| Hotline: 0983.970.780

Vươn khơi kiếm tiền tỷ từ 'tàu 67' vỏ composite

Thứ Ba 24/12/2019 , 08:12 (GMT+7)

Theo ghi nhận của PV, hiện nhiều “tàu 67” vỏ composite sau khi hạ thủy vươn khơi đánh bắt hiệu quả, thu về tiền tỷ và trả nợ ngân hàng rất tốt.

Đội tàu 67 ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đánh bắt hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang), cho biết, từ 2015-2017, nhiều ngư dân các tỉnh từ Bình Thuận đến Nghệ An đã tìm đến xưởng đóng tàu của viện để tìm hiểu và đặt hàng đóng tàu theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Từ đó, Viện đã đóng và hạ thủy 40 con tàu bằng vật liệu vỏ composite, với kích thước dài 24m, rộng 6,5m và cao 3,5m, công suất trên 800CV. Trong đó, một số tàu được đóng theo mẫu cabin dạng 2 tầng, giúp diện tích phòng ngủ tăng gấp 1,5 lần so với các tàu có cabin dạng 1 tầng. Bên cạnh đó, các tàu được trang bị hệ thống thiết bị khai thác hiện đại, bao gồm: Máy dò cá góc quét 360 độ, máy dò đứng, ra đa tầm quét 48 hải lý, máy đo dòng chảy và nhiều thiết bị hàng hải hiện đại khác…

Theo ông Đạt, từ khi các “tàu 67” hạ thủy, phía viện cùng các chủ tàu thường xuyên liên lạc với nhau, để nắm bắt thông tin cũng như hỗ về mặt kỹ thuật nếu có. Tuy nhiên đến nay, chưa có chủ tàu nào phản ánh về lỗi kỹ thuật.

Theo các chủ tàu, sau chuyến biển đánh bắt có lãi họ đều gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để khi đến hạn trả nợ sẽ không bị động, tránh nợ xấu. Vấn đề này, đại diện Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Ninh Hải xác nhận, 10 “tàu 67” tại xã Thanh Hải vay vốn từ ngân hàng đều trả nợ tốt. Mặc dù một số chủ tàu chưa đến hạn nhưng họ đã chủ động trả nợ trước rồi.

“Hiện nay 100% tàu viện đóng cho các ngư dân đảm bảo kỹ thuật. Còn về hiệu quả kinh tế qua nắm bắt từ các chủ tàu có khoảng 70% số tàu viện đóng đánh bắt hiệu quả, nhất là các tàu hành nghề lưới vây, mành chụp của các ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên và Bình Định, Quảng Trị…”, ông Đạt chia sẻ.

Ghi nhận PV tại tỉnh Phú Yên hiện Viện đóng 6 tàu, trong đó 4 tàu đánh bắt có hiệu quả, nhất là tàu mang tên Tấn Anh 2017, số hiệu PY 99669 TS của ngư dân Huỳnh Tấn Anh, ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa.

Tàu này hạ thủy vào cuối năm 2017 và đi vào hoạt động đầu năm 2018 tại các ngư trường Trường Sa và đảo Phú Quý, với nghề lưới vây kết hợp ánh sáng.

Ngư dân Anh cho biết, từ khi hạ thủy đến nay tàu anh liên tục vươn khơi bám biển, nhưng chưa xảy ra sự cố kỹ thuật, đặc biệt không bị phá nước khi sóng to, gió lớn như trước đây sử dụng tàu gỗ. 

Nhờ vậy, các thuyền viên (18 người) rất phấn khởi và tự tin mỗi khi ra khơi bám biển kéo dài hơn 20 ngày.

Nhiều "tàu 67" trúng đậm cá nục.

“Năm 2018, tàu tôi hạ thủy đánh bắt rất hiệu quả, trung bình mỗi thuyền viên đươc chia khoảng 140 triệu đồng. Còn từ đầu năm đến nay, tàu đã vươn khơi 7 chuyến, đánh bắt cũng rất khá. Trung bình mỗi chuyến đạt sản lượng từ 40 - 50 tấn cá các loại, chủ yếu cá nục và cá ồ. Hầu hết cá được tàu bán trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần, với giá dao động từ 10 - 20 ngàn đ/kg, doanh thu từ 400 triệu - 1 tỷ đồng. Đến nay, mỗi thuyền viên đã được chia từ 90 - 100 triệu, còn riêng chủ tàu đã kiếm vài tỷ đồng”, ngư dân Anh chia sẻ.

Tương tự, đội “tàu 67” vỏ composite gồm 10 tàu của ngư dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hành nghề lưới vây rút chì có thể khẳng định “số 1” hiện nay về phát huy hiệu quả đánh bắt. Các tàu này đều đóng tại Viện và vay “vốn 67” từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Ninh Hải.

Theo các chủ tàu đó là nhờ các tàu được trang bị máy móc, ngư lưới cụ đồng bộ, hiện đại, cộng với sự ham học hỏi, nắm bắt kỹ thuật nên đội ‘tàu 67” ở đây đã phát huy hiệu quả khai thác.

Ngư dân Nguyễn Văn Vinh, một chủ “tàu 67” số hiệu NT 91359 TS xác nhận: Sau khi hạ thủy và vươn khơi đánh bắt vào đầu năm ngoái, hầu hết các tàu đều phát huy hiệu quả vượt trội so với tàu gỗ trước đây. Kết thúc vụ khai thác, các tàu đã bỏ túi từ hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, sau khi trừ chi phí. Còn năm nay, mặc dù ngư trường ít cá hơn, song nhiều "tàu 67" ở đây đến nay cũng đã kiếm tiền tỷ.

Ngư dân Vinh cho biết, sau khi hạ thủy tàu 67 ở Thanh Hải đánh bắt hiệu quả, kiếm tiền tỷ.

Như tàu anh Vinh, từ đầu năm đến nay liên tục bám biển, chủ yếu “săn” cá nục, doanh thu trên 4 tỷ đồng. Mỗi thuyền viên trên tàu (20 người) được chia trung bình từ 60-70 triệu đồng, riêng chủ tàu lãi trên 1 tỷ đồng.

Tương tự, “tàu 67” số hiệu NT 91297 TS của ngư dân Nguyễn Văn Tâm, thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải từ đầu năm đến nay cũng đã kiếm hơn 1 tỷ đồng, 19 bạn tàu mỗi người người được chia trên 50 triệu đồng. Ngư dân Nguyễn Văn Tâm cũng xác nhận, không chỉ tàu anh đánh bắt hiệu quả, mà 9 “tàu 67” còn lại đánh bắt cùng ngư trường đều có gạo hết, đủ trả nợ vốn “vay 67” cho ngân hàng trong kỳ hạn này.

“Như số tiền lãi tàu tôi đánh bắt cộng dồn từ đầu năm đến nay, dư trả nợ vốn “vay 67” cho ngân hàng trong kỳ hạn năm nay. Hiện vụ khai thác chưa kết thúc (còn 2 tháng nữa) nếu tàu chúng tôi đánh bắt hiệu quả sẽ gửi vào ngân hàng để trả nợ cho năm sau”, anh Vinh bộc bạch.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.