| Hotline: 0983.970.780

Sa mộc buồn rủ bóng xuống nhà Vương

Thứ Hai 29/05/2023 , 10:02 (GMT+7)

Có một ngày, bỗng nhiên Vàng Thị Chờ bị mất tiếng, giọng thều thào, không tròn vành rõ tiếng. Cô là cháu gái đời thứ 4 của Vua Mèo Vương Chí Sình, đất Sà Phìn.

Trong những lần lên Hà Giang, bao giờ tôi cũng dành thời gian để ghé thăm dinh thự Nhà Vương ở Sà Phìn. Di tích ấy, nhìn từ trên đỉnh dốc là một quần thể công trình kiên cố, bề thế, uy nghi, mái ngói vảy cũ kỹ được bao bọc bởi rừng sa mộc hàng trăm năm tuổi, mỗi cây có đường kính gốc phải hai người ôm mới xuể.

Thời điểm hiện tại, dinh thự Nhà Vương (hay còn gọi là dinh thự Vua Mèo) vẫn là công trình đồ sộ, nguy nga, sừng sững nhất vùng cao nguyên đá. Nếu ngược về hơn 100 năm trước, khi toàn tỉnh Hà Giang còn là mảnh đất khó khăn, nghèo gấp bộn lần, công trình ấy, chắc chắn còn hơn cả một điều kỳ vĩ!

Vàng Thị Chờ, cháu nội đời thứ 4 của Vua Mèo Vương Chí Sình. Ảnh: Kiên Trung.

Vàng Thị Chờ, cháu nội đời thứ 4 của Vua Mèo Vương Chí Sình. Ảnh: Kiên Trung.

Những câu chuyện về dinh thự Nhà Vương, cuộc đời cụ Vương Chính Đức, kế tiếp là Vương Chí Sình; chuyện hậu duệ Vua Mèo kiên trì giành quyền sở hữu công trình của tổ tiên…, báo chí đã viết quá nhiều. Điều tôi quan tâm ở Sà Phìn, đó là cô gái Mông xinh đẹp say mê giới thiệu với du khách về di tích nhà Vương, với những mê đắm, tự hào, khâm phục… Cô là hướng dẫn viên duy nhất, có thâm niên lâu nhất tại Di tích Nhà Vương. Cô là Vàng Thị Chờ, sinh năm 1983, hậu duệ đời thứ 4 của họ Vương ở Sà Phìn.

Lần tôi gặp Vàng Thị Chờ gần nhất, năm 2019, đúng thời điểm Chờ đang bị mất giọng. Đối với một hướng dẫn viên du lịch, tiếng nói là thứ quý giá nhất của họ, không thể thay thế. Bị mất tiếng, giọng Chờ chỉ khều khào, không tròn vành rõ tiếng, nói vài câu Chờ phải dừng lại nghỉ lấy hơi… Khi ấy, có lẽ Chờ đã đau khổ, lo lắng, buồn phiền rất nhiều.

Sau lần ấy, Chờ nghỉ để đi điều trị, tìm lại giọng nói. “Em nghĩ chỉ mất khoảng 1, 2 tháng là cùng, thế mà gần một năm mới nói được trở lại. Sau đó, em xin nghỉ hướng dẫn viên chuyển sang phụ trách quầy bán vé của khu di tích. Khi nào khách đông, các cháu không đảm nhiệm được hết, em sẽ ra phụ các cháu”, Chờ kể chuyện, đôi mắt vẫn long lanh.

 
Chờ đang giới thiệu với du khách về chính công trình do tổ tiên mình xây dựng ở Sà Phìn, hơn 100 năm về trước. Ảnh: Kiên Trung.

Chờ đang giới thiệu với du khách về chính công trình do tổ tiên mình xây dựng ở Sà Phìn, hơn 100 năm về trước. Ảnh: Kiên Trung.

Đấy cũng là lúc, thế hệ trẻ hậu duệ đời thứ 5, là các con cháu của Chờ đã được đào tạo, đủ kiến thức để làm hướng dẫn viên cho di tích. Nhưng, cho đến bây giờ, vẫn chưa có ai thay thế, chưa có ai được như Chờ, có nhiều kiến thức và tình yêu về khu di tích của cha ông.

