, nếu kéo dài thêm 1 năm giá trị gia tăng tương ứng là 1,57 lần và kéo dài thêm 5 năm là 4,24 lần, thời điểm khai thác tối ưu đối với rừng trồng keo tuổi 10 - 15 năm tuổi…

Tuy nhiên, một vấn đề mà hầu hết các chủ rừng hiện nay đều quan tâm và tỏ ra ái ngại là khi thực hiện phát triển rừng gỗ lớn theo khuyến cáo của các đơn vị quản lý là rủi ro lớn. Các yếu tố ngoại cảnh như bệnh dịch, thiên tai, cháy rừng… luôn rình rập và xảy đến bất cứ khi nào. Khi biến cố xảy ra ai sẽ người đồng hành, bảo vệ, đảm bảo lợi ích kinh tế cho các chủ rừng, trong khi toàn bộ chi phí đầu tư đều do chủ rừng chi trả.

Do đó, việc xây dựng chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn để người trồng rừng yên tâm đầu tư kinh doanh gỗ lớn, nhất là những vùng có nguy cơ, rủi ro lớn do thiên tai là việc làm hết sức cần thiết và có tính lâu bền.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ ban đầu (kinh phí) cho các chủ rừng kinh doanh gỗ lớn để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo chuẩn quốc tế nhằm tăng giá trị sản phẩm và hội nhập thị trường quốc tế…

Việc tận dụng rừng keo để phát triển đa dạng các loại hình kinh tế như kết hợp trồng cây dưới tán rừng, phát triển nông lâm kết hợp… là việc hoàn toàn có thể làm được. Vừa giúp người trồng rừng có thêm thu nhập trong thời gian dài, vừa tăng cường cải tạo, bảo vệ đất, chống xói mòn… bền vững.

Tuy nhiên, các hộ sản xuất phải hết sức lưu ý chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích sản xuất, kinh doanh và điều kiện lập địa nơi trồng. Ở mỗi vùng sinh thái khác nhau, điều kiện khác nhau sẽ chọn loại cây trồng xen phù hợp. Ví dụ, một số nơi có thể trồng xen cây nông nghiệp như sắn, ngô. Một số nơi khác có thể trông ba kích, san nhân…; các tỉnh miền Tây Nam Bộ có thể trồng rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng...

(Ông Triệu Văn Lực).

Trung Quân (Ghi)

Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp).

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.