| Hotline: 0983.970.780

Nhìn thẳng vào Quảng Trị [Bài 1]: Cuộc sống như ‘thổ dân’ ở thôn Cheng

Thứ Hai 07/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Đằng sau 'vương miện' nông thôn mới là những sự thật phũ phàng. Hiện tượng 'chín ép' trong xây dựng nông thôn mới đã đẩy nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh bần hàn.

10 nhân khẩu của gia đình ông Kiếp chen lấn trong 2 ngôi nhà như 2 túp lều dựa vào nhau rộng chừng 50m2. Ảnh: Võ Dũng.

10 nhân khẩu của gia đình ông Kiếp chen lấn trong 2 ngôi nhà như 2 túp lều dựa vào nhau rộng chừng 50m2. Ảnh: Võ Dũng.

Ám ảnh một túp lều

Sau năm lần bảy lượt hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Hồ Văn Kiếp ở nhà riêng tại thôn Cheng, xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa). Hết mùa lúa nước, bỏ lại đàn con nhắng nhít ở nhà, tất thảy người lớn trong gia đình này đều lên nương, lên rẫy trồng sắn, đi hàng chục km làm thuê để kiếm đủ cơm cho 10 miệng ăn. Chuyện vợ chồng ông Kiếp phải ở lại nơi làm việc cả tuần mới ghé qua nhà 1 lần không còn lạ.

Bài liên quan

Xuất hiện trên chiếc xe máy cà tàng, vừa trông thấy chúng tôi, ông Kiếp lẳng lặng đi vào nhà với thái độ khó hiểu. Bà Hồ Thị Phể, vợ ông Kiếp và lũ con nhỏ nhận ra thái độ bất thường của ông nên lẽo đẽo vào theo, để lại vị khách bơ vơ trước căn lều xiêu vẹo. Có lẽ trong con người ấy đã mất hết niềm tin, rằng chẳng ai có thể cứu gia đình ông ra khỏi cuộc sống bần hàn. Ngoài kia, người ta phơi phới niềm vui xã nông thôn mới nhưng ở đây, vợ chồng, con cái ông vẫn ăn đong từng bữa.

Cũng may, trước đó, sau 3 lần “đến lều tranh”, chúng tôi đã kịp ghi lại thông tin, hình ảnh những con người khốn khổ này.

Ngôi nhà sàn hay đúng hơn là túp lều xộc xệch, tứ phía thưng bìa gỗ trống hoác chỉ rộng chừng 40m2, ban đêm có thể trông thấy ngàn sao; trời nắng, ánh sáng len vào mọi ngõ ngách, nóng nực, bức bối.

Một gian bếp rộng chừng 10m2; một cái buồng chỉ đủ để 1 cái giường cho đôi vợ chồng trẻ là con trai thứ 2 và con dâu ông ngủ. Gian giữa ngôi nhà nhìn thẳng xuống bếp, cơ man nào quần áo rách vắt ra đến tận mái hiên. Mái nhà sàn chỉ cao hơn đầu người chút đỉnh. Trong căn nhà này, thứ giá trị nhất là gần chục bì lúa gia đình ông vừa thu hoạch vụ đông xuân; một cái tivi cũ kĩ không còn sử dụng được nằm trên đống giấy lộn.

Nhân khẩu thứ 11 trong gia đình ông Kiếp sẽ chào đời trong túp lều này. Ảnh: Võ Dũng.

Nhân khẩu thứ 11 trong gia đình ông Kiếp sẽ chào đời trong túp lều này. Ảnh: Võ Dũng.

Cạnh gian bếp, ông Kiếp dựng một túp lều cho con trai đầu và con dâu ở riêng. Căn lều chỉ rộng chừng 6 - 7m2, ba bề được thưng bằng tre nứa, phần còn lại dựa vào bức tường dựng bằng gạch táp lô không gia trát của nhà người chú ruột. Trong túp lều này có cả bếp đun củi và tất cả đồ dùng của một gia đình có 3 nhân khẩu. Trên hở, dưới hở, cửa ra vào của căn lều cũng chỉ được làm bằng một tấm vải đã sờn rách bởi mưa nắng.

Hai túp lều nằm trong một khoảnh đất nhỏ, chật chội, ẩm thấp nhưng có đến 10 nhân khẩu đang trú ngụ. Một đứa cháu nội của gia đình ông Kiếp cũng sắp ra đời. Nó - nhân khẩu thứ 11 của gia đình này cũng sẽ được sinh ra và sống trong những căn lều xiêu vẹo này.

Gia đình ông Kiếp đời đời kiếp kiếp sống ở vùng đất này. Cả nhà chỉ có 3 ô lúa nước, làm được 1 vụ/năm, mỗi năm cho 8 bì lúa. Thịt cá là thức ăn xa xỉ trong gia đình; lũ trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, có tuần, 2 bì lúa xay ra không đủ để cả nhà ấm bụng.

Ông Nguyễn Quang Quảng (áo trắng), trưởng thôn Cheng chia sẻ về cuộc sống cơ hàn của người dân khi xã Tân Liên về đích nông thôn mới. Ảnh: TT.

Ông Nguyễn Quang Quảng (áo trắng), trưởng thôn Cheng chia sẻ về cuộc sống cơ hàn của người dân khi xã Tân Liên về đích nông thôn mới. Ảnh: TT.

Không đủ ăn, lại đông con nên sau mùa lúa nước, vợ chồng con cái ông dắt díu nhau đi tìm việc làm thêm. Vợ chồng ông phải chạy xe máy đi vào các xã vùng biên cách đó 40 - 50km để làm rẫy, làm thuê kiếm sống.

Cháu Hồ Thị Vân đang đi học lớp 6 nhưng đã phải làm thay nhiều việc của người lớn. Ngoài việc cuốc bộ đến trường cả đi lẫn về 6km mỗi ngày, Vân còn phải lo cơm nước cho các em, các cháu. Khi bố mẹ không có nhà, Vân là chỗ dựa duy nhất của chúng. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, các con trong gia đình ông Kiếp đều dở dang chuyện học hành. Đứa được ăn học nhiều nhất cũng chỉ đến lớp 7, lớp 8 thì bỏ học theo bố mẹ đi làm thuê.

Nông thôn mới 3 không

Rời nhà ông Kiếp, chúng tôi tìm đến ngôi nhà sàn của ông Hồ Lìa tại thôn Cheng. Cạnh nhà ông Lìa đang ở là ngôi nhà mới xây của người con trai út. Đây là ngôi nhà được xây nhờ vào tiền đền bù nương rẫy của Nhà máy Điện gió A Ma Cao. 11 con người còn lại trong gia đình ông Lìa cũng chỉ ở trong 2 căn nhà sàn nằm cạnh nhau, rộng chừng 50m2. Dưới căn nhà sàn của ông Lìa, phân trâu bò, dê và mùi nước tiểu gia súc bốc lên nồng nặc.

Thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, khi không còn các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Vân Kiều ở thôn Cheng quẩn quanh với đói nghèo. Ảnh: TT.

Thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, khi không còn các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Vân Kiều ở thôn Cheng quẩn quanh với đói nghèo. Ảnh: TT.

Ông Nguyễn Quang Quảng, trưởng thôn Cheng cho biết, thôn có 117 hộ, đa phần là đồng bào dân tộc Vân Kiều nhưng chỉ có 7 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn Cheng trên 85% nhưng sẽ cao hơn nữa nếu 23 cặp vợ chồng trẻ tách ra ở riêng.

“Không có đất ở, không đủ điều kiện xây cất nhà cửa nên có 23 cặp vợ chồng được bố mẹ dựng cho những túp lều xiêu vẹo cạnh nhà để ở. Những cặp vợ chồng này cũng còn nghèo lắm do thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm”, ông Quảng cho hay.

