| Hotline: 0983.970.780

Những giấc mơ mòn mỏi

Thứ Sáu 03/07/2009 , 10:11 (GMT+7)

Khi bình tâm lại, nhìn vợ con nheo nhóc, gia đình túng bấn, họ lại xuống thuyền ra khơi...

Sau những lần suýt mất mạng, nhiều ngư dân thề thốt sẽ không đi biển nữa. Nhưng, đó là trong lúc hoảng loạn, còn khi bình tâm lại, nhìn vợ con nheo nhóc, gia đình túng bấn, họ lại xuống thuyền ra khơi... 

Thề không đi vẫn phải đi

Bỏ dở công việc để tiếp tôi, anh Dương Tất Thắng thôn Hà Tây (xã Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị) cứ xuýt xoa khi nhắc lại chuyện hai lần thoát chết. Anh kể, khoảng tháng 7/2005, anh đi làm thuê cho chủ thuyền ở thôn Xuân Ngọc (xã Gio Việt), đánh cá ở ngư trường gần đảo Cồn Cỏ. Chuyến biển đó kéo dài một tuần thì chủ thuyền quyết định vào bờ để bán cá, mực. Khoảng 12 giờ đêm hôm đó, anh đang ngủ trong ca bin thuyền thì tự nhiên nghe tiếng va đập mạnh. Chưa kịp hiểu có chuyện gì xảy ra, anh đã thấy mình ngập trong nước biển. Cảm giác lạnh lạnh chạy qua sống lưng làm anh bừng tỉnh.

Nhìn trước, nhìn sau thấy anh em thuyền viên cũng đang ngơ ngác, chấp chới bơi giữa đám ván thuyền nổi bập bềnh trên mặt biển. Có ai đó gọi anh mau ôm mảnh ván bơi theo chiếc xà lan chở hàng được chiếc tàu lớn kéo theo đang chầm chậm chạy phía trước. Anh cố hết sức lực và may mắn bám được vào chiếc xà lan. Trèo lên được xà làn, anh thấy cả chủ thuyền lẫn thuyền viên đều đang co ro ngồi nép vào nhau cho đỡ lạnh. Bây giờ, mọi người mới biết con thuyền của mình bị tàu hàng đâm phải. Sau lần chết hụt đó, anh cứ tưởng mình sẽ bỏ hẳn nghề biển nhưng rồi vì miếng cơm, manh áo cho vợ con, anh lại một lần nữa xách hành lý lên đường vào Quảng Ngãi đi biển trên một chiếc tàu lớn hơn cho an toàn.

Tháng 11/2007, tàu rời tỉnh Quảng Ngãi đi vào câu mực ở ngư trường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghề câu mực khác với các nghề đánh bắt thuỷ sản khác là các thuyền viên sau khi ra đến ngư trường đánh bắt sẽ được thả xuống trên chiếc thuyền thúng để tự câu mực một mình cho đến sáng thì tàu mới đến vớt lên. Mỗi thúng được trang bị đèn măng xông nhử mực cùng cần câu, mồi câu. Thuyền thúng của các thuyền viên được tàu thả cách nhau khoảng một kilômét. Tàu của anh vào đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm trước thì hôm sau đã ra biển hành nghề. Hôm đó, chạng vạng tối thì tàu thả thuyền thúng của anh xuống ngư trường. Không hiểu có linh tính mác bảo, anh mang theo chiếc can nhựa đựng nước xuống thuyền thúng.

Thời gian của ngư dân trên chiếc thuyền thúng cứ chậm chậm trôi đi trong điệp khúc thả mồi, thay mồi, gỡ mực. Mãi đến nửa đêm thì anh bắt đầu thấy gió nổi lên gầm rít, mây đen kéo đến cùng với sấm chớt như muốn xé toạc bầu trời. Với thâm niên gần hai mươi năm làm nghề biển, anh biết là lốc tố đang đến. Không kịp thu dọn dẹp cần câu, mồi câu, anh chụp lấy chầm hối hả chèo thuyền thúng về phía tàu đang neo đậu cách nơi anh câu mực khoảng 6 km. Chèo được nửa quãng đường thì thuyền thúng của anh bị sóng đánh lật nhào rồi chìm ngỉm.

Anh vớ được chiếc can nhựa rồi cứ bơi một cách tuyệt vọng giữa lốc tố cho đến sáng hôm sau. Một ngày đằng đẳng trôi qua trong cơn đói, khát hành hạ đến kiệt sức, anh vẫn không nhìn thấy bóng dáng con tàu, chiếc thuyền nào đi qua để kêu cứu. Đến ngày thứ ba, anh tỉnh lại mới biết mình được ngư dân đảo Côn Sơn phát hiện, vớt lên thuyền đưa vào đất liền. Ở lại vài ngày, anh xin bà con ngư dân đảo Côn Sơn ít tiền bắt xe về quê. Chết hụt lần thứ hai, anh Thắng lại tiếp tục thề, nhưng rồi chẳng được lâu. Hai vợ chồng cùng 4 đứa con chỉ có mảnh rau màu trồng khoai lang, không đi biển đồng nghĩa với ngồi chơi và... đói.

