| Hotline: 0983.970.780

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 3] Nước sạch về khắp vùng hạn mặn, nhiễm phèn

Thứ Hai 18/03/2024 , 06:15 (GMT+7)

Sóc Trăng Với đặc thù hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực phèn, mặn, Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo đủ nguồn nước sạch cấp cho người dân mùa hạn mặn này.

Bớt áp lực nước sạch cho sinh hoạt

“Mặn dữ lắm rồi!”. Đó là lời cảm thán của lãnh đạo HTX nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình sản xuất.

Chuyện con nước mặn lên cao không còn xa lạ với nông dân nơi đây. Bởi với đặc thù là địa phương giáp biển, hầu như hàng năm vào thời điểm này, bà con đều ngưng sản xuất lúa, xới đất lên phơi.

Thế nhưng năm nay, giá lúa nằm ở mức cao, mặc dù đã được ngành chuyên môn khuyến cáo về những diễn biến gay gắt của xâm nhập mặn, một số bà con vẫn tự phát sản xuất vụ đông xuân muộn.

Nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang trong tình trạng khô cạn nhiều ngày. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang trong tình trạng khô cạn nhiều ngày. Ảnh: Kim Anh.

Từ sáng sớm, ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi lái xe dạo một vòng quanh các cánh đồng lúa của xã viên để theo dõi tình hình. Tại các cống thủy lợi, những ngày qua nguồn nước bên trong cống liên tục nằm ở mức trên 2‰. Tuy ghi nhận những thiệt hại ban đầu đến sản xuất nông nghiệp, nhưng so với một số tỉnh, thành vùng mặn khác, ông Hùng vẫn cảm thấy an tâm hơn khi nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con trong vùng vẫn được đảm bảo.

Nhớ lại giai đoạn hạn mặn khốc liệt năm 2015 - 2016, ông Hùng bồi hồi kể, thời điểm ấy hệ thống đường ống dẫn nước sạch về vùng nông thôn trên địa bàn chưa đảm bảo. Bà con phải tận dụng nguồn nước ngầm bơm lên từ giếng khoan, nhưng không đủ để sử dụng, phải tiết kiệm từng giọt nước.

“Khi đó, nước vừa rửa rau xong là phải giữ lại để rửa chén. Bây giờ, các đường ống kéo nước sạch sinh hoạt cho bà con phủ kín hết vùng rồi”, ông Hùng phấn khởi.

Ngoài huyện Long Phú, Trần Đề cũng là một trong những địa phương thuộc điểm nóng về nước sạch sinh hoạt trong mùa khô hạn tại tỉnh Sóc Trăng. Theo dữ liệu ghi chép của địa phương, trong đợt hạn, mặn lịch sử vào năm 2015 - 2016, toàn huyện có khoảng 2.500 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt.

Trạm cấp nước tập trung trên 8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa được đầu tư tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú. Ảnh: Kim Anh.

Trạm cấp nước tập trung trên 8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa được đầu tư tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú. Ảnh: Kim Anh.

Đến giai đoạn hạn mặn năm 2019 - 2020, áp lực nước sinh hoạt của bà con nơi đây khó càng thêm khó. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng phải tổ chức các chuyến xe cấp nước sạch miễn phí về từng xóm ấp vùng sâu của huyện Trần Đề cung cấp cho người dân.

Riêng tại thị xã Vĩnh Châu, do đa số dân cư sống không tập trung, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nên việc cấp nước sạch sinh hoạt cho bà con là trở ngại lớn của địa phương.

Thống kê, trên địa bàn thị xã có 15 công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng quản lý, vận hành. Tổng công suất được cấp giấy phép trên 14.300 m3/ngày đêm, cho toàn chiều dài tuyến ống hơn 530 km, khả năng cung cấp nước sạch cho 18.650 hộ dân.

Thế nhưng thực tế, số hộ dân tham gia đấu nối trên tuyến ống này còn hạn chế, do điều kiện kinh tế bà con còn khó khăn.

Để đảm bảo nguồn nước sạch cấp cho người dân trong mùa hạn mặn này, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã ưu tiên lắp đặt, đấu nối hoàn toàn miễn phí cho người dân sống cách xa khu dân cư tập trung hay những vùng bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Đồng thời, kịp thời giải quyết khó khăn trước mắt cho các gia đình không có điều kiện.

Ông Lý Chươl ở khóm Bưng Tum, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết, những năm trước, thời điểm nước mặn “tấn công”, việc tìm nguồn nước sạch để sinh hoạt không dễ dàng. Gia đình ông phải đi bơm, gánh, thậm chí là mua lại của người dân lân cận.

Mùa hạn mặn này, ông Chươl cũng như nhiều bà con trong vùng vô cùng phấn khởi khi được hỗ trợ cấp nước sạch, để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình.

Đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân

Với đặc thù hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực 'rốn phèn', nhiễm mặn theo mùa, việc sử dụng nước mặt tại Sóc Trăng rất hạn chế, phần lớn hộ dân đều phải sử dụng nước ngầm.

Thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong đợt hạn mặn lịch sử giai đoạn 2015 - 2016, toàn tỉnh có khoảng 43.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, 2.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng phải đi mua, chở nước để sử dụng hàng ngày.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tăng cường đấu nối tuyến ống giữa các trạm cấp nước để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong các tháng cao điểm mùa khô. Ảnh: Kim Anh.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tăng cường đấu nối tuyến ống giữa các trạm cấp nước để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong các tháng cao điểm mùa khô. Ảnh: Kim Anh.

Đến giai đoạn 2019 - 2020, con số ảnh hưởng trên đã giảm còn 24.000 hộ bị ảnh hưởng nước sinh hoạt. Nguyên nhân chính do nguồn nước mặt tại các sông, kênh rạch, ao, hồ bị khô cạn hoặc nhiễm mặn. Trong khi đó nguồn nước ngầm từ giếng khoan tầng nông của hộ gia đình suy giảm, cạn kiệt không đủ khai thác sử dụng.

Đến thời điểm này, chưa vội để khẳng định người dân Sóc Trăng không thiếu nước sạch để sử dụng, bởi hạn mặn được dự báo sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, với những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những đợt hạn mặn trước, cơ quan chuyên môn địa phương đã có những giải pháp từ trước và tầm nhìn cho dài hạn.

Ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhân dân.

Kế hoạch này quy định chi tiết, cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn. Nhất là vai trò của các đơn vị cấp nước phải đảm bảo về số lượng và chất lượng phục vụ.

Trọng tâm là tăng cường kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, đảm bảo các nhà máy nước vận hành liên tục.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu tổ chức đo độ mặn tại các nhà máy để có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt.

Trong đó, ưu tiên cung cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu như: sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, cây trồng hàng năm và lâu năm, trong thời gian xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay, đơn vị đã lên kế hoạch mở các điểm cấp nước công cộng lấy nước miễn phí cho người dân khu vực cuối đường ống.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng kiểm tra chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân tại các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng kiểm tra chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân tại các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, trang bị xe tải, bồn nước sẵn sàng đưa nước sạch đến người dân nếu xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn này.

Hiện nay, đơn vị đang thực hiện giám sát hoạt động súc rửa hệ thống lọc tại các Trạm, cấp nước qua hệ thống camera. Dữ liệu sẽ được truyền về Văn phòng Giám sát - Điều hành (IOC) của Trung tâm. Từ đó, có giải pháp điều hòa kịp thời, đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Cũng theo ông Dũng, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sóc Trăng có khả năng đáp ứng đủ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của người dân trong năm 2024.

“Bằng mọi biện pháp có thể, tỉnh Sóc Trăng đã và đang đồng hành cùng người dân nông thôn giải quyết ổn thỏa bài toán khó về nước sạch sinh hoạt trong đợt hạn mặn này”, lãnh đạo trung tâm cấp nước tỉnh cho hay.

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Với mục tiêu nâng cấp, mở rộng 258.000m đường ống trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ 10.000 hộ dân tăng thêm trong giai đoạn hạn mặn này.

4 trạm cấp nước thuộc Dự án cấp nước ở các vùng khan hiếm nước trên địa bàn tỉnh cũng đang được triển khai xây dựng.

Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai 35 công trình mở rộng mạng tuyến ống cấp nước, tổng chiều dài trên 123.000m. Đảm bảo phục vụ cấp nước cho hơn 3.200 hộ dân trên địa bàn các huyện: Trần Đề, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.