| Hotline: 0983.970.780

Những nút thắt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Năm 07/12/2023 , 11:46 (GMT+7)

Con Cuông được xem là lát cắt điển hình của tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện rõ qua công tác đào tạo nghề.

Con Cuông có tỷ lệ che phủ rừng cao, thành thử quỹ đất sản xuất vô cùng hạn hẹp. Ảnh: Việt Khánh.

Con Cuông có tỷ lệ che phủ rừng cao, thành thử quỹ đất sản xuất vô cùng hạn hẹp. Ảnh: Việt Khánh.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt các Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cả hệ thống chính trị huyện Con Cuông (Nghệ An) đã khẩn trương bắt tay vào việc, thể hiện qua 90 văn bản xây dựng kế hoạch, chỉ đạo đôn đốc, triển khai do UBND huyện ban hành, làm bàn đạp thực hiện xuyên suốt các chủ trương lớn.

Con Cuông là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, một phần do rừng giàu… mà ra. Được biết tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 58,5%, thuộc tốp đầu cả nước, trong khi con số này của riêng Con Cuông là 82,91% (cập nhật diễn biến năm 2022). Ngặt nỗi đa phần là rừng cấm, mỗi nhát dao bổ xuống đồng nghĩa với hành vi phạm pháp.

Hơn 17% còn lại bao gồm tổng thể hệ thống điện đường trường trạm, các công trình thiết yếu, trụ sở, nhà dân… thành thử tư liệu sản xuất rất hạn hẹp. Bí bách đến cùng cực, người dân đã nhiều lần kiến nghị cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để có đất canh tác, đến nay mọi việc vẫn đang bỏ ngỏ khi Chỉ thị 13 còn nguyên liệu lực (đóng cửa rừng tự nhiên - PV).

Để người dân hạn chế tác động vào rừng cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề. Ảnh: Việt Khánh.

Để người dân hạn chế tác động vào rừng cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề. Ảnh: Việt Khánh.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền của đồng bào bản địa khiến nguy cơ xâm hại vào rừng luôn hiển hiện, đặc biệt là trong và quanh phạm vi vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, “trái tim” của miền Tây Nghệ An. Qua khảo sát dân cư khu vực này lên đến 92.000 người, dân nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn vẫn chiếm tỷ lệ cao, điển hình như tộc người Đan Lai ở Môn Sơn.

Từ thực tiễn đặt ra, việc triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm ổn định là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, kỳ vọng cùng lúc tháo gỡ được nhiều nút thắt tồn tại dai dẳng.

Bám vào “chính sách”, huyện Con Cuông đã tập trung nguồn lực, nhân lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp để người dân lĩnh hội, nhất là là các thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn.

Trên địa bàn có 2 cơ sở đảm bảo chức năng đào tạo nghề. Trong đó Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An được xem là “cánh tay nối dài” để lan tỏa chính sách nhờ chuyên ngành đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trọng tâm là đồng bào tộc thiểu số, người dân được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác thuộc diện được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trường có quy mô đào tạo hàng năm từ 800 - 900 học sinh trung cấp (tuyển mới 400 - 450 học sinh) và 1.000 - 1.200 học viên sơ cấp.

Nếu có nghề nghiệp ổn định, thu nhập kinh tế chắc chắn cao hơn làm nông đơn thuần. Ảnh: Việt Khánh.

Nếu có nghề nghiệp ổn định, thu nhập kinh tế chắc chắn cao hơn làm nông đơn thuần. Ảnh: Việt Khánh.

Thông qua Tiểu dự án 1 - Dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn) của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022 Con Cuông được bố trí 125 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Kết quả giải ngân được gần 122 tỷ đồng, đạt 97,55%. Tuy nhiên, sang năm 2023 huyện không được phân bổ kinh phí, do đó ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch chung.

Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong số 10 dự án thành phần (12 tiểu dự án nhỏ), có Tiểu dự án 3 - Dự án 5 liên quan đến giáo dục nghề nghiệp (Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Cụ thể, năm 2022 được bố trí hơn 1,5 tỷ đồng, trên thực tế chỉ chi được 273 triệu đồng mở 2 lớp dạy nghề sơ cấp cho tổng cộng 70 học viên (đan lát thủ công tại xã Cam Lâm 35 học viên, chăn nuôi vịt bầu tại xã Châu khê 35 học viên).

Hơn 1,2 tỷ đồng còn thừa được chuyển tiếp, kết hợp với kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng phân bổ theo kế hoạch năm 2023, huyện đã mở 11 lớp đào tạo sơ cấp 3 tháng với 379 học viên. Tổ chức 22 hội nghị truyền thông giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn, tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước tại 12 xã và 10 thôn, bản cho 4.800 người. Đồng thời đang triển khai 5 cụm pano tại các xã đặc biệt khó khăn, dự kiến tổ chức thêm 2 phiên tư vấn hướng nghiệp tại 2 Trường THPT Con Cuông, THPT Mường Quả cho 1.400 học sinh vào tháng 12/2023… Ước kinh phí thực hiện cả năm khoảng 2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,3%.

Tháo gỡ được các nút thắt xoay quanh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo ra những chuyển biến căn cơ trong thời gian tới. Ảnh: Việt Khánh.

Tháo gỡ được các nút thắt xoay quanh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo ra những chuyển biến căn cơ trong thời gian tới. Ảnh: Việt Khánh.

Xoay quanh nội dung này là hàng loạt rào cản vô hình, khách quan mà nói một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm khảo sát nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch sát sườn; quá trình phối, kết hợp giữa một số ban ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ; học viên, đối tượng theo học cơ bản là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, gia đình phần lớn là hộ nghèo nên phần đa chưa an tâm để theo học…

Để tháo gỡ nút thắt, nhất thiết phải cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021 - 2025”, cũng như Tiểu dự án 3 - Dự án 5 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2024, huyện Con Cuông đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 1.900 lao động, trong đó cao đẳng nghề 100 người, trung cấp nghề 300 người, còn lại là sơ cấp nghề và đào nghề dưới 3 tháng. Kinh phí dự kiến hơn 4,4 tỷ đồng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.