| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình làm sạch môi trường nuôi biển [Bài cuối]: Cần lắm sự lan tỏa những mô hình

Thứ Sáu 22/12/2023 , 18:56 (GMT+7)

Người nuôi biển ở Nam Trung bộ dần hình thành ý thức bảo vệ môi trường vùng nước nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên thủy sản để nghề nuôi biển phát triển bền vững.

Những hành động thiết thực bảo vệ môi trường biển

Những vùng nuôi biển ở các tỉnh Nam Trung bộ như “cái túi” đựng rác. Rác từ trên nguồn theo nước sông trôi xuống. Rác thải của các tàu cá từ ngoài biển theo sóng tấp vào. Muôn loại rác thải trên bờ, khi nước thủy triều rút kéo xuống làm suy giảm vùng nước nuôi. Đó là chưa kể rác thải từ hoạt động nuôi biển như bao bì đựng thức ăn cho thủy sản nuôi, thức ăn thừa của tôm cá tích lũy mỗi ngày mỗi ít trở thành chất thải gây ô nhiễm cho nguồn nước nuôi biển.

Thực tế, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản ở Nam Trung bộ bị thiệt hại không nhỏ do nguồn nước bị ô nhiễm. Trước thực trạng này từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp đến người nuôi đã nhận thức được mối nguy hại do ô nhiễm nguồn nước, từ đó đã có nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường biển, bảo vệ vùng nuôi.

Ý thức bảo vệ môi trường vùng nước nuôi biển nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên thủy sản ngày càng được nâng cao. Ảnh: KS.

Ý thức bảo vệ môi trường vùng nước nuôi biển nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên thủy sản ngày càng được nâng cao. Ảnh: KS.

Dẫu biết rằng nguồn kinh phí để làm sạch môi trường biển rất lớn, cùng với đó là nhiều công sức bỏ ra nên các địa phương hầu như chưa có kinh phí cho hoạt động thu gom rác thải trên biển. Do vậy ở các vùng nuôi biển Nam Trung bộ đã xuất hiện nhiều mô hình hay bảo vệ môi trường nuôi biển. Một người có ý thức cao sẽ giúp người khác nhìn vào để thấy rằng bảo vệ môi trường biển là bảo vệ chính cuộc sống của mình, từ đó đã lan tỏa ra thành phong trào.

Ví như mô hình bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản ở Bình Ba, xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa). Người nuôi tôm hùm ở đây thay vì dùng bao bì đựng thức ăn cho tôm, sau khi cho tôm ăn thì “vô tư” xả xuống biển như trước đây thì nay đã dùng túi lưới đựng thức ăn cho tôm để vùng nước nuôi không còn bị ô nhiễm do những bao bì của mình xả ra.

Người nuôi tôm hùm ở Bình Ba đã sử dụng túi lưới đựng thức ăn cho tôm để tái sử dụng nhiều lần, cùng với ý thức bảo vệ môi trường đã giúp người nuôi biển ở đây hiệu quả hơn trước, dịch bệnh ít xảy ra hơn. Bảo vệ môi trường nguồn nước nuôi là bảo vệ tài sản của mình, bởi hàng tỷ đồng vốn liếng của người nuôi tôm hùm đều nằm cả dưới biển, trong những lồng nuôi.

Hay như mô hình doanh nghiệp ở Ninh Thuận tự đóng tàu thu gom rác trên biển trên tinh thần tự nguyện. Việc thu gom rác thải trên biển hoàn toàn phi lợi nhuận, doanh nghiệp bỏ ra cả tỷ đồng đóng tàu, rồi cử 2 – 3 công nhân vận hành thu gom rác trên các vùng biển. Không chỉ vậy, đơn vị trong quá trình thu gom rác dùng loa phóng thanh phát nhạc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển.

Chính nhờ hành động đầy ý nghĩa bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đã lan tỏa ra cộng đồng, người nuôi trồng thủy sản đã không vứt rác trực tiếp xuống biển mà thay vào đó mỗi bè đều có thùng đựng rác để đưa vào bờ mang đi xử lý, còn người dân trên bờ cũng không xả rác bừa bãi xuống biển, họ đã cùng bảo nhau thu gom rác thải để giữ cho môi trường biển được sạch hơn.

Thu gom rác trên bờ đến rác dưới biển

Ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) hiện đang lan tỏa việc thu gom rác sinh hoạt trên bờ đưa đi xử lý nhằm giảm áp lực về môi trường nguồn nước nuôi khi nước thủy triều rút kéo ra gây ô nhiễm vùng nuôi. Những điểm tập kết rác trên bờ cũng là nơi người nuôi biển thu gom rác trong hoạt động nuôi mang vào để đưa đi tiêu hủy.

Từ mô hình thu gom rác thải hình thành tại địa phương, những người nuôi biển từ bỏ thói quen vứt rác ra biển để sóng cuốn đi như trước đây. Những người nuôi đều tự làm thùng rác đặt trên bè, rác thải trong hoạt động nuôi tôm hùm như bì nhựa, thức ăn thừa của tôm sau khi làm vệ sinh lồng, vỏ tôm lột và rác thải trong sinh hoạt được cho hết vào thùng mang vào bờ đưa đến nơi tập kết rác.

Bình Định thì đang phát động phong trào ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển sử dụng túi lưới thu gom rác thải sinh hoạt của ngư dân trong mỗi chuyến biển như chai nhựa, lon nước ngọt, vỏ gói mì tôm, thùng xốp… sau đó mang về bờ để ban quản lý các cảng cá đưa đi tiêu hủy.

Những mô hình bảo vệ môi trường bằng những việc cụ thể khác nhau ở Nam Trung bộ ngày càng nhiều, điểm chung ở những mô hình đó là hành động cùng chung sức gìn giữ môi trường trên tinh thần tự nguyện. Ảnh: KS.

Những mô hình bảo vệ môi trường bằng những việc cụ thể khác nhau ở Nam Trung bộ ngày càng nhiều, điểm chung ở những mô hình đó là hành động cùng chung sức gìn giữ môi trường trên tinh thần tự nguyện. Ảnh: KS.

Mới đây, ngành chức năng Bình Định tổ chức hội thảo tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nhựa, bảo vệ môi trường biển cho các tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Mô hình này nằm trong khuôn khổ phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2022-2024.

Các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định được các chuyên gia dự án giới thiệu về mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ. Dự án cũng đã hỗ trợ 200 túi đựng rác thải để các chủ tàu trang bị trên tàu cá; trao thiết bị hỗ trợ mô hình thu gom rác thải nhựa và ra mắt tổ thu gom rác thải nhựa cảng cá Quy Nhơn. Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) cũng vừa khánh thành và đưa vào hoạt động nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá.

“Khi ngư dân thu gom rác thải trên tàu cá mỗi chuyến biển mang về cảng cá, chúng tôi sẽ phân ra loại rác thải nào có thể tái chế, tái sử dụng sẽ được bán cho các cơ sở thu mua phế liệu; loại rác hữu cơ dễ phân hủy sẽ được tận dụng làm phân compost; loại rác thải khó phân hủy sẽ được đưa đi xử lý”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, cho hay.

Những mô hình bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể khác nhau ở Nam Trung bộ ngày càng nhiều. Điểm chung ở những mô hình đó là hành động cùng chung sức gìn giữ môi trường trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, chỉ những mô hình này sẽ không thể làm sạch hết môi trường biển, mà cần lắm sự lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng để tất cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng hành động để bảo vệ môi trường biển nói chung và môi trường nuôi biển nói riêng.

Xem thêm
Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.