Cả gia đình cố chạy vạy hết nghề này đến việc khác nhưng rồi: "Muốn bỏ cũng chịu. Ở làng chài này anh bảo ngoài đi biển ra thì biết làm nghề gì để sống đây. Ruộng đất không có, kinh doanh thì thiếu vốn, trong khi chạy ăn từng ngày đã khó huống chi còn chuyện con cái học hành. Thành ra biết là hiểm nguy nhưng cũng phải cố liều bởi không đi biển thì... càng chết". 

Bao giờ thoát kiếp?

Gánh chịu quá nhiều nỗi đau từ nghề biển, nhiều thế hệ thanh niên ở những ngôi làng các vùng bãi ngang chọn cho mình con đường "bỏ quê" để lập nghiệp. Nhưng rồi "cuộc cách mạng" ấy cũng không thành công khi bôn ba khắp đó đây cuối cùng lại thấy họ quay về với nghề đi biển.

Xã Hải An (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) có hơn 1000 hộ dân với 5200 nhân khẩu thì có đên hơn 55% trong số đó sống nhờ biển. Số còn lại rời làng đi làm ăn xa hoặc sống nhờ tiền chính sách. Điều đó lý giải tại sao nguồn thu từ biển, chăn nuôi và tiền hưởng chế độ chính sách của nông dân Hải An chiếm hơn 90%. Theo cách tính của Chủ tịch UBND xã Phan Thành Chung, biểu đồ thu nhập của xã năm nào cũng thay đổi: "Trước đây, nguồn thu chủ yếu từ nghề đi biển. Kể từ khi thanh niên trong làng đi làm ăn xa có chút tiền gửi về, nhiều gia đình có phần đỡ hơn. Nhưng mấy năm nay suy thoái kinh tế, công nhân đi làm ăn xa lũ lượt về làng, lại quay về với nghề biển. Thành thử ở Hải An nguồn thu ổn định nhất có lẽ là tiền... chế độ chính sách".

Lãnh đạo các chính quyền địa phương chúng tôi đi qua khi nghe bảo rằng "liệu có thể chuyển đổi nghề nghiệp bớt cho một số ngư dân" thì nhận ngay được những cái khoát tay liên tục: "Nông dân bãi ngang không đi biển thì "may ra" chỉ có thể làm ruộng. Nhưng anh cứ nhìn vào con số thống kê diện tích đất nông nghiệp từng xã thì thấy ngay, nếu bảo họ chuyển sang làm nông họ lại cười cho bởi chẳng lẽ lại làm ruộng hay trồng màu trên... đồi cát".

Dân làng chài đành chấp nhận "tử sinh với biển". Nhưng ngay cả khi đã "liều mình" đến như vậy mà cái đói cái nghèo vẫn không buông tha. Ngư dân họ tính rằng mỗi năm nếu thuận lợi thì cùng lắm đi biển được 6 tháng. Thuận lợi hơn nữa là được mùa tôm mùa cá thì đủ ăn từ đầu năm đến giữa tháng 10. Hai tháng còn lại hầu hết dân bãi ngang sống bằng nguồn... đi vay. Thế mới có chuyện ngư dân bãi ngang không nhà nào là không nợ. "Làm một năm không đủ ăn, lại còn hàng trăm khoản chi tiêu. Nợ năm trước chưa trả nổi thì năm sau đã lên gấp đôi. Cứ như thế không biết đến đời mô mới ngóc đầu lên nổi", ông Chung cay đắng.

Trong muôn vàn thiếu thốn nên không thể hỏi ngư dân các vùng bãi ngang mong muốn điều gì. Bỏ qua những thiếu thốn hàng ngày, họ chỉ còn mong mỏi thiết thực nhất là "có phương tiện cứu hộ cứu nạn nào đó cho an toàn hơn một tý, chứ đi biển theo kiểu "hên xui" thì không chết mới là lạ". Nhưng ngay cả ước mơ nhỏ nhoi đó vẫn còn rất xa xỉ bởi theo thống kê thì toàn tỉnh Quảng Trị có 2.151 chiếc tàu, thuyền với tổng công suất 36.045 CV (bình quân 16,7 CV/chiếc) nhưng chỉ có 9 chiếc tàu, thuyền của các đơn vị Bộ CH Quân sự tỉnh, Bộ CH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN&PTNT Quảng Trị) có thể tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tàu, thuyền gặp sự cố, bị tai nạn trên biển. Còn việc có đội tàu, thuyền cứu hộ, cứu nạn với công suất lớn có thể chịu được sức gió bão, tố lốc từ cấp 7, cấp 8 trở lên để ứng cứu ngư dân gặp nạn vẫn còn nằm ngoài tầm với...

Đến nay chưa có con số thống kê biển đã cướp đi bao sinh mạng của ngư dân vùng bãi ngang dọc Quảng Trị đến TT-Huế. Và cái quan niệm cay đắng "đi biển tử sinh" vẫn đang còn ăn sâu vào suy nghĩ dân làng chài. Nhưng "giấc mơ thoát kiếp" của họ vẫn còn kéo dài không biết đến bao giờ. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm