Tộc người Satere-Mawe có một cách chứng minh sự trưởng thành vô cùng đặc biệt: Chịu đựng sự đau đớt tột cùng từ cú đốt của hàng trăm con kiến độc nguy hiểm nhất nhì vùng rừng rậm nhiệt đới Amazon.
Một cậu bé dân tộc Sarate-Mawe đeo chiếc găng tay kiến đạn trong nghi lễ trưởng thành. Ảnh: Steemit |
Các cộng đồng người trên thế giới đều được ghi dấu ấn và định hình bởi những tập tục truyền thống và lối sống. Truyền thống là một niềm tin hay hành vi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bên trong một xã hội hay cộng đồng người. Nó thường mang ý nghĩa biểu trưng hoặc là biểu tượng cho nguồn gốc xa xưa của một cộng đồng.
Một trong những cộng đồng có nền văn hóa độc đáo, vừa đáng thán phục vừa bị lên án nhiều nhất là bộ lạc Satere-Mawe. Người Mawe có rất nhiều tập tục kỳ lạ cũng như truyền thống đáng chú ý nhưng gây ngạc nhiên hơn cả có lẽ là việc họ dùng đến những con “kiến đạn”, loài kiến độc và nguy hiểm nhất nhì vùng rừng rậm Amazon để chứng nhận tư cách chiến binh, sự trưởng thành cho đàn ông trong tộc, theo World Atlas.
Bộ lạc Satere-Mawe là những người dân bản địa ở Brazil, chủ yếu phân bố tại bang Amazonas. Họ là một dân tộc thiểu số với dân số chỉ khoảng 11.000 người. Họ là những người đầu tiên phát hiện và nhân giống thành công cây guarana, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để làm đồ uống.
Người Satere-Mawe còn có tên khác là người Mawe, người Maragua hay Arapium. Họ nói tiếng thổ ngữ Satere-Mawe. Người Mawe nổi tiếng trong các cộng đồng dân cư ở Brazil vì những truyền thống, nghi lễ đặc biệt, nổi bật hơn là số lượng. Một trong những nghi thức phổ biến nhất là việc họ sử dụng những con “kiến đạn” để thực hiện mghi lễ trưởng thành.
Kiến đạn, tên khoa học là Paraponera clavata, nổi tiếng là một loài kiến có vết cắn vô cùng đau đớn. Chúng được tìm thấy chủ yếu tại các khu rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt ở Nicaragua và Honduras. Kiến đạn sở hữu nhiều tên gọi khác nhau ứng với từng khu vực. Ở Venezuela, họ gọi chúng là loài kiến 24 bởi vết cắn của chúng có thể gây đau đớn trong suốt 24 tiếng hoặc đây cũng chính là thời gian cần để vết đốt đoạt mạng người.
Cơn đau do kiến đạn gây ra được cho là khủng khiếp hơn cơn đau từ bất kỳ loài côn trùng nào thuộc bộ cánh màng, đồng thời là cơn đau có cường độ mạnh nhất trong thang đo chỉ số đau đớn Schmidt. Những người từng bị kiến đốt miêu tả vết cắn gây cảm giác đau đớn như thể họ vừa trúng đạn. Có lẽ đây cũng là một phần bắt nguồn của cái tên “kiến đạn”.
Đối với những người đàn ông thuộc dân tộc Satere-Mawe, nghi lễ trưởng thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước khi được chính thức công nhận là người trưởng thành, các chàng trai Satere-Mawe phải chứng minh rằng họ đủ khả năng đứng vững trước mọi đau đớn. Và không thứ gì tốt hơn để chứng tỏ sự mạnh mẽ ấy là chịu đựng cú cắn từ hàng trăm con kiến đạn, theo Off Track Planet.
Cú đốt của loài kiến đạn gây đau đớn suốt 24 tiếng. Ảnh: Off Track Planet |
Để chuẩn bị cho nghi lễ, những người lớn tuổi trong làng sẽ phải vào rừng để kiếm kiến. Sau khi đã thu thập đủ số lượng, lũ kiến được cho uống một loại thảo dược khiến chúng rơi vào trạng thái sốc, không thể cử động trong một khoảng thời gian. Tiếp đó, người ta dồn tất cả chúng vào một đôi găng tay đặc biệt, chuyên dùng trong nghi lễ trưởng thành. Bị nhốt trong không gian chật hẹp và không có lối thoát, lúc tỉnh dậy, lũ kiến chắc chắn sẽ rất giận dữ và cần tìm kiếm “sự trừng phạt”.
Các chàng trai tham gia nghi lễ trưởng thành sẽ thay nhau đeo chiếc “găng tay đau đớn”. Họ mang găng tay khoảng 10 phút để lũ kiến thi nhau đốt. Trong quãng thời gian này, pháp sư sẽ dẫn dắt những chàng thanh niên đang hăm hở chứng minh tư chất chiến binh của mình vào một điệu nhảy nhằm giúp họ quên đi đau đớn.
Song chịu đựng những cú đốt chỉ là “món khai vị” của lễ trưởng thành. Thời điểm người tham gia tháo bỏ chiếc găng tay cũng là lúc nọc độc bắt đầu phát tác. Chúng khiến bàn tay tê liệt và phù lên. Một ý chí kiên cường cũng không giúp ích gì nhiều trong trường hợp này. Bị cơn đau dày vò suốt 24 tiếng, cơ thể bắt đầu phản ứng. Nhiều người thậm chí co giật và mất đi ý thức. Tuy nhiên, một lần trải qua là chưa đủ. Những thanh niên Mawe phải thực hiện “nghi thức kiến đốt” tổng cộng 20 lần, trong khoảng vài tháng đến vài năm, mới có thể chứng minh sự trưởng thành của mình.