| Hotline: 0983.970.780

Những “bà tiên” ở viện K

Thứ Năm 06/09/2012 , 10:19 (GMT+7)

Đó là cái tên trìu mến mà người dân dùng để gọi các cụ hưu trí của xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội)...

Một "bà tiên" đang chuẩn bị nấu cháo cho sáng mai

Đều đặn, cứ sáng sớm tinh mơ, các cụ hưu trí của xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) lại nấu hơn 500 suất cháo miễn phí phát cho các bệnh nhân ở Bệnh viện K2 (Bệnh viện K Trung ương - Cơ ở Tam Hiệp,  huyện Thanh Trì). Công việc đó đã diễn ra hơn 7 năm nay. Người dân đặt cho các cụ với cái tên trìu mến: “Những bà tiên” của người nghèo.

Bát cháo nghĩa tình

Ngày nào cũng vậy, công việc của các cụ không kể trời nắng hay mưa. Cứ đúng 6 giờ sáng, các cụ lại đẩy chiếc xe cháo đầy ứ đến trước sân Bệnh viện K2 để phát cho các bệnh nhân nghèo. Đội hưu trí của các cụ gồm 10 người, được phân công cụ thể như: người đi chợ, người nhặt rau, người nấu cháo và cuối cùng là người đi phát. Từ sáng sớm, cụ Cao Thị Nghít (trưởng nhóm) đã phải dậy từ lúc 4h để đi chợ mua thịt, rau quả về cho kịp nồi cháo buổi sáng. Cháo vừa chín nhừ cũng vừa lúc cụ Nghít mang thịt về. Các cụ mỗi người một tay làm cho công việc được nhanh chóng. Đúng 6 giờ sáng, nồi cháo đã được bày lên xe tươm tất.

Bốn giờ chiều, khi chúng tôi đến gian nhà nhỏ được gọi là “bản doanh” của các cụ cũng là lúc cả nhóm đang chuẩn bị lên lửa. Đã “chuyên môn hóa” từ trước với người nhặt rau, quả, người vo gạo, người nhóm bếp..., mỗi công đoạn đều được một cụ phụ trách cụ thể. Để có được nồi cháo, ngày nào các cụ cũng phải chuẩn bị từ 3 giờ chiều ngày hôm nay cho đến sáng hôm sau.

Cụ Nghít cho biết, nhóm nấu cháo của các cụ gần như trong ngày không có thời gian rỗi. Sáng sớm cụ Nghít phải đi chợ vừa chuẩn bị thịt cho nồi cháo buổi sáng, vừa mua sẵn rau, củ, quả để chiều làm tiếp cho nồi cháo ngày mai. Như vậy các cụ thường phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị. Buổi sáng, cả nhóm đi phát cháo khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó về dọn dẹp cũng xấp xỉ trưa. Về tới nhà tranh thủ được một lúc ăn cơm, nghỉ ngơi ba tiếng đồng hồ lại phải tập trung lại chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Cứ như vậy, các cụ làm công việc này đã hơn bảy năm nay.

Khi hỏi về việc làm từ thiện, cụ Nghít cho biết, các cụ cũng chỉ là người bỏ công. Kinh phí đều do nhà chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội) làm từ thiện. Còn các cụ, tuy không có lương hưu nhưng cũng đã tự gom những đồng tiền tiêu vặt hàng tháng để góp phần vào nồi cháo từ thiện này. “Người vào viện K chủ yếu là những người nghèo. Họ đã phải khổ sở vì bệnh tật còn tốn kém nhiều về kinh tế. Nhiều người ốm đau vậy nhưng không có nổi tiền ăn sáng. Mình tuy nghèo nhưng cũng còn may mắn hơn họ. Với nồi cháo này mong sao người bệnh được an ủi phần nào để quên đi bệnh tật”, cụ Nghít tâm sự.

Tuy là cháo từ thiện nhưng cũng đầy đủ chất dinh dưỡng. “Bà tiên” trưởng nhóm bảo vậy. Dẫn chứng là một ngày các cụ nấu 12kg gạo, 2,5kg thịt, 10kg củ, quả, vị chi hơn 500 suất cháo. Sở dĩ cháo của các cụ được mọi người ưa chuộng không hẳn vì nó là từ thiện. Theo cụ Nghít, muốn nấu cháo ngon cũng phải có phương pháp. Không phải cứ nấu nhừ gạo bỏ thịt vào là thành cháo. Ở đây các cụ nấu rất công phu. Từ chuẩn bị, vo gạo cho đến bắc nồi ninh nhừ hạt gạo, sau đó bỏ củ, quả vào trong ủ thêm vài tiếng nữa rồi mới tắt bếp. Đến 4 giờ sáng hôm sau, cháo lại được ninh lại lần nữa là gạo đã nhừ tươm.

Chị Ánh, một người dân sống gần cổng viện, cho biết, đứa con nhỏ nhà chị rất biếng ăn. Một lần tình cờ thấy các cụ đang phát cháo cho bệnh nhân chị lại xin một ít thì thấy nó ăn một cách ngon lành. Từ đó lần nào cũng vậy, cứ vào mỗi buổi sáng khi xe cháo đẩy ngang qua nhà, chị lại xin các cụ một bát cho con nhỏ. “Trộm vía” khi ăn cháo các cụ nấu, lần nào cháu cũng hết cả bát to.

Giúp bệnh nhân vững tin hơn

Đúng 6 giờ sáng, khi các cụ đẩy xe cháo vào viện đã thấy sẵn hàng trăm người xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt múc cháo. Ông Nguyễn Văn Tâm (quê Hưng Yên) đã nằm điều trị ở đây được hơn 3 năm. Sáng nào cũng vậy, ông thường dậy từ sáng sớm, tay cầm theo chiếc cặp lồng xuống nhận cháo. Ông vui mừng khoe: “Vừa không mất tiền lại có cháo ngon để ăn. Trước đây do không biết, tôi toàn phải ra ngoài mua cháo vừa đắt lại chẳng ra gì. Ba năm nay được ăn cháo từ thiện tôi đã dư được số tiền tương đối lo trang trải thuốc men”.

“Một bát cháo, một suất cơm cũng làm ấm lòng cho các bệnh nhân nghèo trong khi viện phí tăng cao. Hy vọng những bát cháo, suất cơm này sẽ góp được một phần nhỏ cho người bệnh có thêm tiền mua thuốc men”, cụ Nghít tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thắm, quê Thanh Hoá vừa nhập viện được hơn một tháng. Tính ra từ ngày nằm viện bà chưa một lần ăn sáng. Hỏi ra mới biết, bà không ăn để tiết kiệm tiền cho những ngày tháng còn điều trị trong bệnh viện. Giờ có cháo từ thiện, mỗi buổi sáng bà yên tâm hơn để điều trị. “Mang trong mình khối u ác, chẳng biết sống chết ngày nào. Dù có phải đi về với ông bà tổ tiên sớm tôi cũng không thể quên được tấm lòng thơm thảo của những người làm từ thiện. Bát cháo cũng là một phần tinh thần giúp những người bệnh như chúng tôi vững tin hơn trong cuộc sống”, bà Thắm tâm sự.

Trong những lần phát cháo, cụ Nghít nhớ mãi một người đàn ông trạc tuổi 50 người Nam Định vì hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù phải nằm viện, tay còn mang cả ống truyền hóa chất nhưng người đàn ông này vẫn phải cố xuống lấy được suất cháo. Cụ Nghít cho biết: “Mỗi lần phát cháo như vậy chúng tôi phải cân đối rất kỹ để tránh tình trạng người này có, người kia không được. Không chỉ riêng bệnh nhân được phát, người nhà bệnh nhân hoàn cảnh nghèo khó chúng tôi cũng cho, giúp họ bớt đi một phần gánh nặng kinh tế”.

Đánh giá về việc làm của các cụ, sư thầy trụ trì chùa Linh Sơn Thích Nữ Như Hiền cho biết, việc làm của các cụ rất đáng được trân trọng. Không chỉ riêng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, mà ngay cả nhà chùa cũng rất mong có những việc làm từ thiện như thế.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Cà Mau phấn đấu trở thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Tổng Bí thư đề nghị Cà Mau khai thác lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn; liên kết chặt chẽ với Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang để cùng phát triển.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Siêu bão Man-yi đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9

Cơ quan khí tượng cho biết, bão Man-yi đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9. Bão đang giật cấp 15 và di chuyển rất nhanh hướng vào các tỉnh Trung Trung bộ.