| Hotline: 0983.970.780

Những dự án 'bánh vẽ' ngàn tỷ ở Bắc Kạn: [Bài 2] Làm lỗ để thâu tóm?

Thứ Tư 11/05/2022 , 08:54 (GMT+7)

Công ty CP Sahabak được thành lập vào tháng 8/2009 với kỳ vọng sẽ là cánh chim đầu đàn cho ngành chễ biến gỗ Bắc Kạn...

Chỉ trong 8 năm, dự án ngàn tỷ bị phá sản?

Năm 2007, UBND tỉnh Bắc Kạn cho chủ trương việc Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn hợp tác với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn và Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, đây là 3 doanh nghiệp nhà nước với mục đích xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại tỉnh Bắc Kạn. Trên cơ sở đó, Công ty CP Sahabak được thành lập vào tháng 8/2009, hoạt động tại Khu công nghiệp Thanh Bình, có vốn điều lệ 260 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn góp 36% vốn; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội với 25% vốn góp; Công ty CP Bất động sản Sài Gòn - Đông Dương với 5% vốn góp; phần còn lại của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn với 34% là 2.338ha đất rừng, có nhiều diện tích đã đến tuổi khai thác.

Sahabak được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy chế biến gỗ ngày 21/12/2009 với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng, dự án 2,5ha đi vào hoạt động năm 2010.

Dây chuyền sản xuất ván gỗ của Sahabak những ngày đầu hoạt động. Ảnh: TL.

Dây chuyền sản xuất ván gỗ của Sahabak những ngày đầu hoạt động. Ảnh: TL.

Năm 2011, Sahabak tiếp tục được cấp phép đầu tư Nhà máy sản xuất MDF với vốn đầu tư 1.142,6 tỷ đồng, công suất 108.000m3 ván MDF/năm, nguyên liệu sử dụng 200.000m3 đến 300.000 m3 gỗ/năm và tiếp tục mở thêm 2 nhà máy nhỏ khác từ năm 2011 - 2013. Sử dụng dây chuyền ép liên tục của châu Âu, Nhà máy sản xuất ván gỗ MDF Sahabak được coi là có công nghệ hiện đại hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực chế biến gỗ.

Theo kế hoạch ban đầu đề ra, nhà máy MDF Sahabak khi đi vào hoạt động sẽ nộp ngân sách khoảng 40 tỷ đồng/năm. Đồng thời sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại nhà máy và những người dân trồng rừng, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế từ nghề trồng rừng nguyên liệu tại tỉnh Bắc Kạn.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Sahabak đã triển khai thực hiện các dự án: Nhà máy chế biến gỗ đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động; Nhà máy sản xuất ván MDF đã hoàn thành các hạng mục phụ trợ và khu hành chính; Còn lại 2 nhà máy không triển khai thực hiện được.

Nhưng sau khi đi vào hoạt động, Sahabak liên tục thua lỗ và dẫn tới dừng hoạt động, giải thể. Nhà máy sản xuất MDF và Xưởng sản xuất viên nén nhiên liệu đốt, Công ty CP Sahabak đã thực hiện các thủ tục chấm dứt 2 dự án đầu tư này và gửi hồ sơ cho Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn vào ngày 28/10/2016. Còn 2 dự án Nhà máy chế biến gỗ và Xưởng sản xuất ván dăm tận dụng, Sahabak đã thực hiện các thủ tục chấm dứt đầu tư vào ngày 26/7/2017.

Theo lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn, hiện nay Công ty Sahabak không còn dự án nào đang thực hiện tại KCN Thanh Bình và công ty này đã tuyên bố phá sản, dừng hoạt động hoàn toàn từ năm 2019.

Sahabak đã không còn hoạt động tại KCN Thanh Bình, văn phòng điều hành đã được đổi chủ sang Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam. Ảnh: TN.

Sahabak đã không còn hoạt động tại KCN Thanh Bình, văn phòng điều hành đã được đổi chủ sang Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam. Ảnh: TN.

Hóa phép “bay màu” hàng trăm tỷ vốn góp 

Điều đáng nói là các dây chuyền sản xuất của Sahabak đi vào hoạt động lại không đem lại hiệu quả, liên tục báo lỗ. Sahabak cũng đã kịp thời ôm đống nợ khổng lồ với các ngân hàng để vay đầu tư mở rộng dự án.

Phần tài sản của Dự án Nhà máy chế biến gỗ Sahabak (ván ghép thanh): Tài sản thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên. Do Công ty Sahabak thường xuyên để phát sinh nợ quá hạn tại Ngân hàng. Vì vậy, phía Ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản đảm bảo tiền vay của Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Sahabak bằng hình thức bán đấu giá. Ngày 24/01/2019 Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc đã trúng đấu giá mua lại các tài sản trên.

Phần tài sản của các dự án Xưởng sản xuất viên nén nhiên liệu đốt và Xưởng sản xuất ván dăm tận dụng: Tài sản thế chấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Kạn (BIDV). Do không có khả năng thanh toán nợ nên phía Ngân hàng đã thu giữ và bán tài sản để thu hồi nợ. Ngày 20/8/2019 Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc đã ký hợp đồng mua lại các tài sản này.

Đối với diện tích 4,88ha đất được giao tại Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 22/8/2011 sử dụng cho dự án Nhà máy sản xuất gỗ MDF: Tài sản thế chấp tại Ngân hàng BIDV. Năm 2018 Ngân hàng BIDV đã tiến hành phát mại tài sản trên. Ngày 18/01/2019, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Mạnh Bình (là doanh nghiệp Trung Quốc) đã ký hợp đồng mua lại toàn bộ tài sản trên khu đất 4,8ha.

Sau khi phá sản, doanh nghiệp này hiện nay vẫn nợ tiền của những người cung cấp thực phẩm, nhân công, người hưởng lợi từ rừng của nhiều hộ dân (Sahabak trả số tiền hưởng lợi từ rừng cho người dân chỉ từ 10 - 15 triệu đồng/ha). Theo báo cáo của Cục Thuế Bắc Kạn, Sahabak vẫn đang nợ khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước số tiền là hơn 2,962 tỷ đồng (số nợ được chốt vào ngày 2/8/2019).

Công ty Sahaback biến mất hoàn toàn khỏi Khu công nghiệp Thanh Bình và chỉ để lại những khoản nợ với người dân, công nhân và trách nhiệm với Nhà nước. Ảnh: TN.

Công ty Sahaback biến mất hoàn toàn khỏi Khu công nghiệp Thanh Bình và chỉ để lại những khoản nợ với người dân, công nhân và trách nhiệm với Nhà nước. Ảnh: TN.

Sahabak phá sản, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp lại thành công

Bà Bùi Thị Lanh, ở thôn Cốc Po, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), là người vừa làm công trong nhà bếp của Sahabak từ tháng 10/2009 cho tới khi doanh nghiệp phá sản, gửi đơn nhiều nơi và kiện cả ra tòa án để đòi số tiền đang bị doanh nghiệp này nợ lên đến hơn 540 triệu (bao gồm 407 triệu tiền ứng mua thực phẩm, 56 triệu tiền lương và 80 triệu tiền hưởng lợi từ rừng).

Bà Lanh bức xúc nói: “Nhiều người bị công ty Sahabak nợ tiền làm công, tiền hưởng lợi từ rừng (công ty đã khai thác rồi nhưng không trả). Tôi bị nợ nhiều nhất, vì tôi làm bếp, ông Thắng (Tổng Giám đốc Lê Viết Thắng) bảo chị ơi chị ứng ra giúp không thì công ty không hoạt động được, sau sẽ trả hết. Đến nay đã nhiều năm trôi qua, ông Thắng là người có trách nhiệm trả nợ, nhưng không trả cho tôi đồng nào. Doanh nghiệp (Sahabak) thì làm ăn thua lỗ, nhưng lãnh đạo thì không, còn có doanh nghiệp sân sau này, sân sau kia, không tin các anh cứ tìm hiểu là biết”.

Bà Bùi Thị Lanh, người bị ông Lê Viết Thắng, Tổng Giám đốc của Công ty Sahabak quỵt nợ số tiền lên đến khoảng 540 triệu đồng. Ảnh: TN.

Bà Bùi Thị Lanh, người bị ông Lê Viết Thắng, Tổng Giám đốc của Công ty Sahabak quỵt nợ số tiền lên đến khoảng 540 triệu đồng. Ảnh: TN.

Phóng viên đã tìm hiểu và thấy rằng những lời của bà Lanh nói là có cơ sở. Cụ thể: ông Thắng - Tổng Giám đốc của Sahabak hiện đang làm quản lý tại chính Công ty Hồng Ngọc (doanh nghiệp tư nhân đã mua lại khoản nợ và cơ sở vật chất của Sahabak từ ngân hàng), doanh nghiệp này đang hoạt động tốt trên chính lĩnh vực mà Sahabak phá sản. Thậm chí, Công ty Hồng Ngọc còn phải mua nguyên liệu với giá lên tới hơn 120 triệu/ha rừng về sản xuất, trong khi Sahabak chỉ phải trả khoản tiền hưởng lợi từ rừng cho người dân 10 - 15 triệu đồng/ha nhưng vẫn phá sản. Việc ông Thắng quản lý Công ty Hồng Ngọc cũng đã được lãnh đạo Ban quản lý Các khu công nghiệp Bắc Kạn xác nhận.

Công ty Hồng Ngọc đã mua lại một tài sản của Công ty Sahabak thông qua đấu giá từ ngân hàng. Đây cũng là nơi ông Lê Viết Thắng, nguyên Tổng Giám đốc của Công ty Sahabak đang làm việc. Ảnh: TN. 

Công ty Hồng Ngọc đã mua lại một tài sản của Công ty Sahabak thông qua đấu giá từ ngân hàng. Đây cũng là nơi ông Lê Viết Thắng, nguyên Tổng Giám đốc của Công ty Sahabak đang làm việc. Ảnh: TN

Đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn chưa thể giải quyết các thủ tục pháp lý với Sahabak, do công ty không lập được hồ sơ đề nghị hoàn trả giá trị còn lại của tài sản trên đất bị thu hồi. Những sai phạm tại Công ty Sahabak cũng đã được tỉnh Bắc Kạn chuyển cơ quan điều tra từ trước năm 2021. Hiện tại, vụ việc này chưa được khởi tố do có nhiều yếu tố phức tạp, cơ quan điều tra đang hoàn thiện hồ sơ và sẽ sớm đưa ra xử lý theo đúng những quy định của pháp luật.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.