“Luật sắt” ở Tonle Sap
Trong chuyến đi viết loạt "Ký sự Biển Hồ", tôi đã đến làng người Việt ở Biển Hồ, gặp nhiều người Campuchia gốc Việt tại đây, nghe họ kể về “vương quốc” cá ở Tonle Sap.
Tonle Sap theo tiếng Campuchia là “hồ lớn”, còn Biển Hồ là tên do người Việt đặt, ngụ ý hồ nước lớn mênh mông như biển. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, Tonle Sap có hình dáng một con ốc sên đang bò trên vỏ trái đất, vào mùa nước dâng, hồ rộng tới 16 ngàn km2, nằm trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố.
Biển Hồ không chỉ là khu dự trữ sinh quyển đặc biệt của thế giới, mà còn là một vựa cá khổng lồ, cung cấp 70% thức ăn thủy sinh cho đất nước Chùa Tháp. Không chỉ thế, Tonle Sap còn là nơi mưu sinh cho hàng ngàn ngư dân khu vực ĐBSCL của Việt Nam.
Tonle Sap được mệnh danh là “vương quốc” cá, một phần là thiên nhiên ưu đãi, phần quan trọng nữa, là ý thức người dân, và đặc biệt là chính quyền Campuchia đặt ra quy định rất nghiêm khắc đối với các hành vi đánh bắt tận diệt, được ví như “luật sắt”.
Một trong những người chúng tôi gặp đầu tiên khi đến Biển Hồ là ông Võ Văn Đầy, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Xiêm Riệp, người biết đủ chuyện “trên trời dưới… nước” ở Biển Hồ.
Ông Đầy nói về "luật sắt" về đánh bắt cá ở Biển hồ: “Ở đây, từ khoảng tháng 6 - 11 là mùa nước lên, chính quyền cho đánh bắt thoải mái. Bắt đầu từ tháng 5 - 10, hết mùa mưa, nước rút, cũng bắt đầu vào mùa cá đẻ, chính quyền cấm đánh bắt, ai cố tình đánh bắt trái phép, họ bắt được, không chỉ tịch thu toàn bộ ngư cụ, mà còn phạt rất nhiều tiền. Ai bị phạt coi như hết đường sống”.
Ông Đầy kể, ở vùng lõi Biển Hồ, có khu vực đặc biệt là cánh rừng ngập nước mênh mông dành cho cá quần tụ về đẻ. Khu vực đó, chính quyền cấm mọi hành vi xâm nhập, đánh bắt. Luật rất nghiêm, ai vào khu vực cá đẻ đánh bắt, lực lượng tuần tra họ phát hiện, sẽ nổ súng ngay. Ngoài mùa đánh bắt, ai vi phạm vào khu vực cấm đánh bắt, tùy mức độ có thể bị xử phạt, đưa đi học luật bảo vệ môi trường, nặng thì bị bắt bỏ tù. Nhờ được bảo vệ nghiêm mà số lượng cá con sinh ra được bảo toàn khá cao.
Trò chuyện với nhóm ngư dân ở Biển Hồ, tôi nghe câu chuyện tưởng như đùa. Đó là ngư dân người bản địa khi bắt được cá to vài chục ký trở lên, họ lại thả xuống, không ăn. Họ giải thích: “Ngoài việc họ nghĩ, cá càng lớn thì đẻ nhiều, bắt nó sẽ mất nhiều cá con, người bản xứ còn quan niệm cá lớn như thế là những vị linh thần của sông Mê-kông, nên gọi kính cẩn là “ông cá”. Một khi lưới dính ông cá bao giờ cũng dính nhiều cá nhỏ, nên phải cúng để tỏ lòng biết ơn”.
ó 2 ngôi chợ đầu mối thủy sản Biển Hồ, nằm cách nhau khoảng chục cây số, là chợ Urussey ở thủ đô Phnôm Pênh và chợ Chpaum ở khu “Đồng Nhà Cháy” ven sông Ba Sac, nơi tập trung khá đông người Campuchia gốc Việt và Hoa sinh sống.
Tại các chợ này, lần đầu đến nên tôi vô cùng ấn tượng với những vựa tôm, cá, cua chất đống. Điều khác biệt so với cảnh bán thuỷ hải sản ở phần lớn các chợ Việt là, trong hằng hà sa số sản vật sông nước Biển Hồ được bày bán ở 2 ngôi chợ này, tất cả các loài cá đều có kích cỡ tương đồng, tuyệt không có các loại cá nhỏ.
Một thầy giáo người Việt Nam tên Nguyễn Tuấn, sang khu Đồng Nhà Cháy ở sau chợ Chpaum mở lớp học tình thương cho con em kiều bào từ những năm đầu thế kỷ 21, cho biết, người bản xứ không bao giờ ăn cá nhỏ, vì họ tâm niệm cá ấy còn phải lớn, còn sinh sôi. “Cá con mới tí tẹo đã lùng bắt ăn sạch, thì mai này còn có gì mà ăn, mà bắt”, họ bảo thế.
Những chuyện lạ ở “thiên đường” Le Cap
Là một trong những thành phố lâu đời nhất Campuchia, nằm cách cửa khẩu quốc tế Hà Tiên của Việt Nam chỉ chừng 20km, Le Cap (hay Kep) dù không có những công trình văn hóa nổi tiếng như ở Siem Reap, không có những con phố lộng lẫy với những nhà hàng sang trọng như ở Phnom Penh hay Sihanouk Ville… nhưng vẫn được ví như một thiên đường.
Ấn tượng đẹp đầu tiên, xua tan bao lo lắng của chúng tôi khi vừa bước sang địa phận Campuchia là những người dân bản xứ rất thân thiện. Vào một nhà trọ bình dân hỏi thăm, tôi gặp ngay người đàn ông Campuchia “nói tiếng Việt như người Việt”.
Nghe chúng tôi nói muốn đi Kep, anh liến thoắng: “Để tôi đưa đi. Chở 2 người một lần. Lấy ít tiền thôi, mỗi người 50 nghìn, không có tiền Riel thì trả tiền Việt, tiền đô, không sao hết”. Tôi thắc mắc, chở 3 công an phạt thì sao? Anh cười, bảo không có công an đâu.
Kep là một trong bốn tỉnh, thành phố duyên hải của Campuchia (3 tỉnh khác là Sihanouk Ville, Kokong và Kampot). Suốt dọc đường từ cửa khẩu Xà Xía (nay là cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên) nhan nhản những tổ hợp casino, sòng bài, trường gà. Thỉnh thoảng, vẫn lại thấy dấu tích một tòa lâu đài với kiến trúc Pháp đã bị tàn phá bởi quân diệt chủng Pôn Pốt.
Khoảng 20 phút sau, khi biểu tượng một con ghẹ to tướng “nghênh ngang” vươn càng hiện ra trước mắt, anh bạn Camphuchia bảo: “Đến rồi. Ở đây người Việt nhiều lắm, không lo đâu”.
Cảnh quan ở Kep còn khá hoang sơ và yên bình, các phương tiện như xe máy, ô tô, rất ít. Chúng tôi hoàn toàn không nghe một tiếng ồn nào từ các loại động cơ xe máy, ô tô. Vì thế, không chỉ yên tĩnh mà bầu không khí cũng rất trong lành.
Trên con đường ven biển đẹp nhất Le Cap, có một bức tượng người thiếu phụ ngồi, hướng mặt ra biển. Đó là tượng nàng Srey Sor, bắt nguồn từ một câu chuyện khá giống truyền thuyết Hòn Vọng Phu của Việt Nam.
Chuyện kể rằng, nàng Srey Sor có chồng làm nghề đi biển, trong một lần ra khơi, người chồng đã không bao giờ trở về nữa. Nhớ thương chồng, nàng Srey Sor ngày đêm không ăn không ngủ, chỉ ra bờ biển ngồi dõi mắt phía khơi xa. Rồi sau một đêm mưa gió mịt mùng, người ta thấy nàng Srey Sor đã chết trong tư thế ngồi, mặt hướng ra biển. Xúc động trước tấm lòng thủy chung của nàng, người ta cho dựng bức tượng nàng Srey Sor.
Một địa điểm nổi tiếng ở Le Cap là chợ cua. Ngôi chợ không phải đẹp, nhưng lại vô cùng nhộn nhịp, những gian hàng chen chúc dưới vườn dừa ngay bãi biển. Chợ bán đủ loại hải sản, được ngư dân đánh bắt ban đêm và mang vào bán trong ngày, nên rất tươi. Dạo một vòng quanh chợ, tôi nghe người mua, người bán trao đổi với nhau bằng đủ thứ ngôn ngữ: Tiếng Campuchia, tiếng Anh và tiếng Việt. Họ dùng tiền Riel, tiền Việt, đô la, nhân dân tệ, bath Thái… để thanh toán.
Chúng tôi ghé vào vài sạp hỏi và trả giá, nhưng tất cả đều cười và lắc đầu. Tấp vào một quán nước xập xệ ven chợ, người phụ nữ chủ quán chào bằng tiếng Việt. Hỏi thăm mới biết, chị tên Thảo, quê ở Rạch Giá, Kiên Giang, sang Kep được 15 năm. Mang thắc mắc về chuyện trả giá hỏi, chị Thảo cười: “Ở đây không ai nói thách cả. 2 sạp sát nhau, bán cùng loại, cùng kích cỡ, trọng lượng, nhưng giá có thể không giống nhau, bởi vì họ biết chất lượng sản phẩm họ bán, và định giá đó”.
Một chuyện lạ khác ở Kep mà tôi nghĩ không đâu có, đó là dịch vụ ăn… nằm. Tức là khi đến quán, khách có thể nằm ra chiếu đã trải sẵn hoặc nằm trên võng. Sau đó có thể nằm ăn. Hoặc đến chỗ giải trí, hát hò, chủ quán cũng bố trí cho khách có thể vừa nằm vừa hát.
Thành phố Le Cap do người Pháp phát hiện và xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Đó là những biệt thự lộng lẫy nằm trên sườn đồi, hướng mặt ra biển, dành các đối tượng là quan chức, doanh nhân đến nghỉ dưỡng. Do địa thế có hình yên ngựa nên người Pháp đặt tên cho vùng đất này là Le Cap, còn người Campuchia gọi là Kep. Ngoài những dinh thự cổ do người Pháp xây dựng, ở Kep còn có một công trình kiến trúc nổi tiếng khác, đó là một biệt điện do Quốc vương Sihanouk xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết những công trình kiến trúc này nay chỉ còn là những phế tích.