| Hotline: 0983.970.780

Những ghi chép từ bên kia trái đất: Một Cuba từ trong lịch sử

Thứ Ba 21/04/2020 , 09:20 (GMT+7)

Đất nước ấy ở bên kia bán cầu, nhưng đã đóng dấu tên mình vào ký ức mỗi người dân Việt.

Một góc Pháo đài cổ nổi tiếng El Morro ở La Habana, gắn với lịch sử Cuba.

Một góc Pháo đài cổ nổi tiếng El Morro ở La Habana, gắn với lịch sử Cuba.

Đất nước ấy cũng đã khiến cả thế giới phải biết đến bằng một thái độ, một lựa chọn sống suốt những năm nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Đất nước ấy ở rất xa, nhưng cũng rất gần. Và tôi tin rằng, mỗi người dân Việt đều ước mong có một lần được chạm vào Cuba, được trải nghiệm những điều họ nghe nói về một hòn đảo phải đi hết nửa vòng trái đất. Tôi đã có một chuyến đi như thế.

60 năm kể từ ngày cách mạng thành công và giành độc lập, dù trải qua nhiều khó khăn thử thách, Cuba luôn tìm cách thích nghi để bước tiếp con đường đã chọn không phải bằng một “thỏa thuận chính trị” nào. Để mỗi khi nhắc đến hai từ Cuba như nhắc đến những giá trị đã được nỗ lực khẳng định.

Lựa chọn lịch sử

Cuba không có đường biên giới trên bộ với bất cứ quốc gia nào. Hàng xóm, lân bang hay những gì liên quan đến đường biên giới ở nhiều quốc gia khác với Cuba đều xa lạ.

Nhiều quốc gia khác dù là quốc đảo thì cũng mang đặc thù khác Cuba, bởi lãnh thổ đất nước rải trên hàng chục, hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, còn Cuba chỉ có hai đảo lớn chính mà thôi. Làm bạn với đất nước này chỉ có những con sóng biển Caribe hào phóng.

Khu vực dành cho khách du lịch cũng thường được quy hoạch biệt lập. Có lẽ vì thế mà trong đại dịch Covid-19, Cuba cũng là quốc gia ít bị ảnh hưởng so với nhiều quốc gia khác.

Chưa bao giờ tôi thấy một sự lựa chọn mạnh mẽ như thế ở tầm vóc một quốc gia khẳng định tiếng nói, vai trò ở tầm châu lục và thế giới như Cuba dưới thời Chủ tịch Fidel Castro. Ngay từ khi tuyên bố độc lập, năm 1959, thì Fidel đã lựa chọn đường lối cứng rắn, theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc.

Ông kiên quyết nói không và không chịu thỏa hiệp với những gì ảnh hưởng đến lợi ích của hòn đảo này. Một loạt công ty, xí nghiệp của Mỹ và lực lượng thân Mỹ ngay sau đó bị quốc hữu hóa.

Hệ lụy của nó là chính phủ Mỹ vốn kỳ vọng vào Fidel và muốn giữ vai trò hậu thuẫn kèm theo những sự chi phối chính trị nhưng ngay từ những giờ phút đầu tiên đã bị khước từ dứt khoát.

Suốt những năm tháng sau đó, Fidel bằng sự hiện diện của mình khắp năm châu bốn bể đã đưa tiếng nói Cuba như một tuyên ngôn với thế giới.

Ông đã trở thành lãnh tụ đầu tiên đến thăm vùng giải phóng của Việt Nam trong những năm chiến tranh tại mặt trận Quảng Trị năm 1973 để rồi đóng đinh tên tuổi của ông, tinh thần của ông tại dải đất hình chữ S phía bên kia bán cầu bằng câu tuyên bố bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Đó không phải là lời nói suông, tinh thần ấy, tình cảm ấy đã thấm vào từng đường gân thớ thịt, từng mạch máu của mỗi người dân Cuba, để hôm nay, sau 60 năm, chúng tôi có mặt ở hòn đảo này, đi đến đâu vẫn đón nhận những tiếng hô vang “Việt Nam muôn năm”, “Việt Nam - Hồ Chí Minh” từ những người lái xe trên đường, từ những khách bộ hành, từ những người đang đổ xăng khi nhìn thấy người Việt Nam mà chúng tôi cũng không hiểu vì sao họ lại có thể nhận ra đó là người Việt.

Chúng tôi được chào đón bằng ánh mắt trìu mến và ngưỡng mộ. Tôi hiểu sự ngưỡng mộ ấy là họ dành cho hai tiếng “Việt Nam”, cho dân tộc của chúng ta.

