| Hotline: 0983.970.780

Những phận người bị tụt lại ở miền Tây xứ Huế

[Bài 5] Nguy cơ nghèo và tái nghèo rất cao

Thứ Tư 01/12/2021 , 08:45 (GMT+7)

Ở thế kỷ XXI, vẫn có những gia đình phải ăn cơm độn sắn 4-6 tháng trời. Nhưng với nhiều cán bộ, như thế là không đói và đương nhiên không thuộc diện hộ nghèo.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, các chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, giảm nghèo tại A Lưới chưa thực sự bền vững, nguy cơ nghèo, tái nghèo rất cao. Ảnh: TT.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, các chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, giảm nghèo tại A Lưới chưa thực sự bền vững, nguy cơ nghèo, tái nghèo rất cao. Ảnh: TT.

Nhà phải ăn cơm độn sắn hàng tháng trời chứ không đói

Vợ chồng chị Hồ Thị Nguôn – Blúp Pớu tại thôn A Chi – Hương Sơn, xã A Roàng, huyện A Lưới có 1 ha cao su đã cho 3 năm thu hoạch. Theo chị Nguôn, năm đầu tiên gia đình chị cạo mủ bán được 5 triệu đồng, hai năm tiếp theo thu hoạch không đến 10 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập từ cây cao su không cao nên khi đến hạn trả ngân hàng, chị phải đi vay nóng trả nợ sau đó lại làm thủ tục vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng.

Gia đình có 1 ha cao su, gần 1 ha keo, 5 sào ruộng nên từ nhiều năm nay gia đình chị không nằm trong diện hộ nghèo dù ngôi nhà của chị tuềnh toàng, dột nát bên cạnh dòng suối. Phía sau nhà, chỉ một cơn mưa nhỏ, bao nhiêu đất đá từ trên tràn xuống vào đến tận bếp.

Lý giải vì sao cái nghèo vẫn đeo đẳng, chị Nguôn cho rằng, gia đình mình không có tiền để mua phân bón nên lúa, keo và cao su năng suất rất thấp. Thời gian vợ chồng đi làm thuê, thu nhập không đáng là bao. Bình quân, mỗi năm gia đình chị Nguôn phải ăn cơm độn sắn trong các tháng 3, 4, 5, 6. Nhưng vì sao gia đình chị Ngôn vẫn không nằm trong danh sách hộ nghèo?

“Mỗi năm chỉ được khoảng 10 bao lúa thôi! Vì vay ngân hàng trồng cao su nên xã cắt hộ nghèo từ năm 2008. Vì thiếu gạo nên nhà ta phải tiết kiệm, ăn cơm độn sắn các tháng 3, 4, 5, 6” – chị Muôn than thở.

Đây cũng là tình cảnh của không ít hộ trồng cao su trên địa bàn huyện A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gia đình chị Hồ Thị Nguôn tại thôn A Chi – Hương Sơn, xã A Roàng phải ăn cơm độn sắn nhiều tháng trong năm nhưng vẫn không thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: TT.

Gia đình chị Hồ Thị Nguôn tại thôn A Chi – Hương Sơn, xã A Roàng phải ăn cơm độn sắn nhiều tháng trong năm nhưng vẫn không thuộc diện hộ nghèo. Ảnh: TT.

Ông La Ngọc Toàn, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện A Lưới cho biết, giai đoạn 2003 – 2015, trên địa bàn huyện triển khai 3 dự án hỗ trợ đồng bào trồng cây cao su. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng quy hoạch vùng trồng cây cao su tại A Lưới là 6.244 ha. Tuy nhiên, đến 2015, khi các dự án kết thúc, địa phương này cũng chỉ trồng được 1.360 ha cao su. Đến cuối tháng 10/2021, diện tích cao su giảm và chỉ còn 1.160 ha.

Bài liên quan

Còn tại huyện Nam đông, thời điểm cao nhất, diện tích cây cao su trên toàn huyện là 3.538 ha nhưng hiện nay cũng chỉ còn một nửa. Nguyên nhân được đại diện Phòng NN huyện Nam Đông lý giải là do thiên tai nên cây bị đổ gãy, phải thanh lý; một số diện tích mật độ cây thấp, kém hiệu quả nên người dân chặt bán chuyển sang trồng keo; một số diện tích bị thu hẹp do các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn được xây dựng.

Nhưng điều khiến người dân và các cấp lãnh đạo trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới băn khoăn nhất, hiện chưa có một nhà máy sơ chế mủ cao su trên địa bàn để thu mua, giảm chi phí vận chuyển, thuận tiện trong công tác thu hoạch, bảo quản.

Ông La Ngọc Toàn cho rằng, với cây trồng lâu năm, trên địa bàn huyện không có cây gì hiệu quả hơn cao su. Giá mủ (mủ đông) thời gian vừa qua biến động là 8 – 20 triệu đồng/tấn. Có thời điểm, giá mủ cao su lên đến 40 triệu đồng/tấn. Nếu chăm sóc tốt thì mỗi ha cao su khi đến thời kỳ thu hoạch sẽ cho năng suất khoảng 1,82 tấn mủ đông/năm, tương đương với số tiền 14,56-36,4 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với trồng keo thì trồng cây cao su cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần.

Tuy nhiên, một điều cũng khiến ông Toàn băn khoăn là về khâu tổ chức sản xuất đang còn rất yếu. Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 6 HTX nhưng không có HTX nào hay tổ hợp tác nào liên quan đến ngành nghề cao su. Với thói quen sản xuất nông nghiệp cũ, người dân A Lưới vẫn chưa thể quen với hình thức, tư duy trồng cây công nghiệp.

“Cao su trồng, chăm sóc và khai thác không đúng kỹ thuật dẫn đến các bệnh khô cành, ngọn nên không ít hộ chặt bán trồng keo. Đồng bào lại không khai thác theo kế hoạch cụ thể nên có hộ khai thác về mấy ngày sau mới xuất bán được… Những điều đó khiến cây cao su trên đất A Lưới chưa phát huy hết hiệu quả” – ông Toàn cho hay.

Cũng theo ông Toàn, các chương trình dự án quy định khi cây cao su đến thời điểm thu hoạch (năm thứ 7) trở đi sẽ bắt đầu tính lãi và trả gốc. Tuy nhiên, do hiệu quả cây cao su chưa cao, đồng bào có thói quen làm ra bao nhiêu tiền thì tiêu hết bấy nhiêu nên thường không trả nợ đúng hạn. Vì vậy, dự án đã hết nhiều năm nay, hiện nay dư nợ ngân hàng rất lớn nhưng người dân không thể trả nổi.

Dự án trồng cao su trên địa bàn các huyện Nam Đông, A Lưới đã không thành công như kỳ vọng. Người dân vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững nhờ 'vàng trắng'. Ảnh: VD.

Dự án trồng cao su trên địa bàn các huyện Nam Đông, A Lưới đã không thành công như kỳ vọng. Người dân vẫn chưa thể thoát nghèo bền vững nhờ “vàng trắng”. Ảnh: VD.

“Nếu không có phương án về tổ chức sản xuất thì cây cao su dù hiệu quả cao cũng sẽ không được tận dụng triệt để” – vẫn lời ông Toàn.

Nguy cơ tái nghèo rất cao

Xã Đông Sơn, huyện A Lưới hiện có 40% hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người năm 2020 là 13 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm, địa phương này chỉ giảm nghèo được 0,2-0,3%. Tỷ lệ giảm nghèo đã thấp nhưng theo lãnh đạo xã Đông Sơn, nguy cơ nghèo, tái nghèo luôn hiện hữu.

Tổ chức sản xuất yếu, đất đai cằn cỗi và thiếu khiến cuộc sống người dân xã Đông Sơn quẩn quanh với cái nghèo. Ảnh: TT.

Tổ chức sản xuất yếu, đất đai cằn cỗi và thiếu khiến cuộc sống người dân xã Đông Sơn quẩn quanh với cái nghèo. Ảnh: TT.

Ông Hồ Văn Thiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, đây là một trong những xã nghèo nhất, một xã “nghèo bền vững” của huyện A Lưới.

Theo lý giải của ông Thiên, Đông Sơn nằm trong vùng sân bay quân sự A So do Mỹ xây dựng, là vùng tồn dư lượng hóa chất dioxin rất lớn. Điều này khiến một diện tích lớn đất canh tác cho năng suất rất thấp: Lúa chỉ đạt 38-40 tạ/ha; cây cao su trồng cả chục năm nay nhưng gần như không phát triển, không có mủ để khai thác.

Về Đông Sơn, dạo một vòng quanh khu vực trung tâm xã, thật xót xa vì dù hạ tầng giao thông đã được đầu tư bài bản từ các chương trình dự án giảm nghèo nhưng nhiều ngôi nhà ở đây chủ yếu là tạm bợ, dột nát. Những đồi keo quanh thôn xóm dù đã trồng nhiều năm nhưng thấp lè tè. Mấy ha cao su trồng theo dự án hỗ trợ vốn vay ngân hàng dù đã hàng chục năm nay nhưng không có mủ để cạo.

Ông Hồ Văn Thiên cho biết thêm, toàn xã hiện có trên 100 nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 50%. Với diện tích đất trồng trọt, trồng rừng ít ỏi, đất đai cằn cỗi, đồng bào xã Đông Sơn gần như không tìm ra hướng thoát nghèo nào khả dĩ.

Nguy cơ nghèo, tái nghèo rất cao. Ảnh: VD.

Nguy cơ nghèo, tái nghèo rất cao. Ảnh: VD.

“Đây là vùng có trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, đất đai chua phèn lại thường xuyên thiên tai, lũ lụt. Đồng bào vẫn chưa thoát khỏi tâm lý trông chờ, ỷ lại của Nhà nước. Hiện nay, tỷ lệ nhà tạm, hộ nghèo ở đây rất lớn nhưng chắc chắn sẽ còn tăng vì số hộ tách ra ở riêng nhiều nhưng lại thiếu tư liệu sản xuất. Trong khi đó, chuẩn nghèo mới sẽ tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng. Đây thực sự là bài toán khó trong công tác giảm nghèo của địa phương” – ông Thiên chia sẻ.

Trong khi người dân thiếu đất canh tác thì một doanh nghiệp giống cây trồng trên địa bàn trước đây thuê 200 ha đất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện dự án chăn nuôi bò. Doanh nghiệp này sau đó đã trồng keo và chỉ trả lại 102 ha cho địa phương quản lý, chia cho người dân trồng rừng. Tuy nhiên, đây đều là diện tích xa xấu, khó canh tác nên người dân chưa chịu nhận đất. Trước tình hình này, UBND huyện A Lưới đang tính phương án để sử dụng diện tích này nhằm phát triển kinh tế địa phương nhưng xem ra không dễ.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, ông Hồ Văn Thiên chỉ cho chúng tôi đến một lô cao su đã trồng hơn 10 năm nay nhưng chỉ to bằng bắp tay, không có mủ. Ông Thiên khẳng định, hộ dân này đã chăm sóc rất tốt nhưng vẫn không thể phát triển. Chiếc cầu nối giữa các khu dân cư xã Đông Sơn sang bên kia suối ChaiH, theo đường mòn Hồ Chí Minh về thị trấn được đầu tư xây dựng năm 2019 đến nay đã bị mưa lũ tàn phá, không thể đi lại. Khó khăn chồng chất khó khăn, việc thoát nghèo đối với người dân Đông Sơn là điều gần như không thể.

Trước thực tế này, ông Thiên thở dài ngao ngán: “Không biết đến lúc nào người dân Đông Sơn mới thoát nghèo nhà báo ạ!”

Con đường thoát nghèo còn lắm gian nan. Ảnh: TT.

Con đường thoát nghèo còn lắm gian nan. Ảnh: TT.

Thực trạng tại xã Đông Sơn còn diễn ra tại các xã khác trên địa bàn huyện A Lưới, Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế, đang đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các huyện A Lưới, Nam Đông bài toán nan giải trong công tác giảm nghèo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, sau 10 năm xây dựng, đến nay A Lưới mới có 4/18 xã về đích NTM. Những năm qua, địa phương này đã phát huy hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc huyện A Lưới nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ nghèo, tái nghèo rất cao.

Xem thêm
Ông Bùi Xuân Diệu làm Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình

Ông Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

WWF-Việt Nam cam kết giúp giảm rác thải nhựa, đưa TP.Huế trở thành đô thị xanh

WWF-Việt Nam sẽ phối hợp triển khai, tiếp tục dự án giảm rác thải nhựa đến năm 2025, hứa hẹn tạo thêm cơ hội cho TP. Huế phát triển thành đô thị xanh và bền vững.