| Hotline: 0983.970.780

Nhìn vào vụ lúa thu đông 2023 [Bài 2]: Vùng hạ chuẩn bị 'mở đồng'

Thứ Hai 16/10/2023 , 14:33 (GMT+7)

ĐBSCL Lúa thu đông 2023 đã mở đồng với lợi nhuận cao gấp đôi năm ngoái, tuy nhiên những trà lúa muộn nông dân còn khá nhiều lo lắng, nhất là sâu bệnh, triều cường...

Vùng rốn lũ ngập tràn niềm vui

Vựa lúa ĐBSCL đã mở đồng vụ thu đông 2023, những trà lúa sớm được mùa, mang về lợi nhuận gấp đôi năm ngoái. Đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được sự phấn khởi của bà con vì đã nhiều năm nay chưa từng có được vụ lúa trúng giá đến thế.

Tại các huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang như Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và thị xã Cai Lậy chỉ còn lác đác một vài cánh đồng thu hoạch muộn. Bởi lịch gieo sạ ở đây thường sớm hơn các địa phương vùng hạ, theo truyền thống, lúa phải được thu hoạch xong trước khi mùa nước nổi về.

Nông dân Nguyễn Hữu Tấn (ấp Hòa Hiệp, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết năng suất lúa vụ thu đông đạt khá cao, vui nhất là giá lúa rất cao. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Nguyễn Hữu Tấn (ấp Hòa Hiệp, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết năng suất lúa vụ thu đông đạt khá cao, vui nhất là giá lúa rất cao. Ảnh: Minh Đảm.

Cánh đồng của Hợp tác xã (HTX) Mỹ Quới (ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) vừa thu hoạch xong 160ha lúa OM18 và 70ha lúa ML232. Đây gần như là cánh đồng thu hoạch lúa muộn nhất trong xã. Theo bà con, giống lúa ML232 trúng nhất với năng suất khoảng 6,5 tấn/ha, bán được giá 7.900 đồng/kg. Còn lúa OM18 năng suất thấp hơn, đạt khoảng 5,5 tấn/ha, bán được giá 8.200 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà con bỏ túi từ 25 – 30 triệu đồng/ha.

Theo ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Mỹ Quới, những trà lúa sớm năng suất đạt cao hơn, khoảng 7 tấn/ha. Những trà lúa về cuối không trúng bằng, một phần do thời tiết lúc trổ bông, một phần do chim chuột tập trung nên cũng thất thoát, làm giảm năng suất. Tuy vậy, bình quân chung năng suất lúa của cả xã có thể đạt từ 6 tấn/ha trở lên. So với năm ngoái, lợi nhuận cao hơn 2 lần. Bà con rất phấn khởi chuẩn bị ngâm đất, chờ lịch gieo sạ vụ lúa đông xuân 2023 - 2024.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ thu đông 2023, các huyện phía tây của tỉnh gieo sạ được khoảng 25.000ha. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch gần xong, chỉ còn một số vùng trũng trong đê bao. Tuy nhiên, trà lúa còn lại cũng an toàn trước triều cường. Năng suất lúa tươi tạm tính khoảng 6 tấn/ha. Năm nay, giá thành sản xuất lúa khoảng 3.400 đồng/kg. Với giá lúa như hiện nay, bà con có lãi rất khá.

Một trà lúa của nông dân Trà Vinh chuẩn bị thu hoạch, đã có thương lái đặt cọc với giá 8.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Một trà lúa của nông dân Trà Vinh chuẩn bị thu hoạch, đã có thương lái đặt cọc với giá 8.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Hành trình dọc theo sông Tiền từ vùng rốn lũ Đồng Tháp, Tiền Giang xuôi dòng về Vĩnh Long, Trà Vinh, những cánh đồng lúa đang giai đoạn từ đòng - trổ đến chín. Ở xã Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), năm ngoái, giá vật tư tăng chóng mặt, trong khi giá lúa thấp lè tè nên nhiều nông dân chán nản bỏ đồng hay dưỡng lúa chét (được mọc từ những gốc lúa đã thu hoạch của vụ trước) để nuôi vịt. Ấy vậy mà vụ thu đông năm nay, bà con gieo sạ vượt kế hoạch 50ha, tổng diện tích được 3.750ha.

Dù thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều nhưng không có tình trạng lúa đổ ngã. Trong những ngày mưa, những chiếc máy gặt vẫn tranh thủ lúc trời hửng nắng, ngày tạnh ráo để làm việc liên tục không kể giờ giấc. Hiện trà lúa thu đông ở đây đã được thu hoạch xong. Giá lúa tươi tại ruộng dao động từ 8.100 – 8.300 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước gần 3.000 đồng/kg. Năng suất đạt từ 6 tấn/ha trở lên.

Ông Lê Văn Gồm ở ấp Hòa Hiệp (xã Nguyễn Văn Thảnh) vừa thu hoạch xong 1ha lúa OM18, được 6 tấn. Theo ông Gồm, năm nay có nhiều thuận lợi như: Giá lúa tăng cao, giá phân bón giảm, ít bị chuột tấn công do gieo sạ đồng loạt. Ông Gồm cũng như bà con ở cánh đồng này nhận tiền cọc của thương lái sớm, lúc giá lúa mới đạt 7.500 đồng/kg. Dẫu vậy, ông vẫn vui vì sau khi trừ đi chi phí (từ 20 - 22 triệu đồng/ha), lợi nhuận vẫn đạt hơn 50%, còn cao hơn cả vụ đông xuân trước.

Chung niềm vui, anh Nguyễn Hữu Tấn sạ được hơn 4ha giống OM18 với năng suất rất khá, đạt 6 tấn/ha. Tuy nhiên, ông nói năng suất giống lúa này còn thấp, trúng nhất phải kể đến giống lúa IR50404 và ML202 bởi ít bị sâu bệnh tấn công.

Giống lúa ST25 được nông dân tại Trà Vinh đánh giá đạt năng suất 6,5 tấn/ha và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Ảnh: Hồ Thảo.

Giống lúa ST25 được nông dân tại Trà Vinh đánh giá đạt năng suất 6,5 tấn/ha và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Ảnh: Hồ Thảo.

“Vụ thu đông năm trước, cánh đồng này hơn trăm công nhưng nhiều người bỏ do giá lúa thấp, chỉ có mình tui sạ nên bị chuột cắn nhiều, rồi thời tiết bất lợi, cắt được có 5 - 6 bao/công (2,5 tấn/ha) thành ra lỗ mấy chục triệu. May là năm nay lúa được mùa, giá lại rất cao mừng quá trời”, anh Tấn phấn khởi.

Tại tỉnh Vĩnh Long, vụ thu đông năm nay bà con nông dân trong tỉnh xuống giống trên 35.000ha. Trà lúa thu đông sớm ở các huyện Bình Tân, Vũng Liêm hiện đã thu hoạch trên 1.600ha, ước năng suất (lúa khô) bình quân 5,77 tấn/ha. Diện tích lúa sắp thu hoạch khoảng 13.000ha. Nhìn chung so với vụ thu đông 2022, lợi nhuận vụ thu đông năm nay đạt rất cao nên bà con nông dân rất phấn khởi, có thêm điều kiện tái đầu tư sản xuất trước khi bước vào vụ lúa chính đông xuân năm 2023 - 2024.

Vùng hạ chuẩn bị mở đồng

Tại Trà Vinh, hiện duy nhất huyện Càng Long đang bước vào thu hoạch lúa thu đông, còn các khu vực khác mới trong giai đoạn trổ - chắc xanh. Nông dân trồng lúa đang rất phấn khởi bởi trước đó thương lái đã đặt cọc với mức giá cao, dao động từ 8.000 - 8.200 đồng/kg.

Không chỉ ở Trà Vinh mà ở hầu hết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, vụ thu đông năm nay thương lái đặt cọc mua lúa của bà con từ rất sớm với giá cao chót vót. Có trường hợp lúa mới sạ được gần chục ngày đã có thương lái đến đặt cọc. Nhiều bà con tỏ ra bất ngờ, bối rối không biết có nên nhận cọc hay không. Thông thường, thương lái sẽ đặt cọc khoảng 200.000 đồng/công nhưng năm nay giá lúa cao nên thương lái sẵn sàng đặt cọc lên tới 500.000 đồng/công. Cá biệt, những ruộng lúa đã cong trái me có thương lái còn đặt cọc đến 50% giá trị.

Ông Nguyễn Văn Á, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Càng Long cho biết, hiện nông dân trong huyện đã bước vào thu hoạch đại trà lúa thu đông với tổng diện tích gần 8.300ha. Phần lớn diện tích lúa của bà con thương lái đã đặt cọc. Theo đánh giá, năng suất ước tính trung bình đạt khoảng 5,5 tấn/ha. Sau khi trừ các chi phí, bà con lãi từ 2,5 triệu đồng/công (1.000m2).

Để phục vụ thị trường xuất khẩu, vụ thu đông năm nay, địa phương khuyến cáo bà con nông dân chú trọng lựa chọn các giống lúa chất lượng cao, bán được giá như Đài thơm 8, OM5451, ST24, ST25. 

Tuy nhiên, bà con cũng có nhiều nỗi lo, nhất là giá các vật tư nông nghiệp như phân đạm, phân NPK... vẫn còn ở mức cao. Để giảm chi phí sản xuất, ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài (huyện Châu Thành, Trà Vinh) cho biết bà con đã mở rộng canh tác lúa hữu cơ, bón các loại phân hữu cơ vi sinh. Từ đó giúp giảm chi phí khoảng 40% so với sử dụng phân hóa học. Nếu giá lúa vẫn giữ mức như hiện nay, nông dân đảm bảo lãi từ 2,3 triệu/công trở lên.

Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện kịp thời sâu bệnh và các đối tượng gây hại lúa. Ảnh: Hồ Thảo.

Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện kịp thời sâu bệnh và các đối tượng gây hại lúa. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Trương Hòa Thuận, nông dân ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành chia sẻ kinh nghiệm: Bà con cần lưu ý vào thời điểm tháng 9-10 (âm lịch), đây là giai đoạn chuột mài răng, không chờ đến khi lúa chín, mà những cánh đồng mạ non cũng là đối tượng của chúng. Hiện bà con đã tăng cường công tác bẫy chuột và vận động thành viên phát hoang bụi rậm xung quanh...

Vụ thu đông năm nay, ngoài khuyến cáo sử dụng giống chất lượng cao, Sở NN-PTNT Trà Vinh cũng khuyến khích bà con thực hiện các biện pháp canh tác hiệu quả như “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. 

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ. Bà con cũng đã tập trung xuống giống sớm, phân loại từng vùng, từng cánh đồng. Nhờ đó, tổng diện tích xuống giống lúa thu đông của Trà Vinh năm nay đạt gần 68.300ha.

Ngành NN-PTNT các tỉnh dự báo: Thời tiết mưa bão nhiều, sáng sớm có sương mù nhẹ, kết hợp trà lúa thu đông đang bước vào giai đoạn trổ - chín là điều kiện phù hợp cho bệnh đạo ôn, lem lép hạt, cháy bìa lá phát sinh, phát triển, vì vậy bà con cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sớm sâu bệnh để chủ động phòng trừ hiệu quả.

Dù hệ thống thủy lợi đã cơ bản phục vụ tốt sản xuất, tuy nhiên với triều cường như hiện nay, bà con cần tăng cường thăm đồng, kiểm tra gia cố các cống đập, hệ thống đê bao, bờ bao có nguy cơ bị sạt lở. Ngoài ra, cần lưu ý sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ - chín.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.