Nhiều thập kỷ qua, Cuba đã nói một tiếng nói đơn thanh nhưng dõng dạc xác quyết, luôn hướng đến một chủ nghĩa quốc tế cao cả, bình đẳng cho các dân tộc trên thế giới.

Dù một mình một lối, kể cả có thời điểm dài bị cả châu Mỹ quay lưng thì con đường ấy vẫn không hề thay đổi hay có một chút nao núng nơi những người nắm ngọn cờ lãnh đạo.

Tác giả với các nữ nhạc công của một nhóm nhạc tự do ở La Habana

Tác giả với các nữ nhạc công của một nhóm nhạc tự do ở La Habana

Khẳng định sự ưu việt của chế độ

5 thế kỷ kể từ khi Colombo tìm ra Châu Mỹ, cũng là khi hòn đảo hình con cá sấu này được phát hiện, mấy năm nay La Habana đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 500 năm hình thành và phát triển. Logo kỷ niệm được dựng lên khắp các con phố và các khu vực trung tâm với sắc màu đặc trưng của thành phố. Đi giữa La Habana, mỗi người Việt mang ký ức về một thời bao cấp không khỏi ngẩn ngơ hoài niệm gắn với những vui buồn.

Cũng phần nào giống như Việt Nam trong khối XHCN, khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, mọi thứ rơi vào chông chênh, mất quỹ đạo một thời gian. Và rồi mỗi quốc gia phải tự tìm ra con đường đi của riêng mình.

Con đường tự chủ dù gian nan và có những khó khăn thiếu thốn nhưng Cuba vẫn lạc quan vượt qua, học cách ứng xử với những thiếu thốn đó một cách bình thản.

Giờ đây, nếu như mô hình các nông trại ở Liên Xô trước đây đã lùi vào quá vãng, nếu như mô hình hợp tác xã ở Việt Nam cũng đã ngày một trở nên xa xưa, những cửa hàng mậu dịch phân phối nhu yếu phẩm cho người dân cũng chỉ còn trong kí ức thì bạn có thể gặp lại mô hình ấy trên đất nước Cuba.

Dường như nơi đây đang cố gắng bảo tồn giá trị mô hình XHCN, đang cố gắng làm những gì tốt nhất để chứng minh những ưu việt của mô hình này. Và Cuba đã làm được phần nào thể hiện trong các thành tựu về giáo dục, y tế là hai lĩnh vực nổi bật được cả thế giới ghi nhận.

Người dân có thể không giàu có nhưng họ được hưởng những quyền lợi cơ bản nhất một cách đầy đủ như một sự hiển nhiên và bình đẳng.

Cuba không phải đối mặt với sự phân hóa xã hội, khoảng cách giàu nghèo… Công dân Cuba có thể học lên đến cấp học cao nhất, từ tiểu học đến tiến sĩ đều được bao cấp, không tốn một đồng phí nào.

Người dân Cuba được chữa trị bệnh miễn phí, ngay cả những bệnh hiểm nghèo rất tốn kém, chi phí cao ở mức một người thu nhập bình thường ở các nước khác không bao giờ đủ khả năng tài chính để chi trả, thì ở Cuba họ sẽ được nhà nước chữa trị như một lẽ thường.

Tôi đứng bên bờ biển Cuba,dọc đại lộ Avenida, ở vị trí đối diện với lãnh thổ nước Mỹ. Chỉ chưa đầy hai trăm cây số, phía bên kia là bang Florida. Nơi ấy là một chân trời khác.

Ven bờ biển chỗ tôi đứng, nổi bật trong những công trình xây dựng là một tòa tháp, nghe nói do Liên Xô xây dựng trước đây. Cũng nghe nói nó từng là nơi đặt điện đài và các thiết bị viễn thám.

Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Tòa nhà cũng được sử dụng cho một mục đích dân sự khác, dù vóc dáng nó vẫn nổi bật như một điểm nhấn kiến trúc ở dải đất ven biển.

Một ngôi trường ở Cuba mang tên Hồ Chí Minh.

Một ngôi trường ở Cuba mang tên Hồ Chí Minh.

60 năm bị bao vây cô lập

Cả thế giới đều biết quan hệ "mặt trăng - mặt trời" giữa Mỹ và Cuba suốt nửa thế kỷ qua. Dù là hai nước láng giềng trên biển nhưng hai chú mèo và hổ vẫn vờn nhau qua sóng gió Caribe không một ngày bình lặng.

Dù gì thì vị trí địa lý là thứ khó mà thay đổi. Cuba vẫn án ngữ cửa ngõ vào nước Mỹ. Và Fidel đã hùng hồn tuyên bố, nếu Mỹ không thích Cuba thì đi chỗ khác mà ở.

Tuy nhiên, gần lửa rát mặt, Cuba vẫn phải chịu sự cấm vận toàn diện của Mỹ. Dù quá trình ấy kéo dài đã hơn một nửa thế kỷ thì Cuba cũng không có những động thái để xoa dịu hay gần Mỹ hơn, ngay cả khi đời sống xã hội chạm đến những dấu mốc khó khăn nhất.

Đất nước này làm ra đường, nhưng đường không dùng làm lương thực chính được. Họ phải xuất khẩu để đổi lấy gạo và năng lượng, hai thứ cơ bản Cuba bị lệ thuộc vào nước ngoài.

Năm 1960, sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước Cuba độc lập, Chủ tịch Fidel Castro đã tiến hành quốc hữu hóa các tài sản của Mỹ trên đất Cuba, số tài sản ấy ước tính tầm 1 tỉ USD. Người Mỹ luôn luôn nhớ điều này, và ngay lập tức Tổng thống Dwight Eisenhower ra lệnh phong tỏa kinh tế đối với Cuba.

Kể từ đó, sự bao vây cô lập cứ thít chặt dần qua mỗi đời Tổng thống, mối quan hệ hoàn toàn không được cải thiện, thậm chí nó bị đẩy ngày càng xa hơn, tỉ lệ nghịch với khoảng cách địa lý giữa hai nước.

Cấm mua hàng từ Cuba, không tiếp nhận bất cứ con tàu nào vào cảng Mỹ nếu đã từng ghé qua cảng Cuba... cùng hàng loạt những quy đinh khắt khe về kinh tế không nằm ngoài mục đích đẩy Cuba vào thế bị cô lập.

Đến năm 1996, Tổng thống Bill Clinton ký đạo luật Helms-Burton cấm tất cả các công ty nước ngoài có làm ăn với Cuba giao dịch với công ty Mỹ.

Năm 2004, dưới thời Tổng thống George W.Bush, gần như tất cả hoạt động trao đổi văn hóa, khoa học, thể thao giữa hai nước bị dừng lại.

Giờ đây, bất kể một sản phẩm hàng hóa nào trên thế giới, chỉ cần có quá 10% nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra nó có nguồn gốc từ Mỹ đều không có cơ hội xuất hiện tại Cuba.

Bởi thế mới có chuyện trớ trêu mà bất kỳ một người có lương tri nào nghe thấy cũng phải đau lòng. Đó là tại một cuộc thi nghệ thuật quốc tế do công ty Nikon tổ chức hơn 10 năm trước, một thiếu niên Cuba đã đoạt giải nhất, nhưng họ đã không thể trao phần thưởng như đã công bố là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số cho em, bởi linh kiện làm nên chiếc máy ảnh có trên 10% xuất xứ từ Mỹ, cuối cùng, họ đành trao phần thưởng thay thế cho em là một… bức tranh.

Sự bình lặng trên đường phố ở thủ đô La Habana.

Sự bình lặng trên đường phố ở thủ đô La Habana.

Năng lượng cũng là thứ Mỹ luôn tìm mọi cách chặt đứt nguồn cung cấp đến Cuba. Những con tàu chở khí đốt vô cùng khó khăn để tiếp cận cảng Cuba. Mọi thứ cứ tồn tại như thế từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.

Cho đến khi Cuba thăm dò và tìm ra mỏ dầu ở phía Bắc đất nước, tức là niềm hi vọng giải quyết được một phần năng lượng cho đất nước thì một nghị sĩ Mỹ tỏ vẻ “thức thời” mới kêu gọi dỡ bỏ cấm vận với quốc gia láng giềng vốn là nỗi ám ảnh dài lâu của Mỹ.

Tổng thống phe dân chủ Brack Obama cũng tỏ rõ quan điểm, đã có một số động thái nới lỏng cấm vận để tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Cụ thể nhất, ông đã đến thăm Cuba, là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Cuba kể từ khi Fidel Castro lãnh đạo đất nước.

Thế nhưng làn gió mát thổi vào quan hệ giữa hai nước ấy không được lâu. Người kế nhiệm Barack Obama, Tổng thống Donald Trump ngay sau khi lên nắm quyền đã tỏ rõ đường lối cứng rắn và cực đoan, nhanh chóng siết lại vòng kim cô, đẩy mọi thứ trở về như cũ.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất