| Hotline: 0983.970.780

Những điều "không giống ở đâu"

Thứ Năm 28/03/2013 , 09:58 (GMT+7)

Một điều "không giống ở đâu" của Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) là trong khi các địa phương khác đua nhau trải thảm đón doanh nghiệp về đầu tư, thì Thanh Văn không mời, không nhận doanh nghiệp vào đầu tư, vì cho rằng làm thế sẽ mất đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường...

Một điều "không giống ở đâu" của Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) là trong khi các địa phương khác đua nhau trải thảm đón doanh nghiệp về đầu tư, thì Thanh Văn không mời, không nhận doanh nghiệp vào đầu tư, vì cho rằng làm thế sẽ mất đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường...

>> “Ông Kim Ngọc” ở Thanh Văn

Tự lực cánh sinh

Thanh Văn  có diện tích tự nhiên trên 600 ha, trong đó đất canh tác 2 lúa là 444,5 ha. Diện tích đất canh tác bình quân khá cao so với nhiều địa phương khác: 2,7 sào Bắc bộ/người. Nhưng đó là thứ đất trũng, chiêm khê mùa thối. Là xã độc canh cây lúa, năng suất bình quân chỉ trên 2 tấn/ha/năm, nên đời sống nhân dân vô cùng nghèo khó. Dân thiếu ăn, xã thiếu đóng góp cho nhà nước. Hạ tầng, nhất là giao thông, gần như không có gì, UBND xã không có cả trụ sở làm việc. Nói về sự quan tâm, giúp đỡ của trên, Bí thư Quang Văn Thỉnh bảo:

- Cái mà xã cần nhất là tiền để quy hoạch đồng ruộng, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất thì trên không cho. Nhưng cái thứ mà dân xài chưa hết là nghị quyết, thì trên lại dồn dập đưa xuống.

Phải bắt đầu từ đâu để vực dậy một nền kinh tế có xuất phát điểm cực thấp?

Từ thực tế của địa phương, Đảng bộ Thanh Văn đã có chủ trương: Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Bước đầu tiên là lo cho dân đủ ăn. Để lo được việc đó, Đảng ủy xã đã đề ra những nghị quyết ngắn gọn, thiết thực, nhằm trúng những nhu cầu bức thiết nhất của dân, và tổ chức thực hiện ngay. Quá trình thực hiện, thấy nghị quyết nào không phù hợp thì bãi bỏ ngay, tuyệt đối không bắt dân phải thực hiện những chủ trương vô bổ, phiền hà. Các giống mới có năng suất cao được đưa vào từ điểm đến diện, đồng đất được quy hoạch, thủy lợi được chú trọng. Năng suất tăng dần. Chỉ sau mấy năm, từ chỗ thiếu ăn, thiếu đóng góp, Thanh Văn đã thừa ăn, nhân dân đã bắt đầu có tích lũy.


Thanh Văn kiên quyết giữ đất cho nông dân

Giải quyết xong cái ăn, Thanh Văn bắt tay vào giải quyết cái nghèo. Có thể nói đây là một thách thức khó khăn nhất, gian nan nhất mà đảng bộ và nhân dân Thanh Văn phải đương đầu. Nhiều nghị quyết chuyên đề đã được Đảng ủy đề ra, như nghị quyết về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghị quyết về nuôi trồng thủy sản, vận động nhân dân trồng cây vụ đông, khuyến khích nhân dân học nghề. Những người đưa nghề về quê hương được địa phương tạo mọi điều kiện về mặt bằng, được miễn thuế. Những nghị quyết đó thực sự đã khơi thông tiềm năng đất đai, tiềm năng con người của Thanh Văn.

Năm 1994, xã đã thành lập “Quỹ xóa đói giảm nghèo” với mục đích cho người nghèo vay vốn không lãi để phát triển sản xuất. Năm 1994, khi nhà nước giao cho ngân hàng cho nông dân vay vốn thì quỹ mới giải thể. Nhưng chỉ với 4 năm hoạt động, hàng trăm hộ nông dân của Thanh Văn đã thoát nghèo từ những đồng vốn vay của quỹ.

Để tạo điều kiện cho dân có vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, Thanh Văn đã làm một việc “không giống ở đâu”, đó là quy hoạch 6% diện tích đất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ đất lúa sang trồng cây ăn quả. Diện tích đất này được chia đều theo đầu khẩu. Trước khi chia, xã đã làm đường rộng rãi, xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh để giúp các hộ tiện canh tác cũng như tiêu thụ sản phẩm. Nhưng điều quan trọng là xã đồng tình, cho phép các hộ tự chuyển nhượng diện tích trên cho nhau. Và trên thực tế, nhiều hộ đã tự chuyển nhượng cho nhau với giá đất ở. Xã hỗ trợ dân bằng cách không thu bất cứ một thứ lệ phí nào trong thủ tục chuyển nhượng theo quy định, và đi từ hợp lý đến hợp pháp diện tích đất trên. Nhờ vậy, nhiều hộ đã có tiền để tái đầu tư cho sản xuất và phát triển ngành nghề.

Những chủ trương, nghị quyết trên đã đưa Thanh Văn từ một xã nghèo trở thành xã có nền kinh tế khá giả. Tâm đắc với chúng tôi những điều trên, ông Thỉnh cho biết:

- Xây dựng nông thôn mới đã trở thành mục tiêu thường trực của Thanh Văn. Chúng tôi xây dựng nông thôn mới từ rất lâu trước khi Trung ương đề ra 19 tiêu chí. Nhưng bây giờ, khi có 19 tiêu chí rồi thì Thanh Văn cũng không dập khuôn theo 19 tiêu chí đó, cũng không nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt, mà căn cứ vào xu thế phát triển, đặc thù của địa phương để xác định mục tiêu lâu dài: Từ khi còn thiếu ăn, Thanh Văn đã hạ quyết tâm, không chỉ thoát nghèo mà là “Dân giàu, Đảng mạnh, Văn hóa phát triển”. Để làm được điều đó, chúng tôi đã có sự thỏa thuận trước trong lãnh đạo: Ai không có năng lực, làm việc không hiệu quả thì phải chấp nhận miễn nhiệm. Ai không minh bạch trong quản lý, nhất là quản lý tài chính, thì phải chịu kỷ luật.

Chấp nhận trái ý cấp trên nếu có lợi cho dân

Một điều “không giống ở đâu” nữa của Thanh Văn là trong khi các địa phương khác đua nhau “trải thảm đón doanh nghiệp về đầu tư”, thì Thanh Văn không mời, không nhận doanh nghiệp vào đầu tư, vì cho rằng làm thế sẽ mất đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường...

Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp chỉ lợi dụng các dự án để chiếm, để mua bán kinh doanh đất, khiến nhiều dự án trở thành dự án treo, rất lãng phí. Có thể nói trong khi các địa phương khác, trong khi cấp trên chủ trương khuyến khích công nghiệp hóa, làm công nghiệp bằng mọi giá, thì Thanh Văn đã làm ngược lại, khi lấy “công nghiệp hóa nông nghiệp” làm mục tiêu chính, mục tiêu lâu dài của mình. Từ chủ trương đó, Bí thư Quang Văn Thỉnh và Đảng bộ Thanh Văn đã kiên quyết giữ đất cho dân. Ông Thỉnh tâm sự:

- Đất đai là nguồn sống của dân. Người nông dân dựa vào đất đai để kiếm sống. Lấy đất của dân là đẩy dân đến cảnh bần cùng. Vì vậy không thể tùy tiện lấy đất của dân. Với Thanh Văn, nếu không phải là công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, không phải là dự án lớn của quốc gia, thì chúng tôi kiên quyết không giao, dù chỉ một thước vuông đất.


Ông Quang Văn Thỉnh trao sổ hưu cho nông dân Thanh Văn

Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi Nông dân (mà bà con vẫn gọi nôm na là Quỹ hưu nông dân), lại là một điều “không giống ở đâu” nữa của Thanh Văn. Có thể nói đây là tâm nguyện lớn nhất, tâm nguyện suốt đời của Bí thư Đảng ủy Thanh Văn Quang Văn Thỉnh, khi ngay từ năm 1990, ông đã cùng đảng bộ Thanh Văn đưa ra chủ trương này và bắt tay gây dựng. Thất bại, mất vốn nhưng không nản, lại bắt tay xây dựng lại khi có điều kiện, để đến bây giờ người nông dân Thanh Văn, khi bước vào tuổi 60, đã có thể được thụ hưởng đến hết đời từ nguồn quỹ đó, dẫu sự thụ hưởng đó còn khiêm tốn, mới chỉ có 350 ngàn cho một người mỗi tháng.

Còn rất nhiều điều, nhiều việc “không giống ở đâu” nữa mà người ta có thể nhìn thấy ở Thanh Văn. Nguồn gốc những điều “không giống ở đâu” ấy, chính là từ quan điểm của Đảng bộ Thanh Văn, đứng đầu là Bí thư Quang Văn Thỉnh: “Điều gì lợi cho dân mà không trái pháp luật thì làm, và kiên quyết làm, kể cả việc đó là trái với ý của cấp trên”. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm