| Hotline: 0983.970.780

Những điều ít biết về phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử Quốc hội (1946): [Kỳ 4] Chính phủ liêm khiết

Thứ Sáu 08/11/2019 , 09:17 (GMT+7)

Các đại biểu Trần Đình Tri, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy khi chất vấn trước Quốc hội đều bày tỏ mong muốn có một Chính phủ gồm các nhân tài và liêm khiết.

Công chúng dự họp có quyền khen chê Quốc hội. Ảnh: Tư liệu.


Công chúng dự họp có quyền khen chê Quốc hội

Ông Dương Đức Hiền - Trưởng ban thuyết trình đưa bản nội quy ra trình Quốc hội. Quốc hội quyết nghị chỉ thảo luận những vấn đề chính trong bản nội quy như việc bầu Chủ tịch đoàn, Thư ký đoàn, việc chất vấn, đề nghị và kỷ luật trong khi hội họp. Còn các vấn đề khác giao cho một Tiểu ban Nội quy sẽ đưa ra Quốc hội thông qua.

Về việc bầu Chủ tịch đoàn, Quốc hội quyết định bầu một Chủ tịch Quốc hội và 4 Chủ tịch nữa. Đoàn Chủ tịch sẽ thay phiên nhau làm Chủ tịch các phiên họp. Thư ký đoàn gồm 6 người và Trật tự đoàn gồm 12 người.

Về mục chất vấn Chính phủ, Quốc hội quyết nghị có 2 cách chất vấn: Một là thường vấn (bằng khẩu vấn hay bút vấn) là đại biểu được hỏi Chính phủ về những vấn đề nhỏ. Hai là đại biểu có quyền chất vấn Chính phủ về những vấn đề quan trọng như các chính sách ngoại giao, nội trị.

Về một khoản trong Nội quy ấn định về việc mời công chúng dự vào các phiên họp của Quốc hội, ông Đoàn Phú Tứ và ông Nguyễn Văn Tạo đã nêu lên cái ý kiến cần phải để cho công chúng vào một cách rộng rãi hơn. Hội nghị đã vỗ tay tán thành ý kiến ấy.

Song đến vấn đề công chúng có quyền phê bình hay khen chê trong phiên họp đã làm nổi lên một cuộc tranh luận gay go. Một số đại biểu đề nghị công chúng vào phòng họp không có quyền khen chê gì hết, phải để Quốc hội yên tĩnh làm việc. Nhưng đại biểu nhóm Mác-xít (do ông Nguyễn Văn Tạo đứng đầu, có các ông Võ Nguyên Giáp, Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu và bà Ngô Thị Huệ) và Xã hội (do ông Phan Tư Nghĩa và Nguyễn Xiển đứng đầu, có ông Hoàng Minh Giám, bà Lê Thị Xuyến…) đứng lên phản đối và cho rằng công chúng có quyền khen chê nhưng không được mất trật tự và quá đáng. Ông Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, yêu cầu sửa lại quy định đối phó với công chúng làm mất trật tự nhẹ nhàng đi đôi chút. Ý kiến của ông Phạm Văn Đồng được hoan nghênh.

Ông Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) yêu cầu sửa lại quy định đối với công chúng dự thính. Ảnh: Tư liệu KMS.

Ngày 30/10/1946, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng ra Thông cáo với toàn dân, cho biết: “Quốc hội quyết định để công chúng được vào dự thính trong những buổi họp công khai của Quốc hội. Những người nào muốn được cấp giấy phép vào dự thính phải gửi đơn đến Chủ tịch Quốc hội. Trong đơn phải nói rõ: Tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp. Ngoài ra phải gửi kèm vào đơn thẻ bầu cử, hay giấy biên lai đóng Đ.P.Q.P hay chứng minh thư do U.B.H.C xã hay khu phố cấp”.

Ông Nguyễn Đình Thi, đại biểu Hải Phòng, hỏi Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Ca Văn Thỉnh về chính sách Văn hóa của Chính phủ. Bộ trưởng Ca Văn Thỉnh đáp:

“Đại để chính sách ấy là xây dựng một nền văn hóa dân chủ thay vào cái văn hóa cũ, thiếu thốn và chật vật, chịu ảnh hưởng phong kiến và thực dân. Nên văn hóa ấy phổ cập cho tất car dân chúng cùng được hưởng thụ và tham dự. Nó phải có tính cách dân chủ và dân tộc. Nhưng cái tính cách quốc gia này không hẹp hòi, vì nền văn hóa mới ấy sẽ thâu nhận tất cả những ưu điểm và tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới”.

Đại biểu tỉnh Phúc Yên, ông Lê Huy Vân khiến cho cử tọa hết sức bất ngờ vì cách đặt vấn đề thú vị và dí dỏm khi tuyên bố muốn chất vấn Chính phủ về vấn đề tự do ngôn luận. Nhưng đến khi chất vấn, ông lại nói về kinh tế.

Ông muốn hiểu tại sao lại có sự mâu thuẫn là một đằng lại hô hào lập hợp tác xã, một đằng lại hô hào lập các công ty vô danh là hai hình thức phản lại nhau. Ông lại muốn hiểu tại sao Chính phủ chủ trương mua nhiều đồn điền, xí nghiệp, không dùng được nữa như nhà máy dệt Delignon. Còn đại biểu tỉnh Sơn Tây, ông Khuất Duy Tiến đề nghị phải lập một Chính phủ mạnh, bao gồm được nhân tài toàn quốc, có năng lực hơn và liêm khiết.
 

Chính phủ liêm khiết

Người phát ngôn của nhóm Xã hội, ông Trần Đình Tri, đại biểu tỉnh Quảng Nam, bước lên diễn đàn đầu tiên, chất vấn về việc nội trị. Bằng những lời lẽ đanh thép, ông đã giãi bày tất cả quan điểm của nhóm Xã hội đối với việc nội trị của Chính phủ. Ông Tri đề nghị với Quốc hội, trong giai đoạn mới của đất nước, phải có một Chính phủ mạnh mẽ, đủ uy tín để đối nội cũng như đối ngoại, nhất là một Chính phủ liêm khiết.

Đại biểu Trần Đình Tri (1915 – 1994) đề nghị phải có một Chính phủ liêm khiết. Ảnh: Tư liệu KMS.

“Phải có một Chính phủ gồm các nhân tài, các người thật tâm yêu nước”, đại biểu Trần Đình Tri mong muốn. Đồng tình với đại biểu Quảng Nam, ông Xuân Thủy, đại biểu tỉnh Hà Đông, trong phát biểu của mình đã bày tỏ mong muốn về một Chính phủ mới vừa thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn dân, vừa đầy đủ năng lực, nhất là Chính phủ phải liêm khiết.

Một Chính phủ mới (11/1946) được Quốc hội bầu ra, thay thế cho Chính phủ trước, được bầu vào ngày 2/3/1946. Quốc hội vẫn tín nhiệm cụ Hồ Chí Minh đứng ra lập Chính phủ. Bác sĩ Trương Đình Tri, Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội, đã tự xin rút lui. Luật sư Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dù được cụ Hồ Chí Minh có lời mời giữ một Bộ quan trọng trong Chính phủ nhưng cũng xin ở ngoài Chính phủ. Báo chí đương thời bình luận về việc ông Phan Anh không tham gia Chính phủ là để có thể giúp ích cho quốc gia một cách dễ dàng hơn. Nhưng không lâu sau đó, khi Chính phủ rời Hà Nội lên Việt Bắc, ông Phan Anh đã tham gia Chính phủ, làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Còn ở thời điểm tháng 11/1946, ghế Bộ trưởng Bộ Kinh tế vẫn để trống, dành cho một đại biểu Nam Bộ. Ông Phạm Văn Đồng, Thứ trưởng Bộ Kinh tế tạm thời điều hành các công việc của Bộ.

Chính phủ ra mắt Quốc hội (11/1946). Ảnh: Tư liệu KMS.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Trần Đình Tri, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy đề nghị một Chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ:

“Về việc Chính phủ liêm khiết, thì Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban càng đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong, sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”.

Hồ Chủ tịch vừa dứt lời, các đại biểu Quốc hội vỗ tay tán thành.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tuy trong quyết nghị không nói đến không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.

Theo quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích: trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà.

Anh em trong Chính phủ sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy, cũng đi vào mục đích mà Quốc hội và quốc dân giao phó”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.