| Hotline: 0983.970.780

Những người thổi bay cái chết

Thứ Tư 08/01/2014 , 10:57 (GMT+7)

Cái chết tưởng như mười mươi đậu xuống người nạn nhân với những đặc điểm điển hình của người trúng độc như thân tím tựa quả sim, mặt thâm, mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, thế mà đành chịu thua một phép các ông thầy, bà thầy thổi nọc rắn…

Cái chết tưởng như mười mươi đậu xuống người nạn nhân với những đặc điểm điển hình của người trúng độc như thân tím tựa quả sim, mặt thâm, mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, thế mà đành chịu thua một phép các ông thầy, bà thầy thổi nọc rắn…

 

Mười ông thầy thổi

 

Câu chuyện khó tin ấy được chính ông Hà Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, kể cho tôi như sau: “Thổi nọc rắn chữa bệnh là có thật. Ở Thu Cúc có chừng mươi người cả nam lẫn nữ có thể làm được việc này. Ông Tài Sứt ở xóm Bặn vốn là người buôn rắn. Một buổi sau khi mua được con rắn hổ mang ông mở bao tải ra xem nó to hay nhỏ rồi bắt lại, chẳng may bị con rắn ngoạm vào tay.

Mấy phút sau thấy tê người, tức ngực, biết đã trúng độc, ông Tài liền nhờ người chở lên nhà thầy Hoàng Văn Hướng ở xóm Giác nhưng do tuổi cao, sức yếu không thổi được nọc rắn nữa nên bị từ chối (câu thần chú đọc để thổi nọc rắn dài hơn một phút đòi hỏi người niệm phải nín hơi nói một mạch. Nếu ai già không nín nổi hơi hoặc lẫn không nhớ chi tiết thì không có tác dụng - PV).

 

Thần chú có loại ẩn khẩu tức đọc lẩm nhẩm trong miệng hoặc lộ khẩu tức đọc người khác nghe thấy. Không được ông Hướng chữa, dân làng lại chở ông Tài lên nhà thầy Hà Văn Hẹn ở xóm Chiềng và được tiếp nhận. Phương pháp thổi nọc độc của rắn như sau: Ông thầy niệm thần chú, làm động tác lấy dây chỉ buộc hờ phía trên của vết thương kiểu như người ta ga rô rồi hà hơi vào chỗ cắn (miệng thầy cách miệng vết thương một khoảng chứ không thổi trực tiếp - PV).

Thổi xong mà thấy nước vàng, máu độc ứa ra là đạt còn không sẽ phải làm lại. Người ta có thể thổi từ hai đến ba lần cho nọc ra bằng hết. Những ông thầy cao tay quả quyết rằng khi thổi nọc độc thành công cho nạn nhân thì con rắn cắn người sẽ chết. Chính ông Tài sau khi đi thổi về nhà, mở bao ra thấy con rắn bên trong đã chết.

 

Bình thường rắn độc sau khi cắn con mồi rất nhanh sau đó nó sẽ hồi nọc. Người dân ở đây sợ nhất bị rắn cắn vào buổi chiều tối vì cả ngày ngủ, sẩm tối đi kiếm ăn, nó tích đầy nọc, rất nguy hiểm. Những người học thổi nọc bao giờ sắp thành thầy cũng bị rắn thử, đi đâu họ cũng gặp rắn, từ con nhỏ đến con to đe dọa, sợ hãi thì phải bỏ nghề ngay còn trị được thì rắn sẽ phải thua. Trong cuộc sống, mỗi khi đi đám ma hay ăn thịt chó về nhà là thầy thổi nọc sẽ rót một bát nước lã ra niệm chú vào đó rồi súc miệng, thậm chí làm động tác gội đầu cho thật sạch sẽ. Họ cũng phải kiêng không được chui qua sào phơi quần áo hoặc chui qua mùng màn của người khác”.

 

Tôi gặp ông Hà Văn Nịnh ở xóm Giác - nạn nhân của một vụ rắn hổ mang cắn. Một buổi chiều đi chăn trâu, thấy con rắn hổ mang, ông Nịnh giơ tay tính túm lấy cái đuôi bắt sống nhưng không ngờ bị con rắn quay đầu lại đả cho một nhát. Vết cắn ngọt lịm như vết dao lam, chỉ nhôn nhốt chứ không đau. Nén nỗi sợ hãi bắt đầu dâng lên trong lòng, ông nhét con rắn vào bao tải, lảo đảo tìm đường đi về nhà.

Người thân tức tốc chở nạn nhân lên nhà ông Hoàng Văn Hướng cầu cứu. Ông thầy lầm bầm trong miệng rồi thổi vào chỗ đau lại bóp mồm ông Nịnh mà hà hơi vào đó. Máu độc bắt đầu rỉ ra từng giọt, từng giọt, đen kịt màu chết chóc. Do chuyển lên nhà thầy chậm chễ nên dù cứu được tính mạng nhưng cái tay ông sau này bị nhiễm trùng, hai ngón co rút thành tật.


Một nạn nhân chữa rắn cắn muộn bị mất mấy ngón tay

Lại nói về số phận của con rắn gây ra tai nạn, khi anh con trai mang nó đi bán chẳng lái nào chịu mua vì họ tin rằng ông Nịnh được thổi khỏi nọc độc thì kiểu gì rắn cũng chết. Cuối cùng động vật bò sát này được băm lên, viên tròn, thơm lừng trong chảo để làm vật tế cho một bữa “rượu táng” của các bợm đánh nhắm.

 

Phép thử rùng mình

 

Có hai loại thầy thổi nọc rắn, loại thứ nhất chỉ thổi không là khỏi, loại thứ hai ngoài thổi còn kèm cả thuốc uống, thuốc đắp. Hà Thúy Nhàn, thầy thổi nọc ở xóm Bặn, được xếp vào loại thứ hai. Nhàn đặc biệt ở chỗ là thầy nữ, rất trẻ (SN 1980), được ông nội là Hà Văn Lại truyền nghề cho năm 14 tuổi rồi sau này chị mới về làm dâu trong xóm. Thường trước khi thành thầy, người Mường tin rằng sẽ có một phép thử khắc nghiệt. Bữa đó Nhàn cùng chị Thơ lên đồi Giác tìm măng, hai chị em chỉ cách nhau có vài mét.


"Thầy Nhàn" làm động tác thổi nọc rắn

Đúng vào mùa, măng nứa từ dưới đất chồi lên nhiều như củ khoai, củ sắn nhưng mắt Nhàn chẳng thấy mà toàn gặp rắn. Những con rắn nhỏ như ngón tay, màu vàng, màu xanh, đuôi móc vào cành cây, đầu thả xuống, mồm há, lưỡi loe ngoe. Thấy điềm lạ, Nhàn gọi với sang bụi nứa bên cạnh: “Chị Thơ ơi, có thấy măng không? Em chẳng nhìn thấy gì cả ngoài bao nhiêu là rắn”.

 

Chị sực nhớ lại lời ông nội dặn, trước khi thành thầy sẽ bị rắn thử, đây phải chăng là điềm? Nhàn vững tâm đi tiếp, hái được hai bao tải đầy măng mới chịu về.

Hơn mười người bị rắn độc cắn đã được thầy Nhàn thổi thành công trong đó điển hình có thể kể đến cháu Hiếu ở cùng xóm. Khi được mẹ chở bằng xe đạp đến nhà thì Hiếu đã ngã ra đất vì đau, lăn lộn như phát rồ, phát dại, miệng liên tục kêu khát. Thế mà khi được Nhàn thổi nọc rồi cho uống một loại thuốc nam bí truyền, nạn nhân tự nhiên bán ỉa, bán đái, bao chất độc trong người cứ tồng tộc tháo hết ra khỏi người rồi khỏi.

 

Một trường hợp khác, chị Tưởng ở xóm Giác chặt nứa ở đồi Khế sơ ý dẫm phải con rắn hổ mang to bằng cái chuôi dao, bị nó ngoạm ngay vào chân. Tiếc bó nứa chị vẫn cố mang về đến dưới chân đồi thì gục xuống, hàng xóm phải cáng gấp đi tìm thầy. Nhàn về thì nạn nhân đã nằm bất động, người tím như quả sim sắp chín, hai mắt thâm quầng, miệng lảm nhảm: “Tiếc gì mấy nghìn bạc mà không bật điện lên?”. Lúc ấy điện trong nhà sáng choang mấy bóng thắp. Mười người chứng kiến cảnh đó thì cả mười bảo chắc chị Tưởng khó thoát khỏi cửa mả. Ấy vậy mà khi được thổi nọc rồi đắp thuốc, uống lá đến ngày thứ ba ánh sáng đã trở lại trong hai con mắt của nạn nhân.

 

Nhàn bảo rằng nạn nhân bị rắn độc cắn thường cảm thấy nóng hầm hập, mồm miệng khát khô, khát đến nỗi những con trâu mộng khi trúng độc cũng tìm mọi cách nhoài xuống ao hay vũng lầy đầm bùn rồi chết rục luôn ở đó. Không chỉ thổi nọc độc cho người, có bận Nhàn còn trổ tài với cả trâu. Số là nhà anh Tuần trong xóm có con trâu dính rắn cắn, không còn biết ăn cỏ, bụng cứ căng lên, chẳng ỉa cũng chẳng đái.

Nhàn đang chặt cọ trên đồi thì anh Tuần hớt hải tới đèo về. Vợ anh ở nhà thấy chồng chẳng đi gọi thú y mà còn chở đằng sau một cô gái trẻ thì tức lắm, chẳng thèm chào hỏi một lời nhưng Nhàn cũng không lấy thế làm bực mà chuyên tâm vào thổi nọc. Ai ngờ, lúc sau, con trâu chạng chạng chân, ỉa ra một đống lớn. Sang ngày thứ hai nó đã biết cúi đầu gặm cỏ trở lại.

 

Không coi rắn độc ra mùi mẽ gì nhưng người đàn bà hai con này thú nhận với tôi rằng, nỗi sợ hãi nhất của chị là sợ… sâu róm. Sợ bủn rủn chân tay, sợ rịn ướt lưng áo, sợ đến độ không dám bén mảng đến chỗ hôm trước đã thấy loài vật lắm chân, nhiều lông này.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm