| Hotline: 0983.970.780

Những thảm họa rò rỉ chất độc: Bãi thải phân bón khiến người Mỹ đau đầu 60 năm

Thứ Năm 19/09/2019 , 08:52 (GMT+7)

Chất độc hóa học rò rỉ từ bãi thải của một công ty phân bón khiến chính phủ Mỹ phải ban bố tình trạng thảm họa ở khu dân cư Love Canal, gây ảnh hưởng tới hàng nghìn người.

nh114324815
Công nhân mặc đồ bảo hộ kéo một thùng chứa đất nhiễm độc tại bãi thải nguy hại ở Love Canal năm 1988. Ảnh: Buffalo News.

Trong vòng 11 năm, công ty hóa chất Hooker đã thải 21.000 tấn rác thải hóa học độc hại xuống một con kênh bỏ hoang ở khu dân cư Love Canal, thành phố Niagara Falls, bang New York. Họ chôn rác thải để che giấu rồi bán khu đất lại cho địa phương với giá một USD vào năm 1953. Chính quyền cho xây dựng ở đây ngôi trường mang tên 99th Street.

Hai năm sau, các công nhân xây dựng đào đất để lắp ống thoát nước khiến tường bao con kênh bị vỡ, chất thải độc hại rò rỉ khắp thành phố. Chất hóa học gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe như bệnh hen suyễn nghiêm trọng, sảy thai, động kinh hay bất ổn thần kinh, theo Buffalo News.

Theo số liệu năm 1978, 56% trẻ em ra đời trong giai đoạn 1974 - 1978 bị mắc các dị tật bẩm sinh. Với hơn 80 độc tố chảy ra từ kênh, chính phủ ban bố tình trạng thảm họa cấp liên bang tại Love Canal, khiến hàng nghìn cư dân phải di dời.

Theo Dolly Salerno, 75 tuổi, bà thường xuyên bị đau nửa đầu. Ban đêm, mùi hóa chất nồng nặc khiến bà luôn tỉnh giấc. Bà còn bị chẩn đoán mắc xơ phổi. Đó là những hậu quả mà Salerno phải chịu khi sống gần Love Canal. 64 năm đã trôi qua, nỗi ám ảnh mang tên Love Canal vẫn chưa biến mất.

“Mùi khó chịu càng trở nên tồi tệ vào ban đêm, khoảng hai giờ sáng”, Salerno cho biết. “Chồng tôi muốn bán căn nhà nhưng với lương tâm của mình, chúng tôi không thể bán nó, đặc biệt là cho những gia đình có trẻ nhỏ. Ngôi nhà đơn giản là không thể ở được”.

Nhưng không phải ai trong khu dân cư cũng đồng tình với Salerno. “Chúng tôi đã sống ở đây 22 năm và chưa bao giờ gặp phải vấn đề nào tương tự”, Ella Chandler, 66 tuổi, nói. “Mùi bất thường duy nhất tôi thỉnh thoảng ngửi thấy là mùi chồn hôi”.

Chandler cho hay chồng bà đang chiến đấu với căn bệnh ung thư hạch bạch huyết nhưng bà không tin đó là do hóa chất từ Love Canal gây ra.

Chính phủ Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để tẩy độc ở Love Canal sau khi tổng thống Jimmy Carter ban bố tình trạng thảm họa môi trường tại một phần khu dân cư này.

Những năm 1990, quá trình xử lý chất độc và cách ly hoàn tất, nhà chức trách bắt đầu cho phép tiến hành tái định cư xung quanh Love Canal. Hàng trăm ngôi nhà được tân trang, chung cư được xây dựng, các cơ quan chính phủ thúc giục người dân quay trở về. Khu dân cư giờ đây mang tên mới: Làng Black Creek.

Salerno và Diane Amantia, một cư dân khác của Love Canal, năm ngoái đâm đơn kiện chính quyền liên bang và chính quyền thành phố Niagara Falls vì đánh giá rằng Love Canal đủ an toàn để sinh sống.

Thị trưởng Niagara Falls Paul J. Dyster cho biết dựa vào báo cáo từ các cơ quan chức năng, ông tin khu vực từng chôn chất thải của công ty Hooker lẫn khu dân cư Love Canal đều vẫn an toàn.

Nhưng luật sư Tate J. Kunkle và Paul J. Napoli đại diện cho Salerno và Amantia khẳng định họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy có dấu hiệu chất hóa học từ khu vực độc hại tại nhà của hai thân chủ họ. Họ tin những hộ gia đình khác trong khu vực cũng bị ảnh hưởng.

“Người dân Niagara Falls đã sống ở khu vực lân cận Love Canal vì lời hứa rằng gần 22.000 tấn chất thải hóa học được xử lý an toàn và không gây hại cho họ, con cái họ cũng như tài sản của họ”, hai luật sư viết trong đơn kiện. “Lời hứa đó đã không được giữ đúng”.

nh214324853
Biển cấm lại gần tại khu vực bãi thải chất độc hóa học của công ty Hooker năm 1979. Ảnh: Buffalo News.

Đơn kiện cáo buộc các chất độc hóa học đã bị rò rỉ sang những hệ thống cống cạnh đó “suốt nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ”.

Salerno, tài xế taxi nghỉ hưu hiện là quản lý một cửa hàng máy ảnh, tin chắc những vấn đề sức khỏe bà và chồng mình đang gặp phải bắt nguồn từ hóa chất của khu Love Canal.

Bà và chồng, ông Robert, sống trong một căn nhà nhỏ cách bãi thải được rào kín gần 300 m. Họ mua ngôi nhà 24 năm trước với giá 48.000 USD.

“Chúng tôi chuyển đến vì đây là một ngôi nhà đẹp, giá ổn và tất cả mọi người đều đảm bảo rằng nó an toàn”, Salerno nói. “Chúng tôi biết chính phủ đã xác nhận nơi này an toàn. Họ bảo rằng tất cả các mối nguy hại đều không còn nữa”.

Khoảng ba năm trước, bà bắt đầu để ý tới mùi hóa chất khủng khiếp trong nhà bếp của mình. Bà đã thuê nhiều thợ nước và mời đại diện chính quyền tới nhà mình để tìm nguồn phát ra mùi khó chịu nhưng không thành công.

Thỉnh thoảng, mùi hóa chất biến mất nhưng không lâu sau lại xuất hiện. “Nó khiến tôi ốm và mất ngủ”, bà kể. “Tôi hiếm khi ngủ được hơn ba tiếng mỗi tối”.

“Một số người có thể nói bà ấy bị ảo giác nhưng chúng tôi đã xét nghiệm chất độc hóa học tại ngôi nhà và phát hiện ra có vấn đề”, Kunkle, luật sự đại diện Salerno, cho biết.

Thông thường, những vụ kiện như của Salerno phải mất ít nhất 5 năm mới có kết quả. Trong thời gian đó, bà vẫn phải sống với sự bất an. “Tôi muốn chuyển khỏi nơi đây tới một ngôi nhà khác”, bà nói. “Tôi muốn được bồi thường cho nỗi thống khổ và lo âu của mình. Tôi được bảo rằng mình sẽ an toàn ở đây và tôi đã tin điều đó”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.