| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện chưa kể ở làng Trinh Tiết

Chủ Nhật 25/12/2022 , 06:15 (GMT+7)

Dù không có quy định nào, nhưng hàng nghìn năm qua, đàn ông và đàn bà ở làng Trinh Tiết nhất quyết không tái giá nếu chẳng may chồng hoặc vợ qua đời...

Đường “gái trinh”

Lần tìm về làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) hỏi về truyền thống “phụ nữ không tái giá” thì đến đứa trẻ 10 tuổi cũng kể vanh vách. Để chắc chắn hơn, chúng tôi đã mang câu chuyện vừa nghe được từ đứa trẻ này đến nhà ông Bùi Văn Thái (SN 1962), là trưởng thôn Trinh Tiết để kiểm chứng thì quả nhiên không sai.

Ông Thái cho biết, truyền thống không tái giá (kết hôn lại) khi vợ hoặc chồng chẳng may qua đời ở làng Trinh Tiết bắt đầu từ hàng nghìn năm trước, đến nay câu chuyện này tuy đã dần mai một, nhưng vẫn là một “thương hiệu” của làng và vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như một cách giáo dục lớp trẻ trong việc giữ gìn hạnh phúc, đề cao sự son sắt, thủy chung…

Ông Bùi Văn Thái, trưởng thôn Trinh Tiết.

Ông Bùi Văn Thái, trưởng thôn Trinh Tiết.

Biết chúng tôi tìm hiểu về ngôi làng đặc biệt này, ông Thái đã không ngần ngại dẫn đi một vòng, vừa đi ông vừa kể về giai thoại của làng Trinh Tiết. Theo lời ông Thái, trước đây những con đường quanh làng đều được lát bằng gạch đỏ, những viên gạch này là do những cô gái chuẩn bị đi lấy chồng đóng góp. Thời đó, những con đường được lát gạch đều được gọi là đường “gái trinh”.

“Cách đây hàng trăm năm, làng Trinh Tiết còn là một vùng ao tù nước đọng, để có thể đi lại, làng đã phải dựng những cây cầu tre. Sau đó, các cụ cao niên trong làng nghĩ ra tục lệ, những cô gái trước khi xuất giá, lấy chồng đều phải nộp 200 viên gạch, đóng góp cho làng để làm đường. Từ năm 1954 trở đi thì tục lệ nộp gạch này đã bị bãi bỏ… vì đường làng đã được lát toàn bằng gạch”, ông Thái kể.

Người phụ nữ thủ tiết thờ chồng khiến nhà vua xúc động

Chỉ tay về chiếc cổng làng mặt trước thì ghi “làng Trinh Tiết”, còn mặt sau lại ghi “làng Sêu” ông Thái giải thích nguồn gốc với một câu chuyện đầy huyền thoại. Theo lời ông Thái, xưa kia làng mang tên Bối Lang, sau đổi thành làng Sêu, bởi người dân làng có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa rồi đem bán ở chợ Sêu. Tương truyền rằng, phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là người từ nơi khác tới mảnh đất này lập nghiệp rồi xây dựng gia đình.

Cổng làng Trinh Tiết.

Cổng làng Trinh Tiết.

Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Quốc Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi. Mẹ Quốc Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế, khi người chồng qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết. Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Sau này, Triệu Quốc Bảo trở thành danh tướng, có công đánh giặc ngoại xâm nên được thờ là Thành hoàng của làng Sêu.

Bài liên quan

Đến thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Nhà vua rất xúc động khi nghe câu chuyện của người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, vua đã quyết định đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết. Cũng vì tấm gương người mẹ Thành hoàng Triệu Quốc Bảo, dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng phải luôn chung thủy một lòng thủ tiết thờ chồng.

Vượt qua cám dỗ, cả đàn ông, phụ nữ chọn ở vậy nuôi con

Ngỏ ý muốn gặp những nhân chứng sống cho truyền thống của làng Trinh Tiết, chúng tôi được ông Thái giới thiệu chị Lê Thị Huy (SN 1972) và bà Lê Thị Vấn (SN 1945), theo ông Thái, họ đều là những người đáng cảm phục.

Năm 1996, chị Huy kết hôn với anh Bình (SN 1966). Năm 1997, chị mang song thai, cuối năm đó chị sinh được 2 người con trai kháu khỉnh. Thời đó, kinh tế gia đình dù còn nhiều vất vả nhưng vợ chồng chị sống với nhau luôn êm ấm, thuận hòa. Năm 2006, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình chị khi anh Bình mắc bệnh ung thư và qua đời. Một mình chị phải gồng gánh nuôi 2 cậu con trai ăn học.

“Sau khi chồng tôi mất vài năm, cũng có nhiều đàn ông đến tìm hiểu, có người còn đi cả ô tô đến ngỏ lời muốn làm chồng tôi, anh ta còn nói sẽ lo cho cả 3 mẹ con tôi được sung túc, nhưng tôi từ chối thẳng thừng. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa. Không phải vì định kiến hay "lệ làng" gì đâu. Tôi nghĩ rằng, các con ở với bố dượng sẽ không được thoải mái và hạnh phúc, rồi con riêng, con chung phức tạp lắm…”, chị Huy chia sẻ.

Chị Lê Thị Huy từ chối nhiều cám dỗ để nuôi 2 người con trưởng thành.

Chị Lê Thị Huy từ chối nhiều cám dỗ để nuôi 2 người con trưởng thành.

Suốt 16 năm qua, chị Huy đã từ chối nhiều lời mai mối, nhiều lời tỏ tình của những người đàn ông độc thân để lựa chọn sống bên các con. Hàng ngày chị đi làm phụ hồ, mỗi khi vào vụ chị lại ra đồng cấy lúa. Cuộc sống tuy rằng khó khăn song người phụ nữ này vẫn cảm thấy vô cùng yên ổn.

Gặp bà Vấn khi bà đang đi mua thuốc ho, khi biết được mục đích của chúng tôi, bà không ngại kể về hồi ức với người chồng quá cố của mình: "Năm 1965 tôi kết hôn, tôi và chồng là người cùng làng, sau khi kết hôn 1 năm thì chồng tôi lên đường nhập ngũ, cuối năm đó, tôi sinh con. Sinh con chưa được bao lâu thì tôi nhận được tin ông ấy hy sinh… Bao năm nay gia đình tôi dốc sức đi tìm kiếm phần mộ ông ấy nhưng bất thành…”.

Bà Vấn kể về nỗi đau mất chồng.

Bà Vấn kể về nỗi đau mất chồng.

Bà Vấn lặng đi một hồi nhớ về ngày mình nhận tin báo tử của chồng. Khi ấy bà Vấn mới ngoài 20 tuổi. Nhìn đứa con bé bỏng trên tay, bà Vấn coi đó là động lực sống duy nhất. Vượt qua nỗi đau mất mát, bà làm lụng mọi việc để nuôi con, từ trồng dâu nuôi tằm, cày cấy, làm nông nghiệp đến trông trẻ mầm non…

Giống như chị Huy, sau khi chồng qua đời, cũng có nhiều đàn ông đến nhà tìm hiểu sau đó ngỏ ý muốn cưới bà Vấn làm vợ, nhưng bà không đồng ý. Theo lời bà Vấn, lý do lớn nhất khiến bà không đi thêm bước nữa chính là nghĩ đến con.

“Truyền thống thủy chung của làng Trinh Tiết đâu phải chỉ có ở phụ nữ, ông Bùi Văn Lượng và ông Nguyễn Văn Tân cũng ở vậy nuôi con từ khi còn rất trẻ. Không ai ép buộc chúng tôi phải thế này, thế khác. Chúng tôi lựa chọn không đi bước nữa là vì nghĩ đến con cái…”, bà Vấn nói.

Nhiều người dân ở làng Trinh Tiết nói rằng, sở dĩ cánh đàn ông tự nguyện chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con” là bởi vì họ lo cho tương lai con em mình. Hơn nữa, họ cũng sợ cảnh “dì ghẻ, con chồng” sẽ khiến những đứa con của mình phải khổ.

“Không ai bắt ép, cũng chẳng có quy định nào là không được tái giá, nhưng người đi sau cứ theo gương người đi trước, họ tình nguyện sống như vậy. Câu chuyện không tái giá cũng mai một dần, nhưng người dân ở đây vẫn trọng sự thủy chung, chế độ một vợ một chồng, họ vẫn luôn dạy con cái "không ăn cơm trước kẻng", chính vì thế mà những chuyện có con ngoài giá thú gần như không có ở làng này”, ông Bùi Văn Thái, trưởng thôn Trinh Tiết khẳng định.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sôi nổi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Thủy lợi

Tối 15/11, nhà trường tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật và tổ chức chương trình ca nhạc chào mừng 65 năm thành lập và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.