| Hotline: 0983.970.780

Những đứa trẻ đẻ rơi giữa rừng

Thứ Năm 04/02/2010 , 14:00 (GMT+7)

Đường xá ở mấy bản vùng cao người Dao, nhất là xa như Hin Đăm, Khe Luồng cực kì tệ hại. Từ mấy bản xuống trạm xá xã, đường đi tới hơn 20km dốc núi, đèo cua tay áo. Đá hộc, dốc đứng, suối cạn…khiến cho nhiều sản phụ mới đi được nửa đường tới trạm xá mà đứa con đã trào ra khỏi bụng.

Khá giả cũng loại nhất nhì trong 4 bản vùng cao của người Dao với cả ngàn khẩu nhưng ngó ngược ngó xuôi ở nhà anh Long (Dương Kim Long, trưởng bản Hin Đăm, xã Kiên Mộc, Đình Lập, Lạng Sơn) tôi thấy có ba thứ khả dĩ gọi là sản phẩm của nền văn minh: một cái đèn pin Trung Quốc, một cái đài Trung Quốc và cái xe máy Trung Quốc, còn lại toàn những vật dụng cổ lỗ sĩ.

>> Những vùng đất khốn khó
>> Cả năm không biết ''mùi'' thịt
>> Uống nước gừng... chống đói

Cái đài ấy giờ đã ọt ẹt lắm, tiếng được, tiếng không nhưng là trung tâm thông tin của cả bản, cũng có một số người biết tiếng Kinh đến nghe nhờ. Còn với những người trên 40, thậm chí phụ nữ chỉ trên 20, nghe các chương trình tiếng Việt với họ cũng chẳng khác gì tiếng… ngoại quốc.

Dân Dao Thanh Phán, Thanh Tiền xuống núi không biết vặn cái vòi nước mỗi khi khát khô cổ họng. Thấy cái quạt cây quay họ cứ mải mốt…chạy theo. Quạt quay hướng này, họ dịch người sang hướng đó, chưa kịp ngồi hưởng mát, thấy quạt chuyển hướng khác, họ lại sấp ngửa nhoài sang. Cứ chạy tới, chạy lui đến toát cả mồ hôi mà thầm trách cái quạt của người Kinh sao phức tạp thế, chẳng chịu đứng yên một chỗ cho dễ nhờ. Thấy ổ cắm, có người còn tòm mò sờ vào vì nghe bảo điện nó giật, nhưng không biết giật là nó túm áo, túm quần hay túm cả người mình vào.  

Những đứa trẻ mới 4-5 tuổi đã biết nấu cám lợn

Lợi dụng tình trạng dân dốt, có nhiều đối tượng lừa đảo ở dưới mang những xoong nhôm, vải bạt quân sự giả vào bản gạ bán, đổi ngô, đổi lợn, đổi gà cho đồng bào với giá hữu nghị đắt gấp… 5-7 lần giá bán ngoài thị trấn mà dân vẫn xuýt xoa, quý báu cái vật dụng rẻ tiền ấy lắm. Những chai nước ngọt xanh đỏ giá xuất xưởng 500-1.000 đồng toàn phẩm màu, đường hoá học, những gói kẹo, bánh toàn bột sắn mốc meo cũng được trẻ con nơi đây giành nhau chí chết mỗi dịp Tết về hay có dịp theo bố mẹ xuống phố thị.

Cách biệt, lạc hậu như thế nên những cái gì mà dưới xuôi đã làm chán làm chê dân đây mới bắt đầu áp dụng. Ví như ở mấy xã vùng thấp trồng thông cả chục năm, được khai thác gỗ, khai thác nhựa, mua sắm xe, làm nhà cửa ầm ầm nhờ thông, dân bốn bản mới lục tục rủ nhau trồng. Lúa lai, ngô lai đã quen thuộc cả gần hai chục năm nay với nông dân vùng xuôi giờ đây họ mới áp dụng được 2-3 vụ. Có điều, đồng bào Dao trồng lúa lai nhưng không biết bón phân, con sâu đã ăn vào trong thân mới đổ xô đi phun thuốc nên năng suất chẳng khác gì lúa nương, lúa nước truyền thống, chỉ một hai bao thóc/sào.

Ngay cả anh thanh niên Đặng Phúc Hương 25 tuổi, cái tuổi mà có lẽ dưới xuôi đánh vi tính nhoay nhoáy, nói làu làu ngoại ngữ, bàn chuyện khủng khoảng kinh tế thế giới hay chính sự Nga, Mỹ thế mà gặp tôi cứ tha thiết hỏi đi, hỏi lại: “Cán bộ đi nhiều, biết lắm có phải bây giờ bọn hàng rong, bọn đổi xoong nồi vào nhà mình, thấy trẻ con, phụ nữ mà ở nhà một mình, chúng nó… mổ bụng, moi gan ruột đem đi bán. Nghe nói ở mấy xã khác ở Đình Lập có người bị rồi. Bọn trẻ trong bản tao giờ không có người lớn là sợ không dám đi học. Ngay cả vợ tao ở nhà đêm đến cũng không dám đi đái một mình vì sợ ma, phải đái vào chậu đấy vớ”.

