Hợp với “treo đèn”
Xin phải nhấn mạnh một điều rằng khái niệm ngô biến đổi gen rất mới với nông dân. Nhiều người đến tận bây giờ vẫn hiểu giống biến đổi gen là một giống hoàn toàn mới và trồng ngô biến đổi gen là sự thay đổi diệu kỳ về năng suất. Thực ra không phải thế.
Ngô biến đổi gen tuy lạ mà quen bởi nó được hình thành trên cái nền chính là những giống ngô đang được thương mại hóa, phổ biến hiện nay. Chỉ đơn giản là các nhà khoa học đã đưa thêm những gen mới vào (hiện phổ biến là gen kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ).
Cũng bởi vì sự ngộ nhận này nên vừa qua nông dân một số địa phương đã không thành công khi đưa những giống ngô biến đổi gen (của một công ty) vào vùng đất, khí hậu không phải là sở trường, phổ thích nghi của nó. Năng suất thấp, hiệu quả thấp khiến cho nhiều người đâm ra thất vọng.
Chính vì vậy mà nhiều đại biểu khi đến với ruộng ngô biến đổi gen của Dekalb tỏ ra hết sức bất ngờ: “Nó không giống với ngô biến đổi gen ở chỗ tôi. Nó tốt quá!”. Giống làm sao được khi ba loại ngô biến đổi gen 9955S, 6919 S và 8639S được hình thành trên nền các giống ngô Dekalb vốn đã có năng suất cao và phổ thích nghi rộng.
Trên cái nền vững chắc đó, các nhà khoa học quốc tế đã cấy thêm 2 loại gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ Glyphosate vào. Kết quả là bà con nông dân sẽ giảm thiểu được chi phí sản xuất, công lao động cũng như ngăn cản sự xâm hại của 3 loại sâu chính hại ngô mà nhất là sâu đục bắp.
Ngô biến đổi gen chỉ giúp bảo vệ tối đa năng suất tiềm năng của giống chứ không giúp tăng năng suất |
Trước hết xin phân tích thói quen để bắp trên thân đợi giá bán (hay còn gọi là treo đèn) của người trồng ngô ở Sơn La. Chuyện treo đèn có khi kéo dài 1 - 2 tháng ở những nhà trồng diện tích lớn, không có sân phơi, không có kho chứa. Với những giống có lượng bột trong hạt lớn khi treo đèn sẽ dễ bị mối mọt, nấm mốc gây hư hỏng.
Ngược lại, với những giống hạt dạng đá, hay bán đá, bẹ che kín bắp thì thời gian bảo quản được rất lâu dài. Ba giống ngô biến đổi gen của Dekalb trên thích hợp để bảo quản kiểu treo đèn bởi có những đặc tính như vậy.
Lời người trong cuộc
Không phải loại ngô biến đổi gen nào cũng giống nhau. Với những giống phổ thích nghi hẹp, chỉ trồng được ở vùng có khí hậu mát mẻ mà đưa vào vùng nóng là năng suất kém ngay. DK 9955S, 6919 S và 8639S có phổ thích nghi rộng nên thích nghi được ở nhiều vùng sản xuất. Và hơn thế, chúng còn chịu được mật độ dày.
Niềm vui được mùa
Phân bón và nhân công là hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến chi phí sản xuất của cây ngô còn giống chỉ chiếm 8%. Bởi vậy mà nếu giống ngô biến đổi gen “đắt mà xắt ra miếng” thì cũng không thực sự đáng phải lăn tăn. Ở khu vực nào ít cỏ dại, ít áp lực sâu bệnh nông dân có thể tiếp tục sử dụng giống ngô thông thường còn khu vực nào nhiều cỏ, nhiều sâu bệnh thì sử dụng giống biến đổi gen. |
Nông dân ta vẫn có thói quen trồng ngô rất thưa, bắp to tuy trông sướng mắt nhưng năng suất lại không thể bằng trồng mật độ dày. Tuy nhiên không phải giống ngô nào cũng chịu được trồng dày và cho năng suất cao như Dekalb.
Không gì thực tế hơn bằng hỏi chính những người trong cuộc. Chị Đinh Thị Tuyền và anh Đinh Văn Phúc là những nông dân tham gia vào mô hình trồng ngô biến đổi gen của Dekalb ở Mộc Châu. Cả hai cùng nhận định, việc gieo trồng giống ngô biến đổi gen rất dễ dàng, không có sự khác biệt nào so với cây ngô thường… Việc quản lý cỏ dại tốt, giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, bảo vệ năng suất và tăng chất lượng sau thu hoạch là những lợi thế của ba giống này.
Ngay tại mô hình thử nghiệm, người ta đã thu hoạch 20m2 để cho các đại biểu đoán năng suất. Mức đoán đúng là 37kg (tương đương khoảng trên 10 tấn/ha) thuộc về các đội Hua Pàng, Chiềng Khoa và Mai Sơn.
Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu nhận định, chi phí đầu vào cao trong khi giá sản phẩm bán ra thấp đang là một nguyên nhân khiến diện tích trồng ngô giảm mạnh. Tuy nhiên chuyển đổi cây trồng ở địa phương cũng không thể loại trừ được cây ngô. Muốn trồng ngô có hiệu quả không còn cách nào khác phải đẩy cao năng suất và hạ giá thành, giảm công lao động trong sản xuất.
Một vài vụ gần đây, giống ngô biến đổi gen đã được đưa vào Mộc Châu và được ông Bắc đánh giá khá cao bởi không chỉ bảo vệ năng suất mà còn: Nông dân đang có xu thế lạm dụng thuốc trừ cỏ nhưng sau khi sử dụng ngô biến đổi gen họ lại hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ. Lý do? Bởi trồng ngô thường rồi sử dụng thuốc trừ cỏ không thể phun trùm lên cả thân cây như trồng ngô biến đổi gen. Thế nên người trồng ngô biến đổi gen chỉ phun thuốc cỏ một lần còn người trồng ngô thường phải phun đến vài lần, rất ảnh hưởng đến môi trường.
Sâu hại ngô chưa bao giờ nhiều như năm nay. Từ Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn về Mộc Châu, Vân Hồ sâu đục thân, đục bắp tăng 10 - 20 thậm chí có chỗ 30%. Thế nhưng với giống ngô biến đổi gen, sâu hại lại sạch bóng. Theo tính toán, nếu áp dụng công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch (bằng nhiều biện pháp trong đó có sử dụng giống biến đổi gen như hiện nay) trên diện tích 160.000ha trồng ngô của Sơn La sẽ tiết kiệm cho nông dân tỉnh này hàng trăm tỉ đồng mỗi vụ.