"Cò lúa" nhao nhao đặt cọc
Những tuần gần đây, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL nhích lên. Hoạt động thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương diễn ra sôi động. Bên cạnh thu mua lúa hàng hóa vụ hè thu, tiểu thương và doanh nghiệp tìm đến tận ruộng của nông dân để đặt hàng mua lúa vụ thu đông 2023 từ khá sớm khi lúa mới bắt đầu làm đòng và trổ.
Thời điểm này, lúa hè thu 2023 tại ĐBSCL đang trong giai đoạn chín và thu hoạch. Riêng tại TP Cần Thơ, do nông dân gieo sạ sớm nên lúa hè thu đã được thu hoạch dứt điểm từ tháng 7/2023. Hiện nông dân Cần Thơ đang tập trung cho vụ lúa thu đông 2023 với diện tích xuống giống hơn 67.400ha theo kế hoạch, tăng hơn 7.000ha. Các trà lúa thu đông trên địa bàn Thành phố hiện chủ yếu trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, làm đòng, trổ và chắc xanh.
Nhìn chung, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Dù lúa chưa bước vào thu hoạch nhưng đã có nhiều thương lái và doanh nghiệp đặt cọc mua lúa từ rất sớm với mức giá cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Các giống lúa OM 5451 và OM 18 vụ thu đông 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ đã được nhiều thương lái đặt cọc mua lúa tươi của nông dân với giá từ 7.200 - 7.600 đồng/kg, lúa Nhật ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận thực tế tại các quận, huyện tại TP Cần Thơ, nông dân trồng lúa thu đông hiện nay rất phấn khởi vì giá lúa hiện đang ở mức cao, thời tiết khá thuận lợi, lúa ít sâu bệnh, giá vật tư đầu vào không tăng cao mà giữ ổn định. Lúa mới sạ còn xanh trên đồng đã có thương lái vào tận nhà ngỏ lời đặt cọc tiền trước giúp nông dân có chi phí phần nào để lo cho gia đình và đầu tư trong mùa vụ, khi đến thu hoạch lại không lo vấn đề đầu ra.
Theo tính toán của nông dân, với giá lúa tăng cao như hiện nay, nông dân làm lúa vụ hè thu hay vụ thu đông (lúa vụ 3) đều có mức lãi bằng với vụ lúa đông xuân, cho lợi nhuận trên 3 triệu đồng/công (1.300m2). Đây là mức lãi khá cao mà lâu nay nông dân trồng lúa ở ĐBSCL mơ ước nhưng chưa từng đạt được trong vụ lúa hè thu và thu đông.
Bán lúa non sẽ gặp bất lợi
Vụ hè thu 2023, ông Trương Thanh Phong ở ấp Thới Thuận, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ ) canh tác 2,5ha lúa OM 5451, hiện lúa đã được 75 ngày tuổi và đang bước vào giai đoạn trổ đều và công trái me. Lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và hiện đã có thương lái đặt tiền cọc mua lúa nên ông có phần an tâm về đầu ra, tập trung chăm sóc để lúa đạt năng suất cao.
Ông Phong cho biết: Cách nay hơn 1 tuần, gia đình ông đã nhận tiền cọc 300.000 đồng/công từ “cò lúa” để chốt giá bán lúa tươi ở mức 7.200 đồng/kg khi thu hoạch. Dù dự đoán giá lúa có thể còn tăng nhưng theo ông Phong, mức giá này đã hài lòng và cũng cao hơn 1.000 - 1.200 đồng/kg so với vụ thu đông năm trước, đảm bảo có thể kiếm lời.
"Tôi cũng lo ngại thị trường có những biến động khó đoán nên quyết định bán lúa non. Tôi rất mong đến thời điểm thu hoạch, giá lúa tiếp tục tăng và bình ổn ở mức cao để thuận lợi tiêu thụ. Bởi mức tiền thương lái đặt cọc không nhiều và thời gian qua có tình trạng khi bước vào các vụ thu hoạch, nếu thấy giá lúa giảm mạnh, thương lái hạ giá thu mua xuống, thậm chí họ sẵn sàng bỏ tiền cọc chứ không chịu mua lúa như giá đã thỏa thuận ban đầu”, ông Phong ái ngại.
Ấp kênh 4B, xã Tân An là địa phương gieo sạ lúa thu đông 2023 sớm nhất của huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Toàn ấp có trên 500ha lúa nằm trải mình hai bên bờ sông với chiều dài hơn 5km. Hiện nay, lúa thu đông đã hơn 60 ngày tuổi, bước vào giai đoạn đòng - trổ.