Theo ông Quảng, thôn Cheng chỉ có khoảng 5 - 7ha lúa. Con số này chỉ áng chừng vì diện tích có thể biến động lên xuống tùy vào tình hình thiên tai hàng năm. Ruộng lúa nước ở đây chỉ canh tác được vụ đông xuân với năng suất khoảng 5 tấn/ha. Nếu thuận lợi, mỗi năm thôn Cheng thu về khoảng 30 tấn lúa. Chừng ấy lúa chia cho 790 nhân khẩu thì mỗi người chưa có nổi 38kg lúa/năm. Ngoài ra, kinh tế tại thôn Cheng chỉ nhìn vào khoảng 20ha sắn với năng suất khoảng trên 10 tấn/ha; 3ha keo và 1,5ha cà phê mít. Không có thu nhập gì đáng kể, lao động thiếu việc làm, thu nhập bình quân đầu người tại thôn Cheng thấp nhất xã Tân Liên cũng không lấy gì làm lạ.

Điều khiến 18 hộ dân thôn Cheng buồn nhất là đường điện cao áp của Nhà máy điện gió Amacao chạy qua trước nhà nhưng các hộ dân này lại không được ngành điện lực kéo đường dây hạ thế đi qua. Vì vậy, 18 hộ dân thôn Cheng phải góp tiền, mua dây, mua cột chạy hơn 1km từ một khu dân cư khác trong thôn về sử dụng. Nước sạch, nước hợp vệ sinh càng không phải bàn vì cũng chẳng có ai nghĩ đến và lo lắng cho nhân dân cả. Ở đây không có nước sạch tập trung, 2 - 3 gia đình chung nhau một giếng đào, giếng khoan, cứ đến mùa khô là cả thôn chạy đi xin nước về dùng.

Xã Tân Liên về đích nông thôn mới nhưng môi trường sống người dân thôn Cheng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Ảnh: VD.

Xã Tân Liên về đích nông thôn mới nhưng môi trường sống người dân thôn Cheng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Ảnh: VD.

Lý giải vì sao không có điện lưới tận nhà để sử dụng, ông Nguyễn Quang Quảng giải thích, 18 hộ dân, do bức bách về chỗ ở nên đã tự dựng nhà trên đất nông nghiệp ở từ hàng chục năm nay. Chính quyền có vài lần đến kiểm tra, yêu cầu các hộ dân mua đất, làm nhà ở khu dân cư nhưng đồng bào Vân Kiều đào đâu ra tiền mua đất, cất nhà?

“Nhiều lần chúng tôi đề xuất các vấn đề liên quan đến đời sống người dân thôn Cheng, trong đó có vấn đề đất ở nhưng chính quyền chưa tháo gỡ. Còn 18 hộ xây nhà trên đất nông nghiệp, do không nằm trong quy hoạch khu dân cư nên không được đầu tư đường điện. Nhưng bây giờ để yêu cầu họ tìm đất ở mới thì họ đào đâu ra tiền? Cái ăn, cái mặc đang khốn khó thì nghĩ gì đến chuyện nhà cửa”, ông Quảng chua xót.

Nhiều hộ dân thôn Cheng phải góp tiền, kéo điện lưới về dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều hộ dân thôn Cheng phải góp tiền, kéo điện lưới về dùng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết, thôn Cheng là thôn đồng bào dân tộc thiểu số duy nhất tại xã. Địa phương cũng đã bố trí quỹ đất ở cho người dân thôn Cheng cạnh đường giao thông nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Để mở rộng khu dân cư, địa phương không có kinh phí làm đường giao thông và các chi phí khác.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị, những tưởng vấn đề đất ở cho người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được giải quyết nhưng các hộ dân tại thôn Cheng không nằm trong diện đủ điều kiện. Sau đó, UBND huyện Hướng Hóa cũng triển khai chương trình cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong số 34 hộ được thống kê tại thôn Cheng thì có 22 hộ bị loại do không đủ tiêu chí xem xét.

“Xét trên mọi phương diện, thôn Cheng xứng đáng được hưởng các chế độ của các chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, từ năm 2015, khi xã Tân Liên về đích nông thôn mới thì tất cả các chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với thôn Cheng đều bị cắt mặc dù cuộc sống người dân còn rất cơ cực, các vấn đề an sinh xã hội không được đảm bảo, nhất là vấn đề bảo hiểm y tế. Vừa rồi, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất với Trung ương nhưng không được”, ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.