Nghe xong, tôi không còn cười nổi nữa mà phải giải thích mãi, ở ta, công nghệ ghép tạng chưa phát triển đến mức ấy, vả lại có mổ ra, lấy gan ruột mà đi xe mất cả chục tiếng về dưới xuôi cũng như đồng bào săn con thú ở trong rừng buổi sáng, vác về nhà buổi tối thịt đã ôi, thiu không ăn được. Đó chỉ là tin đồn nhảm thôi, dưới xuôi cũng có mà. Hương nghe xong gật gù nhưng xem chừng vẫn hoài nghi lắm lắm. Anh đi về, vừa đi vừa lẩm nhẩm một mình: “Không biết cán bộ nói có đúng không”.

Dân trí thấp nên trai bản Dao đi thi xe máy mười người trượt đến chín dù họ đường núi đổ dốc, cua đèo vèo vèo cán bộ người xuôi chẳng thể bằng chứ đừng nói là đi vòng vòng trong mấy cái sa hình. Họ chỉ bị dính ở môn thi lý thuyết. Có người không đọc nổi con chữ xem người ta hỏi gì mà trả bài thi thậm chí có người còn không biết ký tên mình, nhất định đòi giám thị cho… ấn ngón tay vào lọ mực mà điểm chỉ. Thi kiểu ấy không trượt mới là lạ. 

Những đứa trẻ vùng cao đầy thiếu thốn

Cùng với nạn mù chữ, ở mấy bản vùng cao người Dao, nhất là xa như Hin Đăm, Khe Luồng vẫn tồn tại nạn tảo hôn. Như lời trưởng bản ở Hin Đăm có trường hợp Hoàng Thị Mai con anh Hoàng Sáng Hính mới 14 tuổi đã nằng nặc đòi nghỉ học…lấy chồng. “Bố mẹ nó cũng không muốn nó đi lấy chồng đâu vì còn nhỏ lắm, người còn chưa có cái gì của con gái. Nhưng tự khắc nó thích, nó đòi đành phải cho cưới thôi. Nó lấy chồng bên xã Đồng Thắng giờ nghe nói đã có một hay hai con gì đấy”.

Ở Khe Luồng tôi còn nghe chuyện mới toanh về một cô dâu cũng lấy chồng từ thủa 14. Ở những cặp vợ chồng trẻ con ấy nhiều khi bố mẹ hốt hoảng thấy cả hai đi đâu không rõ, tưởng chúng giận dỗi, đánh nhau mới bổ đi tìm thì ra vợ chồng đang mải chơi đẩy gậy, kéo co, tung còn với nhau ở một góc rừng với đám trẻ con cùng bản. Các cặp vợ chồng tuổi 16, 17 cũng không hiếm. Họ cứ cưới rồi đợi đủ tuổi mới đi đăng ký, thậm chí sinh con nhiều khi cũng chẳng thèm làm khai sinh ngay.

Cái đường xá khó khăn, cách biệt không chỉ hành người dân hàng làm ra bán rất rẻ rúng mà còn hành tới tận lúc bà con…đi đẻ. Từ mấy bản xuống trạm xá xã, đường đi tới hơn 20km dốc núi, đèo cua tay áo. Nếu đi xe máy mất độ 2 giờ nhưng đi đẻ không thể cứ đổ dốc, băng đèo vèo vèo được mà phải đi rón rén, đi nhè nhè nên mất cỡ nửa ngày.

Đá hộc, dốc đứng, suối cạn…khiến cho nhiều sản phụ mới đi được nửa đường tới trạm xá mà đứa con đã trào ra khỏi bụng. Đứa bé đỏ hỏn, khóc oa oa giữa rừng được chính ông chồng cắt rốn cho bằng cái dao đi nương, được bọc trong mớ quần áo rách, thậm chí cả mấy tàu lá chuối rừng rồi mang về nhà. Năm nào cũng có những trường hợp đẻ rơi như thế nên người Dao chán đi đẻ ở trạm xá xã mà toàn đẻ ở nhà, những ca khó, bị băng huyết hay không ra con mới chuyển đi. Nhiều trường hợp đẻ ở nhà bị tai biến cả mẹ con đều chết tức tưởi như vợ hai của ông Hoàng Nho Thuật là một ví dụ điển hình…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm