Nằm giữa vùng lõi rừng đặc dụng, buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lăk, Đắk Lắk) hoàn toàn biệt lập với bên ngoài. Vận động dân ra ngoài không thành, chính quyền quyết định đầu tư vào cho dân. Hơn 1,3 tỉ đồng/hộ dân là số tiền đang đầu tư cho Lách Ló. Song chừng ấy liệu đã đủ để Lách Ló “thay da” hay chỉ để “gánh” thêm nhiều nỗi lo khác?
Đói rét giữa rừng sâu
Mất hơn 2 giờ vượt qua ngọn đồi dựng đứng, luồn thêm mấy cây số đường rừng nữa chúng tôi mới đến được Lách Ló. Nếu dùng chữ “đói” có lẽ vẫn chưa nói lên hết cái khó khăn, vất vả ở đây.
Ra xã nhưng phải mất gần trọn ngày vợ chồng Xăng mới về đến nhà. Mấy tháng nay thiếu hạt lúa nên cứ vài ngày Xăng cùng vợ lại ra xã mua gạo. Tiền mua gạo của họ là 2 gùi măng to (thứ mà cả gia đình Xăng phải lội rừng nhiều ngày). Thế nhưng loại gạo hẩm nhất cũng đã có giá gấp 5 lần so với “tiền” của Xăng, nên mỗi lần ra xã dù rất vất vả họ cũng chỉ mang về được chừng 5 cân gạo. Nhà đến 8 miệng ăn mà hạt gạo hiếm quá nên Xăng đem nấu thành cháo loãng độn thêm rau rừng để cho đầy mấy cái bụng.
Đại gia đình gồm 9 người của ông Y Bang sống trong ngôi nhà rách nát thế này
Nhà Xăng có 3 sào lúa, mỗi năm chỉ gặt một lần, mỗi lần gặt chỉ đủ ăn cháo 3 tháng. Hết gạo, cả nhà lên rừng hái măng đổi gạo. Vào mùa, cái măng đi đâu cũng thấy nhưng đồi dốc dựng đứng giữa mùa mưa, lấy được măng không dễ. Từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm nhà Xăng đứt hẳn mọi nguồn lương thực, vợ chồng họ lại dắt nhau ra tận Buôn Triết (huyện Lăk) vừa mót, vừa xin lúa của dân về ăn.
Ở Lách Ló, hoàn cảnh như Xăng là “bậc trung”- đói nhưng dựng được nhà, chiếm đa số. Trên Xăng có mấy hộ thuộc “bậc” ít đói hơn, chừng 2 tháng/năm. Dưới “bậc” của Xăng còn có diện đói dài và không dựng được nhà - diện này chiếm chừng 1/3 số hộ của buôn. Ông Y Bang Niê sống đã gần hết đời nhưng chưa bao giờ được ngủ trong cái nhà đúng nghĩa. “Nhà” hiện tại của ông Bang rộng chừng 20 m2, được dựng lên trên nền đất gồ ghề từ 5 cái trụ to chừng bắp chân, trên có mấy tấm tôn chắp lại làm mái, bốn phía vây bằng phên nứa rách nát. Trong “nhà”, ông Bang kê hai cái sạp nứa, một cái cho vợ chồng ông và 2 đứa nhỏ, cái kia cho 5 người của gia đình đứa con gái lớn. Ngoài mấy cái nồi, “gia sản” của đại gia đình này không có bất cứ vật gì đáng giá.
So với ông Bang, nhà Y Niêm được cái chắc chắn, rộng rãi hơn nhưng lại không có vách. Trước, Niêm xin được mấy tấm bạc nhựa cũ vây lại nhưng giờ rách bươn hết. Rách kệ, Niêm chẳng quan tâm, mà có muốn quan tâm cũng đâu có thời gian? Từ sáng đến tối, cả nhà Niêm (6 người) phải luồn rừng lội suối kiếm cái bỏ vào miệng còn chưa đủ nữa là…
Trăm bề khốn khó
Lách Ló có 40 hộ với 177 người sống ngay giữa vùng lõi của rừng đặc dụng Nam Ka, biệt lập hẳn với bên ngoài. Buôn có từ khá sớm nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, dân đã dời hết ra Buôn Triết. Năm 1986, một số hộ về lại đây sinh sống rồi dần dần đông đúc như bây giờ. Năm 2010, Lách Ló được chính thức công nhận là một buôn của xã Nam Ka.
Từ trung tâm xã vào Lách Ló có hai lối. Một là băng qua đỉnh Nam Ka, lối này ước chừng 10 km toàn đường rừng, chỉ có thể đi bộ bởi đường núi dốc dựng đứng. Hai là vòng sang xã Ea Rbin, sau đó lội rừng chừng hơn 10 km nữa. Lối này xa gấp đôi nhưng đường ít dốc hơn, vào mùa khô xe máy có thể chạy vào tận buôn. Vào mùa mưa, vào Lách Ló đi đường nào cũng cực, không chỉ trèo đèo lội suối, hì hục trên những vũng lầy mà còn phải chống chọi với lũ muỗi, vắt dày đặc dưới chân. Vậy nên vào mùa mưa Lách Ló có thể nói là cô lập hoàn toàn. Ngay cả sóng điện thoại, cả buôn cũng chỉ có 2 điểm có chập chờn là… trên cột nhà ông buôn trưởng và cột nhà của trạm quản lý bảo vệ rừng Nam Ka.
Cách đây vài năm, dân Lách Ló muốn có mắm muối phải ra tận xã. Từ khi có thông tin về dự án ổn định dân tại đây, ở Lách Ló đã xuất hiện cái quán. Quán ấy chủ yếu bán thuốc lá, cá khô, muối, đồng thời mua mì, bắp của dân. Nhưng chỗ ấy bán cái gì cũng đắt mà mua cái gì cũng rẻ. Một con cá khô to chừng ngón tay họ bán 2 ngàn đồng, nếu mua sỉ, giá rẻ hơn, 5 ngàn 3 con. Trong khi đó, bắp, mì của dân thì được mua rẻ hơn 2 lần so với ngoài xã.
Ngôi nhà bừa bộn, rách nát của Y Niêm
Theo ông Y Win H’Drue, buôn trưởng, đất sản xuất của Lách Ló có chừng 70 ha, trong đó lúa nước hơn 30 ha, còn lại là đất rẫy. Cái ăn của dân chủ yếu nhờ vào diện tích lúa nước. Nhưng chỗ đó, vào mùa khô, nước ăn uống cũng cạn nên cây lúa chỉ trồng được một vụ. Lại nữa, việc canh tác của dân vẫn theo lối cũ, tất cả nhờ vào trời, nên chẳng thu được mấy. Vậy nên, 100% dân ở đây bị đói giáp hạt ít nhất 2 tháng (hiện số hộ đói chưa được rà soát lại).
Cũng vì đường khó quá mà dân Lách Ló chỉ ra trạm y tế xã khi nào đau rất nặng. Để đưa người bệnh ra xã, dân lấy mền làm võng rồi khiêng qua đỉnh Nam Ka. Lách Ló cũng có điểm trường nhưng chỉ dạy đến lớp 2, do một giáo viên phụ trách. Mỗi giáo viên vào đây dạy 6 tháng rồi thay người khác. Điểm trường là một ngôi nhà gỗ ngăn đôi, lớp 1 và lớp 2 được dạy cùng lúc. Hôm tôi đến, lớp 1 có 12 học sinh nhưng vắng 3; lớp 2 chỉ có 6 học sinh. Giáo viên phụ trách, thầy Phan Đắc Vi cho biết, người dân trong buôn đa phần mù chữ. Học sinh lớp 3 trở lên phải ra tận xã học, đường khó quá nên chẳng mấy em trụ nổi một năm.
Tiền tỉ vẫn lo
Theo trưởng buôn, Lách Ló có 42 hộ dân (2 hộ tạm trú) nhưng theo ông Y Rin Buốc, buôn này có 39 hộ. Trong khi đó, trong một báo cáo của Ban Dân tộc huyện Lăk, Lách Ló lại có đến 61 hộ. Chỉ có mấy hộ dân mà mỗi nơi nói mỗi kiểu, chẳng biết việc vận động dân ra ngoài có thực sự “quyết liệt” hay cũng giống chuyện thống kê dân số nơi đây? |
Cực là thế nhưng dân Lách Ló vẫn quyết bám buôn. Theo các lãnh đạo huyện thì họ đã ra sức vận động nhưng không được. Dân bảo họ chỉ cần đường, thủy lợi, điện thế là ổn. Huyện chiều dân đề xuất, tỉnh duyệt đồng ý cắt 102 ha đất của rừng phòng hộ Nam Ka, phá 5 ha rừng phòng hộ và bỏ 53,7 tỉ đồng để làm đường, kéo điện và xây đập thủy lợi cho dân. Như vậy, tính ra mỗi hộ dân được đầu tư đến hơn 1,3 tỉ đồng. Hỏi chừng ấy tiền dân đã yên chưa, ông Y Ban H’Dớt, Phó chủ tịch UBND huyện Lăk, lắc đầu. Nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện khi được hỏi chuyện này cũng tỏ rất hoài nghi.
Người dân cần vốn, cần học cách canh tác có khoa học. Và hơn hết, họ cần phải bỏ được tính ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước vốn đã ăn sâu vào máu thịt. Dân bảo ra ngoài ít đất sống không nổi, nhưng nếu ra ngoài mà cho họ chừng ấy tiền sống nổi không? Câu hỏi này chúng tôi chưa có câu trả lời.
Từ ngày có thông tin về dự án ổn định dân Lách Ló, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ka đã phải thành lập một trạm bảo vệ rừng tại buôn này. Bởi rừng dù chưa “mở” ra nhưng đã có một số đối tượng vào lăm le mua đất của dân. Ông Y Rin Buốc, Phó chủ tịch UBND xã Nam Ka, cho biết, hiện một số người dân ở Ea Rbin và Lách Ló đã vào rừng đặc dụng Nam Ka phân lô xí phần. Chưa ai dám phá rừng nhưng nếu dân bị lừa bán hết đất thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Nam Ka, lo lắng: “Việc mở đường vào Lách Ló đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho lâm tặc hoạt động. Dân tại chỗ không lo nhưng vấn đề là các đối tượng khác vào dụ dỗ, mua hết đất đai buộc dân phải phá rừng”.