| Hotline: 0983.970.780

Trăm năm đệ nhất danh trà

Những người kể chuyện trà Tân Cương

Thứ Sáu 09/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Bằng những câu chuyện tự kể họ là những người tiên phong mở lối tìm hướng đi nâng cao giá trị của cây chè vừa thổi hồn vào xứ sở trà Tân Cương.

Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Bùi Trọng Đại, Giám đốc Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Toán Nguyễn.

1.

Cách đường tỉnh 267 chạy qua trung tâm xã Tân Cương khoảng chừng 500m có một khu đồi chè tuyệt đẹp. Bùi Trọng Đại là người đầu tiên ở Tân Cương mở mô hình sản xuất kinh doanh chè kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng.

Sau mấy năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, giờ đây Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên của người đàn ông 43 tuổi này đang lần lượt đón khách quay trở lại. Chủ yếu vẫn là khách Tây. Giọng ông giám đốc hợp tác xã chậm rãi. Chẳng hiểu sao khách quốc tế họ thích trực tiếp khám phá, trải nghiệm văn hóa, con người của vùng đất được mệnh danh là xứ sở đệ nhất danh trà, còn người Việt mình cũng có nhưng chỉ thi thoảng, đến đây chủ yếu ăn uống, đi vài vòng chụp ảnh, mua sắm ít trà đặc sản Tân Cương làm quà rồi về. Phải chăng là vì người Việt mình vẫn chưa cảm nhận hết được giá trị văn hóa, vùng đất, con người Tân Cương?

Trải nghiệm nghề chè ở Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Văn Việt.

Trải nghiệm nghề chè ở Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Văn Việt.

Giống như đa phần dân Tân Cương, gốc gác gia đình anh Đại ở dưới xuôi (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), đến nay nữa là đời thứ tư gắn bó với nghề chè. Cha ông trước nghe kể cũng là những bậc nghệ nhân làm chè nức tiếng. Đến thời của Bùi Trọng Đại dù gia đình có 6 anh chị em nhưng chỉ có anh là người được chọn để kế nghiệp gánh vác nghề truyền thống của gia đình.

Giám đốc Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên chia sẻ, cái nghề này nó lạ ở chỗ vừa là cơ duyên vừa là căn cốt, nhiều chuyện không thể nào lý giải được. Dù anh được phó thác, say sưa đến mấy, học rộng tài cao đến mấy nhưng nếu "tổ nghề” không chọn thì mãi cũng chỉ là anh thợ làng nhàng, chẳng những không thành tài mà thậm chí còn làm hỏng cả nghề truyền thống của dòng họ, quê hương. Ngược lại, cũng vì lẽ đó mà những người được chọn luôn phải suy nghĩ làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm danh trà, phát huy truyền thống vùng đất, con người Tân Cương. 

Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên được thành lập từ khoảng mười năm trước. Đó là khi khái niệm du lịch cộng đồng vẫn còn khá mới mẻ. Cũng có những du khách đến với Tân Cương, hít hà không khí trong lành của khoảng trời mênh mông, thưởng thức hương chè thoang thoảng trên những vườn đồi, ngắt một đọt chè thả vô miệng nhấm nháp vị chát ngọt… nhưng sau đó lại về. Phải làm sao để những giá trị đó của Tân Cương cũng phải kiếm được tiền. Bùi Trọng Đại vẫn thường nói như vậy trong những lần đi vận động bà con thành lập hợp tác xã. Bây giờ chúng ta không chỉ làm trà thật sạch, thật ngon mà phải học cách thổi hồn vào trà, kể những câu chuyện về trà, để mỗi du khách đến với Tân Cương vừa có thể thưởng thức những ấm trà ngon vừa hiểu hơn về giá trị của văn hóa, con người xứ sở đệ nhất danh trà.

Dưới sự dẫn dắt của Bùi Trọng Đại, một công cuộc thay đổi toàn diện đã diễn ra ở Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên và thay đổi đầu tiên là tập quán canh tác, quy trình sản xuất của các thành viên tham gia hợp tác xã. Ông giám đốc quán triệt, không thể làm du lịch, không thể nâng cao giá trị trà Tân Cương nếu bà con vẫn tiếp tục sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Chúng ta phải chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường để vừa đảm bảo sức khỏe, môi trường sống của chính bà con rồi mới đến chất lượng sản phẩm. Bao giờ ao cá dưới vườn chè của bà con có thể nuôi cá, ếch nhái sinh sôi nảy nở thì lúc đó sản phẩm trà của chúng ta mới đảm bảo an toàn.

Chính nhờ những triết lý tưởng chừng như đơn giản ấy mà đến nay toàn bộ diện tích trồng chè hơn 10ha của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận VietGAP, hiện đang chuẩn bị được công nhận là sản phẩm chè hữu cơ.

Chè sạch Tân Cương. Ảnh: Hoàng Anh.

Chè sạch Tân Cương. Ảnh: Hoàng Anh.

Đồi chè sạch rồi lại tính chuyện mở đường để khách tham quan, xây dựng mô hình homestay để khách lưu trú, mở ra các dịch vụ trải nghiệm nghề làm chè… Không gian du lịch Tiến Yên được hình thành từ sự liên kết các thành viên hợp tác xã. Ở đó là hệ thống đường bê tông nhỏ lên đến gần 1.000m trong khu vực đồi chè để du khách tham quan, chụp ảnh, có những hồ nước và chòi xung quanh hồ để du khách có thể vừa ngồi thưởng trà, ngắm cảnh và câu cá...

Tiến Yên cũng là hợp tác xã tiên phong xây dựng “tua” trải nghiệm xứ chè bao gồm các dịch vụ đưa khách trực tiếp lên đồi hái chè, cùng với các nghệ nhân thực hiện các công đoạn biến chè thành trà, đạp xe khám phá Tân Cương và các địa danh lân cận như hồ Núi Cốc, núi Tam Đảo… Tất nhiên nếu du khách không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động trải nghiệm thì hợp tác xã vẫn luôn chào đón và hoàn toàn miễn phí.

Khách nước ngoài trải nghiệm nghề chè ở Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khách nước ngoài trải nghiệm nghề chè ở Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Và cũng chính ông Giám đốc Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên là người khai mở những câu chuyện của trà Tân Cương. Đó là chuyện về thứ Đỉnh Vương Trà được làm từ loại trà đinh nổi tiếng nhất Tân Cương mà nếu du khách đến đây thưởng thức một lần không thể nào quên được.

Đỉnh Vương Trà khi pha có màu vàng sánh tựa màu cốm non, phảng phất mùi hương dễ chịu, có vị chát dìu dịu, ngầy ngậy, khi uống một lúc lâu vẫn ngọt thanh ở cổ họng, tạo ra sự độc đáo. Hay câu chuyện của Đỉnh Thái Trà được hái bằng đôi bàn tay khéo léo của những cô thôn nữ dậy từ sớm mai khi đọt trà còn đang hứng sương và sau đó được sao, đánh mốc, lấy hương bằng đôi bàn tay của các nghệ nhân Tân Cương có tay nghề lão luyện nhất…

Dần dà những câu chuyện về trà Tân Cương trở thành cẩm nang của các thành viên hợp tác xã. Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan, già trẻ nơi đâu đều có thể kể bằng sự tự hào. Với du khách, họ cũng rất thích thú khi vừa thưởng trà, trải nghiệm nghề làm chè vừa được nghe những câu chuyện thú vị như vậy.

Aurélie, một du khách người Hà Lan có nhiều năm công tác ở Việt Nam chia sẻ rằng, mỗi khi có dịp rảnh rỗi bà lại lên Tân Cương, những câu chuyện về con người, văn hóa nơi đây và đặc biệt là nghề chè thủ công truyền thống của vùng đất này luôn khiến bà cảm thấy thích thú. “Cảnh quan tuyệt vời, những con người tuyệt vời và sản phẩm tuyệt vời”, Aurélie đưa ngón tay cái biểu đạt sự hài lòng.

Du lịch cộng đồng trong không gian văn hóa chè Tân Cương. Ảnh: Văn Việt.

Du lịch cộng đồng trong không gian văn hóa chè Tân Cương. Ảnh: Văn Việt.

2.

Từ mô hình của Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, bây giờ Tân Cương đã xuất hiện nhiều hợp tác xã kết hợp nghề chè với du lịch cộng đồng. Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã Hương Vân Trà, Thắng Hường… Một không gian văn hóa, du lịch xứ trà Tân Cương đang được xây dựng, mở rộng từng ngày. Trong không gian đó, mỗi hợp tác xã là một câu chuyện riêng nhưng tựu chung lại là khát vọng nâng cao giá trị, tầm vóc của nghề chè, của đất và người Tân Cương.

Anh Nguyễn Viết Thuật, người làm chè đạt chuẩn hữu cơ đầu tiên ở Tân Cương. Ảnh: Hoàng Anh.

Anh Nguyễn Viết Thuật, người làm chè đạt chuẩn hữu cơ đầu tiên ở Tân Cương. Ảnh: Hoàng Anh.

Nguyễn Viết Thuật, Giám đốc Hợp tác xã chè Thủy Thuật chia sẻ rằng đó là con đường duy nhất. Thời buổi bây giờ nếu manh mún, nhỏ lẻ, chộp giật không thể nào tồn tại được, nghề chè cũng vậy, phải cùng nhau giữ gìn, xây dựng di sản cha ông đã để lại cho vùng đất này.

Hợp tác xã của anh Thuật đóng ở xã Phúc Trìu, cũng là xã trọng điểm trong vùng chè Tân Cương. Câu chuyện của người đàn ông này từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng của những người mang khát vọng làm nghề chè tử tế. Từ một tổ hợp tác được thành lập vào năm 2012 với vỏn vẹn có 3 thành viên đi theo con đường sản xuất chè quy trình VietGAP, hướng hữu cơ, đến nay Hợp tác xã chè Thủy Thuật là đơn vị đầu tiên được cấp được công nhận sản xuất chè đạt chuẩn hữu cơ của cả thành phố Thái Nguyên. Số thành viên hợp tác xã và hộ liên kết bây giờ lên đến hàng trăm, diện tích chè sạch mang thương hiệu Thủy Thuật cũng không ngừng được mở rộng.

Điều quan trọng, từ thành công của anh Nguyễn Viết Thuật, trong giai đoạn 2020 - 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô hơn 60ha tại vùng chè Tân Cương và các vùng chè khác trong tỉnh như Sông Cầu, La Bằng, Tức Tranh... 186 hộ dân tham gia mô hình đã tổng kết sản xuất chè hữu cơ cho thu nhập cao hơn khoảng 100 triệu đồng/ha so với sản xuất chè thông thường. Các giá trị về môi trường, sức khỏe người trồng chè được khôi phục, đảm bảo, sản phẩm trà Tân Cương cũng đa dạng và giá trị được nâng cao hơn...

Vùng chè nguyên liệu Hợp tác xã Hương Vân Trà. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vùng chè nguyên liệu Hợp tác xã Hương Vân Trà. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cũng bằng khát vọng cháy bỏng với trà Tân Cương, chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà đã đầu tư xây dựng một không gian văn hóa thưởng trà bề thế ở trung tâm thành phố Thái Nguyên. Đây có lẽ là mô hình đầu tiên tích hợp toàn bộ những giá trị tinh hoa của chè Thái trong một không gian gần gũi. Ở đó du khách vừa có thể thưởng trà vừa nghe hát Then lại vừa được trải nghiệm toàn bộ quy trình làm nên đệ nhất danh trà.

Ngoài những thứ trà truyền thống đã làm nên tên tuổi chè Thái, Hương Vân Trà cũng đang phát triển các loại hồng trà theo quy trình lên men để cạnh tranh với các quốc gia khác. Như lời chị Vân chia sẻ, tiềm năng nâng cao giá trị của chè Thái nói chung và đệ nhất danh trà Tân Cương nói riêng đang còn mênh mông lắm. Nếu chúng ta cùng nhau xây dựng bằng đam mê và trách nhiệm chắc chắn chẳng thua kém gì ai.  

Còn trước mắt, xứ chè mong muốn trong thời gian tới chè Thái sẽ trở thành thương hiệu quốc gia, có thể xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất. Với những con người tiên phong trên xứ sở đệ nhất danh trà, con đường đó dường như đang ngắn lại.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước cả về diện tích lẫn sản lượng chè. Năm 2022, toàn tỉnh này có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha. Đề án phát triển chè bền vững của tỉnh cũng thể hiện, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng...

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.