10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946. Ảnh: Tư liệu. |
Quốc hội quan tâm đến quyền cá nhân
Các đại biểu nhận mỗi người một bản Dự thảo Hiến pháp của Tiểu ban Hiến pháp mới sửa chữa mang về chỗ ngồi đọc và nghiền ngẫm. Hơn một giờ sau đó, phiên họp bắt đầu. Ông Phạm Văn Đồng chủ tọa buổi họp. Ông Đỗ Đức Dục, Ủy viên thuyết trình báo cáo chung về bản Dự thảo Hiến pháp Việt Nam.
Dự thảo Hiến pháp đem trình bày với Quốc hội do Tiểu ban Hiến pháp mở rộng sửa lại. Những cuộc thảo luận của Tiểu ban Hiến pháp đã chú ý đặc biệt đến những nguyên tắc chính thể tập quyền hay phân quyền. Và Tiểu ban đã thảo luận theo quan điểm căn bản tôn trọng nền dân chủ chân chính. Một trong những vấn đề được quan tâm là quyền cá nhân. Về quyền cá nhân, Tiểu ban Hiến pháp đã đặc biệt chú trọng về phụ nữ, quốc dân thiểu số, những ông già, tàn tật. Lần này, bản Dự thảo đã làm cho quyền cá nhân được rõ rệt hơn. Vì vậy, khi phát biểu, ông Hồ Đức Thành, người phát ngôn của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội tỏ ý hoan nghênh bản Dự thảo Hiến pháp.
Thảo luận về các chi tiết của bản Dự thảo Hiến pháp, sau nhiều cuộc bàn cãi, Quốc hội đã tán thành bản Dự án từ điều 1 đến điều 8, không thay đổi gì. 3 giờ chiều chủ nhật, ngày 3/11/1946, các đại biểu tranh luận về điều thứ 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Hãy ngừng lại hành động kéo lùi bánh xe lịch sử
Báo chí đương thời đánh giá, cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ và tự do gây một cuộc tranh luận gay go. “Ngay những phút đầu cuộc thảo luận đã có tính cách gay go”, báo Dân Quốc bình luận.
Ông Lê Văn Hòe, đại biểu tỉnh Sơn Tây nêu ý kiến về điều này như sau: “Xét ra đàn bà không triệt để ngang bằng với đàn ông được”. Vì vậy, trong nội dung điều 9 ông đề nghị thay ba chữ “mọi phương diện” bằng những chữ “chính trị, kinh tế và văn hóa”.
Ông Lê Huy Vân (1913 - 1980) - đại biểu tỉnh Phúc Yên. Ảnh: Tư liệu KMS. |
Tiếp đó, ông Lê Huy Vân, đại biểu tỉnh Phúc Yên, yêu cầu bỏ ba chữ “mọi phương diện”. Để bênh vực lý do của ông, ông viện những sự khó khăn của nhà làm luật. Vì vấn đề phụ nữ sẽ đưa đến nhiều sự sửa đổi trong tổ chức các tiểu gia đình. Ông nêu lên cả một đề án về sự liên lạc giữa đàn ông và đàn bà, về hôn thú, sinh hoạt, quyền hạn của gia trưởng. Mục đích của ông không ngoài sự tránh một cuộc xung đột giữa phái già và phái trẻ.
Báo Dân quốc thuật lại: “Ông Lê Huy Vân có ngờ đâu là tu bổ án của ông đã gây ra một cuộc tranh luận hết sức ráo riết. Nhiều đại biểu tỏ bầy ý kiến, phần đông đều tỏ ra bênh vực phụ nữ”.
Vị đại biểu đầu tiên phát biểu ý kiến là bà Thục Viên, đại biểu Hà Nội. Vị nữ giáo sư trường nữ học Đồng Khánh nói: “Bản Hiến pháp đưa ra một điều mới lạ nhưng điều mới lạ ấy chỉ để làm yên lòng phụ nữ, vạch ra tính cách cấp tiến của Hiến pháp”. Do đó, bà Thục Viên đã yêu cầu Quốc hội thông qua điều thứ 9.
Một đại biểu phụ nữ khác nói: “Phải để nguyên điều thứ 9 để quyền hành của đàn bà được rõ rệt. Phái phụ nữ cũng đã góp phần tranh đấu cho quốc gia”. Các nữ đại biểu khác nêu thắc mắc, nêu ví dụ về vai trò của phụ nữ bị chèn ép từ thời Pháp đang đô hộ rồi kết luận rằng: “Trong một nước Dân chủ Cộng hòa không lẽ người ta lại lùi về cái thời phong kiến?”.
Một đại biểu phụ nữ khác đã nêu rằng, phát biểu của ông Lê Huy Vân là đang kéo lùi bánh xe lịch sử. Nữ đại biểu này yêu cầu các đại diện của phái mày râu hãy ngừng lại hành động kéo lùi bánh xe lịch sử đó.
Bà Trương Thị Mỹ (1915 - 2002), đại biểu tỉnh Hà Đông. Ảnh: Tư liệu KMS. |
Bà Trương Thị Mỹ, đại biểu tỉnh Hà Đông, kể lại: Một phụ nữ đại biểu Quốc hội cho rằng “phụ nữ không thể như nam giới được”, “không thể tham gia quân đội được” và rằng “phụ nữ cần giữ vai trò hậu cần, nội trợ” của gia đình, của đoàn thể. Bà Mỹ bác bỏ: “Bằng thực tế công tác, bằng kinh nghiệm bản thân tôi thấy cái quan niệm coi thường phụ nữ vẫn chưa phải đã hết trong ngay cả đội ngũ những người cán bộ cách mạng, rằng chị em có khả năng đảm đương mọi công tác được giao và cần loại bỏ tư tưởng tự ti, ngại khó ngay chính bản thân chị em”.
Một đại biểu khác của tỉnh Sơn Tây, ông Khuất Duy Tiến hăng hái nói: “Không phải chỉ căn cứ vào vài điều trong Hiến pháp mà giải phóng đàn bà được đâu, muốn giải phóng phụ nữ còn phải giải quyết vấn đề xã hội”. Ông Khuất Duy Tiến yêu cầu Quốc hội để nguyên điều thứ 9.
Cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn giữa phái mạnh và phái yếu. Thấy không khí trở lên gay go, ông Lê Huy Vân buộc lòng phải đứng lên đính chính: “Tôi không hề có ý muốn kéo lùi bánh xe lịch sử và lúc nào chúng tôi cũng sẵn lòng ủng hộ các bà”.
Lập tức phái nữ có câu trả lời: “Tôi phản đối hai chữ ủng hộ của ông Lê Huy Vân”. Một đại biểu phụ nữ khác ráo riết hơn: “Xin yêu cầu ông Lê Huy Vân rút ý kiến lại, sự ông ủng hộ chúng tôi, chúng tôi không dám nhận”. Ngồi trên đoàn chủ tọa, ông Phạm Văn Đồng buộc lòng phải cất lời phê bình trước các ý kiến bốp chát của phái nữ: “Cái này thật là phụ nữ”. Dù vậy, điều thứ 9 trong Hiến pháp được thông qua không thay đổi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.