| Hotline: 0983.970.780

Những sinh linh bị chối bỏ

Thứ Sáu 20/04/2012 , 10:41 (GMT+7)

KCN Hoà Phú (xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) ra đời năm 2003, đã thu hút hàng chục ngàn nam nữ công nhân trẻ từ mọi miền đất nước đến lập nghiệp. Nhưng bắt đầu từ đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (đối diện KCN Hòa Phú) cũng phải “gồng mình” tiếp nhận cả trăm đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mỗi năm.

KCN Hoà Phú (xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) ra đời năm 2003, đã thu hút hàng chục ngàn nam nữ công nhân trẻ từ mọi miền đất nước đến lập nghiệp. Nhưng bắt đầu từ đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (đối diện KCN Hòa Phú) cũng phải “gồng mình” tiếp nhận cả trăm đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mỗi năm.

>> Đua nhau ''sắm'' chồng hờ


Khu nhà trẻ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long

VÀI BỮA LẠI CÓ TRẺ BỊ VỨT BỎ

Trời miền Tây nắng cháy da người nhưng bước vào khu nuôi trẻ em của Trung Tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long, không khí thoáng mát dễ chịu hẳn. Khu nhà 2 tầng khang trang, sạch sẽ, được ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường xây cao, phía trên tường là lớp lưới mịn bao kín khu nhà để ngăn ruồi muỗi, bên trong có gần chục phòng, với gần 50 trẻ.

Ghé vào căn phòng dành cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, gần chục đứa trẻ với nét mặt sáng sủa, tinh nghịch đang nô đùa. Thấy chúng tôi, các cháu ùa đến, nhao nhao đòi chụp hình. Chụp xong chúng đòi xem lại ảnh bằng được. Ba cô bảo mẫu trong phòng toát mồ hôi, chạy như con thoi để giữ trật tự nhưng vô ích. “Tụi nó phá như giặc non ấy”, cô bảo mẫu tên Mỹ vừa cười vừa nói với chúng tôi. Dẫn chúng tôi đi tham quan các phòng, ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm, cho biết hầu hết các bé bị bỏ rơi đều không có thông tin gì. Khi tiếp nhận, nếu mẹ chúng để lại thông tin thì căn cứ vào đó để ghi hồ sơ, không có thì Trung tâm sẽ đặt tên và tất cả đều mang họ Nguyễn.

Khác hẳn không khí náo nhiệt ở mấy căn phòng của “đám giặc non” dưới tầng trệt, bước lên lầu một, khu dành cho trẻ sơ sinh, không khí yên ắng lạ thường. Bảo mẫu ở đây có vẻ nhàn hơn ở dưới? Nghe tôi hỏi, một cô bảo mẫu cười bảo: “Cũng không hẳn, đứa trẻ nào khỏe mạnh, dễ ăn thì nhàn, còn ngược lại, cũng bở hơi tai chứ chẳng sướng đâu”. Bồng một cháu nhỏ lên, giọng cô chùng xuống: “Bé này bị mẹ bỏ ngay cổng Trung tâm. Cháu đã bị nhiễm HIV rồi. Trung tâm hiện đang nuôi 3 cháu bị HIV như vậy. Tội lắm”. Tôi không biết nói gì hơn ngoài sự im lặng đồng cảm.


Việc chăm sóc tốt cho các cháu của Trung tâm đã phần nào bớt sự thiệt thòi, 
bất hạnh cho trẻ

Nói về những đứa trẻ bị bỏ rơi, chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ, mở quán nước tại nhà cách cổng Trung tâm vài bước chân cho hay, gia đình chị sống ở đây từ khi chưa có KCN Hòa Phú, lúc đó Trung tâm còn vắng lắm. Khi KCN đi vào hoạt động, khu này nấp nập hẳn lên, và cứ dăm bữa nửa tháng lại xôn xao khi có người phát hiện một trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn bị vứt lăn lóc ngoài đường được mọi người mang đến Trung tâm.

Chị Huệ kể, khoảng đầu năm 2011, có một cô gái còn rất trẻ trên tay bế đứa trẻ chừng vài tháng tuổi ghé vào quán ngồi uống nước. Đặt con nằm ngủ trên võng rồi đi biệt tăm. “Lúc đó tôi không để ý. Đến khi nghe tiếng trẻ khóc tôi mới giật mình sực nhớ, quay lại thì không thấy cô gái đâu. Đến chỗ đứa bé đang nằm, trong chiếc giỏ xách cô ta để lại, ngoài bình sữa và bộ đồ sơ sinh ra, còn có 1 mảnh giấy ghi nguệch ngoạc mấy dòng. Thì ra, cô ta đã có ý định bỏ con nên mang đến đây nhờ tôi gửi vào Trung tâm. Lá thư ghi rõ ngày tháng năm sinh và tên cháu là Nguyễn Nhật Ngoan. Tôi bế cháu vào gửi Trung tâm ngay sau đó”, chị Huệ kể.