Sinh năm 1983, Vàng Thị Chờ là cháu nội đời thứ 4 của vua Mèo Vương Chí Sình, là chắt thuộc chi 3 của vợ 3 Vương Chính Đức. Chờ cũng là người hiếm hoi trong dòng họ sinh ra và lớn lên ở Sà Phìn, gắn bó với dinh thự của cha ông để lại, trở thành hướng dẫn viên du lịch giới thiệu lịch sử văn hóa khu di tích dòng họ cho khách du lịch.

Mẹ Chờ vốn là một cô gái Mông nhà nghèo ở Đồng Văn được bố cô lấy về làm vợ, sau đó sống trong dinh thự Nhà Vương. Cả 7 anh em Chờ đều được sinh ra và lớn lên trong tòa dinh thự. Tuổi thơ Vàng Thị Chờ gắn với tán rừng sa mộc, thân thuộc với những con đường đá, những hốc ngô, con dốc, thân thuộc với mái nhà Vương.

Khi đó, di tích Nhà Vương đã bắt đầu đón khách du lịch tới tham quan. Có những lúc, khách đến đúng lúc các gia đình hậu duệ vua Mèo đang ăn cơm… Sự bất tiện ấy, năm 2004, chính quyền chủ trương dời các hộ dân ra ở ngoài khu vực dinh thự, bàn giao hoàn toàn di tích cho ngành văn hóa quản lý...

Chờ bây giờ không làm hướng dẫn viên du lịch. Cô là một trong 22 xã viên của Hợp tác xã Du lịch Di tích Nhà Vương, làm công việc bán vé cho khách tham quan. Ảnh: Kiên Trung.

Chờ bây giờ không làm hướng dẫn viên du lịch. Cô là một trong 22 xã viên của Hợp tác xã Du lịch Di tích Nhà Vương, làm công việc bán vé cho khách tham quan. Ảnh: Kiên Trung.

Học hết lớp 12, Chờ cũng suýt đi lấy chồng, suýt có một cuộc sống phẳng lặng như bao người con gái Mông khác. Năm 2007, tỉnh Hà Giang mở lớp tập huấn tại chỗ đào tạo hướng dẫn viên cho các khu du lịch trong tỉnh. Chờ tham gia. Lúc này, cô nói tiếng Kinh chưa sõi, còn ngại ngần, e dè khi giao tiếp với người lạ. Nhưng, có một sự hối thúc, dù nhỏ bé từ trong tâm thức. Chờ vượt qua những ngại ngần, say mê tìm hiểu những điều bí ẩn, mới lạ đối với cô về lịch sử, văn hóa của chính tòa dinh thự mà tuổi thơ cô từng gắn bó, những điều mới mẻ về cha ông, tổ tiên… mà cô chưa bao giờ am tường.

Khóa học kéo dài có 3 tháng. Thời gian ngắn ngủi ấy đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cô gái Mông Vàng Thị Chờ. Cô là một phần của tòa dinh thự, là một gạch nối trong của dòng họ Vương đất Đồng Văn. “Người Mông ở Đồng Văn, họ Vương – Vàng là một. Giấy khai sinh của em là Vàng, cho nên, cái tên Vàng Thị Chờ là như vậy. Em là cháu nội thế hệ thứ tư của cụ Vương Chính Đức. Nhánh của ông nội em cũng là nhánh duy nhất còn có con cháu ở Hà Giang. Hiện tại, dòng họ có một số gia đình đang định cư tại nước ngoài, một số ở TP.HCM và dưới Hà Nội”.

Hàng sa mộc cổ thụ trước cổng chính di tích Nhà Vương. Ảnh: Kiên Trung.

Hàng sa mộc cổ thụ trước cổng chính di tích Nhà Vương. Ảnh: Kiên Trung.

Năm 2019, sổ đỏ tòa dinh thự Vua Mèo được tỉnh Hà Giang bàn giao lại cho hậu duệ con cháu dòng họ Vương - những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu công trình. Từ 6 hộ gia đình (vào năm 2004), đến thời điểm hiện tại, hậu duệ Vương Chí Sình đã phát triển lên thành 22 hộ ở Lũng Phìn.

Năm 2021, Hợp tác xã Du lịch Khu di tích Nhà Vương được thành lập, gồm 22 xã viên đại diện cho 22 gia đình hậu duệ Nhà Vương ở Sà Phìn tham gia, tổ chức bài bản, có các điều khoản, nội quy, nguyên tắc, quy chế hoạt động theo pháp nhân trước pháp luật. “Hiện có khoảng hơn chục thành viên tham gia hoạt động thường xuyên tại khu di tích. Nguồn thu của hợp tác xã từ tiền bán vé cho khách tham quan. Mỗi tháng, HTX trích một phần để trả lương cho nhân viên, đóng góp các nghĩa vụ đối với nhà nước, phần giữ lại để trùng tu, giữ gìn, bảo tồn khu di tích”, Chờ chia sẻ.

Di tích Nhà Vương nhìn từ trên cao, nằm trọn trong thung lũng Sà Phìn. Đỉnh núi nhọn bên phải tượng trưng cho Quan võ; đỉnh bên trái, tròn, thấp hơn, tượng trưng cho Quan văn, đứng gác cửa Nhà Vương. Ảnh: Kiên Trung.

Di tích Nhà Vương nhìn từ trên cao, nằm trọn trong thung lũng Sà Phìn. Đỉnh núi nhọn bên phải tượng trưng cho Quan võ; đỉnh bên trái, tròn, thấp hơn, tượng trưng cho Quan văn, đứng gác cửa Nhà Vương. Ảnh: Kiên Trung.

Tranh thủ lúc thưa khách, Chờ kéo tôi ra khoảng sân trống, chỉ tay chỉ về hai đỉnh núi đá án ngữ ngay trước mặt chính của tòa dinh thự. “Anh thấy không, đỉnh núi nhọn bên tay phải, cụ nội em nói đó là Quan võ, đỉnh núi thấp hơn, tròn, bên tay trái, tượng trưng cho Quan văn. Người ta cũng hay gọi, đó là đỉnh Kim tự tháp ở Sà Phìn”.

Sau lưng tôi và Chờ, hàng sa mộc cổ thụ đứng im lìm trước cổng Nhà Vương. Từ rất lâu, rất lâu, những hàng sa mộc trăm tuổi vẫn chưa bao giờ lên tiếng, cho đến tận bây giờ!

Biểu tượng xứ đá

Những biến thiên, dâu bể của dòng họ Vương ở Đồng Văn, cuối cùng cũng đều nằm trong sử sách. Nhân chứng và những gì còn hiển hiện để người đời được chiêm ngưỡng, bái vọng, đó là những hiện vật còn tồn tại cho đến ngày nay - tòa dinh thự của Nhà Vương.

Nét cổ kính của Di tích Nhà Vương...

Nét cổ kính của Di tích Nhà Vương...

Giếng trời và bên trong khuôn viên khu di tích. Ảnh: Tư liệu.

Giếng trời và bên trong khuôn viên khu di tích. Ảnh: Tư liệu.

Vượt ra bên ngoài tài sản của dòng họ, vượt qua phạm vi của Sà Phìn, của Lũng Phìn, của cao nguyên đá, di sản đó có tính biểu tượng cho toàn bộ vùng công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn đã được thế giới công nhận.

Người tinh ý khi đến cao nguyên đá có thể nhận thấy, mấy năm trở lại đây, cơ quan quản lý văn hóa đã di dời các hiện vật liên quan đến bàn đèn, thuốc phiện – những thứ gắn với cuộc đời của chủ nhân tòa dinh thự (hai cha con cụ Vương Chí Sình, Vương Chính Đức), không trưng bày trong Nhà Vương nữa. Bộ hiện vật ấy gồm tẩu hút thuốc, bàn đèn, điếu đóm… - những vật dụng bây giờ cũng chỉ là thứ vô tri, nếu như không dùng đến. Cũng như khu đồi cây lá ngón – thứ cây chết chóc tồn tại ở miền núi, trước đó được trồng ngay khu dừng chân Quản Bạ - cửa ngõ của cao nguyên đá Đồng Văn, với mục đích cảnh báo để con người nhận diện, tránh nó đi, không nhầm lẫn với những loài cây dừng khác…

Ấy thế mà, cả hai thứ tôi vừa nhắc tới, đều đã bị dẹp bỏ. Họ nghĩ rằng, nếu để người ta nhìn thấy, sẽ cổ súy cho những điều không tốt đẹp, sẽ có người hái lá ngón để tự vẫn, hay học đòi để mà bập bẹ vào nàng tiên nâu. Tôi cho rằng đó là một suy nghĩ thơ ngây!

Toàn cảnh di tích Nhà Vương nhìn từ trên cao, được bao bọc bởi rừng sa mu cổ thụ trăm tuổi...Ảnh: KT.

Toàn cảnh di tích Nhà Vương nhìn từ trên cao, được bao bọc bởi rừng sa mu cổ thụ trăm tuổi...Ảnh: KT.

Dinh thự họ Vương được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, khánh thành năm 1907. Công trình quy mô lớn nhất thời điểm đó và cũng là lớn nhất cho đến bây giờ của người Mông ở Đồng Văn được xây dựng bởi những người thợ Vân Nam, Trung Quốc chung tay với những người thợ dân tộc Mông. Dinh thự tiêu tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Vua Mèo Vương Chí Sình.

Dinh thự Nhà Vương nằm trọn vẹn trong thung lũng Sà Phìn, tựa lưng vào dãy núi cao, hướng nhìn ra thung lũng rộng phía trước. Từ trên cao nhìn xuống, quần thể Dinh thự như nằm trên một chiếc mai rùa khổng lồ. Người ta nói, chính vì nằm trong địa thế này, trải qua bao cuộc chiến, dinh thự vẫn tồn tại, không bị ảnh hưởng bởi một mũi tên hòn đạn, vì nằm ngoài tầm rót của đạn pháo…

Kiến trúc của dinh thự là sự kết hợp 3 nền văn hóa Trung, Pháp và H’Mông, tuy nhiên văn hóa H’Mông vẫn là văn hóa chủ đạo trong dinh thự nhà họ Vương. Tổng thể tại dinh thự có 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc, chia làm 3 khu vực là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 căn phòng nhỏ sắp xếp trên 2 tầng. Do dinh thự được thi công hoàn toàn bằng sức lực con người, không có sự can thiệp của máy móc nên để đảm bảo được tính kiên cố, những người thi công đã dùng đá xanh giúp cho dinh thự đứng vững dưới dòng thời gian lịch sử.

Ngày 21/7/2018, ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với Di tích quốc gia Khu nhà Vương (cấp từ ngày 11/9/2012).

Ngày 16/8/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL có báo cáo về quá trình xử lý kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, trong đó có việc cấp quyền sử dụng đất, báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/8/2018.

Ngày 10/8/2018 các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với cá nhân ông Vương Duy Bảo. Hai bên đã thống nhất việc giải quyết, trả lại quyền sử dụng đất gắn với Khu Di tích quốc gia Khu nhà Vương thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hà Giang. Bộ đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Giang giải quyết vấn đề này.

Ngày 23/8/2018, Giám đốc Sở TN-MT Hà Giang đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Ngày 15/5/2019, UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CR 513310 cho Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Khu Nhà Vương.

Những người đứng tên trong giấy chứng nhận gồm: ông Vàng Sia Na; ông Vương Duy Bảo; ông Vương Duy Ngọc; ông Vàng Mí Sèo; ông Vàng Sẻ Dìa; ông Vàng Chìa Phình; ông Vàng Mi Vu; ông Vàng Mí Chơ; ông Vàng Mí Nô; ông Vàng Mí Sinh; bà Vương Thị Sy; bà Vương Thị Hoa; bà Vàng Thị Mây; bà Vàng Thị Giàng; bà Vàng Thị Chờ; bà Vàng Thị Vá.

Khu Nhà Vương là kiến trúc dinh thự kiêm chức năng pháo đài phòng thủ của dòng họ Vương, thuộc địa phận xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Khu nhà này do cụ Vương Chính Đức khởi dựng năm 1919, khánh thành năm 1928.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của di tích, ngày 23/7/1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định xếp hạng Khu Nhà Vương là di tích kiến trúc - nghệ thuật. Ngày nay, Khu di tích Nhà Vương đã thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch văn hóa - sinh thái khu vực cao nguyên đá Đồng Văn.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.