Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đến nay, toàn tỉnh mới có 30/94 xã ở khu vực miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đối với 6 huyện miền núi cao có 10/64 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tỷ lệ đạt chuẩn 16% (riêng huyện Nam Giang chưa có xã đạt chuẩn NTM). Bên cạnh đó, toàn bộ 9 huyện này chưa có huyện nào có xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Những địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đa số đều có điểm xuất phát thấp, hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực trong nhân dân còn hạn chế nên quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM mới đều gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bộ tiêu chí mới để đánh giá được ban hành với nhiều chỉ tiêu theo hướng nâng cao và toàn diện hơn. Điều này đã dẫn đến tình trạng rất nhiều xã bị rớt tiêu chí.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định của Trung ương thì đối với các xã miền núi cao, khi xã đạt chuẩn NTM thì sẽ không được đánh giá tiêu chí NTM ở khu vực 1 (như khu vực miền núi phía Bắc) mà phải đánh giá theo tiêu chí ở khu vực 2 (khu vực duyên hải Nam Trung bộ). Đây là điều rất khó để các xã miền núi cao của tỉnh này duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.
“Như tiêu chí thu nhập, nếu đánh giá theo khu vực 1 (trung du miền núi phía Bắc) thì năm 2022 thu nhập chỉ cần đạt 39 triệu đồng, còn khu vực 2 (duyên hải Nam Trung bộ) là 44 triệu đồng, chênh lệch 5 triệu đồng; hay như tiêu chí 11 nghèo đa chiều, nếu tính khu vực 1 là 13%, còn khu vực 2 là 5%, chênh nhau 8%, rất lớn so với miền núi; và còn rất nhiều chỉ tiêu, tiêu chí có tỷ lệ chênh nhau từ 20%-30% giữa khu vực 1 và khu vực 2”, ông Tấn lý giải.
Cùng với đó, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở các huyện miền núi cũng rất khó khăn khi quy mô sản xuất tại những vùng này hầu hết còn manh mún, nhỏ lẻ. Năng suất, sản lượng một số cây trồng, con vật nuôi chưa cao, hiệu quả thấp. Các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến còn phân tán. Các nguồn lợi chưa được khai thác hợp lí, đầu ra của thị trường còn nhiều bấp bênh, không ổn định…
Bên cạnh điều kiện nội tại thì các nguồn hỗ trợ để các xã miền núi xây dựng NTM cũng còn rất hạn chế. Tại Quảng Nam hiện nay, trong 5 năm, nguồn vốn hỗ trợ Chương trình NTM chỉ gần 1,9 tỷ/xã. Do đó, việc thực hiện tiêu chí NTM chủ yếu trông chờ vào nguồn lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên việc này cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa thật sự gắn với các tiêu chí NTM để đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình đề ra.
“Cùng với đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn này còn hạn chế so với các vùng trên cả nước (ngân sách Trung ương giảm gần 60%, vốn đầu tư ngân sách tỉnh giảm khoảng 50% so với giai đoạn trước) nên khó khăn trong cân đối hỗ trợ cho địa phương miền núi”, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nói.
Theo Văn phòng Điều phối NTM Quảng Nam, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 15 xã miền núi cao thuộc khu vực xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tổng ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ gần 21 tỷ đồng/xã. Trong khi đó, so với điều kiện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí mới thì mỗi xã cần hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng.
Trước thực tế này, các huyện kiến nghị tỉnh xem xét, bổ sung nguồn lực ngoài nguồn vốn trung hạn đã được cân đối khoảng 5 tỷ đồng/xã. Đồng thời xem xét hỗ trợ thêm kinh phí cho các xã miền núi cao đã đạt chuẩn NTM với mức hỗ trợ bình quân 5 tỷ đồng/xã nhằm để có điều kiện duy trì, nâng chuẩn theo Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025.