| Hotline: 0983.970.780

Nhìn thẳng vào Quảng Trị [Bài 3]: Hợp tác xã méo mó có như không

Thứ Tư 09/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Việc thành lập một số hợp tác xã chỉ để đủ điều kiện hoặc đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Nhiều hợp tác xã 'vật vờ', chỉ chờ ngày giải thể, sáp nhập.

Thành lập hợp tác xã để đủ tiêu chí 

Năm 2017, Tân Long trở thành xã thứ 3 của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về đích nông thôn mới. Thời điểm đó, tổ hợp tác sản xuất là điều kiện cần để được công nhận xã nông thôn mới.

Tháng 2/2023, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thủy Nhân (xã Tân Long) đóng tại thôn Long Quy được thành lập để đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6, thời điểm chúng tôi đến làm việc, hợp tác xã này vẫn chưa có con dấu do cơ quan có thẩm quyền cấp. Lý giải điều này, bà Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Hợp tác xã cho hay, hiện nay, hợp tác xã lấy nhà của bà làm trụ sở và chưa làm thủ tục cấp con dấu. Xã viên hợp tác xã thực ra là các chị em trong gia đình, bạn bè thân quen có cùng mục đích thu mua chuối mật mốc với bà mà thôi.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thủy Nhân chia sẻ về hoạt động của hợp tác xã. Ảnh: Công Điền.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thủy Nhân chia sẻ về hoạt động của hợp tác xã. Ảnh: Công Điền.

Việc thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thủy Nhân thực chất chỉ là để đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của xã Tân Long chứ không làm thay đổi hoạt động kinh doanh của bà. Hợp tác xã cũng không có bất kỳ mối liên kết hay tổ chức sản xuất cho người dân, hộ xã viên, cổ đông. Điều bà Thủy nhận thức được khi thành lập hợp tác xã chỉ là vấn đề nếu sau này thị trường Trung Quốc mở cửa, bà sẽ có đủ cơ sở pháp nhân để xuất khẩu chính ngạch chuối mật mốc.

“Hợp tác xã có 7 cổ đông đều là đại lý thu mua chuối của tôi từ trước đến nay. Trên lý thuyết, mỗi cổ đông đóng góp 30 - 50 triệu đồng nhưng thực chất là vốn của riêng tôi căn cứ vào hoạt động của trại lợn gia đình và vốn buôn bán lưu động cá nhân. Có hợp tác xã hay không thì cũng không khác gì nhau, tôi vẫn thu mua chuối, sản lượng phụ thuộc vào nhu cầu của đối tác”, bà Thủy cho hay.

Bài liên quan

Chúng tôi hỏi về chế độ họp cổ đông cũng như vấn đề sổ sách, hồ sơ, bà Thủy thành thật chia sẻ: “Tất cả đều làm việc qua điện thoại, tôi có nhu cầu bao nhiêu thì báo để đại lý thu mua, cung cấp, chẳng có sổ sách gì. Còn hồ sơ hợp tác xã chúng tôi đều nhờ xã làm cho cả”.

Ông Nguyễn Triệu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, vai trò của hợp tác xã là tổ chức sản xuất nhưng thực chất, hợp tác xã chỉ làm công tác thu mua của người dân bán ở chợ. Việc thành lập hợp tác xã chỉ là để hoàn thiện tiêu chí theo yêu cầu mới.

“Cơ sở ghi trên giấy tờ tại hộ gia đình, không có trụ sở riêng. Hợp tác xã có đủ các ban bệ nhưng thực chất là cái gì họ không làm được thì xã phải trực tiếp làm. Hợp tác xã có nhân viên kế toán nhưng không có nghiệp vụ kế toán. Phải qua 2 đời chủ tịch xã, Tân Long mới vận động thành lập được hợp tác xã vì nó không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Vừa rồi chúng tôi cũng mời chị Thủy lên trao đổi và hướng dẫn các hoạt động của hợp tác xã kiểu mới nhưng xem ra rất khó khăn”, ông Nguyễn Triệu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã tân Long chia sẻ.

Có hay không Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thủy Nhân người dân vẫn phải mang chuối ra chợ bán. Ảnh: Võ Dũng.

Có hay không Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thủy Nhân người dân vẫn phải mang chuối ra chợ bán. Ảnh: Võ Dũng.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Tân Liên, một trong số xã đã về đích nông thôn mới của huyện Hướng Hóa.

Theo ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, Hợp tác xã Tiền Phong được thành lập năm 2021 với hoạt động chủ yếu là sản xuất, tiêu thụ, chế biến gỗ. Tuy nhiên, kể từ ngày thành lập đến nay, Hợp tác xã Tiền Phong không đóng vai trò tổ chức sản xuất cho người dân và hộ xã viên mà chủ yếu thu mua bằng hợp đồng miệng. Việc thành lập Hợp tác xã Tiền Phong thực chất không có tác động nhiều đối với kinh tế của người dân Tân Liên.

Nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng

Năm 2019, trước nhu cầu phải có hợp tác xã để đủ tiêu chí nông thôn mới, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên (xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông) được thành lập. Thế nhưng sau 3 - 4 năm hoạt động, hợp tác xã đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và vai trò tổ chức sản xuất của hợp tác xã gần như không có. Hợp tác xã này chỉ đứng ra thu mua sản phẩm của người dân, không khác gì một thương lái đơn thuần.

Ông Trần Huy, người được giao phụ trách Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên cho biết, hiện nay, hợp tác xã chưa được kiện toàn sau khi giám đốc trúng tuyển viên chức và đi học. Hợp tác xã không có mối liên kết nào với người dân mà chỉ tổ chức thu mua đậu đen, đậu xanh lòng để chế biến trà. Lợi nhuận của hợp tác xã tuy có tăng nhưng không đáng kể.

Nhiều hợp tác xã rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả do không xuất phát từ nhu cầu thực chất. Ảnh: Công Điền.

Nhiều hợp tác xã rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả do không xuất phát từ nhu cầu thực chất. Ảnh: Công Điền.

Sau khi thành lập hợp tác xã, có trụ sở nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, ông Trần Huy đã phải bỏ tiền túi để đầu tư thêm một số máy móc làm thêm dịch vụ bên ngoài. Hoạt động tại trụ sở hợp tác xã chỉ mang tính thời vụ, nhiều thời điểm trong năm trụ sở hợp tác xã cửa đóng im lìm.

Đây là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhất, được thành lập tại một xã đã về đích nông thôn mới duy nhất của huyện Đakrông tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, chính người trong cuộc cũng cho biết, hoạt động của hợp tác xã chỉ ở mức cầm chừng. Nguyên nhân, theo ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đakrông là do bản thân người dân không muốn tham gia hợp tác xã mà phải trải qua một quá trình vận động. Bản thân hợp tác xã cũng chưa tìm được hướng đi mới sau khi được thành lập.

Còn tai huyện Hướng Hóa, tình hình hoạt động của các hợp tác xã cũng không lấy gì làm sáng sủa. Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho hay, trong số 13 hợp tác xã được thành lập trên địa bàn thì chỉ có 5 hợp tác xã hoạt động hiệu quả (khá trở lên). Trong số 5 xã đã về đích nông thôn mới chỉ có Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp (xã Tân Hợp) hoạt động hiệu quả. Điều đó có nghĩa là hợp tác xã tại 4 xã còn lại đã về đích nông thôn mới đang rơi vào tình trạng “có cũng như không”.

Đó là hệ quả của việc thành lập hợp tác xã không căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, hộ xã viên và cổ đông. Hay nói đúng hơn, có tình trạng thành lập hợp tác xã chỉ để đủ điều kiện thỏa mãn các tiêu chí nông thôn mới.

Điều này được ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Quảng Trị khẳng định: “Có tình trạng một số hợp tác xã được thành lập chỉ để xã đủ tiêu chí nông thôn mới chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Một số hợp tác xã hoạt động yếu kém, cầm chừng, lợi nhuận thấp. Phương án sản xuất kinh doanh mới chỉ quan tâm đến đầu vào, chưa giải quyết vấn đề đầu ra. Trình độ quản lý của đội ngũ hợp tác xã yếu. Với những hợp tác xã yếu kém, thời gian tới chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu để giải thể hoặc sáp nhập vào các hợp tác xã hoạt động hiệu quả”, ông Chiến cho hay.

Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp là, điểm sáng hiếm hoi của các huyện miền Tây Quảng Trị trong việc tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp là, điểm sáng hiếm hoi của các huyện miền Tây Quảng Trị trong việc tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo thông tin từ Liên minh Hợp tác xã Quảng Trị, địa phương này hiện có 332 hợp tác xã (302 hợp tác xã nông nghiệp). Trình độ cán bộ qua đào tạo đạt gần 21% và có trên 28% cán bộ quản lý qua đào tạo. Năm 2022, có 22% hợp tác xã được xếp loại tốt, 34% loại khá, 42% loại trung bình và 2% loại yếu.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Quảng Trị, tốc độ phát triển khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỷ lệ đóng góp GRDP của kinh tế tập thể còn hạn chế; năng lực nội tại, nhất là về cơ sở vật chất, hạ tầng, tài chính vẫn còn yếu. Nhiều hợp tác xã vẫn còn duy trì quy mô nhỏ, hoạt động cầm chừng, không hiệu quả…

Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp, một trong những điểm sáng hiếm hoi của các huyện miền Tây Quảng Trị, cho hay, nếu hợp tác xã được thành lập ra không gắn với nhu cầu thực tế của địa phương và nguyện vọng của các cổ đông, hộ xã viên thì sẽ rất khó để hoạt động hiệu quả. Cùng với sự linh hoạt, năng động của đội ngũ quản lý, đây là một trong những yếu tố giúp Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp làm ăn hiệu quả, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 25 cổ đông cùng 300 hộ xã viên trong thời gian qua.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.