GÁNH NẶNG XÃ HỘI

Theo chỉ dẫn của chị Huệ, tôi tìm đến nhà bà Khưu Thị Bảy, ở ấp Phước Yên A, người đã nhặt được 2 cháu gái và nuôi đến nay. Căn nhà bà Bảy tuy lụp xụp nhưng rộn tiếng cười. Chỉ bé gái chừng 3 tuổi có khuôn mặt tròn, bầu bĩnh, bà Bảy kể: “Cách đây 3 năm, tôi đi tập thể dục buổi sáng, thấy con bé này, lúc đó chừng 1 tháng tuổi đang nằm khóc bên đường. Thấy bé dễ thương nên tôi mang về nuôi và đặt tên cháu là Kim Yến”. Chỉ cháu bé 3 tháng tuổi đang ngủ say trên võng, bà Bảy kể tiếp: “Còn bé này tôi đặt tên là Hải Yến. Nó bị bỏ khi vừa sinh xong, trên người không có cả mảnh tã, còn dính máu, người đã tím tái, kiến bu lên mắt. Nhờ mấy con chó sủa tôi mới phát hiện ra chứ lúc đó nó khóc hết nổi rồi. Thời gian đó con dâu tôi vừa sinh, sẵn có sữa nên tôi mang về cho nó nuôi luôn”.


Dù hoàn cảnh còn rất khó khăn, nhưng gia đình bà Bảy vẫn chăm sóc
 rất tốt hai cô bé Kim Yến, Hải Yến

KCN Hòa Phú thu hút cả chục ngàn công nhân xa gần đến làm việc nhưng không có thêm nhà trẻ, trường học, không có nơi cho công nhân sinh hoạt, vui chơi.

Ông Đặng Hữu Tài, Chủ tịch UBND xã Phú Quới, cho biết từ khi có KCN và trường Cửu Long, nhà trọ mọc lên như nấm. Tính đến nay, toàn xã có hơn 4.000 phòng trọ, với số người nhập cư có lúc lên đến hơn 10.000 người.

“UBND xã và lực lượng công an chỉ quản lý về mặt hành chính, đăng ký tạm trú tạm vắng, còn chuyện gì xảy ra phía sau những cánh cổng nhà trọ thì…có trời mới biết”, ông Tài nói.

Còn bà Võ Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Quới, cho rằng: Tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng nhiều là hệ lụy của những cuộc tình công nhân, sinh viên trong những căn phòng trọ. Họ quan hệ với nhau mà không có ý thức phòng tránh, thì chuyện sinh con ngoài ý muốn rồi bỏ là điều tất yếu, chưa kể nguy cơ lây HIV tăng cao. Chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, còn họ có nghe hay không lại là chuyện khác.

Tại khu phòng trọ công nhân nằm cách KCN Hòa Phú chừng 2 cây số, từng tốp công nhân cả nam lẫn nữ đang túm tụm trò chuyện trong phòng. Suốt dãy phòng, chỉ lác đác vài chiếc TV. Gặp 2 cô gái đang ngồi thu lu trong một căn phòng với vẻ mặt ủ dột, tôi đánh liều hỏi thăm. Hai cô cho biết tên Thảo và Mỵ, đều quê ở Quảng Ngãi, công nhân KCN Hòa Phú. “Ở đây nếu không có bồ đi chơi thì quanh đi quẩn lại chỉ ngồi tán dóc. Sách báo cũng phải chuyền tay nhau chứ chẳng phải ai cũng có. Anh tính thu nhập 1 tháng được chừng 2 triệu, chi phí đủ thứ, làm gì có tiền mà mua sắm?”, Mỵ than.


Sau giờ làm việc, phương tiện giải trí của công nhân là chiếc radio cà tàng

Đêm như trùm xuống khu nhà trọ nhanh hơn, đậm đặc hơn bởi sự vắng vẻ, tách biệt với cái ồn ào, náo nhiệt ngoài đường. Đời công nhân đã nghèo vật chất lại đói tinh thần. Ban ngày công việc vất vả, tối về lại đối mặt với sự cô đơn, thiếu thốn mọi thứ. Cùng chung hoàn cảnh, nên việc công nhân nam nữ tìm đến với nhau, sống chung, sống thử cũng là chuyện dễ hiểu.

+ "Tôi chứng kiến mỗi năm có cả trăm người từ các tỉnh đến đây xin con nuôi chứ không ít. Nghe họ nói thủ tục xin con nuôi khó khăn lắm, từ kê khai tài sản, đến lý do xin con nuôi, xin xác nhận nguyên nhân không có con, không bệnh tật… nhưng rồi vẫn không được. Trong khi đó, người nước ngoài, hoặc những người đi xe hơi đến thì xin được ngay”, chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ, chủ quán nước sát cổng Trung tâm bảo trợ.

+ "Mặc dù số trẻ em tăng mỗi năm, nhưng Trung tâm không khẳng định trẻ em bị bỏ rơi là của công nhân. Bởi vì sát bên đây còn có một trường đại học nữa. Tình trạng sống thử bây giờ rất phổ biến, không chỉ riêng công nhân, anh đến mấy phòng sinh viên ở mà xem, phòng nào cũng che rèm kín, bên trong nam nữ nằm chung loạn xạ”, ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất