| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện 'không vui' ghi ở 'thủ phủ' xuất khẩu lao động

Thứ Tư 06/06/2018 , 14:30 (GMT+7)

Một đám cưới buồn không trang trí phông bạt, không nhạc nhẽo, không dẫn chương trình đã đành mà cô dâu còn chẳng có lấy một bộ váy trắng, vai bồng cho ngày đại lễ...

Ghi ở “thủ phủ” xuất khẩu lao động

Hiệp Cát không chỉ là thủ phủ về xuất khẩu lao động của huyện Nam Sách mà còn là của cả tỉnh Hải Dương với 624 người đi trên tổng 7.634 dân số toàn xã. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã kể lúc ban đầu chỉ có vài chục người làng sang Đài Loan, Brunei làm osin để đến bây giờ thì thành phong trào đem lại nguồn thu hơn 100 tỉ/năm cho địa phương. Cũng có những rủi ro, ngoài chết chóc, gãy chân, gãy tay do tai nạn lao động còn có rất nhiều trường hợp tan vỡ gia đình với 4 lý do chính như sau: Vợ gửi tiền về chồng ở nhà ăn chơi phá hết; Chồng gửi tiền về vợ ở nhà cặp bồ; Lao động cùng nhau bên đó nảy sinh tình cảm rồi về quê bên bỏ vợ, bên bỏ chồng; Ở nước ngoài lâu lăm về thấy cuộc sống ở quê, vợ, chồng ở quê kém hơn nên sinh chán.

Ông Nguyễn Văn Thành-Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát: “Có nhiều trường hợp đi xuất khẩu lao động rồi về ly hôn lắm”

Thời gian đi Đài Loan của mỗi lao động ở Hiệp Cát trung bình dài khoảng 6 năm, đủ để ngốn gần hết quãng đời thanh xuân, tuổi trẻ, phải yêu, phải đẻ của họ: “Chuyện báo hỉ hay đám cưới chỉ có một mình cô dâu, vắng chú rể chiếm khoảng 1%, gồm có mấy đôi, chủ yếu bởi lý do người con gái có chửa, bị công ty sa thải, phải về quê trước để đẻ. Tôi đã từng dự hai đám cưới như thế, có đám cô dâu chửa về quê báo hỉ đến khi con lớn chạy lon ton rồi chú rể mới về, lôi nhau ra UBND xã đăng ký kết hôn rồi cưới. Bà con đều hiểu, thông cảm cả”. Ông Thành thông tin.

Trong số 624 người đi xuất khẩu lao động của Hiệp Cát thì thôn Đại Lã đóng góp nhiều nhất với khoảng 250, bình quân mỗi nhà có một người. Ông Phan Văn Diễn, Trưởng thôn kể thời trước làng nghèo xác, nghèo xơ, hễ mưa là lầy lội đến nỗi ra UBND xã mà còn phải mang theo cái que để vừa đạp vừa cạy bùn. Kể từ hồi xuất khẩu lao động quê ông mới trở nên đỏ da, thắm thịt. Chuyện cày cấy giờ đây chỉ để lấy cái ăn chứ chẳng còn ai trông ngóng đồng tiền từ hạt thóc, củ khoai nữa. Sự khá, sự giàu ấy được đánh đổi bằng những hi sinh trong tình cảm gia đình như xa bố mẹ, vợ con, anh em. Phổ biến ở làng là mô hình gửi con cháu về cho ông bà nội nuôi để mà đi, ngay cả nhà ông cũng thế.

Lúc tôi đến thì ngôi nhà của chị Tam Thị Ngãi (đã đổi họ và tên) với mặt sàn rộng 107m2 đang xây dở tầng hai. Thằng Thắng (đã đổi tên) con chị sinh năm 1990 thì năm 2011 đã tấp tểnh đi Đài Loan. Đến năm 2013 khi đang làm nghề phơi gạch ở quê thì chính chị cũng được một người cháu rủ rê sang Nga trồng rau trong nhà kính bằng những lời mật ngọt rằng: “Dì vẫn còn trẻ, còn làm tốt, đi sang đó vài năm cho đỡ khổ”.

10-11-57-dsc-1261111417865
Chị Ngãi kể về đám cưới của cô con gái không có chú rể

Nghe bùi tai, chị bán con bò đang chăn, dồn hết tiền tiết kiệm được tổng cộng 28 triệu để khăn gói xuất ngoại. Ngày làm trung bình 12 tiếng, thời tiết lại khắc nghiệt, mùa đông nhiều hôm lạnh đến âm 28 độ C khiến cho phổi của chị nhanh chóng bị suy sụp. Sau hai năm về chị gom góp được 160 triệu, đi viện 3 lượt ở Hà Nội, 1 lượt ở Hải Dương để chạy chữa đã hết non nửa.

Lúc chị vẫn còn đang mải miết trồng rau ở Nga thì thằng con trai từ Đài Loan trở về trong trạng thái nhẵn túi. Không chịu được cảnh sống khổ cực ở quê nó lại vay tiền quầy quả đi Nhật năm 2015. Bởi vậy hai mẹ con chị 7 năm nay chưa hề được gặp mặt.

Còn con Hoàn (đã đổi tên) sinh năm 1995 thì đi Nhật năm 2014 theo dạng vừa học vừa làm ở tỉnh Fukuoka. Năm đầu tiên nó say sưa với nghề làm thêm đóng cơm hộp để gửi tiền về quê cho bố trả hết khoản nợ 220 triệu tiền chạy đi. Sang đến năm thứ hai do làm thêm nhiều quá nên bị phạt, Hoàn phải ra ngoài làm lậu.

Cũng quãng thời gian này cô gặp và yêu một chàng trai Việt Nam quê gốc Phú Thọ sang đó lao động lậu. Ăn ở với nhau đến khi bụng lùm lùm thì năm 2017 Hoàn về nước xin được tổ chức đám cưới. Bố cô can mãi không xong, tức quá mới tổ chức quấy quá có 20 mâm mời một số người thân trong họ đến dự đám cưới vắng chú rể. Hoàn so bì đám cưới đơn sơ của mình với đám cưới hoành tráng của anh trai đông tới hơn 80 mâm thì bố cô mới nói thẳng rằng: “Tao nói không được nên đám cưới mày chỉ có thế thôi”. Trước đó Hoàn đã định phóng một tấm ảnh của hai vợ chồng thật to treo ở nhà cho đỡ tủi nhưng thấy bố căng thẳng quá đành thôi.

10-11-57-dsc-1264111420413
Con gái con rể chị Ngãi, ảnh chụp lại màn hình
“Biết bao giờ làng có cô mắt xanh, mũi lõ đến làm osin như kiểu người mình sang làm osin cho người Đài, người Hàn, người Nhật chú nhỉ?” Một cụ già ở Hiệp Cát thở dài, ước ao.

Một đám cưới buồn không trang trí phông bạt, không nhạc nhẽo, không dẫn chương trình đã đành mà cô dâu còn chẳng có lấy một bộ váy trắng, vai bồng cho ngày đại lễ. Cưới xong cô rời Hải Dương về huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ trên chiếc xe hoa mà ghế ngồi của chú rể trống hoác. Nhà trai cũng sửa soạn 20 mâm để khoản đãi đôi bên, báo cáo là có dâu, có cháu rồi bảo đợi bao giờ con trai về mới tổ chức.

Dưỡng thai được hai ba tháng thì Hoàn đẻ. Hiện đứa bé đã được 14 tháng. Biết chồng còn giận nên thỉnh thoảng chị Ngãi lại lẳng lặng lên Phú Thọ thăm cháu, động viên con.

“Bao giờ làm kiếm đủ tiền để xây nhà, mua ô tô con mới trở về”. Thằng con rể chị vẫn thường bảo thế nhưng chẳng biết bao giờ điều đó trở thành sự thật bởi nó đang thất nghiệp, không có việc gì làm ngoài chuyện phóng ô tô xung quanh khuôn viên của nhà máy cho thỏa ước mơ được vần vô lăng xe Nhật.
 

Biền biệt gần 20 năm xa quê

Rời Đại Lã tôi sang Kinh Dương. Theo ông Lê Văn Trường, Bí thư thôn thì năm 1998 có người đầu tiên của làng mở nghề đi xuất khẩu lao động. Ngót 20 năm nay chị này vẫn cắm chốt tại Đài Loan chưa về. Lúc chị đi đứa con trai đầu mới biết chạy giờ đã tốt nghiệp đại học còn đứa con gái sau chị về quê để đẻ trước khi trứng già giờ cũng đang học phổ thông. Trong khoảng 120 người làng đang đi xuất khẩu lao động có nhiều trường hợp ăn ở với nhau bên đó nên mới có nhiều đám hỏi không cô dâu, chú rể ở quê nhà.

10-11-57-dsc-1265111420626
Con gái chị Ngãi trong một đám cưới, ảnh chụp lại màn hình

Năm 2005, thằng Trọng Đông con ông Trọng Đàm (đã đổi họ và tên) đòi đi Hàn Quốc theo diện vừa học vừa làm công nhân dệt với tổng chi phí 250 triệu. Dính ngay khủng hoảng kinh tế mất 2 năm nên phải sau 6 năm Đông mới có thể gửi tiền về đủ để hoàn được số vốn bỏ ra cho nó xuất ngoại. Sau một thời gian tìm hiểu rồi sống chung với một cô gái gốc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, năm 2012 Đông gọi điện về cho bố mẹ xin dạm hỏi.

Thế là nhà trai từ Hải Dương cũng tổ chức một đoàn xuống Hải Phòng rồi trở về bày biện dăm bảy mâm cơm đãi đằng anh em nội ngoại. Một đám ăn hỏi vắng cả cô dâu lẫn chú rể. Bà vợ ông Đàm hứa: “Khi nào con dâu xuống sân bay sẽ đón về nhà, khi nào con rể xuống sân bay sẽ tổ chức báo hỉ”. Cuối năm đó, vợ của Đông với cái bụng chửa 7 tháng trở lại Việt Nam được nhà trai đón về luôn làm con cháu trong nhà. 2017 Đông về thì đã 12 năm xa quê, đứa con gái được 4 tuổi mới dắt vợ ra xã đăng ký. Hôm tổ chức đám cưới cô con gái đã biết lễ mễ nâng váy cưới cho mẹ.

Cách nhà ông Trọng Đàm chỉ vài chục bước chân là nhà bà Quách Lê (đã đổi họ và tên), hai năm trước cũng tổ chức ăn hỏi cho đứa con trai đang học bên Nhật vắng mặt cả dâu lẫn rể. Để cho nó được đi Nhật năm 2011 bà phải chạy vạy, vay mượn hơn 300 triệu. Đầu năm 2016 nó nhờ bố mẹ ăn hỏi hộ cho đến tháng 8 cả hai về mới cưới. Một đám cưới nắng chang chang nhưng vẫn đông vui tới 68 mâm cỗ.

Ở vùng này có lệ đa số cưới hai lần. Lần đầu tiên cưới lấy ngày, do thầy bói phán, làm dăm mười mâm mời anh em trong nhà chung vui, không lấy tiền mừng. Lần thứ hai cưới vào thứ bảy chủ nhật, làm rất to vài chục mâm mời bạn bè, hàng xóm, nhận phong bì như bình thường. Con trai bà Lê tuy chỉ cưới một lần mà lại hóa ra hai vì lần đầu tiên đã vắng mặt.

Khi tôi đến, bà Lê đang nói chuyện với nó qua điện thoại. Anh này thông báo vợ đã sinh cháu bên Nhật nhưng điều kiện kinh tế của cả hai không được tốt, bản thân lại thất nghiệp nên phải xin học tiếp hệ đại học, chuyên ngành kinh tế…Ngôi nhà của bà Lê ở quê vẫn chỉ là cấp bốn. Nếu không nói ra sẽ nào ai có thể hình dung ra được họ có hai người con đang ở bên Nhật 7-8 năm trời mà vẫn còn vướng nợ cả trăm triệu.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất