Gặp mặt các Đại biểu Quốc hội khóa I năm 1996. Ảnh: Tư liệu KMS |
Người phụ nữ đầu tiên lên tiếng trước diễn đàn Quốc hội
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, các đại biểu chia thành 3 phái. Phái tả gồm 34 đại biểu Mác-xít do ông Nguyễn Văn Tạo - đại biểu tỉnh Rạch Giá (Nam Bộ) làm Bộ trưởng Bộ Lao động, đứng đầu; Đảng Xã hội do ông Phan Tư Nghĩa, đại biểu Thái Bình, và ông Nguyễn Xiển, đại biểu tỉnh Kiến An, đứng đầu có 24 đại biểu; và Đảng Dân chủ do ông Đỗ Đức Dục, đại biểu tỉnh Hà Đông và ông Tôn Quang Phiệt, đại biểu Thuận Hóa đứng đầu có 45 đại biểu.
Phái giữa gồm có 80 đại biểu Việt Minh do ông Phạm Văn Đồng, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đình Thi, đại biểu thành phố Hải Phòng và Xuân Thủy, đại biểu tỉnh Hà Đông đứng đầu, cùng 90 đại biểu không đảng phái. Phái hữu gồm có 37 đại biểu: 20 đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) và 17 đại biểu Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách).
Bà Lê Thị Xuyến (1909 - 1996), người phụ nữ đầu tiên lên tiếng trước diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Tư liệu |
Phái hữu ngồi bên phải, phái giữa ngồi giữa hội trường và phái tả ngồi bên trái hội trường. Các đại biểu Đảng Xã hội trong phái tả đều mang cravat màu đỏ. Riêng bà Lê Thị Xuyến (Đảng Xã hội), là đại biểu tỉnh Quảng Nam, mặc áo màu đỏ, vì là phụ nữ nên không đeo cravat.
Là diễn giả nữ đầu tiên phát biểu tại Quốc hội nên đại biểu Lê Thị Xuyến gây được ấn tượng với người nghe. Sau này, trong hồi ký của mình, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng thư ký Đảng Xã hội, cụ Nguyễn Xiển chia sẻ: “Chị Lê Thị Xuyến thay mặt Đảng Xã hội là người phụ nữ lên tiếng đầu tiên về quyền bình đẳng nam nữ trước diễn đàn Quốc hội nước ta”.
Còn cụ Phan Tư Nghĩa, nguyên Tổng thư ký đầu tiên của Đảng Xã hội bình luận: “Chị nói nhỏ nhẹ nhưng lưu loát, có lập luận rõ ràng. Khi chị dứt lời thì tiếng vỗ tay vang lên”.
Chất vấn việc kiểm soát giá và chất lượng thuốc của Bộ Y tế
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Trương Đình Tri, bà Nguyễn Thị Thục Viên, đại biểu Hà Nội hỏi: “Vì sao việc bán thuốc lại không kiểm soát giá và chất lượng thuốc?”. Ông Trương Đình Tri trả lời: “Việc đó rất đáng tiếc, nhưng không làm thế nào được vì không có hội đồng hóa giá. Từ khi Nhật đảo chính Pháp, thuốc chữa bệnh đã tràn vào lộn xộn”.
Bà Nguyễn Thị Thục Viên (1903 - 1984) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Tư liệu KMS |
Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội cho biết, ông đã chỉ thị cho các nhà buôn còn giữ thuốc không độc và thông thường thì phải khai và chỉ được phép bán đến cuối năm 1946. “Đã có sắc lệnh cho kiểm soát chất lượng thuốc, nhất là thuốc tiêm. Ai khiếu nại sẽ xét cẩn thận”, Bộ trưởng Trương Đình Tri nói.
Đại biểu tỉnh Thái Bình, ông Hoàng Đạo Thúy bày tỏ lo ngại về cấp tiểu học năm nay bắt đầu chậm và thiếu sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Ca Văn Thỉnh trả lời: “Năm nay học trò tiểu học nhập trường chậm mất 15 ngày, điều đó vì tình thế. Các trường đến đây bị quân ngoại quốc dùng làm nơi ở. Sau đó phải sửa sang lại nhiều”.