Anh Ngô Công Sinh, một nông dân trong ấp vụ này canh tác gần 8ha lúa IR 50404, phần lớn nông dân cùng ấp cũng chọn giống lúa này để sản xuất. Lý do nông dân nơi đây chọn giống lúa IR 50404 vì có ưu điểm dễ canh tác, nhẹ công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 85 ngày là cho thu hoạch nên rất thích hợp cho canh tác 3 vụ/năm.
Năm nay thị trường lúa gạo luôn sôi động, giá lúa ở mức cao nên nông dân ấp kênh 4B rất phấn khởi. Anh Sinh cho biết, dù còn khoảng hơn 20 ngày nữa lúa mới cho thu hoạch nhưng những ngày qua thương lái đã tìm đến hỏi đặt cọc để mua. Chỉ cần cái gật đầu của nông dân là họ sẵn sàng chi tiền mặt đặt cọc từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha.
Giá lúa thương lái đưa ra cũng khá hấp dẫn, với giống IR50404, nếu lúa ngang (lúa để xay gạo nguyên liệu) thì giá chốt cọc hiện nay là 7.600 đồng/kg lúa tươi thu hoạch bằng máy. Còn những ruộng có quy trình canh tác tốt, đạt tiêu chuẩn làm lúa giống có giá từ 8.000 - 8.100 đồng/kg.
Theo anh Sinh, dù giá hấp dẫn nhưng đa phần nông dân không bán lúa non. Thứ nhất, nông dân kỳ vọng đến thời điểm thu hoạch giá sẽ còn tăng, nếu chốt "giá chết" sẽ thiệt thòi. Thứ hai, khi đã nhận cọc, thương lái sẽ quyết định ngày thu hoạch và họ thường để lúa thật chín mới cắt, nông dân sẽ bị thiệt do lúa dễ bị rơi rụng làm giảm năng suất.
Ở ấp kênh 5B (xã Tân An), do thu hoạch lúa hè thu trễ hơn nên lúa thu đông của nông dân hiện mới gieo sạ được từ 10 - 15 ngày, lúa đang giai đoạn mạ non. Thế nhưng, thương lái cũng rảo quanh để dạm mua, đặt cọc.
Anh Đỗ Anh Tuấn, nông dân trong ấp cho biết: Năm nay thương lái hỏi mua cả “lúa lá”, tức là cây lúa còn non, chưa kịp ra bông, kết hạt. Giá lúa được chào mua từ 6.800 - 7.5000 đồng/kg tùy vào giống gieo sạ, nếu nông dân đồng ý bán họ sẽ đặt cọc. Đây là điều chưa từng xảy ra, mọi khi “cò lúa” chỉ hỏi mua khi bông lúa đã gục mặt. Họ xem ruộng lúa tốt, xấu ra sao rồi mới cho giá và đặt cọc xong thì lâu nhất cũng chỉ trong vòng một tháng là thu hoạch.
Ông Lê Văn Khá ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: Vụ thu đông 2023 gia đình canh tác 3,2ha, sạ giống OM 5451, hiện lúa đã trổ đều và bước vào giai đoạn chắc xanh, dự kiến hơn 2 tuần nữa lúa bước vào thu hoạch.
Khoảng 10 ngày trước, ruộng lúa của ông Kiều đã có thương lái đến đặt tiền cọc mua lúa và ông đã nhận tiền cọc thỏa thuận tới lúc thu hoạch sẽ bán lúa tươi tại ruộng với giá 7.100 đồng/kg, mức giá này cao hơn khoảng 1.200 đồng/kg so với vụ thu đông 2022. Với giá bán như trên và năng suất lúa đạt khoảng 800kg/công, sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông ước lãi hơn 3 triệu đồng/công.
Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp, cho biết, đến nay, tỉnh đã xuống giống lúa thu đông đạt 100 ngàn ha/120 ngàn ha theo kế hoạch. Trước tình hình giá lúa tăng cao, đã xảy ra tình trạng “cò lúa” xuống tận ruộng của nông dân đặt cọc tiền khi lúa còn xanh trên đồng. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân không chạy theo giá lúa đang tăng cao mà phá vỡ các hợp đồng liên kết có sẵn giữa nông dân, doanh nghiệp và HTX để bán lúa non vì sẽ nảy sinh hệ lụy về sau.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng tăng cường tuyên truyền cho nông dân, doanh nghiệp và HTX tập trung sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng gắn với chuỗi liên sản xuất sẽ mang lại giá trị bền vững.