| Hotline: 0983.970.780

Những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam và Hàn Quốc cùng so đọ

Thứ Hai 06/06/2022 , 07:15 (GMT+7)

Trong khu ruộng thí nghiệm của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông là những giống ngô nếp ngon nhất Hàn Quốc đối chứng với những giống ngô nếp ngon nhất Việt Nam.

Điều dễ dàng thấy là các giống ngô nếp được cho là ngon nhất, đang sản xuất phổ biến ở Việt Nam như HN88, HN68 có khả năng sinh trưởng tốt hơn hẳn các giống của Hàn Quốc. TS Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô giải thích, có thể do được chọn tạo tại chỗ nên giống ngô nội thích nghi tốt hơn giống ngoại, nhưng cả hai loại đều kết hạt tốt.

“Theo kinh nghiệm của người nghiên cứu ngô nếp, những giống có khả năng chống chịu kém, bộ lá mượt, mềm, dễ bị sâu bệnh thường có chất lượng ngon bởi nó hấp dẫn nên côn trùng mới tìm đến. Thị hiếu của người sản xuất muốn ngô nếp từ lúc thu hoạch trà đầu đến trà cuối phải kéo dài cỡ 1 tuần, lõi nhỏ, hạt sâu cay. Thị hiếu của người tiêu dùng là ngô nếp trắng phải có râu trắng, không dắt vào trong hàng hạt. Như hôm nay chúng ta xem có 2 giống HN88 của Việt Nam và Park Sa của Hàn Quốc có những đặc điểm đó”, TS Minh phân tích.

Các ô ruộng thử nghiệm giống ngô nếp Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các ô ruộng thử nghiệm giống ngô nếp Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau khi thăm đồng, hồi hộp nhất với các đại biểu là màn thử nếm sản phẩm ngô luộc. Thang điểm để đánh giá một giống ngô nếp tốt là màu sắc, dạng hạt, mùi thơm, vị đậm, ngọt, dẻo và độ ngon nói chung. Mỗi người đều được dặn là sau khi ăn xong một loại ngô phải uống một chút nước lọc cho sạch miệng rồi mới thử tiếp cho vị giác thật chuẩn.

Tất nhiên là do thời gian sinh trưởng dài, ngắn khác nhau nên ngô thu non, ngô thu già cũng chưa thật công bằng khi so sánh. Nhưng cả tôi và TS Vương Huy Minh cũng như nhiều người Việt khác đều ấn tượng với giống Park Sa của Hàn Quốc bởi nó có thể chất lượng sánh ngang với giống ngon nhất của Việt Nam hiện nay là HN88, dẻo, thơm, ngọt, đậm đà.

Tuy nhiên, thật bất ngờ là ông Hyun Jong Nae, Giám đốc Trung tâm Kopia Việt Nam (Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc) lại cười và bảo rằng giống đó ít được ưa chuộng ở nước ông, phổ biến và ngon nhất phải là Ilmichal.

Theo ông Hyun Jong Nae, việc nếm thử phụ thuộc vào độ tuổi và sở thích mỗi người. Dân Hàn Quốc cũng có thói quen thích ăn ngô nếp luộc như Việt Nam nhưng thích ngô nếp khi nhai phải dẻo kiểu quánh như Ilmichal nhưng không được dẻo quá. Hai giống của ngô nếp của Việt Nam cũng khá tốt nhưng lại không quánh để tạo cảm giác muốn nhai thêm như giống của Hàn Quốc.

"Đây là dự án nhỏ mà Kopia muốn đưa các giống ngô nổi tiếng nhất của Hàn Quốc sang Việt Nam xem chúng có thích ứng được hay không, cũng như phản ứng của người dân thế nào, liệu có tiềm năng phát triển không. Trong 5 giống đưa sang trồng thử nghiệm ở Việt Nam thì 4 giống đặc trưng cho 4 vùng khí hậu của Hàn Quốc, mà Việt Nam cũng có nhiều vùng miền khí hậu khác nhau”.

Thử nếm ngô luộc các giống ngô nếp Hàn Quốc và Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thử nếm ngô luộc các giống ngô nếp Hàn Quốc và Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việt Nam hiện có khoảng 750.000ha ngô, trong đó có cỡ 60.000ha ngô nếp, mỗi năm cần 4.000 tấn giống, gồm cả các giống địa phương tự để và các giống do các công ty nhân ra để bán. TS Đỗ Văn Ngọc (Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Chủ nhiệm dự án Khảo nghiệm trình diễn giống ngô thực phẩm chất lượng (ngô nếp, ngô đường) của Hàn Quốc cho hay, thời gian thực hiện khảo nghiệm từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2022. Ở vụ xuân hè năm 2022, đơn vị khảo nghiệm 5 giống ngô nếp Hàn Quốc gồm Ilmichal, Chal Ok 4 Ho, Mibeak, Park Sa, Dea Hak với 2 giống đối chứng của Việt Nam là HN68 và HN88. 

Trong 7 giống thử nghiệm, đã có sự khác biệt khá rõ về sự sinh trưởng phát triển, 2 giống ngô nếp Mi beak và Dea Hark có tỷ lệ nảy mầm cao nhưng cây còi cọc, sinh trưởng kém. Chúng có thời gian từ gieo đến trỗ cờ rất ngắn, chỉ 37 - 38 ngày đối với giống Mibeak và 40 - 41 ngày đối với giống Dea Hark. Do có nguồn gốc ôn đới nên 2 giống này phản ứng với nhiệt độ, thời gian và cường độ chiếu sáng tại vùng nhiệt đới quá mạnh, năng suất đạt thấp.

Các giống ngô nếp Park Sa, Ilmichal, Chal Ok 4Ho và 2 giống ngô nếp đối chứng HN68 và HN88 sinh trưởng khỏe, độ đồng đều cao, sạch sâu bênh. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng của mưa lốc vào ngày 2/5/2022 chúng đều bị đổ gốc, ngoại trừ 2 giống Dea Hark và Mibeak không bị đổ do thấp cây và đã trỗ cờ. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Kiểm tra độ kết hạt của các giống ngô khảo nghiệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kiểm tra độ kết hạt của các giống ngô khảo nghiệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực tế cho thấy, có 2 giống ngô nếp của Hàn Quốc khả quan là Park Sa và Ilmichal, thời gian sinh trưởng trung bình sớm, hình thái cây trung bình, cho năng suất khá cao, đạt 14 tấn/ha và 12,1 tấn/ha.

Về chất lượng, các giống ngô nếp của Hàn Quốc đều có chỉ số Brix (độ ngọt) cao hơn giống đối chứng, cao nhất là Mibeak đạt 14,6 0Bx và giống DeaHark đạt 13,2 0Bx, trong khi giống đối chứng HN88 chỉ đạt 11,2 0Bx. Các giống ngô nếp của Hàn Quốc đều có hàm lượng amynopectin thấp hơn hoặc tương đương với giống đối chứng HN88, nghĩa là có độ dẻo cao hơn đối chứng.

Qua kết quả theo dõi đánh giá các đặc điểm nông sinh học, thời gian sinh trưởng, năng suất cũng như các chỉ tiêu chất lượng, đơn vị khảo nghiệm sơ bộ có nhận xét như sau: Hai giống ngô nếp của Hàn Quốc là Park Sa và Ilmichal cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng trung bình, nhiễm sâu bệnh nhẹ và chất lượng ăn tươi ngon (dẻo, ngọt và thơm), phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên cần tiếp tục lặp lại thí nghiệm trong vụ tiếp theo để có các kết luận chính xác hơn về tính thích nghi, năng suất cũng như các chỉ tiêu chất lượng các giống ngô nếp của Hàn Quốc trong điều kiện sản xuất tại Việt Nam.

                                         

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Chuẩn bị chống rét cho gia súc khi trời vẫn còn ấm

THÁI NGUYÊN Ngay từ bây giờ, khi thời tiết còn ấm, người chăn nuôi gia súc đã cải tạo chuồng trại, chuẩn bị bạt để che kín chuồng, giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.