| Hotline: 0983.970.780

Nhìn thẳng vào Quảng Trị [Bài 2]: Chín ép!

Thứ Ba 08/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Nhiều người chua xót nhận ra, 'vương miện' nông thôn mới chưa đem lại cuộc sống như kỳ vọng. Đó là cái giá quá đắt của sự dễ dãi hay câu chuyện thành tích?

Kết quả của sự lựa chọn

Mò Ó, Hướng Hiệp, A Ngo được UBND tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Đakrông lựa chọn là các xã điểm để xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, xuất phát điểm quá thấp, cư dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nên các xã này đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.

Trước tình hình đó, năm 2018 - 2019, Triệu Nguyên được lựa chọn để thay thế nhiệm vụ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Toàn xã Triệu Nguyên chỉ có 2 thôn, đa phần là người dân tộc Kinh nên có tiềm năng nhất để có thể giúp Đakrông xóa huyện “trắng” nông thôn mới trong thời gian ngắn.

Hạ tầng nông thôn mới không phản ánh đúng thực chất đời sống của người dân xã Triệu Nguyên. Ảnh: Võ Dũng.

Hạ tầng nông thôn mới không phản ánh đúng thực chất đời sống của người dân xã Triệu Nguyên. Ảnh: Võ Dũng.

Để thực hiện mục tiêu này, từ 2018 đến 2020, UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Đakrông đã đầu tư ngân sách hàng chục tỷ đồng để Triệu Nguyên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất. Năm 2020, Triệu Nguyên cán đích đúng hẹn sau gần 2 năm tăng tốc với nhiều tiêu chí thiếu bền vững. Điều này nhanh chóng bộc lộ lỗ hổng lớn. 3 năm sau ngày đội lên mình chiếc “vương miện” nông thôn mới, nhiều tiêu chí đã tụt hẳn so với yêu cầu mới.

Bài liên quan

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên cho rằng, do nằm ở địa bàn miền núi, tư liệu sản xuất nghèo nàn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân là không dễ. Điều này khiến Đảng bộ, chính quyền xã Triệu Nguyên nhiều năm nay không ngừng trăn trở.

“Tư liệu sản xuất ít ỏi, lại là vùng rốn lũ sông Ba Lòng nên hệ số sử dụng đất thấp, người dân không dám đầu tư mở rộng sản xuất. Khi về nhận nhiệm vụ, tôi xin kế hoạch sản xuất vụ 3 trong năm nhưng thực tế lũ lụt hàng năm đến sớm nên không thể triển khai được. Người dân ở đây nói rằng, nếu xã chưa về đích nông thôn mới thì với việc được 2 chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới hỗ trợ, kinh tế của người dân trong xã sẽ có điều kiện phát triển hơn. Nhưng nay thì các chế độ đã cắt hết, người dân thực sự rất khó khăn”, bà Hạnh chia sẻ.

Ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đakrông cũng thừa nhận, sau khi về đích nông thôn mới, Triệu Nguyên đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Việc nâng cao thu nhập để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp nhiều lực cản.

Tư liệu sản xuất ít ỏi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến đời sống kinh tế của người dân Triệu Nguyên gặp muôn vàn khó khăn dù xã đã về đích nông thôn mới. Ảnh: Võ Dũng.

Tư liệu sản xuất ít ỏi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến đời sống kinh tế của người dân Triệu Nguyên gặp muôn vàn khó khăn dù xã đã về đích nông thôn mới. Ảnh: Võ Dũng.

“Hiện nay, tiêu chí quy hoạch và một số tiêu chí nông thôn mới ở Triệu Nguyên tụt, tỉnh đang bố trí nguồn vốn để quy hoạch lại. Do nằm ở khu vực 2, không có chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên nguồn đầu tư Nhà nước cho Triệu Nguyên rất hạn chế. Dù xã đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn còn rất nhiều hộ nghèo”, ông Bắc cho hay.

Ông Bắc cũng cho biết thêm, cùng với điểm xuất phát thấp, sau khi bộ tiêu chí mới được ban hành số tiêu chí bình quân/xã tại địa phương này rất thấp. Khó khăn chồng chất khó khăn, xây dựng nông thôn mới tại Đakrông bao trùm bởi gam màu tối.

“Vẽ vòng” Nghị quyết, các xã không còn đường lùi

Ông Trần Đình Bắc thật lòng chia sẻ: “Nghị quyết (về xây dựng nông thôn mới - PV) đã ra thì các địa phương không còn đường lùi. Phải bằng mọi cách để nâng cao thu nhập cho người dân để xây dựng nông thôn mới. Nhưng nếu tính thu nhập bình quân đầu người bao gồm tất cả các nguồn đầu tư thì thật khó hiểu”.

Đây cũng là cách tính thu nhập bình quân đầu người của xã Triệu Nguyên khi về đích nông thôn mới vào năm 2020. Thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân Triệu Nguyên là 36 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở đây cũng chỉ là 37 triệu đồng/người/năm. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu tiêu chí thu nhập của người dân Triệu Nguyên đã sát thực tế và bền vững hay chưa?

Thu nhập là một trong những tiêu chí thiếu bền vững nhất của người dân các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Thu nhập là một trong những tiêu chí thiếu bền vững nhất của người dân các huyện miền núi phía Tây Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Nhìn bề ngoài, cơ sở hạ tầng tại xã Triệu Nguyên không thua kém nhiều xã nông thôn mới tại Quảng Trị. Đường bê tông, đường nhựa cơ bản đã được phủ kín những trục đường chính; hoa cây cảnh ngập lối đi. Thế nhưng, phần lớn hạ tầng có được của Triệu Nguyên được xây dựng từ nguồn ngân sách đầu tư. Bề ngoài ấy không phản ánh đúng tình hình đời sống của người dân Triệu Nguyên. Còn cán bộ xã, khi được hỏi về những vấn đề tế nhị trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời dè dặt.

Là Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Nguyên kiêm Bí thư Chi bộ thôn Xuân Lâm, ông Nguyễn Văn Định thấu hiểu cuộc sống người dân nơi đây. Thôn Xuân Lâm có 5 hộ nghèo nhưng thực trạng kinh tế hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo có lẽ không dừng lại ở đó.

“Hầu hết các chế độ bị cắt hết sau khi xã về đích nông thôn mới trong khi điều kiện tự nhiên, tư liệu sản xuất ở đây rất khó khăn. Thu nhập thiếu ổn định, không đều, thiếu việc làm nên bà con phàn nàn rất nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo thấp thì các chế độ ưu đãi cũng ít nên nhiều hộ muốn có vốn sản xuất, nuôi con cái ăn học rất khó khăn”, ông Định cho hay.

Điều này gây ra sự so sánh. Người dân xã Triệu Nguyên cho rằng, cùng điều kiện kinh tế, tự nhiên khắc nghiệt như nhau nhưng những xã chưa về đích nông thôn mới được thụ hưởng nhiều nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế. Vì vậy, với họ, về đích nông thôn mới đồng nghĩa với việc tiếp cận những khoản hỗ trợ, vốn vay ưu đãi ngày càng khó khăn hơn.

Trong bức tranh kinh tế còn nhiều gam màu tối, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí tụt so với mặt bằng chung thì theo chủ trương, Triệu Nguyên lại đang trên đường xây dựng nông thôn mới nâng cao và quyết tâm cán đích vào năm 2025. Đây là điều gần như ảo tưởng bởi một trong những tiêu chí quan trọng nhất là thu nhập chỉ đang nhích từng bước chậm chạp.

“Từ năm 2020 đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại Triệu Nguyên chỉ tăng từ 36 lên 37 triệu đồng. Trong khi đó, để về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của người dân phải đạt 48 triệu đồng/người/năm. Hai năm phấn đấu để thu nhập tăng thêm 11 triệu đồng/người là điều khó có thể làm được. Nguồn nội lực hiện nay không đáng kể trong khi các nguồn đầu tư khác bị cắt giảm. Thời điểm này, huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao ở đây rất khó khăn”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Mỹ Hạnh băn khoăn.

Trong khi đó, các HTX được thành lập không đạt được kỳ vọng về tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Trong khi đó, các HTX được thành lập không đạt được kỳ vọng về tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Điều bà Hạnh băn khoăn là hoàn toàn có cơ sở bởi để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài vấn đề tư liệu sản xuất, điều kiện tự nhiên, việc tổ chức, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã hết sức quan trọng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm được thành lập đến nay (2019), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên chỉ đóng vai trò của một doanh nghiệp hay đúng hơn là một tư thương thu mua nông sản không hơn không kém dù gần đây đã có sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Trần Đình Bắc cũng thừa nhận, tăng thu nhập, giảm nghèo là một trong những tiêu chí khó khăn và thiếu bền vững nhất hiện nay tại Đakrông.

“Những tiêu chí mềm mang tính chất vận động là khó khăn nhất, ví dụ như tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất. Nguồn vốn hạn hẹp nên địa phương đang phải tập trung ưu tiên những xã về đích NTM dưới 13 tiêu chí. Vì thế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập hiện nay cực kỳ gay go”, ông Bắc chia sẻ.

Thực chất đời sống người dân Triệu Nguyên

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Nguyên cho biết, dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội của toàn xã hiện nay là 44 tỷ đồng. Tính ra, mỗi người dân Triệu Nguyên, kể cả trẻ nhỏ mới sinh ra đã nợ ngân hàng trên 34 triệu đồng. Tuy nhiên, đa phần nguồn vốn này không phát huy hiệu quả do điều kiện sản xuất kinh doanh tại địa phương hết sức khó khăn. Điều này phần nào phản ánh đúng thực chất về bức tranh kinh tế của xã nông thôn mới Triệu Nguyên.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.