| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ

Những người mặc áo lính xây dựng nông trường

Thứ Tư 16/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Cách nay 50 năm, những anh bộ đội Cụ Hồ, trong đó nhiều người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm lễ hạ sao để xây dựng nên các nông trường chè vùng Văn Chấn.

Văn Chấn là vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái, hiện có khoảng 5.000 ha chè. Cách nay 50 năm những anh bộ đội Cụ Hồ trong đó nhiều người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm lễ hạ sao để xây dựng nên các nông trường chè.

Anh Nguyễn Quang Trung, GĐ Cty CP Chè Trần Phú, cho hay: Những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa tham gia xây dựng nông trường Trần Phú (nông trường đã được cổ phần) vừa thành lập Hội các chiến sĩ Trung đoàn 83, 85. Hội chỉ có 64 hội viên, trong đó có 12 hội viên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, người trẻ nhất cũng đã gần 80 tuổi, họ là những người bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng nông trường.

Theo lời giới thiệu của anh Trung, tôi tìm đến gia đình cụ Đặng Viết Ngữ ở khu 6 thị trấn Nông trường Trần Phú, cụ vừa từ đám tang cụ Nguyễn Phú Nhương trở về, người đồng đội cũ cùng lên Tây Bắc một ngày. Mái tóc cụ Ngữ đã bạc trắng, cụ lần giở cuốn sổ tay kể lại cho tôi nghe chuyện của mấy chục năm về trước.

21-24-34_c2
Cụ Đặng Viết Ngữ kể chuyện trung đoàn 85 lên Tây Bắc xây dựng nông trường

Trung đoàn 85 được thành lập ngày 28/2/1959 tại Sân bay Cát Bi - Hải Phòng với 987 chiến sĩ được lựa chọn từ Trung đoàn 244 thuộc Cục Phòng thủ bờ biển và các đơn vị thuộc Quân khu III, do thiếu tá Hoàng Kim làm trung đoàn trưởng, đại uý Trần Tụ làm chính uỷ.

Ngày 19/3/1959, Trung đoàn 85 nhận lệnh lên Tây Bắc, ngày 27/3/1959 thì tới Văn Chấn. Nhiệm vụ của trung đoàn lúc đó là trấn áp những phần tử phản động giữ bình yên cho các bản làng. Đến tháng 10/1959, trung đoàn cử một đại đội mang tên Cờ Đỏ hành quân lên Than Uyên tăng cường cho Trung đoàn 81 xây dựng nông trường quân đội Than Uyên. Số còn lại làm nhiệm vụ xây dựng nông trường suốt một dải từ Nghĩa Lộ đến Thượng Bằng La kéo qua đèo Lũng Lô tới tận Quang Huy (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La ngày nay).

Trung đoàn 83 là những chiến sĩ Điện Biên được điều về Quang Huy làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp các thế lực phản động đang tìm cơ hội ngóc đầu dậy và phát triển kinh tế, nuôi trồng cánh kiến đỏ phục vụ công nghiệp.

Ngày 1/1/1961 những người lính của hai trung đoàn 85, 83 long trọng làm lễ hạ sao thành lập nông trường Trần Phú. Năm 1962, nông trường Trần Phú thành lập thêm phân trường Âu Lâu, họ phát rừng trồng ngô lúa, chăn nuôi trâu bò và trồng chè. Năm 1965 Bộ Nông nghiệp tách nông trường Trần Phú thành 4 nông trường: Trần Phú, Nghĩa Lộ, Liên Sơn và Âu Lâu. Nhà máy chế biến chè đen 42 tấn được xây dựng đặt ở ngã ba xã Cát Thịnh với ống khói sừng sững vươn cao giữa vùng núi non trùng điệp là niềm tự hào một thuở.

Tôi theo anh Trần Minh Định, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn tới thăm gia đình cụ Đoàn Văn Tuy chiến sĩ Điện Biên Phủ hiện đang ở khu II. Tôi quá bất ngờ và không thể tin nổi người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay đã bước vào cái tuổi 85 mái tóc bạc phơ đang sống trong căn nhà lợp cọ mái đã mòn tới tận cuộng, căn nhà nom cũ kỹ như chính con người cụ đã trải qua mấy chục năm trời.

21-24-34_c3Cụ Đoàn Văn Tuy kể chuyện đánh trận Điện Biên Phủ

Điều tôi bất ngờ hơn khi cụ sôi nổi kể lại những trận đánh cách nay hơn 60 năm trời: Tôi người thôn Độ, xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, năm 1951 khi đó đang đi bừa, nghe loa kêu gọi thanh niên vào Vệ Quốc đoàn, tôi vác bừa về nhà gọi 3 thằng bạn trong làng họp bàn, chúng tôi bảo nhau nếu ở nhà thì cũng bị Pháp bắt đi lính nên xung phong vào Vệ Quốc đoàn.

Sau một thời gian tham gia Vệ Quốc đoàn tôi được biên chế vào đại đội 4, tiểu đoàn 5, trung đoàn 57, sư đoàn 304 chiến đấu Xiêng Khoảng trên đất Lào 8 tháng trời. Tháng 10/1953, chúng tôi tập kết tại Hạ Hoà, Phú Thọ rồi hành quân qua bến phà Âu Lâu, vượt đèo Lũng Lô, dốc Pha Đin lên đánh trận Điện Biên Phủ.

Tôi ở đơn vị cối 82 ly, cứ 17 người một khẩu cối, tôi phụ trách vác bàn đế, đơn vị chúng tôi được giao đánh phân khu Hồng Cúm chặn đường tiếp viện của Pháp từ Lào sang và chặn đường rút của chúng từ Mường Thanh sang Lào, ban đêm thì đào hào lấn chiếm trận địa còn ban ngày thường trực có lệnh là đánh.

Hơn một tháng trời kể từ khi mở màn đánh trận Điện Biên Phủ tôi không thể nào nhớ hết các cuộc tấn công vào phân khu Hồng Cúm. Tuy nhiên, tôi còn nhớ như in khẩu đội của tôi hứng trọn một quả đại bác của giặc. Tháng tư những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống khiến cho đất nhão nhoét, sau khi bắn 5 quả đạn cối vào trận địa địch thì bàn đế của khẩu cối bị tụt sâu xuống đất.

21-24-34_c4
Đồi chè do chính tay cụ Đoàn Văn Tuy trồng

Mọi người đang loay hoay chưa biết làm thế nào rút được bàn đế lên. Tôi bước tới, cúi xuống dùng hết sức mình kéo bật bàn đế lên khỏi mặt đất. Tôi không ngờ sao lúc đó mình khoẻ thế, khi vừa rút được bàn đế tụt xuống chiến hào thì ngay lập tức một quả đại bác bắn trúng vào chỗ bàn đế, tiểu đội trưởng của tôi tên là Dọng bị bắn giật lùi.

Sức ép của quả đại bác khiến anh ấy bị thủng màng nhĩ điếc đặc. Tôi còn nhớ một chiến sĩ quê Thanh Hoá vừa bổ sung vào tiểu đội buổi chiều, chúng tôi chưa kịp biết tên thì đêm bị pháo bắn lòi ruột. Chúng tôi khiêng anh ấy đi chôn vừa chôn vừa khóc...

Im lặng một lúc, cụ Tuy bảo: Tôi làm lễ hạ sao ở Quang Huy, sau đó được điều sang đây xây dựng nông trường. Hồi ấy nơi này ngút ngàn rừng cây, chúng tôi trần lưng ra chặt cây dựng nhà, cuốc đất làm nương rẫy tự túc lương thực để trồng chè. Những đồi chè bát ngát kia là do chúng tôi trồng cả đấy...

Tôi tìm đến gia đình cụ Đỗ Văn Lưu ở khu 7, năm nay cụ Lưu 83 tuổi tóc và râu đều bạc trắng như cước. Cụ kể: Tôi quê Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), ngày 14/5/1952 làm giao liên sau đó thì vào bộ đội huyện, tháng 9/1952 đánh trận Trái Quýt, tháng 9 năm sau đánh dọc đường 39 Hưng Hà - Hưng Nhân.

21-24-34_c5
Cụ Đỗ Văn Lưu kể lại những ngày đầu lên xây dựng nông trường

Tôi nhìn ngôi nhà gỗ cụ Bản đang sống mà ái ngại, cụ bảo tôi: Tôi bị thương ở đầu, may mà mình còn sống anh ạ, đồng đội tôi bao nhiêu người đã hy sinh. So với họ tôi vẫn còn
may chán...

Sang năm 1954 bao vây bốt Duyên Hà, tháng 5/1954 sáp nhập vào Trung đoàn 50 bảo vệ bờ biển sau đó tiếp quản Kẻ Sặt thuộc tỉnh Hải Dương. Thực hiện Nghị quyết 14 TW 3, tại Cát Bi thành lập Trung đoàn 85 chúng tôi được lệnh lên Tây Bắc, một nửa trung đoàn vào Nghĩa Lộ còn một nửa tập kết tại xã Thượng Bằng La sau đó chúng tôi làm lễ hạ sao để xây dựng nông trường...

Nói rồi cụ tìm trong đống giấy tờ đưa cho tôi xem tấm ảnh đen trắng do một người đồng đội vốn làm nghề thợ ảnh chụp những anh lính Cụ Hồ tập kết tại xã Thượng Bằng La trước ngày làm lễ hạ sao, tấm ảnh cỡ 4 x 6 cm nay được phóng to đứng trước ngôi nhà lợp lá cọ. Đó là hình ảnh những người mặc áo lính đầu tiên xây dựng nông trường. Cụ thở dài: Những người trong tấm ảnh này đã ra đi gần hết rồi, hôm nay lại thêm anh Nhương, anh ấy cùng chúng tôi lên đây một ngày. Tôi vừa tới thắp hương cho anh ấy xong...

Tôi theo anh Trần Minh Định tới thăm cụ Phạm Ngọc Bản ở khu 10, cụ Bản tham gia ngay từ trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954 đánh chiếm đồi Him Lam cho đến khi kết thúc chiến dịch. Cụ Bản trong tiểu đội ba- zô- ca bắn yểm trợ bộ binh, sau trận Him Lam đơn vị được lệnh đánh đồn Bản Kéo rồi hành quân lên đánh phân khu Hồng Cúm. Tháng 2/1957 đơn vị của cụ Bản lại ngược đường số 6 lên Điện Biên, năm 1962 làm lễ hạ sao tại Tạ Bú, năm 1963 thì chuyển sang nông trường Trần Phú.

21-24-34_c6
Cụ Phạm Ngọc Bản hồi tưởng lại các trận đánh ở Điện Biên Phủ

Cụ bảo: Chuyện lâu quá rồi tôi không nhớ đâu anh ạ. Ở nông trường Tạ Bú hay ở nông trường Trần Phú tôi đều trong đội kiến thiết vào rừng xẻ gỗ, rồi đốt gạch để xây dựng nhà cửa cho các đội của nông trường, năm 1983 thì tôi được nghỉ hưu...

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

2 người tử vong sau tiếng nổ lớn trong vườn nhà dân

Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vừa xảy ra vụ việc thương tâm khiến 2 người chết, 1 người bị thương.