Còn sách giáo khoa, theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, là một vấn đề rất khó khăn vì giấy in và nhà in chưa giải quyết được. Bộ trưởng Ca Văn Thỉnh khẳng định: “Bản thảo những sách ấy đã có hết rồi chỉ chờ lần lượt xuất bản. Để bù vào chỗ thiếu, Bộ Giáo dục đã ra một tờ giáo dục tân văn”.
Mời đại biểu chất vấn đến Bộ để giải trình
Đó là ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Chu Bá Phượng. Có 11 câu hỏi gửi đến, Bộ trưởng Chu Bá Phượng chia những câu hỏi ấy ra làm hai loại: Một là những câu chất vấn về cách tổ chức của Bộ Quốc dân Kinh tế; hai là những công việc Bộ đã làm.
Trả lời câu hỏi về cách tổ chức của Bộ, ông Chu Bá Phượng đã đưa ra “cả một chương trình vĩ đại của Bộ và từ tốn đọc, đọc liên tiếp”, báo Cứu quốc ghi nhận. Ông Trần Văn Cung, đại biểu Vinh - Bến Thủy, đứng lên chất vấn ông Phượng về công việc tiếp tế số gạo từ Bắc vào Trung. Ông Hoàng Văn Đức, đại biểu Hà Nội, yêu cầu ông Phượng trả lời vắn tắt cụ thể những công việc Bộ Quốc dân Kinh tế đã làm, nhất là việc tiếp tế đường muối cho nhân dân và công chức Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Phiếm, đại biểu tỉnh Thái Bình, hỏi: Bộ Quốc dân Kinh tế đã trả tiền đường và muối chưa?
Trả lời tất cả những câu hỏi thiết thực ấy, Bộ trưởng Chu Bá Phượng “mời các vị chất vấn đến Bộ Quốc dân Kinh tế, ông sẽ đưa trình giấy má, sổ sách để các vị xét. Còn tiền đường và muối thì ông nói ông phân phát các thực phẩm ấy đi các nơi, nay đã thu đủ tiền về và sắp thu xếp trả”, phản ánh của báo Cứu quốc.
Chính phủ không dám đòi thay đổi Quốc kỳ
“Chính phủ không bao giờ dám đòi thay đổi Quốc kỳ. Chỉ vì một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy lên, nên Chính phủ phải để Thường trực Quốc hội xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sỹ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn”. Đó là trả lời chất vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước các đại biểu Quốc hội về câu hỏi: “Vì sao Chính phủ đưa đề nghị thay Quốc kỳ lên Thường trực Quốc hội xem xét?”.
Ông Phan Tư Nghĩa (1910 - 2009) yêu cầu Quốc hội không bàn cãi về lá Quốc kỳ. Ảnh: Tư liệu gia đình |
Chủ tịch Chính phủ nhấn mạnh: “Trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ngoài ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó”.
Vấn đề Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng còn thêm một lần nữa làm "nóng” nghị trường Quốc hội ngày hôm sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về bản Hiến pháp. Cụ thể, khi bàn tới điều 3 là điều nói về Quốc kỳ trong Hiến pháp, trước khi thảo luận, ông Phan Tư Nghĩa, đại biểu tỉnh Thái Bình, xin lên diễn đàn phát biểu ý kiến.
Ông Phan Tư Nghĩa thay mặt hai ông Đoàn Trọng Truyến, đại biểu Thừa Thiên (Trung Bộ) và ông Nguyễn Văn Cái, đại biểu Bến Tre (Nam Bộ), ba ông yêu cầu Quốc hội không bàn cãi về lá Quốc kỳ.
“Lá Quốc kỳ nhất định phải là lá cờ đỏ sao vàng. Hồ Chủ tịch cũng đã cương quyết tuyên bố như vậy. Từ bao nhiêu năm nay, là cờ ấy đã nhuộm biết bao mồ hôi và máu của các chiến sĩ. Các chiến sĩ đã chiến đấu với một lòng tín ngưỡng thiết tha dưới lá cờ ấy. Lá cờ ấy đã bay từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á. Nhất định nó phải là Quốc kỳ Việt Nam. Ông Nghĩa yêu cầu toàn thể Quốc hội cùng đứng cả lên nghiêm trang chào Quốc kỳ”.
Trước đề nghị của ông Phan Tư Nghĩa, Quốc hội đồng loạt đứng dậy kính cẩn chào lá Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng thanh ca bài Tiến quân ca.