| Hotline: 0983.970.780

Những tỷ phú ở ‘ngôi làng trăm nghề’ ngoại thành Hà Nội

Thứ Ba 04/05/2021 , 10:18 (GMT+7)

Người tạc tượng, hộ làm trống, chế tác kim khí,... mỗi ngày, người dân xã Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội sản xuất hàng nghìn sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Người tạc nụ cười Đức Phật

Chẳng ai biết nghề tạc tượng ở làng Dư Dụ, xã Thanh Thùy có từ bao giờ. Cũng chẳng ai có thể thống kê được có bao nhiêu triệu bức tượng Phật thờ trong các đình, chùa khắp đất nước Việt Nam được tạo nên từ đôi tay của thợ điêu khắc làng Dư Dụ.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Duy đang khắc họa những đường nét trên gương mặt tượng Phật. Ảnh: Minh Phúc.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Duy đang khắc họa những đường nét trên gương mặt tượng Phật. Ảnh: Minh Phúc.

Nghệ nhân sở hữu hàng trăm bản thiết kế tượng Phật không gian 4D

Những nghệ nhân như ông Nguyễn Đức Duy (37 tuổi) từ bé đã biết cầm đục tạc tượng. Tình yêu nghề, say nghề thẩm thấu vào ông khi nào chẳng biết. Dù có bịt mắt, khi sờ vào những đường nét trạm trổ trên khuôn mặt bức tượng, ông cũng đoán được tên từng vị Đức Phật.

Trong xưởng mộc rộng chừng 500m giáp tỉnh lộ 427 của nghệ nhân Nguyễn Đức Duy, những âm vang lách cách của hàng chục thợ điêu khắc chẳng khi nào ngớt. Chủ xưởng chia sẻ: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều làng nghề lao đao. Nhưng, nghề tạc tượng ở làng Dư Dụ lại phát triển. Dường như, trước những trở ngại của cuộc sống, người ta muốn tìm đến cửa chùa để ngắm nhìn nụ cười an yên của Đức Phật”.

Trước đây, để tạc được một tượng phật, mỗi thợ điêu khắc gỗ thủ công phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng.

Để làm sản phẩm, từ các khúc gỗ xù xì, thô mộc, người thợ cả (phó cả) phải vẽ để tạo hình sản phẩm. Tiếp đó là đục loại bỏ những phần gỗ thừa theo hình vẽ. Đây là công đoạn không khó, thợ học việc có thể làm, nhưng nếu đục chuẩn thì các công đoạn sau, nhất là khâu hạ (đục thành chi tiết) sẽ đỡ tốn công, nhẹ nhàng hơn. Người thợ mới vào nghề, nếu tinh ý sẽ biết lựa thớ gỗ để loại bỏ các chi tiết thừa mà không làm vỡ khối gỗ hoặc đục quá vào gỗ. Tiếp đến, thợ tiến hành tỉa tách và hoàn thiện sản phẩm, rồi dùng giấy ráp đánh bóng sản phẩm.

Giờ đây, với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao, công nghệ 4.0, máy móc đã làm thay con người nhiều công đoạn từ pha gỗ, tạo khuôn hình và trạm trổ những đường nét cơ bản.

Việc của những người thợ là đục lại những chi tiết, hoa văn tinh xảo trên bức tượng, đặc biệt là đôi mắt, nụ cười; đánh bóng sản phẩm...

Một thợ tạc tượng Phật lành nghề đòi hỏi vừa phải thuần thục kỹ năng điêu khắc, vừa phải hiểu được nét đặc trưng trên khuôn mặt từng vị Phật. Đây là công đoạn rất khó, bởi sai một ly là đi một dặm.

Để có tiền đầu tư nhà xưởng, từ năm 2005, ông Nguyễn Đức Duy quyết định vay vốn tín chấp ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) số tiền 100 triệu đồng để mua khu đất trong làng.

Để đầu tư 3 máy điêu khắc CNC tự động, ông Nguyễn Đức Duy đã vay 3 tỷ đồng từ Agribank. Nhờ đó, giảm công lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm. Ảnh: Minh Phúc.

Để đầu tư 3 máy điêu khắc CNC tự động, ông Nguyễn Đức Duy đã vay 3 tỷ đồng từ Agribank. Nhờ đó, giảm công lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm. Ảnh: Minh Phúc.

Nghề không phụ công người. Sau 16 năm, xưởng mộc của ông Nguyễn Đức Duy đã mở rộng quy mô lên 500m2 với 11 thợ lành nghề. Để tăng năng suất, ông vay thêm Agribank 3 tỷ đồng nhập 3 giàn máy CNC gỗ, giúp giảm thiểu lao động thủ công.

Thoạt đầu gặp ông Duy, không ai nghĩ nghệ nhân sinh năm 1979 là tỷ phú thực thụ. Căn nhà của ông cao và rộng, phải lắp thang máy để di chuyển khiến nhiều người phải choáng ngợp.

Ông Duy bảo: “Bình quân mỗi tháng, trừ tất cả chi phí, lợi nhuận gia đình thu được khoảng 300 triệu đồng”. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước!

Tuy nhiên, nghệ nhân Nguyễn Đức Duy chia sẻ, tài sản quý nhất mà mình đang nắm giữ không phải là khoản lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi tháng; không phải nhà lầu và nhà xưởng... Cái “nồi cơm Thạch Sanh” mà các thế hệ con cháu muôn đời của ông sẽ được thừa hưởng, đó chính là những bản vẽ thiết kế của hàng trăm tượng Phật khác nhau trên không gian 4D.

Chỉ những người thợ giỏi mới có thể khắc họa đường nét tượng Phật. Ảnh: Minh Phúc.

Chỉ những người thợ giỏi mới có thể khắc họa đường nét tượng Phật. Ảnh: Minh Phúc.

Để học được kỹ thuật vẽ 4D trên máy vi tính, ông Duy đã dày công học hỏi từ những kỹ sư của nước ngoài; những giảng viên các trường đại học ở Việt Nam. Công nghệ, cộng với trí tuệ và tâm huyết của nghệ nhân trạm khắc gỗ, đã cho ra đời những sản phẩm độc đáo.

Theo đó, chỉ cần đưa khối gỗ lên chiếc máy CNC, chủ xưởng chỉ cần lựa chọn mẫu tượng Phật đã thiết kế rồi ấn nút là máy móc sẽ tự điêu khắc theo đúng ý con người.

Xuất ngoại tượng Phật khoảng 300 tỷ mỗi năm

Nhắc đến làng nghề Dư Dụ, nhiều người biết đến tên tuổi của ông Nguyễn Văn Trúc, sinh năm 1963. Người thợ tài hoa này đã được phong nhiều danh hiệu cao nhất trong làng nghề thủ công mỹ nghệ của Nhà nước và Hà Nội.

Ông Trúc từng tạc một tượng Phật lớn nhất làng cao tới 8,4m, theo đơn đặt hàng của chùa Đỏ (phố Lê Lai, Hải Phòng). Tính đã 18 năm nay, đây là tượng Phật bằng gỗ mít, được coi như một kỷ lục đầy ấn tượng đem lại vinh dự cho làng Dư Dụ, mà chưa ai phá nổi.

Hiện trong Huế có làng Túc, cũng chuyên tạc tượng Phật, hầu hết là người làng Dư Dụ vào từ thời vua nhà Nguyễn làm nghề. Họ lấy cái tên làng Túc (tên cũ từ xưa của Dư Dụ) để ghi lại nguồn gốc của làng nghề này là từ Hà Nội đem vào và lập nên.

Theo các nghệ nhân điêu khắc tượng Phật làng Dư Dụ, giá trị cao của tượng điêu khắc gỗ phải mang đậm triết lý phương Đông, tuân thủ một cách chặt chẽ cả về chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc, sao cho đúng với y quẻ trong bát quái: Hướng Nam là âm Hỏa - có tinh nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè, cùng danh vọng.

Hướng Tây là âm Kim - phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Hướng Bắc vốn là dương thủy, thích ứng với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp.

Nghề tạc tượng Phật giúp tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại xã Thanh Thùy, H. Thanh Oai, Hà Nội.

Nghề tạc tượng Phật giúp tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại xã Thanh Thùy, H. Thanh Oai, Hà Nội.

Hơn nữa, việc đặt các bức tượng vào các vị trí phù hợp cũng quan trọng không kém bởi nó có ảnh hưởng tới sức khỏe, sự nghiệp, tài lộc, tài trí... của gia chủ. Mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà: Cung Phú quý đặt tượng Phật Di Lặc; Cung quý nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư...

Tượng Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, là vật phẩm tôn kinh trong phong thủy, khi trưng bày trong nhà sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tượng Phúc - Lộc - Thọ tượng trưng cho 3 vị thần này trong nhà nhằm thu hút vượng khí chủ về phúc lộc, thọ.

Ông Lê Văn Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy, H. Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ, ngoài tạc những bức tượng Phật lớn, các xưởng mộc ở Dư Dụ đã chú tâm hơn trong việc sản xuất các sản phẩm tượng Phật kích thước nhỏ đa dạng mẫu mã để làm quà lưu niệm, đặt trong ô tô để cầu an...

Đặc biệt, tượng Phật của làng nghề đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Asean.

Rất nhiều xưởng mộc đã đặt cửa hàng kinh doanh trên phố cổ Hà Nội. Thậm chí, hàng trăm gia đình chồng đục tượng Phật, vợ sang Trung Quốc mở cửa hàng kinh doanh tượng. Bởi vậy, thu nhập của người làm nghề điêu khắc tượng Phật là rất lớn.

“Ước tính mỗi năm sản phẩm tượng Phật của làng nghề ở xã Thanh Thùy xuất khẩu với giá trị khoảng 300 tỷ đồng”, ông Lê Văn Cảnh chia sẻ.

Hàng năm, lao động tại xã Thanh Thùy được tham gia các khóa học đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau. Qua đó, những bí quyết, kinh nghiệm của nghề điêu khắc tượng Phật của làng Dư Dụ được truyền thụ qua các thế hệ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển.

Bên cạnh đó, để giúp các hộ dân khởi nghiệp, chính quyền xã Thanh Thùy phối hợp chặt chẽ với ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Thanh Oai để đẩy mạnh cho các hộ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh theo nhiều hình thức (tín chấp và thế chấp) thông qua các tổ nhóm vay vốn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Theo đó, dựa trên nhu cầu vay vốn của các hộ dân, tổ vay vốn sẽ đánh giá khả năng vay và trả nợ để xét duyệt hạn mức cho vay, với thủ tục nhanh chóng và đơn giản.

Hoạt động cấp vốn tín dụng thông qua tổ nhóm của Agribank đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, xã Thanh Thùy hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới năm 2017 và đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2021 – 2025, thu nhập bình quân của người dân xã Thanh Thùy đạt 100 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.