| Hotline: 0983.970.780

Những người muốn... ở viện

Thứ Sáu 14/03/2014 , 09:57 (GMT+7)

Có những người mong được vào bệnh viện, để rồi vật vờ ở ghế đá, ngủ dưới gầm cầu thang, phơi quần áo trên lan can... Đó là những "ôsin bệnh viện".

Nghĩ tới việc đặt chân vào các bệnh viện, chắc hẳn nhiều người cảm thấy rùng mình. Thế nhưng, có những người mong được vào bệnh viện, để rồi vật vờ ở ghế đá, ngủ dưới gầm cầu thang, phơi quần áo trên lan can... Đó là những "ôsin bệnh viện".

Đến từ những vùng quê nghèo

"Cháu tìm người chăm sóc bệnh nhân không, bác giới thiệu cho. Người bệnh là nam hay nữ? Thuê trong bao lâu?”, người trông xe tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt- Xô (Hà Nội) hỏi chúng tôi dồn dập. Sau khi nói giá khoảng 200-300 nghìn/ngày, người này giới thiệu đến gặp một nhóm phụ nữ đang ngồi trên ghế đá cách đó chừng trăm mét.

Theo những “ôsin bệnh viện” thì nghề giúp việc tại các bệnh viện lớn khu vực Hà Nội đã có từ nhiều năm nay và hầu như bệnh viện nào cũng có. Với nhiều người, đây chính là "cần câu cơm" của cả gia đình. Họ đến từ khắp những vùng quê nghèo ở Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...

Một “ôsin bệnh viện” lành nghề, thu nhập khoảng 200 - 250 nghìn/ngày. Người mới vào nghề cũng được trên dưới 150 nghìn/ngày. Vào dịp Tết, giá chăm sóc bệnh nhân có lúc “nhảy” lên 500 - 600 ngàn một ngày. Có người, không về quê ăn Tết mà ở luôn lại bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Nam Đàn (Nghệ An) bảo với chúng tôi, nghề này cực lắm, có chuyện gì đâu mà tìm hiểu. Trung bình, một ngày chị Hiền kiếm được 300 nghìn "nhưng cũng vất vả lắm. Hằng ngày phải dậy cho người bệnh ăn, rồi vệ sinh cá nhân, đỡ người bệnh đi dạo, rồi làm những người nhà yêu cầu. Với những ca bệnh nặng, chúng tôi toàn phải thức trắng đêm để trông nom”, chị Hiền trải lòng.

10-15-04_anh-2
Tấm thẻ ra vào của một “ôsin bệnh viện”

Nhưng đấy là những buổi có việc, những buổi không ai thuê thì chỗ ngủ là cả một vấn đề. Hôm gặp được bảo vệ bệnh viện dễ tính thì người ta còn cho ngủ ở ghế đá, hành lang, gặp phải bảo vệ khó tính thì… chỉ có nước đứng đường.

Sau giây phút e dè, bà Trần Thị Lan, quê Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cũng chịu tâm sự với chúng tôi. “Thôi, cháu đừng ghi âm hay chụp ảnh gì cả, lên báo người ta nhìn thấy thì ngại lắm”, bà Lan rủ rỉ. 60 tuổi đời, bà Lan có thâm niên hơn 8 năm làm nghề “ôsin bệnh viện”.

“Tôi chăm ông cụ cũng như đang chăm người thân của mình. Xa con cái, gia đình, nhớ nhà lắm nhưng công việc phải thế, biết làm sao!”, cô Hạnh chia sẻ.

"Nhà tôi được 4 đứa con, 3 đứa đã đi làm rồi, giờ còn phải nuôi một cô đang học năm thứ 2 Đại học Kinh tế Quốc dân thôi. Cả hai vợ chồng tôi đều làm công việc này. Lúc việc nhiều phải chạy sô hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, cũng chỉ mong kiếm tiền đủ nuôi con ăn học”, bà Lan nói tiếp.

May mắn hơn, cô Hạnh, quê Phú Xuyên (Hà Nội), có công việc thường xuyên nhờ được người dẫn mối. Cô tâm sự, nhà có 2 mẹ con, người chồng bị bệnh nặng, mất đã được 7 năm. Cũng từ đó, cô tham gia vào đội quân “ôsin bệnh viện”, chạy khắp các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị Việt- Xô, Việt - Đức, Trung ương Quân đội 108… Ở đâu có việc là cô đi, bất kể xa hay gần, miễn thù lao hợp lý. Có kinh nghiệm, cần cù, chịu khó nên cô cũng được nhiều gia đình thuê lâu dài.

Cách đây khoảng 3 năm, cô Hạnh được một gia đình thuê vào tận Huế trông nom cho một ông cụ bệnh tim. Một năm sau, khi ông cụ qua đời, cô mới trở ra Hà Nội. Cô kể, ông cụ này khá khó tính, thường bắt bẻ đủ thứ nhưng thực ra rất tốt.

Giấu chồng, giấu con

Túi hành lý lỉnh kỉnh mà những “ôsin bệnh viện” mang theo đủ cả chăn, màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... Chị Mai (quê Thái Bình) mếu máo nói rằng vừa bị bảo vệ thu hết quần áo vì phơi trên dãy nhà mới của bệnh viện. Theo quy định của bệnh viện, “ôsin bệnh viện” không được phơi quần áo trong khuôn viên bệnh viện. Và đây là lần thứ hai chị Mai bị bảo vệ thu hết đồ.

“Đã bị bảo vệ thu đồ thì không xin lại được đâu. Đấy, làm không đủ tiền ăn rồi, thì lấy đâu mà mua quần áo?”, chị Mai ngậm ngùi.

10-15-04_anh-3
Những “ôsin bệnh viện” hằng ngày đang làm thay công việc của một điều dưỡng viên

Chuyện bị bảo vệ thu quần áo, đồ dùng cá nhân, thậm chí đuổi không cho ngủ ở ghế đá, gầm cầu thang bệnh viện đã thành chuyện thường ngày với những “ôsin bệnh viện”. Chỉ khi người thuê cho mặc áo do bệnh viện phát thì "ôsin bệnh viện" mới có chỗ ngủ.

“Còn khi không có ai thuê thì chỉ có nước nằm ngoài ghế đá. Muốn thuê phòng trọ nhưng việc thì hôm có hôm không, tiếc tiền lắm. Mà không trực ở đây lỡ có ai thuê lại càng tiếc”, một người phụ nữ trong nhóm thở dài. Một người khác nói thêm vào: “Bảo vệ buổi tối đi soi kĩ lắm, có hôm tìm được cái ghế đá khuất khuất, nghĩ an toàn rồi mà vẫn bị phát hiện”.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt- Xô, lực lượng “ôsin bệnh viện” khá hùng hậu. Con số cụ thể là bao nhiêu thì không ai rõ, nhưng không dưới 100 người. Điều đặc biệt, không chỉ có phụ nữ, trong số này, cánh mày râu chiếm khoảng 1/3. Theo lời ông Vũ Văn Hoàng, một “ôsin bệnh viện”, thì nam chăm bệnh nhân nam, nữ chăm nữ, khi cần thì cả hai.

Ông Hoàng (SN 1959), quê Phú Thọ, đã có gần 5 năm làm “ôsin bệnh viện” tại Hà Nội. “Vợ tôi thì làm ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi thì ở đây. Công việc cũng khá bận, khi rảnh cũng không dám đi đâu xa vì sợ có người thuê. Cả tháng có khi hai vợ chồng gặp nhau được đôi lần”, ông Hoàng kể.

Người phụ nữ 6 năm trốn chồng đi làm “ôsin bệnh viện” kể, nhà có 5 miệng ăn nhưng chỉ hai vợ chồng có ruộng. “Chú bảo, nhà 5 người, ba đứa nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Chồng tôi cũng yếu, không đi làm ăn xa. Cả nhà bám vào hơn hai sào ruộng có mà chết đói cả lút à?”.

“Chú nói thật hay đùa?", chúng tôi hỏi. Ông Hoàng cười và bảo: "Tôi nói đùa làm gì, hai vợ chồng thường làm ca lệch nhau, khi nào ở quê có việc mới cùng về thôi". Mấy người phụ nữ ngồi cạnh nói chen vào: “Vợ chồng ông này như ông ngâu bà ngâu ấy, gặp nhau cũng phải xếp lịch”, rồi phá lên cười.

Thấy tôi giơ máy ảnh chụp, một người phụ nữ xua tay lia lịa, miệng bảo: "Chú đừng chụp, lên báo, chồng tôi nhìn thấy thì... toi". Nói đoạn, người này đội mũ lên đầu, bịt khẩu trang lại theo kiểu thời trang Ninja. Chị này cho biết, quê ở Vĩnh Phúc, đã đi làm “ôsin bệnh viện” ở Hà Nội được 6 năm nhưng chồng, con không hề biết.

“Mọi người trong gia đình hỏi xuống Hà Nội làm gì, tôi bảo đi giúp việc trong gia đình thôi. Nhà có giỗ, chạp gì thì về chứ không ai xuống chơi bao giờ”, chị kể.

Không an toàn

Mặc dù được coi là những “điều dưỡng không chuyên”, nhưng những người này hoàn toàn không được đào tạo qua nghiệp vụ. Sự lành nghề ở đây được gây dựng qua thời gian tích lũy mà có được.

Hằng ngày, những “ôsin bệnh viện” phải đối mặt với biết bao nguồn bệnh. Chị Hiền bảo, việc chăm sóc người bệnh hoàn toàn được thực hiện bằng tay; quần áo, khẩu trang, găng tay y tế là một thứ gì đó xa xỉ.

“Họ thuê thì phải làm thôi, từ các ca chăm người đột quỵ, liệt, cho đến tiêu chảy, lao… có việc làm là tốt rồi, chậm chân là có người khác nhận ngay”, chị Hiền giãi bày.

Nhà nào tốt bụng hoặc có điều kiện, sau khi thuê, mỗi ngày họ phát cho một đôi găng tay cao su, loại dùng một lần rồi bỏ đi. Chúng tôi hỏi, tiếp xúc như thế có sợ bị lây nhiễm bệnh tật không? Câu trả lời là sợ, nhưng vẫn làm, đơn giản vì không làm thì không có tiền.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm