| Hotline: 0983.970.780

Nhìn cánh chim để đi khắp biển Đông

Thứ Ba 05/12/2017 , 14:30 (GMT+7)

Tàu không có thiết bị định vị thì ngư dân giống như người bị bịt mắt đi trên biển. Vậy nhưng nhiều năm trước, lão ngư dân Nguyễn Văn An là một trong những ngư dân đã mò mẫm trên biển để đi hết các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ra tới vùng biển giáp ranh.

Những chuyến đi tưởng không có ngày về của đội ngũ ngư dân thời đó đã tạo nguồn cảm hứng cho trai tráng biến nơi đây thành thủ phủ nghề câu của cả nước.
 

Con tàu lạ

Vào một buổi chiều cách đây hơn 20 năm, có một chiếc tàu mang biển số Bình Định xuất hiện từ phía đường chân trời rồi từ từ tiến đến đảo Song Tử Tây. Lính trên đảo xuống thăm ngư dân và ngớ người ra và bảo “các bác giỏi quá rồi, các bác đi mấy trăm hải lý từ miền Trung ra đảo mà trên tàu chả có định vị, hải đồ gì cả”.

Người cầm lái con tàu đó là ngư dân Nguyễn Văn An (SN 1951). Ông cho biết mình đã đi nát các đảo ở Hoàng Sa, giờ chuyển vô Trường Sa làm nghề câu cá mập và sẽ tiếp tục đi ra mạn ngoài mấy trăm hải lý nữa. Lính đảo ồ lên khi nghe ông nói “việc đi này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm xem nước, xem sao, hít mùi rong rêu và nhìn bầy chim trời”.

08-42-51_1_ngu_dn_nguyen_vn_n
Lão ngư dân Nguyễn Văn An bên 2 con tàu của mình

Tôi gặp lại ngư dân nổi tiếng đi dọc ngang trên biển Đông mà không cần định vị sau cơn bão số 5. Hai con tàu của ông chuẩn bị xuất bến đi khơi (BĐ 97587 TS và BĐ 96776 TS).

Lão ngư dân Nguyễn Văn An với dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc phơ trên trán hói ra bến kiểm tra tàu. Lúc già, gác chèo, ông giao tàu cho người cháu và cậu con trai điều khiển. Những kình ngư trẻ hơn ông về sức vóc nhưng kinh nghiệm đi biển thì vẫn phải gọi ông An là thầy. Vì trên tàu hiện nay có đầy đủ thiết bị vệ tinh và không ai dám cắt thiết bị này để đi biển bằng mắt và mũi như ông An.

Nhìn bóng con tàu xa khuất, ông hồi tưởng về cửa biển Tam Quan năm 1967, ngư dân Nguyễn Liêm dắt cậu bé An 16 tuổi xuống thuyền để bắt đầu cuộc đời với biển cả. Cậu bé An học được kinh nghiệm nhìn sao Máng, sao Cày, sao Bắc Đẩu, nhìn ráng đỏ trên trời, nhìn nước ban đêm xem ngời hay nước sắc để đoán mấy ngày là có gió. Cuộc đời đi biển thì cứ tích lũy dần. Đến năm 1985, ông An sắm được chiếc tàu dài 15 mét. Giấc mơ chinh phục biển khơi bắt đầu được ông thực hiện. Tàu mở ra những vùng biển mà chỉ cần đổ chậu nước cá xuống thì cá mập bu đến đen đặc mặt nước.

Chiếc tàu dài chỉ 15 mét của ông An xuôi ngược khắp biển khơi. Ngư dân đi với ông An được học thêm kinh nghiệm và đều trưởng thành. Vì nếu từ đất liền ra Trường Sa 3 ngày đêm, ông An giao tay lái cho các ngư dân đi bạn chạy. Khi tàu hành trình được khoảng 2 ngày rưỡi thì ông An cầm lái để chọn hướng, trừ đi tốc độ của nước chảy và gió thổi, sử dụng giác quan và mũi ngửi để cho tàu đi đúng vào hướng của đảo.
 

Đi mò ra đảo

Năm 1988, tại xã Tam Quan Bắc của huyện Hoài Nhơn chỉ có khoảng 17 chiếc tàu làm nghề câu bủa. Những ngư dân ở địa phương này xem dân câu bủa như những chiến binh biển khơi. Vì chấp nhận câu bủa thì phải cho tàu chạy mấy ngày đêm, ra tới Hoàng Sa rồi di chuyển từ đảo này sang đảo khác. Lưỡi câu bủa rất to, cứ 1 ngàm là buộc một lưỡi, một giàn câu lên đến 2.400 chiếc. Cứ mỗi đêm kéo lên, giàn câu bủa dính đầy cá bánh đàn, cá đổng, cá hố. Do đi quá xa nên các ngư dân phải chấp nhận sống chung với gió bão ở Hoàng Sa.

08-42-51_2_di_bng_l_bn
Các thuyền trưởng hiện nay cho rằng, sử dụng la bàn để đi khắp biển Đông như ông An là điều không tưởng

Nhiều chục năm trước, Hoàng Sa còn rất yên ả. Trừ một số đảo quân sự có lính canh gác thì còn lại phần lớn các đảo vẫn hoang sơ như chưa có dấu chân người. Những hòn đảo này có cây cối rậm rạp, bờ cát trắng xóa, ban đêm rùa thi nhau chạy lên đảo để đào hố đẻ trứng. Mỗi khi thủy triều rút xuống thì ở các hốc đá san hô và các vũng nước đọng luôn chuyển động, vì vô số cá, tôm còn mắc lại. Hoàng Sa dưới đáy biển là rừng nguyên sơ, trên mặt nước là thiên đường cá. Những loại hải sản mà giờ đây trở nên hiếm hoi như tôm mũ ni, tôm hùm, hải sâm, cá mú thì vào thời đó bơi nhan nhản trên ghành san hô.

Các đảo ở quần đảo Hoàng Sa cách nhau vài hải lý đến vài chục hải lý. Vì vậy khi tàu đi mò hơn 100 hải lý ra tới đảo thì ông An và các ngư dân có thể từ đây bám theo kim la bàn để di chuyển giữa các đảo để đánh cá. Vào thời đó, lính Trung Quốc còn dễ dãi, nên ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc đánh bắt chung, cùng chia nhau từng gói lương thực. Cuộc sống ở Hoàng Sa diễn ra yên ả trong suốt nhiều năm trời. Luồng cá câu ở khu vực này cũng dần giảm bớt do ngư dân của nhiều nước tập trung ra Hoàng Sa đánh bắt.

Từ nghề câu bủa, các ngư dân dần dần phát triển lên nghề câu cá có giá trị hơn là nghề câu sỏi để câu cá ngừ đại dương, cá mập. Để theo kịp nghề này, ông An và các chiến binh biển cả phải hướng dần về vùng biển phía nam và quần đảo Trường Sa rồi đi đến tận vùng giáp ranh, nơi có dòng hải lưu chảy mạnh, độ sâu vài ngàn mét, có nhiều đàn cá mập, trong đó có những con to như chiếc xuồng; vùng này cũng nhiều cá ngừ đại dương, nhiều con xanh mướt nặng 80-100 kg.

Để đi đến vùng này, ngư dân phải mò đi suốt 5 ngày đêm. Có lần tàu đi lạc chạy mãi đến một bờ biển lạ. Ông An nhận ra mình đã đến một khu du lịch của một quốc gia bên kia bờ biển Đông, vì du khách tắm biển đều trông có vẻ sang trọng. Vậy là các ngư dân vội vã cho tàu quay về hướng vùng biển Việt Nam chứ không dám vi phạm vùng biển của nước bạn.
 

Theo lũ chim trời

Từ khi chuyển sang làm nghề câu sỏi, ông An cứ cho thuyền đâm thẳng ra khơi, đi mãi đến những vùng biển xa thăm thẳm. Vì thời đó, những vùng biển này cá nhiều đếu mức, cả tàu kéo cá lên chất cao đến đầu gối, cá phủ đầy sàn tàu không còn lối đi. Các ngư dân chỉ cắt lấy vi cá mập rồi đẩy cá ngược trở lại xuống biển. Ở những vùng cá mập bơi nhung nhúc thường nằm giáp ranh giữa vùng biển của các nước Indonesia, Malaysia.

08-42-51_3_di_giu_vung_bien
Ông An từng cho tàu đi rất xa và có lúc lạc sang bên kia bờ biển Đông

Có những ngày con tàu lạc lõng trôi giữa biển Đông, ông An nhìn theo bầy chim trời và quyết định cho tàu đi theo. Vì chim trời cuối ngày bay về đảo ngủ, cứ theo hướng chim trời đi mãi rồi cuối cùng bóng đảo cũng hiện ra mờ mờ phía mũi con tàu. Bên cạnh đó, đi giữa vùng trời nước vô định, ông An còn luyện cho mình giác quan để đánh hơi. Ông luôn hít thật sâu luồng gió biển. Khi nghe trong gió có mùi rong rêu thoang thoảng thì có nghĩa là hướng đó có đảo nên cho tàu chạy vào.

Mỗi khi từ đất liền ra Trường Sa, ông cho tàu chạy theo kim la bàn 120 độ, nếu nước chảy mạnh thì đi theo hướng kim 110 độ, đi liên tục 3 ngày 3 đêm thì tới đảo Song Tử Tây quần đảo Trường Sa. Nếu ra đảo Hoàng Sa thì đi theo kim 60 độ và đi vào theo kim 90 độ. Tính toán cơ bản là vậy, nhưng trên đường đi ra chỉ cần gặp một trận gió hoặc nước chảy mạnh thì một ly ra một dặm, có khi đi mãi thì sang tận bờ bên kia bờ biển Đông.

Cuộc đời lái tàu đi mò trên biển từ năm 1985, ông An đã đi đến tất cả các đảo ở Hoàng Sa, trừ đảo Tri Tôn. Tàu của ông chỉ bị nạn một lần do bão và trôi vào đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1999, ông An mới sắm được máy định vị, kết thúc gần 15 năm đi mò khắp biển Đông.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm