| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện từ nước Mỹ: Thái độ hậu chiến

Thứ Ba 20/09/2016 , 08:01 (GMT+7)

Người Mỹ, dù già hay trẻ, họ đều không biết nhiều về Việt Nam ngoài những câu chuyện chiến tranh. Nhiều khi, mọi câu chuyện giữa tôi và những người tôi gặp...

Nhiều khi, mọi câu chuyện giữa tôi và những người tôi gặp, hay tôi và những người bạn cùng lớp cứ xoay quanh đề tài chiến tranh. Dù đó là chủ đề tôi không muốn nói đến, nhưng những mẩu chuyện về người dân Việt Nam sống ra sao thời hậu chiến lại biến thành “cây cầu nối” đưa tôi gần gũi hơn với những người bạn mới trên đất Mỹ.

Tôi tiếp xúc khá nhiều với những người lính Mỹ năm xưa tham gia chiến tranh Việt Nam. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện về bản thân họ, những nỗi niềm bám theo họ dai dẳng và khi gặp tôi - một người Việt Nam, họ bật lên thành lời.

 

1. Hai tuần đầu tiên trên đất Mỹ, mọi thứ đối với tôi đều là rào cản. Dù quãng đường từ nhà đến siêu thị chỉ tốn 30 phút đi và về, nhưng tôi cũng suýt lạc.

Một lần nọ, tôi được giao đi tác nghiệp sự kiện về ngày hội câu cá của các cặp đôi ông (hoặc bà) và cháu. Sự kiện này diễn ra ở vùng ngoại ô thành phố, cách khá xa trường. Nếu đi taxi cả đi và về, ước tính tốn chừng 100 đô la Mỹ, mà xe bus thì không có tuyến đến thẳng địa điểm đó. Tôi dự tính, đi xe bus đến một điểm gần đó rồi bắt taxi đi tiếp.

Trên chuyến xe bus đó, tôi ngồi cạnh một ông chừng hơn 60 tuổi đi cùng một đứa trẻ. Đứa bé thi thoảng khóc và ông lão liên tục dỗ dành.

Khi đứa bé bắt đầu ngủ, ông quay sang bắt chuyện với tôi và giới thiệu ông là David. Khi biết tôi từ Việt Nam sang đây học, và đang đi đến một địa điểm khá xa để làm bài tập. Ông đề nghị tôi, đến trạm dừng tiếp theo thì dừng lại. Ông vào nhà lấy xe đưa tôi đến địa điểm đó và sẽ chờ tôi làm xong bài tập, rồi chở tôi về.

Tôi khá ngạc nhiên và có chút nghi ngờ với lời đề nghị này vì tôi không hiểu, tại sao ông lại đối xử tốt với tôi như vậy. Tuy nhiên, tôi thấy ông đi với một đứa trẻ con, mà tôi có quan điểm, chỗ nào có trẻ con thì có lẽ, chỗ đó an toàn. Hơn thế, tôi lại nghĩ rằng, tôi sẽ tiết kiệm được tiền đi taxi nữa nên sau một thoáng do dự, tôi đồng ý luôn.

Lúc từ sự kiện trở về, David mới kể chuyện cho tôi nghe. Ông là cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Ông thực sự hối hận về điều này. Từ sau chiến tranh, ông đã quay lại Việt Nam 3 lần để làm từ thiện. Ông bảo, bất cứ lúc nào nếu giúp đỡ được ai đó là người Việt Nam, ông sẽ cảm thấy thanh thản một phần nào đó.

 

2. Lần khác, tôi được giao viết bài chân dung bác sĩ Charles Mango, một bác sĩ nhãn khoa nổi danh ở New York. Điều đặc biệt là ông có một bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ được treo ở phòng khám. Chính điều này đã khiến các bệnh nhân thích thú và nhiều người quả quyết với tôi rằng, lúc bước đến phòng khám của ông Mango, họ cứ ngỡ như đang đến viện bảo tàng.

16-43-51_1bc-si-mngo
Bác sĩ Charles Mango

 

Mango hẹn gặp tôi vào một buổi sáng cuối tuần. Sau 2 câu hỏi đầu tiên, ông nói rằng, ông chỉ muốn tống cổ tôi ra khỏi phòng.

Tôi không hỏi về lí do tại sao ông muốn làm như vậy, nhưng tôi đoán, ông sợ tôi kết tội ông chặt phá cây rừng khi tôi liên tục hỏi ông quá trình làm ra những tác phẩm từ cây gỗ rất to được treo ở sảnh kia mà ông khoe rằng, ông đặt hàng chúng từ các thổ dân, nghệ nhân sinh sống ở rừng Amazon.

Khi tôi bắt đầu dồn dập hỏi, Mango đứng dậy và bảo tôi rằng, là một người lính tham gia chiến tranh Việt Nam, ông đã chứng kiến những khu rừng bị đốt trụi và bị hàng tấn hoá chất phá huỷ như thế nào và đến nay, ông vẫn đau lòng về việc đó. Ông quả quyết, những tác phẩm nghệ thuật ngoài kia đều được làm từ nhánh của các thân cây to và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến rừng Amazon.

16-43-51_2-phong-khm-mngo
Các tác phẩm treo tại phòng khám của bác sĩ Mango

 

Là một người yêu thiên nhiên, ông đang có những dự án riêng về động vật và thực vật cho Việt Nam nếu được thông qua. Những tác phẩm nghệ thuật ngoài kia sẽ được bán đấu giá cho dự án đó. Ông cho rằng, đó cũng có thể là lời tạ tội với thiên nhiên, những khu rừng đã nằm xuống trong chiến tranh Việt Nam.

 

3. Câu chuyện cuối cùng đến từ một giáo sư, ông giảng dạy môn Văn hoá đại chúng. Với tôi, ông là một người khó tính, khó gần và với tôi, là một thử thách khó nhằn cần phải vượt qua. Thời gian đầu, khi việc học chưa quen, tôi luôn nhận điểm kém và ông hay bảo tôi rằng, đừng sợ hãi vì điểm kém ở dưới mỗi bài tập. Điều này làm tôi có cảm giác hơi khó chịu, chắc vì tính tôi sĩ diện, nói thế khác gì coi thường nhau.

Buổi học cuối cùng của môn đó, ông nói trước lớp. Là một người Mỹ, người chứng kiến rõ nhất những gì diễn ra với Việt Nam trong chiến tranh. Ông từng sợ hãi khi nhìn thấy những hình ảnh đó.

“Tôi xin lỗi cậu sinh viên Việt Nam duy nhất trong lớp này. Chúng tôi sai, người Việt (có thể) muốn quên đi nhưng chúng tôi thì luôn nhớ. Tôi chú ý đến cậu nhiều vì tôi muốn giúp một học sinh Việt Nam tiến bộ nhanh nhất, và phải là một trong những người tốt nhất trong lớp học này. Hãy đọc kĩ những lời phê của tôi dưới mỗi bài tập".

Từ đó, tôi thấy ông dễ gần hơn. Các học kì sau, dù không học ông nữa nhưng mỗi lần gặp ông ở sảnh, ông hay bảo, nếu có gì khó khăn thì email hoặc gặp ông ở văn phòng.

Tôi tin vào thái độ hậu chiến đó từ những con người đó.

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất